Chủ Nhật, 15/09/2024, 07:13 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Năm 2017, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm tới thăm một loạt nước châu Á và mang theo thông điệp “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, nhằm lôi kéo họ về phía mình. Đây là một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược An ninh Quốc gia 2017 và Chiến lược Quốc phòng 2018 của Mỹ. Vậy, mục đích, bản chất chiến lược này như thế nào? Chúng ta cùng tìm hiểu.
Bối cảnh ra đời
Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là cụm từ chỉ không gian địa lý bao gồm các quốc gia nằm ở ven bờ Ấn Độ Dương và phía Tây Thái Bình Dương cùng các vùng biển nối liền hai đại dương này. Hiện tại, khu vực này có 03 nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản) và một số thị trường có tốc độ phát triển rất nhanh, điển hình là: Ấn Độ, Trung Quốc, Băng-la-đét, v.v. Về quốc phòng, 7/10 quốc gia trong khu vực được đánh giá có quy mô quân đội lớn nhất toàn cầu, gồm: Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pa-ki-xtan và Ô-xtrây-li-a. Với vị trí địa chiến lược như vậy, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã, đang và sẽ trở thành nơi cạnh tranh chiến lược của các cường quốc.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, sự ra đời chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ xuất phát từ hai yếu tố then chốt. Một là, từ nội tại của nước Mỹ. Là khu vực tiếp giáp với nhiều đại dương, cửa ngõ, yết hầu nối liền nước Mỹ với thế giới, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương luôn được Oa-sinh-tơn coi là khu vực địa chiến lược trọng yếu, tác động trực tiếp đến an ninh quốc gia và vai trò lãnh đạo thế giới của nước này. Vì vậy, việc thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là cách để Mỹ bảo vệ lợi ích của công dân và thị trường Mỹ, bảo đảm sự tự do và an ninh giao thông đường biển, duy trì thế cân bằng lực lượng, thúc đẩy các mặt dân chủ và nhân quyền theo tiêu chuẩn của Mỹ tại khu vực. Hai là, từ tình hình khách quan bên ngoài. Mỹ cho rằng, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, đặc biệt là việc Bắc Kinh nỗ lực xây dựng và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông đang đe dọa dòng chảy thương mại tự do, đe dọa thu hẹp chủ quyền của các quốc gia, làm suy giảm sự ổn định khu vực và việc đẩy mạnh sáng kiến “Vành đai và Con đường” của nước này đang thách thức vai trò lãnh đạo của Mỹ tại khu vực. Trong khi đó, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chưa có một cơ chế đa phương về an ninh tập thể mà chủ yếu dựa trên các hiệp định và thỏa thuận song phương, như: Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ, Hiệp ước về phòng thủ chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, v.v. Vì cả hai yếu tố nội tại và bên ngoài này, Mỹ thấy cần phải tập hợp lực lượng, thắt chặt mối quan hệ với các đồng minh tại khu vực, trong đó có khuyến khích vai trò của Ấn Độ, để bảo vệ lợi ích, duy trì ảnh hưởng và vị trí siêu cường của mình tại khu vực.
Mục tiêu và nội hàm của Chiến lược
Duy trì lợi ích kinh tế, quyền lực chính trị, sức mạnh quân sự và ngoại giao, kiềm chế các nước thách thức vị thế của Mỹ, đặc biệt là Trung Quốc và Nga, vừa là mục tiêu vừa là nội hàm của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. Về kinh tế, Mỹ tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác với các nước, nhất là các thị trường lớn, duy trì vị thế đầu tàu kinh tế. Bên cạnh đó, Oa-sinh-tơn cũng tăng cường chính sách ngăn chặn thâm hụt thương mại và cạnh tranh bất bình đẳng với các nước trong khu vực, bằng cách lập hàng rào thuế quan, áp dụng luật sở hữu trí tuệ, các định chế tài chính,… để bảo vệ thị trường Mỹ và kiềm chế nước khác về kinh tế.
