Thứ Bảy, 23/11/2024, 03:32 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Ngày 23-5-2013, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã công bố chiến lược chống khủng bố mới thay cho chiến lược chống khủng bố mà Chính quyền Mỹ đã thực hiện từ năm 2001. Vậy, vì sao Mỹ phải thay đổi chiến lược, nội dung cơ bản của chiến lược mới là gì và triển vọng của nó ra sao đang là vấn đề mà dư luận quốc tế quan tâm.
Người Mỹ biểu tình ở gần nơi Tổng thống B. Ô-ba-ma đọc diễn văn hôm 23-5 để phản đối việc sử dụng UAV và nhà tù ở vịnh Guantanamo. (Ảnh: REUTERS/nld.com.vn)
1. Vì sao Mỹ phải thay đổi chiến lược?
Sau vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11-9-2001, Chính quyền Mỹ đã công bố chiến lược quân sự “đánh đòn phủ đầu” chống khủng bố và đã phát động cuộc chiến chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu. Hơn mười năm qua, tuy đạt được một số kết quả nhất định nhưng cuộc chiến chống khủng bố của Chính quyền Mỹ không những không tiêu diệt được tận gốc chủ nghĩa khủng bố mà lại kích động chúng phát triển ở nhiều nơi, dưới nhiều trạng thái mới khác nhau; thậm chí, lực lượng này còn mạnh lên ngay ở nơi mà Mỹ chống khủng bố quyết liệt nhất. Thực tiễn cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan vừa qua cho thấy, lực lượng Ta-li-ban (Mỹ xác định là lực lượng khủng bố) đã không hề bị đánh bại mà ngày một mạnh lên; từ chỗ phải tồn tại lẩn khuất trong rừng thì nay đã thành lập Văn phòng đại diện tại Đô-ha (Ca-ta) để làm đối trọng với Chính quyền Ca-bun. Điều đó phần nào cho thấy, chiến lược “đánh đòn phủ đầu” chống khủng bố của Mỹ đã không đạt hiệu quả như mong muốn. Hơn nữa, huy động lực lượng lớn quân đội với vũ khí, trang bị tối tân, mở nhiều cuộc chiến chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu đã gây ra cho nước Mỹ những hệ lụy nặng nề cả về kinh tế, chính trị và chiến lược.
Về kinh tế: theo thống kê của Lầu Năm Góc, kể từ khi phát động cuộc chiến chống khủng bố đến nay, Mỹ đã phải chi cho cuộc chiến này hàng chục ngàn tỷ USD; trong đó, chỉ tính riêng cuộc chiến tranh ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan đã tiêu tốn của nước này khoảng 6.000 tỷ USD, cao hơn gấp nhiều lần so với dự chi ban đầu của Nhà Trắng (từ 200 đến 400 tỷ USD). Nhiều nhà phân tích quốc tế cho rằng, chi phí tốn kém cho các cuộc chiến chống khủng bố đã gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế Mỹ và là một trong những nguyên nhân chính đẩy Oa-sinh-tơn lâm vào khủng hoảng tài chính (năm 2008) tồi tệ nhất kể từ thập niên 30 của thế kỷ XX. Ngân sách quốc gia của Mỹ từ chỗ có thặng dư lớn vào năm 2000 đến nay bị thâm thủng với con số khổng lồ. Nước Mỹ tuy vẫn giữ vị trí số 1 thế giới về kinh tế, nhưng cũng đang là “con nợ” lớn nhất toàn cầu (nợ hơn 10 ngàn tỷ USD).
Về chính trị: việc Mỹ tự cho mình quyền sử dụng sức mạnh quân sự tiến hành các chiến dịch “chống khủng bố” trên toàn cầu, nhất là tiến công I-rắc – một nước có chủ quyền, bất chấp luật pháp quốc tế – đã bị dư luận lên án, phản đối, coi đó là hành động áp đặt, “cường quyền”, làm cho uy tín của Hoa Kỳ ngày càng giảm mạnh. Dư luận nhiều nước tố cáo Oa-sinh-tơn mượn danh “chống khủng bố” hòng độc chiếm nguồn dầu mỏ khổng lồ của I-rắc và biến Trung Đông thành “bàn đạp” chiến lược để thực hiện mưu đồ bá chủ toàn cầu. Ở trong nước, từ nhiều năm qua đã có hàng trăm cuộc biểu tình với quy mô lớn nổ ra để phản đối chiến tranh ở I-rắc, Áp-ga-ni-xtan và đòi Chính quyền Mỹ rút quân về nước. Kết quả những cuộc thăm dò dư luận do các hãng truyền thông nổi tiếng tiến hành cho thấy, có tới trên 65% số người dân Mỹ phản đối cuộc chiến I-rắc và coi đây là quyết định sai lầm của Chính quyền Mỹ.
