Thứ Bảy, 23/11/2024, 10:17 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Năm 2015, bức tranh chính trị - quân sự thế giới vẫn là sự đan xen giữa hai gam màu “sáng” và “tối”. Trong đó, xu thế tăng cường hội nhập, hợp tác, giảm căng thẳng, đối đầu có bước tiến bộ mang tính đột phá. Tuy vậy, thế giới còn đậm gam màu “tối” bởi sự gia tăng các mâu thuẫn, xung đột sắc tộc, tôn giáo, khủng bố, tranh chấp chủ quyền biển, đảo…, khiến nhiều khu vực chưa thể ổn định.
1- Xu thế hội nhập, hợp tác khu vực và quốc tế trong lĩnh vực chính trị - an ninh diễn ra sôi động theo hướng đi vào chiều sâu, thực chất. Nổi bật trong số đó là sự kiện Nhóm P5+11 và I-ran ngày 14-7-2015 đã ký thỏa thuận cuối cùng, toàn diện về vấn đề hạt nhân của Tê-hê-ran. Đây là bước đột phá quan trọng, không chỉ tháo “ngòi nổ” cho cuộc khủng hoảng hạt nhân tiềm tàng nguy hiểm nhất vốn đã gây nhức nhối kéo dài hơn một thập kỷ qua ở Trung Đông, mà còn góp phần giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến an ninh, ổn định cho khu vực và thế giới. Theo thỏa thuận, I-ran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân trong quy mô phục vụ mục đích dân sự và chịu sự giám sát quốc tế về chương trình hạt nhân của mình. Đổi lại, quốc tế sẽ dỡ bỏ cấm vận chống I-ran, tạo điều kiện để quốc gia Hồi giáo này tái hội nhập với khu vực và thế giới. Dư luận ca ngợi thỏa thuận toàn diện về vấn đề hạt nhân I-ran là một sự kiện có tính “lịch sử” trong quan hệ quốc tế đương đại, một thành công chưa từng có của ngoại giao đa phương trong việc giải quyết một trong những xung đột hóc búa nhất hiện nay - “xung đột hạt nhân”. Nó cũng là một tiền lệ tốt, mở ra hy vọng giải quyết các “điểm nóng” khác trên thế giới bằng con đường hòa bình, phi bạo lực. Trong năm 2015, xu hướng hợp tác, hòa bình cùng phát triển giữa các quốc gia, trên nhiều khu vực cũng trở thành điểm “sáng” nổi bật. Trong đó, việc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang “chạy nước rút” để hoàn thành kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN (AC) với ba trụ cột chính vào cuối năm 2015 được dư luận đặc biệt quan tâm2. Giới phân tích quốc tế cho rằng, xây dựng Cộng đồng ASEAN là dấu mốc hội nhập quan trọng trong lịch sử phát triển của ASEAN, cho phép ASEAN xây dựng thành một tổ chức hợp tác liên chính phủ ở mức sâu rộng và nhiều ràng buộc hơn. Qua đó, phát huy tốt hơn vai trò chủ đạo của Hiệp hội trong các liên kết nội khối, liên khu vực, trở thành một nhân tố có vai trò và vị thế quan trọng trong việc bảo vệ hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, đây không phải là một tổ chức siêu quốc gia và khép kín mà vẫn bảo đảm mở rộng hợp tác với bên ngoài. Cùng với đó, việc Mỹ và 11 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương hoàn tất đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tạo cơ hội mở rộng liên kết, hợp tác trên lĩnh vực thương mại, đầu tư và nhiều lĩnh vực khác có lợi cho an ninh và phát triển giữa hai bờ Thái Bình Dương. Trong năm, Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng tổ chức hội nghị bàn thảo tăng cường hợp tác, nhằm phát huy vai trò của tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh trong giải quyết các cuộc khủng hoảng, đảm bảo hòa bình, an ninh, ổn định và sự phát triển của thế giới. Các tổ chức chính trị - quân sự khác, như: tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), Liên đoàn Ả-rập (AL),… đều coi trọng tăng cường mở rộng hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, quân sự để nâng cao khả năng phối hợp đối phó với các mối đe dọa, nhất là nguy cơ khủng bố, các thảm họa môi trường, v.v.
