Thứ Bảy, 23/11/2024, 20:33 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Cuối tháng 5-2015, Tổng thống U-crai-na đã phê chuẩn và ban hành Chiến lược an ninh quốc gia. Đây là lần công bố chiến lược đầu tiên kể từ khi nước này rơi vào khủng hoảng. Trong bối cảnh môi trường an ninh trong và ngoài U-crai-na rất phức tạp, việc Ki-ép công bố Chiến lược an ninh quốc gia đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Việc chính quyền Ki-ép công bố Chiến lược an ninh quốc gia được xem như một nỗ lực nhằm thành lập hệ thống an ninh quốc gia và quốc phòng mới, có khả năng bảo đảm chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ trước các mối đe dọa có thể xảy ra, bao gồm cả một cuộc xâm lược từ bên ngoài. Phát biểu trước Hội đồng an ninh quốc gia và quốc phòng U-crai-na, Tổng thống P. Pô-rô-sen-cô cảnh báo rằng, với sự hiện diện của hơn 40.000 binh sĩ từ phe ly khai ở miền Đông, thì mối đe dọa về hành động quân sự không chỉ tồn tại, thậm chí còn gia tăng. Vì thế, Chiến lược này cần tính đến nhiều khả năng; trong đó, tăng cường khả năng quốc phòng và xây dựng lực lượng vũ trang hiện đại là một trọng điểm. Tinh thần đó đã được thể hiện tương đối rõ nét trong Chiến lược an ninh quốc gia của U-crai-na lần này.
Về mục đích, Chiến lược an ninh quốc gia U-crai-na hướng tới bốn mục tiêu chủ yếu. Thứ nhất, giảm thiểu các nguy cơ đối với chủ quyền quốc gia và tạo điều kiện để khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của U-crai-na. Thứ hai, trên cơ sở của sự ổn định, tạo ra chất lượng mới của sự phát triển kinh tế cùng các giá trị nhân văn khác. Thứ ba, từng bước hướng U-crai-na hội nhập Liên minh châu Âu trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị và quân sự. Thứ tư, tập trung mọi nỗ lực tái lập sự phát triển hòa bình ở U-crai-na. Để đạt được mục đích trên, Chiến lược an ninh quốc gia xác định, phải sử dụng mọi biện pháp có thể để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ theo luật pháp U-crai-na và công pháp quốc tế. Trong đó, nhà nước và nền kinh tế phải sẵn sàng phục vụ quốc phòng, nhằm đánh bại mọi cuộc xâm lược từ bên ngoài, dưới mọi hình thức và quy mô.
Đánh giá nguy cơ đối với an ninh quốc gia, Chiến lược chỉ rõ hai nguy cơ chính: nguy cơ từ bên ngoài và từ nội bộ. Đối với nguy cơ từ bên ngoài, Chiến lược an ninh quốc gia lần này ghi rõ rằng: “Lần đầu tiên trong lịch sử, một trong các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sở hữu vũ khí hạt nhân đã sử dụng loại vũ khí này để đe dọa cộng đồng quốc tế, bất chấp luật pháp quốc tế, sử dụng sức mạnh quân sự để chiếm đoạt lãnh thổ của một quốc gia châu Âu”. Như vậy, dù không nêu cụ thể, song Chiến lược an ninh quốc gia của U-crai-na đã coi Nga là “kẻ thù chủ yếu” của nước này. Đây là điểm rất mới, đáng chú ý nhất về xác định đối tượng của quốc phòng và an ninh U-crai-na trong chiến lược an ninh quốc gia từ trước đến nay. Về nguy cơ bên trong được Chiến lược đề cập khá cụ thể, từ hệ thống bảo đảm an ninh quốc gia và quản lý nhà nước kém hiệu quả, tham nhũng tràn lan, tài nguyên cạn kiệt, khủng hoảng kinh tế trầm trọng đến nguy cơ đe dọa an ninh năng lượng, thông tin, sinh thái và an ninh môi trường công nghệ quốc gia.
Trên cơ sở đánh giá các nguy cơ và khả năng, điều kiện của đất nước, Chiến lược an ninh quốc gia đã xác định phương hướng chính trong chính sách an ninh của Nhà nước U-crai-na; trong đó, tăng cường hợp tác quân sự - kỹ thuật với khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là một trong những ưu tiên hàng đầu. Hiện nay, trong bối cảnh U-crai-na đã tự nguyện rút khỏi chính sách liên kết khu vực, nhất là chính sách liên kết với Nga nên trước mắt, việc bảo đảm an ninh quốc gia chủ yếu phải dựa vào khả năng của chính mình. Tuy nhiên, trong tương lai trung hạn, nước này có quyền tham gia các hệ thống an ninh và quốc phòng tập thể của châu Âu. Vì thế, Chiến lược đã coi việc hợp tác và hội nhập châu Âu và châu Âu - Đại Tây Dương là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của nước này. Đặc biệt, Ki-ép mong muốn trở thành thành viên chính thức của NATO và coi NATO là bảo đảm bên ngoài đáng tin cậy nhất để bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của mình. Để thực hiện điều đó, Chiến lược cũng xác định xu hướng chủ yếu trong quan hệ đối tác giữa U-crai-na với các nước. Theo đó, Ki-ép dành quan hệ ưu tiên chiến lược với Mỹ và quan hệ ưu tiên với các nước: Anh, Ca-na-đa, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Ba Lan, Lít-va, Lát-vi-a, E-xtô-ni-a, Thụy Điển, Ru-ma-ni, Môn-đô-va và Gru-di-a. Điều đáng lưu ý là, Đức và Pháp - hai quốc gia trong nhóm “Noóc-man-đi”, có nhiều sáng kiến trong giải quyết vấn đề U-crai-na lại chỉ được coi là đối tác, chứ không phải là “đối tác ưu tiên” như nhiều nước khác.