Về đối ngoại và chính trị, Mỹ củng cố quan hệ với các đồng minh để tạo sự cân bằng chiến lược giữa Mỹ với các trung tâm quyền lực chính trị, sức mạnh kinh tế, quân sự trên thế giới; đảm bảo cho họ có tiếng nói quyết định tại các diễn đàn, tổ chức cũng như các liên kết trong khu vực; đồng thời, hình thành các liên minh mới để bao vây, làm đối trọng với Trung Quốc và Nga, duy trì vai trò, vị thế siêu cường duy nhất của Mỹ trên thế giới. Mỹ tiếp tục dựa vào các chiêu bài “chống khủng bố”, “dân chủ”, “nhân quyền” để can dự vào khu vực; thực hiện sách lược “cây gậy và củ cà rốt”, đối xử với các nước theo “tiêu chuẩn kép”, nhất là với các nước mà Mỹ cho là “bất trị”. Về quốc phòng và an ninh, Mỹ thúc đẩy hợp tác quốc phòng với các nước trong khu vực và bảo đảm an ninh trên một khu vực đại dương trải dài từ biển Nhật Bản tới Ấn Độ Dương và toàn bộ con đường tới châu Phi; hỗ trợ cho các đồng minh thân cận duy trì sức mạnh vượt trội về quân sự và răn đe tiến công các nước. Để củng cố và mở rộng liên minh, Mỹ tập trung vào hai biện pháp chính: (1). Tăng cường vị trí chiến lược của Ấn Độ, thông qua việc lôi kéo, khuyến khích nước này đóng vai trò lớn hơn trong khu vực và thúc đẩy thương mại quân sự với Niu-đê-li; (2). Thúc đẩy thành lập liên minh 04 nước, gồm: Mỹ, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a và Ấn Độ, nhằm khống chế, kiểm soát toàn bộ khu vực, ngăn chặn không để các nước trong khu vực thách thức đến vai trò lãnh đạo của Mỹ. Về văn hóa, Oa-sinh-tơn muốn thông qua chiến lược này để truyền bá, áp đặt các giá trị Mỹ, nhất là các giá trị phổ quát theo tiêu chuẩn Mỹ về tự do, dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo và đưa văn hóa Mỹ thâm nhập ngày càng mạnh mẽ vào khu vực.
Phản ứng của các nước
Sau chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm, Trung Quốc cho rằng: “phát triển hòa bình và hợp tác cùng thắng là xu thế của thời đại. Các bên có quyền đưa ra kế hoạch và quan điểm về phương thức thúc đẩy hợp tác khu vực”. Tuy nhiên, khi chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được cụ thể hóa rõ hơn trong Chiến lược An ninh Quốc gia 2017 và Chiến lược Quốc phòng 2018 của Mỹ, Bắc Kinh đã phản ứng mạnh mẽ, coi đó là “tư duy Chiến tranh Lạnh đã lỗi thời” và khẳng định: “Trung Quốc sẽ không bao giờ theo đuổi chính sách làm lợi cho mình bằng cách gây tổn hại lợi ích của các quốc gia khác”. Tương tự, Nga chỉ trích Mỹ đang tìm cách chứng tỏ vai trò lãnh đạo thông qua chiến lược và khái niệm mang tính đối đầu, đi ngược lại với xu thế chung hiện nay.