Cùng với đó, quan hệ hợp tác song phương có nhiều chuyển biến tích cực; trong đó, các nước cố gắng hạn chế mâu thuẫn, bất đồng, tranh thủ tận dụng những điểm tương đồng, lợi ích chung để nâng tầm quan hệ hợp tác, đáp ứng mục tiêu, lợi ích chiến lược của mình. Tiêu biểu là việc Mỹ và Cu-ba tuyên bố bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, khép lại quá khứ hơn nửa thế kỷ đối đầu căng thẳng giữa hai cựu thù này, mở ra một chương mới hòa bình, hợp tác cùng phát triển; có lợi cho an ninh, ổn định và phát triển của châu lục và quốc tế. Theo các chuyên gia phân tích quốc tế, những gam màu “sáng” nêu trên là những “điểm nhấn” tích cực trong bức tranh chính trị - quân sự của thế giới năm 2015 so với các năm trước, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại là giảm đối đầu; giải quyết bất đồng, xung đột bằng biện pháp hòa bình, thúc đẩy hòa bình, hợp tác, phát triển; đáp ứng lợi ích của các nước liên quan, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh, hòa bình cho khu vực và quốc tế. Thế nhưng, đan xen với gam màu “sáng” đó là những gam màu “tối” tệ hại rất đáng buồn đối với cộng đồng quốc tế và chưa biết đến khi nào mới có thể xóa bỏ. Vậy những gam màu “tối” này là gì?
2- Mâu thuẫn địa chính trị giữa các nước lớn, xung đột quân sự, khủng bố, tranh chấp chủ quyền biển, đảo tiếp tục gia tăng là gam màu “tối” của bức tranh chính trị - quân sự thế giới. Trước tiên phải kể đến mâu thuẫn địa chính trị giữa Mỹ, liên minh châu Âu (EU) với Nga xung quanh cuộc khủng hoảng ở U-crai-na vẫn diễn ra căng thẳng, chưa có hồi kết. Đã thành nếp, mỗi khi tình hình ở Đông U-crai-na “nóng lên”, Mỹ, EU lại vu cáo Nga can thiệp vào U-crai-na và gia tăng các biện pháp trừng phạt; gây sức ép quân sự lên Mát-xcơ-va. Đến nay, bất chấp sự phản đối của Nga, Mỹ vẫn đẩy mạnh việc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa (NMD) ở châu Âu; NATO tiếp tục triển khai quân cùng vũ khí, trang bị, tổ chức nhiều cuộc tập trận quân sự quy mô lớn ở khu vực giáp biên giới Nga, khiến tình hình càng thêm phức tạp, đẩy quan hệ với Nga rơi vào trạng thái “tụt dốc không phanh”. Theo nhiều chuyên gia, trong quan hệ nước lớn năm 2015, quan hệ giữa Mỹ, EU, NATO và Nga là “đáng thất vọng nhất”, không chỉ làm thiệt hại cho chính họ mà ở những mức độ khác nhau, đã gây tác động tiêu cực cho cả cục diện kinh tế, chính trị, quân sự của thế giới. Thêm vào đó, trong năm, nhiều xung đột kéo dài tại Trung Á, Trung Đông, châu Phi,… vẫn chưa được giải quyết lại xuất hiện thêm nhiều xung đột vũ trang, đảo chính quân sự, tranh chấp biển, đảo làm bức tranh chính trị - quân sự thế giới càng “ảm đạm” hơn. Nổi lên là diễn biến phức tạp mới ở Biển Đông, gây quan ngại sâu sắc cho an ninh, an toàn hàng hải trên các vùng biển có tầm quan trọng chiến lược trọng yếu này. Trên bán đảo Triều Tiên, tình trạng “nóng”, “lạnh” thất thường trong quan hệ giữa hai nước vẫn diễn ra và không ít lần làm cho khu vực và thế giới bị “rúng động”. Ở Trung Đông - Bắc Phi, cuộc đảo chính quân sự do lực lượng phiến quân Hu-thi tiến hành nhằm lật đổ Tổng thống Man-xua Ha-đi đã đẩy đất nước Y-ê-men vào thảm cảnh “nồi da xáo thịt”, làm hàng chục nghìn người chết và bị thương, hàng trăm làng mạc, thành phố bị phá hủy. Nhiều chuyên gia lo ngại, xung đột ở Y-ê-men còn diễn biến phức tạp, nếu không có biện pháp giải quyết thích hợp thì có thể dẫn đến một cuộc chiến “tiểu khu vực” hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, chủ nghĩa khủng bố, đứng đầu là Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vẫn duy trì hoạt động ở I-rắc, Xy-ri và hàng loạt nước khác ở Trung Đông - Bắc Phi, gây hệ lụy nghiêm trọng về nhiều mặt, không chỉ đe dọa an ninh, ổn định của nhiều nước mà còn lôi cuốn nhiều quốc gia, tổ chức trong và ngoài khu vực vào “chảo lửa” này. Xung đột ở I-rắc, Ly-bi, Xy-ri và nhiều nước Trung Đông khác là căn nguyên chính gây ra cuộc khủng hoảng di cư sang châu Âu lớn chưa từng thấy, khiến không chỉ liên minh châu Âu mà cả cộng đồng quốc tế phải “đau đầu”. Nguy hiểm hơn, các tổ chức khủng bố đang mở rộng địa bàn hoạt động, vươn “vòi bạch tuộc” sang châu Âu, châu Á và nhiều khu vực khác trên thế giới, nhằm gây mất an ninh, ổn định. Nhiều nhà phân tích cảnh báo, đã đến lúc thế giới phải “báo động đỏ” về mối hiểm họa toàn cầu của chủ nghĩa khủng bố.