Về chiến lược: do xác định đối tượng khủng bố theo ý muốn chủ quan của kẻ mạnh, không coi trọng các giải pháp có tính nền tảng, nên Mỹ càng chống thì chủ nghĩa khủng bố càng phát triển. Tuy giành được kết quả đáng kể, như: tiêu diệt trùm khủng bố Ô-xa-ma Bin La-đen cùng nhiều chỉ huy cấp cao của Al Qaeda, nhưng Nhà Trắng vẫn phải thừa nhận số lượng các tổ chức khủng bố và các vụ khủng bố nhằm vào Mỹ và các đồng minh tiếp tục gia tăng với nhiều quy mô, hình thức rất phức tạp. Điều đáng nói là, trong khi Mỹ bị sa lầy, hao người, tốn của ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan, luôn phải căng mình trong “cuộc chiến chống khủng bố” thì các cường quốc khác lại tận dụng cơ hội tập trung phát triển kinh tế, xây dựng các tiềm lực và sức mạnh của quốc gia, mở rộng ảnh hưởng để trỗi dậy thách thức vị trí siêu cường số 1 thế giới của Mỹ. Đây phải chăng là căn nguyên chính buộc Chính quyền B. Ô-ba-ma phải thay đổi chiến lược của mình.
2. Điểm nhấn chủ yếu của chiến lược chống khủng bố mới
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia quân sự, điểm thay đổi cơ bản nhất trong chiến lược chống khủng bố mới của Mỹ là “coi trọng tính hiệu quả dựa trên các hoạt động quân sự có tính chọn lọc”. Nó được cụ thể hóa trong việc xác định đối tượng, phương thức chống khủng bố và điều này sẽ tạo sự thay đổi căn bản trong chiến lược chống khủng bố mới của Chính quyền B. Ô-ba-ma. Trong chiến lược mới, mặc dù vẫn nhất quán với quan điểm coi chủ nghĩa khủng bố là hiểm họa lớn nhất và chống khủng bố vẫn là ưu tiên số 1 trong chiến lược an ninh quốc gia nhưng việc xác định đối tượng khủng bố của Mỹ đã có sự thay đổi. Thay vì nhấn mạnh đến đối phó các nguy cơ khủng bố tiềm tàng trên toàn cầu (như trước đây) thì chiến lược chống khủng bố mới coi trọng đối phó các nguy cơ khủng bố đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia của Mỹ và các đồng minh. Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống B. Ô-ba-ma đã tuyên bố, nước Mỹ chỉ chống lại những kẻ khủng bố gây ra mối đe dọa thường xuyên và rõ rệt đối với người dân Mỹ, trong trường hợp các nước khác không thể giải quyết mối đe dọa này một cách hiệu quả. Từ thay đổi quan niệm về đối tượng khủng bố đã dẫn tới phương thức chống khủng bố trong chiến lược mới cũng có sự điều chỉnh được coi là linh hoạt và “mềm” hơn. Trong khi chiến lược chống khủng bố năm 2001 chỉ nhấn mạnh đến sức mạnh quân sự, trên quy mô lớn đơn phương tiêu diệt khủng bố ở bất kỳ nơi nào trên thế giới thì chiến lược chống khủng bố mới tuy vẫn đề cao sức mạnh quân sự nhưng chú trọng thực hiện các chiến dịch “đột kích bí mật”, nhất là bằng các phương tiện hiện đại, vượt trội nhằm thực hiện các đòn “phẫu thuật ngoại khoa”, “điểm huyệt” để tiêu diệt đối tượng khủng bố. Rút kinh nghiệm từ một số vụ bắn “nhầm” giết hại nhiều dân thường xảy ra vừa qua ở Pa-ki-xtan, Áp-ga-ni-xtan, Y-ê-men gây phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế, tới đây, các đòn “đột kích bí mật” sẽ được chuẩn bị kỹ lưỡng, kiểm soát chặt chẽ, tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, được giao cho Quân đội thực hiện và do đích thân Tổng thống phê duyệt. Tuy nhiên, để phục vụ cho các chiến dịch này, Nhà Trắng sẽ tiếp tục tăng ngân sách, quân số cho Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), Bộ Tư lệnh các Lực lượng đặc nhiệm (JSOC), Cơ quan Mật vụ quốc phòng (DCS) và các cơ quan chuyên ngành, nhằm tăng dày các hoạt động tình báo, bí mật, thậm chí là mờ ám của Mỹ ở trong nước và nước ngoài.
Cùng với đó, chiến lược chống khủng bố mới của Mỹ cũng nhấn mạnh các biện pháp đồng bộ hơn nhằm nâng cao khả năng bảo vệ an ninh quốc gia, như: đảm bảo an ninh biên giới, an ninh hàng không, hàng hải, nội địa, an ninh mạng; kiểm soát thông tin, siết chặt các quy định luật pháp về xuất, nhập cảnh, nhập cư và cư trú… Trong lĩnh vực đối ngoại, Nhà Trắng coi trọng phối hợp, chia sẻ trách nhiệm với đồng minh NATO trong việc trợ giúp ngân sách, công nghệ, đào tạo, huấn luyện cho lực lượng an ninh của các nước thuộc cái gọi là “vòng cung bất ổn định”, kéo dài từ Nam Cáp-ca-dơ qua Trung Á, Trung Đông, châu Phi kéo dài tới Đông Á, nhất là các nước: I-rắc, Áp-ga-ni-xtan, Li-bi và nhiều nước châu Phi,… để họ có đủ sức đối phó với tổ chức khủng bố Al Qaeda và tự đảm bảo an ninh quốc gia.
