Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Ba, 28/02/2023, 07:57 (GMT+7)
Đôi nét về cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn tại khu vực châu Phi

Với tiềm năng, lợi thế trên nhiều lĩnh vực, kinh tế trên đà phát triển mạnh,... châu Phi được coi là khu vực quan trọng trong cán cân quyền lực toàn cầu. Do đó, đây là nơi diễn ra sự cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt giữa các cường quốc trong thế kỷ XXI. Điều đó được thể hiện rõ trong sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn những năm gần đây khi hướng mục tiêu tới khu vực có vị trí địa chính trị, địa chiến lược quan trọng này.

Thế kỷ XXI - thế kỷ của một châu Phi “chuyển mình”

Trong mấy thập niên gần đây, với các chính sách phù hợp trong cải cách kinh tế, châu Phi đã có những thay đổi tích cực và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như gia tăng uy tín, vị thế trên trường quốc tế. Theo thống kê của Liên hợp quốc, từ năm 2000 đến nay, mặc dù kinh tế thế giới có nhiều biến động, thậm chí đứng bên bờ suy thoái, nhưng châu Phi vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng ở mức cao (bình quân khoảng 4,6%/năm), đứng thứ hai thế giới, chỉ sau khu vực châu Á - Thái Bình Dương; trong đó, có 25 quốc gia có mức tăng trưởng đạt từ 05% đến 7,7%. Đặc biệt, các nước: Nam Sudan, Rwanda, Ethiopia, Djibouti được coi là những quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh trên thế giới. Mặc dù đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột tại Ukraine tác động không nhỏ đến kinh tế toàn cầu, song dự báo thời gian tới, kinh tế châu Phi vẫn sẽ giữ được mức tăng trưởng khoảng 3,8%/năm. Ngoài ra, kể từ khi Hiệp định thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) chính thức đi vào hoạt động (ngày 01/01/2021) đã góp phần nâng cao vị thế của “lục địa đen”. Với AfCFTA, châu Phi trở thành thị trường thương mại nội khối khổng lồ, với hơn 1,3 tỉ dân và GDP đạt mức hơn 3.000 tỉ USD; dự báo, AfCFTA sẽ làm gia tăng giá trị thương mại giữa các quốc gia châu Phi từ 15% đến 25% (tương đương 50 tỉ đến 80 tỉ USD) vào năm 2040. Đồng thời, mở ra cơ hội lớn, thúc đẩy đa dạng nền công nghiệp và phát triển chuỗi giá trị khu vực, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thúc đẩy thương mại điện tử toàn châu lục.

Hiện châu Phi cũng là “điểm sáng” thu hút các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhất là những nền kinh tế hàng đầu, trung tâm kinh tế, tài chính lớn của khu vực và thế giới. Từ năm 2008 đến nay, tổng số vốn và các dự án FDI đầu tư vào châu Phi đều tăng; trong đó, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực mà các quốc gia châu Phi có lợi thế, như: sản xuất và dịch vụ; khai thác dầu mỏ, khí đốt; khai thác nguyên liệu quý hiếm phục vụ phát triển vi điện tử, công nghệ thông tin, sinh học, di truyền, v.v. Bên cạnh đó, chính sách thúc đẩy hội nhập thế giới cùng với việc thay đổi khung pháp lý cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các nước châu Phi thực hiện chiến lược hướng ngoại; đồng thời, tạo “đòn bẩy” khuyến khích, thu hút ngày càng nhiều các quốc gia phát triển, tổ chức quốc tế lớn đầu tư nhiều hơn nữa vào lục địa này.

Với lợi thế địa chiến lược cùng tiềm năng dồi dào đang được khai thác hiệu quả, châu Phi từng bước thay đổi diện mạo; từ lục địa hoang sơ, lạc hậu, kém phát triển trở thành khu vực đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của các nước lớn. Nhiều chuyên gia dự báo, thế kỷ XXI là thế kỷ của một châu Phi “chuyển mình” và lục địa này sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong cán cân quyền lực toàn cầu, là nơi cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt giữa các cường quốc.