3- Thông qua việc điều chỉnh chiến lược, nhiều quốc gia muốn giành lợi thế tối ưu trong thời gian tới. Năm 2015, Mỹ công bố chiến lược an ninh quốc gia, chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự mới, tạo thành ba trụ cột trong chính sách an ninh. Nga công bố học thuyết quân sự mới. Trung Quốc lần đầu tiên công bố chiến lược quân sự quốc gia. Nhật Bản thông qua chiến lược an ninh quốc gia, v.v. Tuy nội dung, bố cục của các chiến lược có khác nhau, do phụ thuộc vào mục tiêu, thực lực của từng quốc gia, nhưng có thể thấy rõ sự điều chỉnh chiến lược của các nước này, trong đó nổi lên một số điểm cơ bản sau. Trước tiên, đánh giá về môi trường an ninh, chiến lược của các nước này đều nhận định tình hình thế giới về cơ bản là hòa bình, ổn định nhưng biến động phức tạp, khó lường; xuất hiện nhiều thách thức, nguy cơ mới đe dọa tới an ninh quốc gia. Về đối tượng, so với các chiến lược trước đây, chiến lược mới của các nước này cũng xác định cụ thể hơn. Lần đầu tiên kể từ khi “chiến tranh lạnh” kết thúc, chiến lược quân sự mới của Mỹ xác định: Nga, Trung Quốc là các đối thủ tiềm tàng nguy hiểm. Học thuyết quân sự của Nga xác định, sự hiện diện quân sự của Mỹ và NATO ở giáp biên giới Nga là mối đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia của Nga. Tương tự, chiến lược quân sự của Trung Quốc, chiến lược an ninh quốc gia của Nhật Bản cũng xác định đối tượng tiềm tàng. Về phương pháp chiến lược, chiến lược của các nước này đều coi trọng phát huy sức mạnh tổng thể của quốc gia, tập trung nâng cao khả năng quốc phòng, xây dựng sức mạnh quân đội; đồng thời, chú trọng tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế về quốc phòng - an ninh. Điều đáng nói là, trong sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn kể trên, chiến lược quân sự mới của Mỹ chủ trương tăng mạnh ngân sách đầu tư nghiên cứu, phát triển để giành ưu thế tuyệt đối về công nghệ quân sự trước các đối thủ, nhất là công nghệ trinh sát, cảnh báo sớm, chỉ huy, kiểm soát,… coi đây là nhân tố quan trọng quyết định để xây dựng quân đội Mỹ mạnh hàng đầu thế giới. Mỹ cũng coi trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của các đồng minh, nhất là NATO, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước đối tác, nhằm chia sẻ gánh nặng chi phí và hậu thuẫn cho các hoạt động quân sự của Mỹ trên toàn cầu. Các nhà quan sát cho rằng, chiến lược quân sự mới của Mỹ có thể là tác nhân chính thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang và cuộc cạnh tranh địa chiến lược, địa chính trị giữa Mỹ với các cường quốc ngày càng gay gắt; điều đó không có lợi cho an ninh, ổn định của các khu vực và thế giới.
Năm 2015 khép lại với sự kỳ vọng về một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; nhưng cũng gây quan ngại về một thế giới còn nhiều xung đột, mất ổn định. Dư luận quốc tế đang đặt câu hỏi, những gam màu “sáng”, “tối” của năm 2015 sẽ tác động như thế nào đối với cục diện thế giới năm 2016. Đó vẫn là câu hỏi lớn chưa có lời giải.
ĐỨC MINH ______
1 - Gồm: Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức.
2 - Theo Thủ tướng Ma-lai-xi-a Najib Razak cho biết: trong số ba trụ cột thì cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) có tiến độ nhanh nhất, với tỷ lệ hoàn thành đạt 91,5% (có 463/506 biện pháp ưu tiên đã được thực hiện).
Thế giới 2015
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