Đối với các nước chủ chốt trong chiến lược này, gồm: Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Ô-xtrây-li-a, mỗi nước có một ưu tiên khác nhau, nhưng tất cả đều có chung tầm nhìn và các lợi ích chiến lược trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. Theo đó, Mỹ và Ô-xtrây-li-a nhấn mạnh khía cạnh an ninh, trong khi Nhật Bản và Ấn Độ nhấn mạnh sự kết nối, tự do hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế. Sau cuộc gặp 4 bên ngày 12-11-2017, các nước đều tích cực triển khai các ưu tiên của mình. Đối với Nhật Bản - nước đầu tiên đưa ra khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đã tích cực triển khai chiến lược này (được đưa vào Sách Xanh Ngoại giao của Nhật Bản 2017) bằng cách tăng cường hợp tác với Ấn Độ, Mỹ, Ô-xtrây-li-a và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Với Ô-xtrây-li-a, Sách Trắng Ngoại giao 2017 của nước này nhấn mạnh việc duy trì Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở, dung nạp và thịnh vượng, tăng cường phối hợp với Ấn Độ và Nhật Bản để bảo đảm an ninh tại Ấn Độ Dương và thúc đẩy cam kết an ninh của Mỹ tại khu vực. Với Ấn Độ, Thủ tướng Mô-đi gần đây sử dụng thuật ngữ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thường xuyên hơn, ủng hộ việc tăng cường hợp tác an ninh hàng hải, cải thiện tính kết nối trong khu vực thông qua các cuộc hội đàm, tiếp xúc với lãnh đạo Nhật Bản và Mỹ.
Tác động của Chiến lược
Theo các chuyên gia, với việc ra đời chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, khu vực này sẽ trở thành một sân chơi mới, tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng, tự do và cởi mở, hoàn toàn không bị lệ thuộc vào sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Mặt khác, chiến lược này tạo thêm động lực, nguồn lực tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh của các nước trong khu vực, đảm bảo cho họ có cơ hội tranh thủ được những yếu tố phù hợp, như: vốn, công nghệ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, đối phó với các thách thức an ninh chung. Chiến lược này cũng sẽ tác động tích cực đến tư duy quốc phòng và xây dựng quân đội; đồng thời, mở ra khả năng hợp tác quốc phòng sâu hơn giữa quân đội các nước khu vực với Mỹ. Ngoài ra, việc điều chỉnh chiến lược của Mỹ làm nảy sinh cạnh tranh mạnh mẽ trong quan hệ giữa các nước lớn, tạo nhiều cơ hội để các nước nhỏ trong khu vực tranh thủ hợp tác xây dựng, nâng cao tiềm lực khoa học - công nghệ, phục vụ hiện đại hóa quân đội của mình.
Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia, việc đồng thời có cả sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc và chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ theo hướng đối đầu có nguy cơ đẩy khu vực vào tình trạng căng thẳng, cạnh tranh theo kiểu “có tổng bằng không”, nhất là tại những điểm nóng, như: Biển Đông, biển Hoa Đông, vùng lãnh thổ Đài Loan và bán đảo Triều Tiên. Thêm vào đó, sự cọ xát giữa sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc và chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ sẽ tiếp tục làm cho cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp hơn.
Khu vực Đông Nam Á được xác định là trung tâm của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và cũng là điểm mấu chốt của sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Trước sự cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn, Đông Nam Á trở thành “đấu trường” can dự, lôi kéo, tập hợp lực lượng nhằm kiềm chế, ngăn chặn lẫn nhau. Vì vậy, các nước ASEAN không tránh khỏi sự thật là trở thành đối tượng lôi kéo giữa một bên là Mỹ và đồng minh trong “bộ tứ” và một bên là Trung Quốc. Làm thế nào để có một ASEAN đoàn kết, có sự đồng thuận cao trong một số vấn đề then chốt, giữ được vai trò trung tâm trong các cơ chế an ninh khu vực và không để bị kéo vào vòng xoáy cạnh tranh, nguy cơ chia rẽ mới,… đang là những thách thức không nhỏ của mỗi nước thành viên ASEAN nói riêng, của cả Khối nói chung.
LÊ ĐỨC CƯỜNG
Ấn Độ Dương,Thái Bình Dương,chiến lược của Mỹ
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Những đột phá trong phát triển công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc 19/05/2024
Phần Lan gia nhập NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 09/05/2024
Xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas: tâm điểm của Hội nghị an ninh Munich 2024 22/04/2024
Liên minh Mỹ - Nhật - Hàn và tham vọng thay đổi cán cân lực lượng trong khu vực 15/04/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương