Thứ Bảy, 23/11/2024, 10:31 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Tháng 5-2010, Chính quyền của Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã công bố chiến lược an ninh và đối ngoại mới. Hơn một năm rưỡi qua, Chính quyền Mỹ đã có những bước triển khai chiến lược tại các khu vực và trên toàn cầu. Điều đó không chỉ tác động trực tiếp đến cục diện quan hệ quốc tế, an ninh, ổn định của các nước, các khu vực, mà còn tới vai trò, vị thế của Mỹ trên thế giới.
Theo các nhà phân tích quốc tế, trong triển khai thực hiện chiến lược an ninh và đối ngoại, Chính quyền B. Ô-ba-ma rất coi trọng hai phương châm chủ đạo, đó là "chính sách linh hoạt" và "ngoại giao thông minh". Hai phương châm này có quan hệ tương hỗ, gắn bó chặt chẽ với nhau và được Nhà Trắng triệt để vận dụng để giải quyết các vấn đề quốc tế quan trọng, nhằm đạt được mục tiêu chiến lược đề ra. Điển hình là, trong sự kiện "Mùa xuân Ả-rập", khi nhận thấy các chính thể thân cận ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi không thể tránh khỏi sụp đổ, Chính quyền Mỹ đã thay đổi thái độ, quay sang "ủng hộ" các cuộc biểu tình, bạo động của phe đối lập, mà Mỹ gọi là phong trào dân chủ mới. Đồng thời, Mỹ còn gia tăng sức ép buộc Tổng thống Tuy-ni-di Ben A-li, Tổng thống Ai Cập H. Mu-ba-rắc, Tổng thống Y-ê-men Áp-đu-la Xa-lê từ chức; nay đang gây sức ép nhằm vào các chính quyền "không thân thiện" là Xy-ri và I-ran. Việc điều chỉnh chính sách theo kiểu "thay ngựa giữa dòng" của Mỹ, được nhiều người cho là những tính toán được cân nhắc kỹ lưỡng, không chỉ cho phép Mỹ định hình lại "bàn cờ chiến lược" ở Trung Đông - Bắc Phi theo hướng có lợi cho Mỹ, mà còn tiếp tục duy trì và tăng cường ảnh hưởng của mình tại khu vực địa - chiến lược trọng yếu này. Trong cuộc chiến tranh Li-bi (3-2011), khác với chính sách quân sự đơn phương, bất chấp luật pháp quốc tế, vai trò của Liên hợp quốc mà Chính quyền tiền nhiệm G.W. Bu-sơ đã làm, Chính quyền của Tổng thống B. Ô-ba-ma đã có những bước đi khôn khéo hơn trong việc tập hợp lực lượng quốc tế, gây sức ép với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong việc thông qua các Nghị quyết trừng phạt Li-bi để "hợp pháp hóa" sự can thiệp, chia sẻ trách nhiệm với các nước đồng minh trong các hoạt động quân sự. Đặc biệt, Mỹ còn trao quyền chỉ huy chiến dịch tiến công Li-bi cho NATO, hành động được cho là chưa có tiền lệ trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương của họ. Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích quốc tế, đây thực chất là kiểu "buông rèm nhiếp chính" của Mỹ và qua đó, Mỹ vẫn có thể đạt được nhiều mục tiêu trong cuộc chiến tranh này. Đó là, Mỹ chia sẻ được gánh nặng chiến tranh với các nước đồng minh NATO; tránh được nguy cơ bị sa vào một "vũng lầy mới", trong khi đang phải vật lộn với hai cuộc chiến ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan; nhưng mục tiêu chiến lược quan trọng nhất mà Mỹ đã ấp ủ từ nhiều thập kỷ nay là lật đổ được Chính quyền Ca-đa-phi - chính quyền thù địch, cản trở tham vọng bá quyền của Mỹ ở đây.
