Thứ Bảy, 23/11/2024, 16:21 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Ngày 10-8-2014, tại Nây Pi Tô, Mi-an-ma, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-47, Diễn đàn khu vực ASEAN đã khai mạc với sự tham gia của 27 quốc gia. Đây là Diễn đàn chính trị - an ninh hàng đầu ở khu vực, nhằm triển khai các biện pháp xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa và xử lý các thách thức an ninh, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực.
ARF- cấu trúc An ninh đa phương quan trọng của ASEAN
Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), chính thức ra đời ngày 25-7-1994 tại Băng-cốc, Thái Lan với 18 nước thành viên sáng lập tham gia (trên cơ sở sáng kiến do Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ASEAN (ASEAN - ISIS) đề xuất). Mục tiêu ban đầu của ARF là duy trì đối thoại và trao đổi ý kiến về các vấn đề cùng quan tâm trong lĩnh vực chính trị - an ninh, xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo quy định của ASEAN, các hội nghị trong khuôn khổ ARF gồm: Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ARF, Hội nghị cấp Thứ trưởng ngoại giao và các Hội nghị Nhóm (cấp vụ) về các biện pháp xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa, cứu trợ thiên tai, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, an ninh biển, không phổ biến vũ khí hạt nhân, giải trừ quân bị. Vì thế, sự ra đời của ARF đã trở thành Diễn đàn chính trị - an ninh lớn nhất khu vực. ARF đã xác định phát triển tiệm tiến theo 3 giai đoạn: xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa và xem xét phương cách giải quyết xung đột. Diễn đàn này hoạt động trên cơ sở các nguyên tắc đồng thuận và phương thức của ASEAN.
Do mục tiêu, lộ trình hoạt động phù hợp với tình hình khu vực, quốc tế, nên sau 20 năm hoạt động, ARF đã đạt được những thành tựu to lớn và có bước phát triển nhanh chóng. Đến nay, Diễn đàn ARF đã có 27 nước tham gia, gồm: 10 nước ASEAN, 10 bên đối thoại của ASEAN (Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Niu-Di-lân, Ca-na-đa, Liên minh châu Âu (EU) và 07 nước khác: Pa-pua Niu-Ghi-nê, Mông Cổ, Triều Tiên, Pa-ki-xtan, Băng-la-đét, Xri-lan-ka, và Đông Ti-mo. Với quy mô và sự tham gia có trách nhiệm của các thành viên, những năm qua, ARF đã góp phần quan trọng vào xây dựng môi trường an ninh khu vực. Theo đánh giá của các chính khách hàng đầu thế giới, ARF thành công bởi tổ chức này đã mang lại lợi ích an ninh cho từng quốc gia thành viên cũng như cả khu vực và luôn tạo ra không khí đối thoại hòa bình trong các vấn đề an ninh chung. Hầu hết các lĩnh vực hợp tác chính trị - an ninh đều được đưa ra bàn thảo sâu sắc, công khai tại ARF, kể cả các vấn đề “nhạy cảm” cùng các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, như: an ninh trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề Đài Loan; tranh chấp ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, v.v. Đối với các nguy cơ truyền thống, ARF đóng vai trò là một cơ chế đối thoại mang tính mở, dung nạp để thảo luận về các vấn đề đe dọa an ninh khu vực, nhằm thống nhất nhận thức giữa các nước thành viên, xây dựng lòng tin, giảm thiểu nghi ngờ lẫn nhau, giảm căng thẳng và chạy đua vũ trang trong khu vực. Với thách thức an ninh phi truyền thống, ARF đã bước đầu triển khai và thực hiện hiệu quả một số lĩnh vực hợp tác cụ thể, như: chống cướp biển, tội phạm ma túy, giảm nhẹ thiên tai, v.v. Tại ARF-21, các thành viên tiếp tục đề cao vai trò của Diễn đàn này, coi đó là cơ chế hàng đầu về đối thoại và hợp tác trong lĩnh vực chính trị - an ninh, xây dựng lòng tin và kiến nghị những biện pháp giải quyết các thách thức an ninh khu vực. Trước những diễn biến phức tạp gần đây ở khu vực, phần lớn các nước tham gia diễn đàn nhận định: cần tiếp tục tuân thủ các nguyên tắc và luật pháp quốc tế, các chuẩn mực ứng xử ở khu vực, trên cơ sở phát huy các công cụ chính trị - an ninh hiện có, như; Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Tuyên bố Ba-li về các nguyên tắc quan hệ cùng có lợi. Đồng thời, ARF-21 tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình hành động Hà Nội về Tuyên bố Tầm nhìn ARF đến năm 2020, thông qua Kế hoạch công tác về Ngoại giao phòng ngừa (tháng 7-2011), v.v. Đặc biệt, trước tình hình căng thẳng vừa qua, do Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông, các nước trong