Cùng với đó, Chiến lược an ninh quốc gia U-crai-na cũng xác định việc cải cách các lực lượng vũ trang là nhiệm vụ cấp bách, không thể trì hoãn. Trong đó, quân đội U-crai-na phải trở nên hiệu quả hơn, cơ động hơn và được trang bị vũ khí cùng các phương tiện chiến tranh hiện đại. Chiến lược cũng chỉ rõ, trong trung hạn, các lực lượng vũ trang U-crai-na sẽ được xây dựng trên các nguyên tắc về nghĩa vụ, hợp đồng và xây dựng lực lượng dự bị. Điều đó đặt ra cho ngành công nghiệp quốc phòng U-crai-na phải đáp ứng nhu cầu về các loại vũ khí chính xác cao, hiện đại cho Quân đội và lực lượng Cảnh sát quốc gia. Đặc biệt, việc xây dựng hệ thống lá chắn tên lửa phòng thủ là một trong những ưu tiên của Chiến lược, nhưng đó không phải là tên lửa hạt nhân.
Không chỉ tập trung hiện đại hóa lực lượng vũ trang, Chiến lược an ninh quốc gia lần này đã đề cập việc cải cách Bộ Nội vụ, Hội đồng An ninh quốc gia và tình báo. Theo đó, Hội đồng An ninh quốc gia phải được cải cách để trở thành một tổ chức năng động, có nhân lực chuyên nghiệp, được trang bị hiện đại và bảo đảm đầy đủ về điều kiện vật chất - kỹ thuật. Về chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng, chủ yếu tập trung vào công tác phản gián và phòng, chống tội phạm xâm hại tới an ninh quốc gia. Các cơ quan tình báo sẽ tăng cường hoạt động điệp báo và tình báo kỹ thuật; đồng thời, coi trọng xây dựng, nâng cao chất lượng của hệ thống trinh sát hàng không vũ trụ. Trong cải cách Bộ Nội vụ sẽ theo hướng: xây dựng một bộ có tính chất dân sự, nhằm thực hiện các chính sách nội vụ hoặc liên quan đến nội vụ; còn việc phòng, chống tội phạm sẽ chuyển giao cho lực lượng Cảnh sát quốc gia.
Chiến lược an ninh quốc gia của U-crai-na cũng đề ra nhiều biện pháp về an ninh năng lượng trong bối cảnh nguồn cung từ Nga có thể bị gián đoạn bất cứ lúc nào. Để bảo đảm an ninh năng lượng, U-crai-na đặt ra bốn nhiệm vụ cấp bách: (1) phải tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; (2) thực hiện đa dạng hóa nguồn và các tuyến đường cung cấp năng lượng; (3) từng bước khắc phục sự phụ thuộc năng lượng vào Nga; (4) chủ động phát triển năng lượng thay thế, nhất là năng lượng hạt nhân, có tính đến các giải pháp bảo đảm an ninh môi trường, an ninh hạt nhân và an toàn bức xạ. Ngoài ra, nội dung của Chiến lược còn đề cập vấn đề chống tham nhũng, khả năng phát triển vũ khí hạt nhân cùng thời hạn thi hành và khả năng bảo đảm tài chính để thực thi Chiến lược.
Ngay sau khi Chiến lược an ninh quốc gia U-crai-na được công bố, dư luận quốc tế và chính giới nhiều nước đã có những phản ứng khác nhau. Trong khi một số chính giới phương Tây tỏ ra “hài lòng” với nội dung của bản Chiến lược thì phần đông dư luận lại tỏ ra băn khoăn và nghi ngại. Theo cách xét đoán của chính quyền Ki-ép thì nguy cơ lớn nhất đối với an ninh của nước này xuất phát từ Mát-xcơ-va, song trên thực tế, hàng triệu người dân U-crai-na đã, đang “tình nguyện” lánh nạn và xin được cư trú ở Nga. Đây là điều khó có thể xảy ra, bởi không thể có việc người dân của quốc gia bị xâm lược lại đổ xô đi lánh nạn tại nước được coi là kẻ thù của đất nước mình. Trong khi đó, theo nhận định của bà Khơ-ri-xtin La-gác, Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế, trong điều kiện hiện nay, chỉ có Nga là quốc gia duy nhất có thể giúp U-crai-na thoát khỏi tình trạng khủng hoảng. Tổng thống Nga V. Pu-tin cũng từng tuyên bố: Nga đã và đang sẵn sàng trợ giúp U-crai-na, bởi đây là “quốc gia anh em”. Trên thực tế, Nga đã tình nguyện tổ chức nhiều chuyến hàng viện trợ nhân đạo cho nhân dân vùng Đôn-bát của U-crai-na.
Theo các chuyên gia phân tích quốc tế, việc xác định nguy cơ, đối tượng là một trong những nội dung quan trọng nhất trong chiến lược an ninh của mỗi quốc gia. Để xác định chính xác về nó, cần có sự đánh giá một cách đầy đủ, khách quan, toàn diện và khoa học trên tất cả các mặt; nếu không, sẽ dẫn đến những định hướng sai lầm trên con đường phát triển. Vì thế, nếu điều này xảy ra sẽ là một trong những bài học đắt giá, gây tổn thất không nhỏ đối với mỗi quốc gia; trong đó, U-crai-na không phải là ngoại lệ.
Đại tá LÊ THẾ MẪU
U-crai-na,chiến lược an ninh
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