Một điều chỉnh quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Mỹ đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế là việc Chính quyền B. Ô-ba-ma chủ trương và đang có những bước đi cụ thể để chuyển trọng tâm chiến lược về khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong chiến lược quốc phòng được công bố mới đây (1-2012), Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã cam kết can dự mạnh mẽ cả về kinh tế, chính trị, quân sự để duy trì vai trò siêu cường của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương - khu vực chiến lược của Mỹ trong thế kỷ XXI. Theo đó, trong lĩnh vực quân sự, Mỹ đã tuyên bố kết thúc cuộc chiến I-rắc kéo dài hơn 8 năm qua, tiêu tốn của Mỹ hơn 4.400 lính, hàng trăm tỷ USD; tiếp tục tiến trình rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2014. Việc rút quân khỏi hai "vũng lầy" này cho phép Mỹ có thời gian và lực lượng để tập trung vào các điểm nóng ở châu Á - Thái Bình Dương và ở các khu vực khác. Cùng với số quân hiện đang đóng tại các căn cứ ở Nhật Bản, Hàn Quốc1, Mỹ cũng đã đạt được thỏa thuận với Ô-xtrây-li-a để triển khai ở nước này 2.400 quân,... đưa tổng số quân của Mỹ ở khu vực lên hơn 80.000 người. Mỹ cũng dự kiến rút hàng chục nghìn quân từ châu Âu để bổ sung cho châu Á - Thái Bình Dương. Cùng với đó, Mỹ tăng cường mở rộng hợp tác an ninh với các nước đồng minh, nhất là liên minh Mỹ - Nhật Bản, Mỹ - Hàn Quốc, Mỹ và một số nước ASEAN; hiện đại hóa các căn cứ quân sự để hình thành các tuyến, các trục, các tiền đồn để khống chế, kiểm soát khu vực. Mỹ cũng tăng cường vai trò chủ đạo trong các tổ chức quan trọng ở khu vực, nhất là ASEAN, Diễn đàn ASEAN (ARF), APEC, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS); mở rộng hợp tác "chia sẻ lợi ích" với các cường quốc có ảnh hưởng lớn ở khu vực, như: Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN.
Với việc triển khai chiến lược an ninh và đối ngoại bằng những giải pháp đồng bộ, nhưng tập trung có trọng tâm, trọng điểm, Chính quyền của Tổng thống B. Ô-ba-ma đã thu được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, cũng như chiến lược của các chính quyền tiền nhiệm, chiến lược đó cũng đang bộc lộ những hạn chế khó có thể khắc phục. Trước hết, đây là chính sách quân sự cường quyền. Mọi người đều biết, trong cuộc chiến Li-bi, nếu không có Mỹ hỗ trợ "pháp lý", viện trợ vũ khí, huấn luyện binh sĩ, hỗ trợ trinh sát, tình báo, thông tin, thì NATO và quân nổi dậy không thể giành chiến thắng. Do vậy, mặc dù trên danh nghĩa là trao quyền chỉ huy chiến dịch cho NATO, nhưng Mỹ vẫn là nhân tố đóng vai trò chủ đạo, quyết định của cuộc chiến. Chuyên gia quân sự của nhiều nước coi đây là phương thức tiến hành chiến tranh kiểu mới của Chính quyền Mỹ - "chiến tranh giấu mặt", "chiến tranh xâm lược qua tay người bản địa". Chính sách quân sự cường quyền của Chính quyền Mỹ còn được thể hiện rất rõ ở việc mượn danh "chống khủng bố", "nhân đạo", "bảo vệ dân chủ, nhân quyền" để phát động chiến tranh chống nước khác nhằm các mục tiêu riêng. Dư luận khu vực và quốc tế cực lực lên án cuộc chiến của Mỹ và NATO ở Li-bi là cuộc chiến "sặc mùi dầu mỏ". Như vậy, cái mới, cái khác trong chính sách quân sự của Chính quyền B. Ô-ba-ma so với chính quyền tiền nhiệm, có chăng chỉ là sự thay đổi về phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn, còn bản chất quân sự cường quyền thì không hề thay đổi. Thứ hai, là tham vọng bá quyền thế giới. Một trong những mục tiêu trọng yếu trong chiến lược toàn cầu của các chính quyền Mỹ, mà Chính quyền B. Ô-ba-ma cũng không là ngoại lệ, là bằng mọi cách ngăn chặn không để các nước lớn khác thách thức vai trò, vị thế siêu cường số 1 của Mỹ. Do vậy, trong chiến lược châu Á - Thái Bình Dương, cùng với cái gọi là chính sách "mở rộng hợp tác" quốc tế, nhất là với các nước lớn, như Trung Quốc, Ấn Độ, Chính quyền B. Ô-ba-ma cũng coi trọng các biện pháp kiềm chế, ngăn chặn không để các nước này trỗi dậy, thách thức vai trò lãnh đạo khu vực và thế giới của Mỹ. Điều này cũng lý giải vì sao bất chấp sự phản đối của Nga, của dư luận thế giới, Chính quyền Mỹ tiếp tục cho triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược (NMD) ở châu Âu, thực chất là nhằm giành ưu thế áp đảo về sức mạnh quân sự để khống chế, kiểm soát khu vực, ngăn chặn sự trỗi dậy của Nga, sâu xa hơn là cả của EU. Tham vọng bá quyền, chính trị cường quyền của Chính quyền Mỹ là nguyên nhân chính làm cho quan hệ giữa Mỹ với các nước lớn, nhất là với Trung Quốc, Nga luôn trong trạng thái vừa hợp tác, thỏa hiệp, chia sẻ lợi ích với nhau, vừa tìm mọi cách ngăn chặn, kiềm chế lẫn nhau; khiến cho các mâu thuẫn giữa họ ngày càng lớn, càng sâu sắc hơn. Nó cũng là nguyên nhân sâu xa làm cho Chính quyền B. Ô-ba-ma vẫn bế tắc trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề hạt nhân của I-ran, tiến trình hòa bình ở Trung Đông giữa I-xra-en và Pa-le-xtin và nhiều vấn đề quốc tế quan trọng khác. Thứ ba, mục tiêu mơ hồ trong cuộc chiến chống khủng bố. Cũng như Chính quyền tiền nhiệm, Chính quyền của Tổng thống B. Ô-ba-ma coi chống khủng bố, bảo vệ "dân chủ, nhân quyền" là trụ cột trong chính sách an ninh và đối ngoại. Hơn 10 năm tiến hành cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu, kết quả lớn nhất của Mỹ là tiêu diệt được trùm khủng bố Bin La-đen và một số thủ lĩnh của Al Qaeda; nhưng họ phải thừa nhận điều đó cũng không khiến cho tổ chức khủng bố quốc tế khét tiếng này suy yếu, trái lại càng làm cho chúng tàn bạo hơn. Ở I-rắc, mặc dù Mỹ tuyên bố kết thúc cuộc chiến "chống khủng bố" ở đây, nhưng tương lai đất nước này vẫn còn rất mờ mịt, bởi tình trạng bạo lực gia tăng, mất an ninh, ổn định. Tương tự, cuộc chiến "chống khủng bố" của Mỹ và NATO ở Áp-ga-ni-xtan cũng chưa thấy hồi kết, tàn quân Ta-li-ban vẫn tác oai, tác quái và làm chủ nhiều khu vực quan trọng ở đất nước này. Đánh giá về cuộc chiến "chống khủng bố" của Mỹ, chiến lược gia của nhiều nước cho rằng, đó là cuộc chiến "vô tiền khoáng hậu", bởi tư tưởng nước lớn, chính sách quân sự cường quyền, gây chia rẽ, kích động bạo lực, can thiệp công việc nội bộ nước khác nhằm mục tiêu riêng của Mỹ là một trong những nguyên nhân chính sản sinh và dung dưỡng cho chủ nghĩa khủng bố tồn tại, phát triển. Họ cũng coi chính sách đó của Mỹ là chính sách "lấy khủng bố để chống khủng bố". Nó chỉ làm suy yếu liên minh chống khủng bố của Mỹ và làm cho Mỹ bế tắc trong cuộc chiến này. Thứ tư, thực lực ngày càng bị suy giảm. Nhiều chính khách của Mỹ và nhiều nước cho rằng, trong lịch sử nước Mỹ, chưa bao giờ thực lực của Mỹ - siêu cường số 1 thế giới - lại bị suy giảm như hiện nay. Họ cũng chỉ rõ, việc hai viện Quốc hội Mỹ đã phải liên tiếp nâng mức trần nợ công của Chính phủ là minh chứng về "thời kỳ ảm đạm" của nền kinh tế lớn số 1 thế giới này và cũng chỉ là giải pháp tình thế. Nguy cơ của khủng hoảng kinh tế - tài chính, vỡ nợ công vẫn đang là "bóng ma" ám ảnh nước Mỹ và người dân Mỹ. Trong chiến lược quốc phòng mới, Chính quyền B. Ô-ba-ma tuyên bố dự kiến cắt giảm khoảng 500 tỷ USD chi phí cho quốc phòng trong thập kỷ tới. Thực lực của Mỹ bị suy giảm vừa là hệ quả, vừa là tác nhân không chỉ làm cho uy tín, vị thế quốc tế của Mỹ bị suy giảm, mà còn khiến cho Chính quyền Mỹ "lực bất tòng tâm" trong chiến lược an ninh và đối ngoại; rộng hơn là chiến lược toàn cầu của họ.
MINH ĐỨC
___________
1 - Hiện Mỹ có 40.000 quân ở Nhật Bản; 28.500 quân ở Hàn Quốc; gần 13.000 quân đóng trên các căn cứ trên biển Thái Bình Dương; tới đây triển khai 2.400 lính thủy đánh bộ ở Ô-xtrây-li-a.
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