Hội nghị ARF đã bày tỏ quan ngại sâu sắc và cho rằng, cần phải nỗ lực bảo đảm không để tái diễn các sự việc tương tự. Đồng thời, khẳng định hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông là lợi ích chung của tất cả các nước. Việc giải quyết các tranh chấp phải bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. ARF-21 đã nhấn mạnh: các nước ASEAN và Trung Quốc cần nỗ lực bảo đảm thực hiện đầy đủ DOC, đồng thời đẩy mạnh thương lượng thực chất để sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định thực sự ở khu vực. Đây được coi là một trong những thành công của ARF-21. Hiện nay, hợp tác ARF đang chuyển sang giai đoạn mới là kết hợp giữa xây dựng lòng tin với ngoại giao phòng ngừa, tăng cường các biện pháp quản lý, ngăn ngừa xung đột để tiếp tục khẳng định là Diễn đàn chính trị - an ninh lớn và quan trọng của khu vực.
Vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực đang định hình
Mặc dù số lượng các nước đối tác đối thoại của ARF nhiều hơn gần hai lần so với số thành viên ASEAN, lại hoạt động trong cơ chế mở, dung nạp, nhưng ASEAN vẫn khẳng định vai trò trung tâm, dẫn dắt của Hiệp hội đối với các vấn đề an ninh và hợp tác ở khu vực. Điều đó được thể hiện rõ nét trong nguyên tắc, cơ chế và phương thức tiếp cận, xử lý các thách thức an ninh ở khu vực của ASEAN. Để thực hiện vai trò trung tâm của mình, một mặt, ASEAN tiếp tục duy trì những nguyên tắc của Bản Hiến chương gốc làm nền tảng cơ bản cho cách ứng xử trong đối thoại của ARF. Mặt khác, ASEAN đang có những bước điều chỉnh, nhằm đưa hoạt động của ARF đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả. Với nguyên tắc tham vấn, đồng thuận, tôn trọng lẫn nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, ASEAN đã giúp các nước xây dựng lòng tin và tăng cường sự tin cậy lẫn nhau trong giải quyết các vấn đề về an ninh khu vực. Do vậy, các cơ chế, diễn đàn của ASEAN đang có sự phát triển và ngày càng giữ vai trò quan trọng đối với cấu trúc an ninh khu vực, góp phần đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định và phát triển chung.
Gần đây, lãnh đạo các nước ASEAN chủ trương định hình một cấu trúc an ninh khu vực, nhằm đáp ứng những thách thức an ninh mới đặt ra. Các nước ASEAN thống nhất quan điểm chung là thiết lập một cấu trúc khu vực đa tầng nấc, đan xen, bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau trên cơ sở các tiến trình hợp tác khu vực hiện có, nhưng vẫn là bảo đảm vai trò trung tâm, chủ đạo của ASEAN. Đồng thời, không ủng hộ một cấu trúc khu vực duy nhất bao trùm lên cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhằm giữ vững độc lập, chủ quyền cũng như duy trì môi trường hòa bình, ổn định và phát triển cho các nước trong khu vực, nhất là các nước vừa và nhỏ trong ASEAN. Cùng với đó, ASEAN còn tập trung xây dựng, bổ sung các thể chế cũng như các cơ chế hợp tác mới để điều hòa lợi ích giữa các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và giữa khu vực này với các nước lớn. Tích cực thúc đẩy hợp tác khu vực đi vào thực chất, hiệu quả, đoàn kết để cùng nhau đối phó với các thách thức an ninh chung. Trong đó, hợp tác quốc phòng - an ninh theo cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) là một điển hình đang được vận hành và phát huy hiệu quả. Đây là cơ chế hợp tác quốc phòng cao nhất của ASEAN, góp phần củng cố lòng tin giữa các quốc gia thông qua đối thoại và minh bạch hóa thông tin, tăng cường hợp tác quốc phòng - an ninh và nâng cao khả năng xử lý các tình huống an ninh nảy sinh…, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng Cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN vào cuối năm 2015. Tiếp đó, vào năm 2010, ASEAN thiết lập cơ chế hợp tác trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), tạo cơ sở thúc đẩy đối thoại chiến lược và hợp tác về quốc phòng chính thức giữa ASEAN với 8 nước đối tác, đối thoại. Cùng với đối thoại, trao đổi quan điểm, chính sách về quốc phòng - an ninh, ADMM+ còn thúc đẩy hợp tác trong 6 lĩnh vực ưu tiên gồm: hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, an ninh biển, quân y, chống khủng bố, gìn giữ hòa bình, hành động mìn nhân đạo. Với những kết quả đã đạt được, ADMM+ đã thực sự trở thành cơ chế quan trọng, góp phần cân bằng quan điểm giữa các cường quốc và là bộ phận cốt lõi trong cấu trúc an ninh khu vực đang định hình.