Bên cạnh đó, chiến lược chống khủng bố mới của Mỹ cũng ưu tiên trong việc bắt giữ và đưa ra xét xử các phần tử khủng bố, coi đây như một giải pháp mang tính pháp lý biện minh cho các hoạt động quân sự trên toàn cầu và là một biện pháp để răn đe các phần tử khủng bố.
3. Triển vọng của chiến lược chống khủng bố mới
Chiến lược chống khủng bố mới đã thu hút sự chú ý cùng những phản ứng nhiều chiều của dư luận ở trong nước Mỹ và quốc tế ngay sau khi Tổng thống B. Ô-ba-ma công bố. Những người ủng hộ thì cho rằng, chiến lược này đã giới hạn quy mô, phạm vi và mục tiêu của cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ tiến hành trong thời gian tới theo hướng: cụ thể, trực tiếp hơn. Nó thể hiện rõ cái mà Oa-sinh-tơn gọi là “sức mạnh thông minh”, “ngoại giao thông minh” và phù hợp với đòi hỏi cắt giảm ngân sách mà Nhà Trắng đang phải đối mặt. Một số khác thì tỏ ý kỳ vọng, với chiến lược này, Nhà Trắng sẽ chống khủng bố hiệu quả hơn và có nhiều điều kiện hơn để tập trung lực lượng, phương tiện phục vụ cho chiến lược “xoay trục về khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, v.v.
Trái với những ủng hộ trên, nhiều người (trong đó có cả quan chức, nghị sĩ Quốc hội Mỹ) lại phản đối và cho rằng, chiến lược chống khủng bố mới này thực chất chỉ là giải pháp tình thế của Chính quyền B. Ô-ba-ma trong điều kiện ngân sách quốc phòng đang bị cắt giảm mạnh. Một số quan chức thuộc phái “diều hâu” đã thẳng thừng phê phán chiến lược chống khủng bố mới của Tổng thống B. Ô-ba-ma là “thiếu cứng rắn”, thể hiện sự đánh giá thấp hiểm họa khủng bố hiện nay, điều đó có thể gây những hậu quả khôn lường đối với an ninh quốc gia. Họ cũng viện dẫn các vụ khủng bố gần đây, như: vụ tấn công Đại sứ quán Mỹ ở Li-bi (năm 2012), đánh bom kép ở Bô-xtơn (Mỹ), Luân Đôn (Anh), Pa-ri (Pháp) mới đây để minh chứng cho tính chất nguy hiểm của tình hình. Đầu tháng 8 vừa qua, Mỹ, Anh và Đức đã "cho đóng cửa" tạm thời nhiều đại sứ quán và lãnh sự quán ở khu vực Trung Đông − Bắc Phi vì lo ngại nguy cơ khủng bố gia tăng. Một số tướng lĩnh Mỹ thì tỏ ý không đồng tình với quy trình quản lý các chiến dịch “đột kích bí mật” của Nhà Trắng. Theo họ, việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan tình báo với Quân đội, chờ sự phê chuẩn của Tổng thống đều là những công đoạn đòi hỏi thời gian, điều đó có thể làm mất thời cơ của các chiến dịch đột kích. Họ đề nghị Nhà Trắng có cơ chế hợp lý để Quân đội có thể chủ động hơn trong việc tổ chức và tiến hành các chiến dịch “đột kích bí mật”, nhất là trên các chiến trường “nóng” ở Trung Đông, châu Phi, v.v.
Với một thái độ điềm tĩnh hơn, các nhà phân tích quốc tế cho rằng, chiến lược chống khủng bố mới của Oa-sinh-tơn đã có những thay đổi đáng kể cả về đối tượng, phương thức và tính linh hoạt trong hoạt động chống khủng bố. Song, bản chất của chiến lược này không có gì thay đổi so với trước; bởi nó vẫn chỉ dựa vào sức mạnh cường quyền để can thiệp vào các nước có độc lập, chủ quyền dưới một hình thức khác trên cơ sở những toan tính về lợi ích là chủ yếu. Chiến lược chống khủng bố mới của Chính quyền Mỹ cũng không đưa ra những giải pháp cơ bản có tính gốc rễ nhằm cải thiện mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và các nước Hồi giáo dựa trên những giá trị văn hóa cần được tôn trọng của đạo Hồi… Khi những mâu thuẫn cơ bản giữa Mỹ và các nước phương Tây khác với thế giới đạo Hồi chưa được giải quyết, liệu chiến lược mới này có thể giúp Chính quyền của Tổng thống B. Ô-ba-ma đạt được kỳ vọng, lập được “kỳ tích” để kết thúc thắng lợi cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu hay không? Đó vẫn đang là dấu hỏi mà câu trả lời còn bỏ ngỏ.
MINH ĐỨC
chiến lược,chống khủng bố,mỹ
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