Mỹ quyết tâm giành lại “ngôi vương” ở châu Phi

Kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, trong chiến lược toàn cầu, các đời tổng thống Mỹ đều đưa ra chiến lược riêng đối với châu Phi: dưới thời Tổng thống Bill Clinton là “Đạo luật tăng trưởng và cơ hội cho châu Phi”; thời Tổng thống George Bush là “Sáng kiến thành lập Bộ Chỉ huy Quân đội Mỹ ở châu Phi”; còn đối với Tổng thống Donald Trump là “Chiến lược thúc đẩy thịnh vượng, an ninh và ổn định cho châu Phi”. Tuy nhiên, các chiến lược này chưa đủ cơ sở để tạo dựng niềm tin mạnh mẽ, bền vững cũng như tầm ảnh hưởng đủ mạnh đối với các nước châu Phi.

Với quyết tâm giành lại vị thế độc tôn tại châu Phi, cũng giống như những người tiền nhiệm, Tổng thống Joe Biden cho triển khai “Chiến lược châu Phi thịnh vượng” nhằm mục tiêu: xây dựng tại “lục địa đen” một xã hội mở và dân chủ; thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch; hỗ trợ bảo tồn thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng xanh, v.v. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Washington triển khai nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng hướng tới châu Phi; trong đó, phải kể đến chuyến thăm dài ngày tới một số nước châu Phi hồi tháng 8/2022 của ngoại trưởng Antony Blinken hay Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - châu Phi diễn ra từ ngày 13 đến ngày 15/12/2022 tại Washington với sự tham dự của hơn 50 nhà lãnh đạo các nước châu Phi. Thông qua các hoạt động đối ngoại, Nhà Trắng cam kết viện trợ hàng trăm tỉ USD cho chương trình đảm bảo an ninh lương thực; chống biến đổi khí hậu; phát triển cơ sở hạ tầng; cải cách hệ thống quản lý kinh tế - tài chính; nâng cấp hệ thống y tế; cải cách hệ thống giáo dục, tư pháp; thúc đẩy dân chủ, xây dựng xã hội mở theo các tiêu chí của phương Tây ở châu Phi. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng cam kết đề cao vai trò của châu Phi tại các diễn đàn quốc tế; ủng hộ lục địa này gia nhập Nhóm 20 nền kinh tế lớn trên thế giới (G20); cùng các đồng minh EU hỗ trợ AfCFTA để châu Phi trở thành thị trường chung lớn nhất thế giới. Ngoài ra, Washington cũng sẽ tận dụng các thể chế phòng thủ dân sự và quân sự, mở rộng hợp tác quốc phòng với các đối tác chiến lược có chung giá trị và ý chí để thúc đẩy hòa bình, ổn định tại khu vực châu Phi.

Theo các nhà nghiên cứu quốc tế, cho dù Chính quyền của Tổng thống Joe Biden khẳng định sự quan tâm đặc biệt cũng như cam kết can dự mạnh mẽ và bền vững đối với châu Phi thì vị thế độc tôn của Mỹ tại khu vực này đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi hai đối thủ lớn là Nga và Trung Quốc. Minh chứng rõ nét là kim ngạch thương mại Mỹ - châu Phi năm 2021 chỉ đạt 58 tỉ USD, trong khi kim ngạch thương mại Trung Quốc - châu Phi lại cao gấp 04 lần với 254 tỉ USD. Chính vì vậy, tầm ảnh hưởng của Mỹ đối với lục địa này như thế nào vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Châu Phi - đối tác quan trọng hàng đầu của Trung Quốc

Để xây dựng hành lang kinh tế kết nối với Nam Á, Trung Đông, châu Phi và Địa Trung Hải qua Ấn Độ Dương, Trung Quốc xác định châu Phi là “mắt xích” quan trọng trong Dự án “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI” (trong Sáng kiến Vành đai và con đường). Theo đó, những năm gần đây, nước này đầu tư xây dựng một loạt cơ sở hạ tầng tại các khu vực quan trọng, gồm: đường ống dẫn dầu, đường bộ, đường sắt, sân bay, cảng biển,... tạo vành đai kết nối với các trọng điểm kinh tế châu Phi. Trung Quốc cũng hỗ trợ tài chính, kỹ thuật giúp các quốc gia châu Phi phát triển công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, viễn thông (5G), khai thác, chế biến khoáng sản, v.v. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Trung Quốc là quốc gia cung cấp miễn phí vaccine, vật tư y tế sớm nhất và lớn nhất với trị giá lên đến hàng tỉ USD cho châu Phi; tăng cường viện trợ không hoàn lại, cho vay lãi suất thấp, gia hạn hoặc xóa nợ để các nước châu Phi phục hồi kinh tế sau đại dịch. Đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh, Trung Quốc coi trọng hợp tác với các nước châu Phi, nâng cao khả năng phối hợp đối phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, bảo vệ an ninh, ổn định khu vực.