Để tiếp tục phát huy vai trò là trung tâm trong cấu trúc an ninh khu vực, thời gian tới ASEAN tiếp tục hướng tới những vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, tiếp tục giữ vững và tăng cường vai trò chủ đạo của mình ở khu vực, nhất là trong việc hiện thực hóa cấu trúc an ninh cho phù hợp với đặc thù của Đông Nam Á và lợi ích của ASEAN. Theo đó, ASEAN ủng hộ một cấu trúc khu vực dựa trên cơ sở các diễn đàn hiện có với tư cách ASEAN giữ vai trò trung tâm, như: ASEAN+1, ASEAN+3, ARF, ADMM+ và EAS; đồng thời, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tác tham gia ngày càng sâu, rộng vào các diễn đàn hợp tác khu vực.
Thứ hai, ASEAN tích cực thúc đẩy đối thoại và hợp tác tại các diễn đàn, nhằm tăng cường xây dựng lòng tin, tính gắn kết cộng đồng để ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh đang đặt ra, mà trọng tâm là ARF và EAS. Đối với ARF, tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch đã đề ra, nhất là việc kết hợp giữa ngoại giao phòng ngừa và xây dựng lòng tin; còn với EAS tiếp tục là diễn đàn của lãnh đạo cấp cao chuyên bàn về phương cách giải quyết các vấn đề chiến lược quan trọng trong lĩnh vực chính trị - an ninh khu vực, như: an ninh biển, thảm họa - thiên tai, v.v.
Thứ ba, ASEAN triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể về xây dựng Cộng đồng chính trị - an ninh (APSC) trên tất cả các mặt, nhất là các lĩnh vực ưu tiên đã xác định, như: chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, v.v. Đồng thời, xây dựng kế hoạch chiến lược về tăng cường phối hợp và phát huy vai trò của mình tại các tổ chức, diễn đàn quốc tế cũng như các vấn đề cùng quan tâm của thế giới.
Thứ tư, ASEAN củng cố và phát huy hơn nữa giá trị, trọng lượng của các thỏa thuận, cơ chế, công cụ hợp tác vì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, như: Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC), Hiệp ước khu vực phi vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) và DOC,… cũng như tham gia có trách nhiệm trong giải quyết vấn đề an ninh, an toàn hàng hải và tranh chấp trên Biển Đông.
Thứ năm, ASEAN đẩy mạnh hợp tác với các nước trong khu vực, nhằm ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi lên. Triển khai hiệu quả Hiệp định ASEAN về ứng phó thảm họa - thiên tai, nhằm tăng cường hỗ trợ nâng cao năng lực và khả năng ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp xảy ra. Đồng thời, bàn các biện pháp tăng cường hợp tác ASEAN với các đối tác trong lĩnh vực này.
Đối với các vấn đề phức tạp nảy sinh trong quan hệ các nước, ASEAN nhất quán chủ trương đối thoại, xây dựng lòng tin và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và Hiến chương ASEAN, v.v. Đó là tiền đề quan trọng, là nguyên tắc bất di, bất dịch bảo đảm cho ASEAN giữ vững, phát huy và ngày càng khẳng định vai trò trung tâm, chủ đạo của mình đối với cấu trúc an ninh khu vực.
Đại tá ĐỖ MAI KHANH, Phó Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế về Quốc phòng
Diễn đàn,ARF-21
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