Các nhà phân tích quốc tế cho rằng, vị thế và vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Phi ngày một gia tăng; bởi, khác với Mỹ trong quan hệ với lục địa này, Trung Quốc đề cao phương châm hợp tác: “bình đẳng, thiết thực, hiệu quả, cùng có lợi”; viện trợ kinh tế không gắn với các đòi hỏi về “dân chủ”, “nhân quyền”. Chính điều đó giúp Trung Quốc được nhiều quốc gia châu Phi nhìn với con mắt “thiện cảm” hơn và lãnh đạo các nước châu Phi cũng coi Trung Quốc là bạn hàng, đối tác quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội. Kể từ năm 2010 đến nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi và hiện có hơn 50 quốc gia là thành viên hoặc là đối tác của Sáng kiến “Vành đai và con đường”.

Châu Phi - đối tác truyền thống, thân thiện của Nga

Trong chính sách đối ngoại của mình, Nga luôn coi châu Phi là khu vực có vị trí quan trọng đối với an ninh, lợi ích và sự phát triển của quốc gia. Trước bối cảnh quan hệ với Mỹ, NATO và các nước phương Tây đang ở mức xấu nhất, Nga hiện rất chú trọng phát triển quan hệ với châu Phi, nhằm tạo đối trọng và làm thất bại mưu đồ của Mỹ và các nước phương Tây bao vây, cấm vận chống phá Nga về kinh tế, chính trị, an ninh, đối ngoại. Nền tảng quan hệ hợp tác giữa Nga với châu Phi dựa trên quan hệ hữu nghị truyền thống có được từ thời Liên Xô (trước đây) và quan hệ hữu nghị, thân thiện hiện nay. Mới đây, lãnh đạo Nga tuyên bố sẽ cung cấp miễn phí hàng trăm nghìn tấn phân bón giúp các quốc gia châu Phi phát triển nông nghiệp. Ở chiều ngược lại, các nước châu Phi cũng tích cực ủng hộ Nga đấu tranh chống chủ nghĩa bá quyền, chính trị cường quyền, phản đối chính sách thù địch chống Nga của Mỹ và phương Tây.

Tác động đến khu vực

Các nước lớn, nhất là các cường quốc hàng đầu thế giới đã, đang lấy kinh tế làm “mũi nhọn” trong triển khai chiến lược cạnh tranh ảnh hưởng tại châu Phi, mở ra cho lục địa này cơ hội hòa nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, mở rộng thị trường, gia tăng cán cân thương mại. Đồng thời cũng giúp các nước đang phát triển, kém phát triển tranh thủ lợi thế nguồn lực từ bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi đó, cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc cũng sẽ khiến các nước châu Phi đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức, thậm chí rủi ro, như: bong bóng kinh tế; trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa; nguy cơ ô nhiễm, hủy hoại môi trường; bản sắc văn hóa bị phai nhạt; phân hóa giàu nghèo, mâu thuẫn xã hội gia tăng, v.v. Đặc biệt, trong bối cảnh Mỹ xác định Nga, Trung Quốc là “mối đe dọa an ninh” hàng đầu, thì các chiến lược, biện pháp đối phó của các bên có nguy cơ đẩy châu Phi vào cuộc “chiến tranh lạnh mới” vô cùng nguy hiểm.

Dư luận quốc tế cho rằng, hợp tác và cạnh tranh giữa các quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế là quy luật tất yếu trong xu thế toàn cầu hóa và là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các quốc gia. Bởi vậy, các quốc gia, nhất là các cường quốc cần hợp tác và cạnh tranh bình đẳng, cùng phát triển, không vì lợi ích và mưu đồ riêng mà biến cạnh tranh trở thành tranh chấp, đối đầu, gây tổn hại cho an ninh, ổn định và phát triển khu vực châu Phi nói riêng và toàn cầu nói chung.

MINH ĐỨC - HỮU TRUNG

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...