Thứ Bảy, 23/11/2024, 12:20 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Ngày 02-8-2017, dưới sức ép của Quốc hội Mỹ, Tổng thống Đô-nan Trăm đã phê chuẩn Đạo luật H.R.3364 áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào một số nước, trong đó chủ yếu là đối với Nga. Động thái mới này làm dấy lên căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Nga và có thể dẫn tới những hệ lụy khó lường.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành một đạo luật tại Nhà Trắng. (Ảnh: TTXVN)
Tăng cường trừng phạt
Sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crưm (tháng 3-2014), Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống B. Ô-ba-ma đã lôi kéo các đồng minh phương Tây áp dụng nhiều biện pháp cấm vận nhằm vào Nga. Theo nhận định của chính giới Mỹ, các biện pháp cấm vận đó sẽ khiến nền kinh tế Nga “vỡ vụn và sụp đổ”, buộc Mát-xcơ-va phải thay đổi quan điểm, thậm chí lùi bước về nhiều vấn đề, sự kiện quốc tế có liên quan, còn người dân Nga sẽ nổi dậy lật đổ chính thể của Tổng thống V. Pu-tin.
Tuy nhiên, các biện pháp cấm vận đó đã không mang lại hiệu quả như Nhà Trắng mong muốn. Vừa qua, dưới sức ép từ hai viện của Quốc hội Mỹ, ngày 02-8-2017, Tổng thống Đô-nan Trăm chính thức phê chuẩn Đạo luật H.R.3364 với tiêu đề: “Chống lại sự xâm lược của chính phủ các nước Nga, I-ran và Triều Tiên thông qua đạo luật cấm vận”; trong đó, nội dung chủ yếu là nhằm cấm vận Nga. Đây được xem như một “cuộc chiến” cấm vận toàn diện của Mỹ nhằm chống phá Nga. Theo đó, Mỹ sẽ đóng băng tài khoản của nhiều ngân hàng, công ty năng lượng, công ty quốc phòng, các doanh nhân và quan chức của Nga ở nước ngoài. Đồng thời, cấm các ngân hàng, công ty của Mỹ giao dịch với những tổ chức và cá nhân này của Nga. Đạo luật còn giao cho Bộ trưởng Tài chính, Cục trưởng An ninh Quốc gia và Ngoại trưởng Mỹ giải trình trước Quốc hội về các doanh nhân hàng đầu của Nga có liên quan với Điện Crem-li; trong đó, bao hàm cả những người thân trong gia đình và thông tin về các hợp đồng kinh doanh của họ với các công ty nước ngoài. Kèm theo đó, Đạo luật H.R.3364 cấm ngân hàng và cá nhân của Mỹ và nhiều nước khác tham gia những dự án hợp tác giữa Nga với các nước châu Âu về xây dựng đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc - 2”. Các công ty của Mỹ phải đình chỉ việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ hoặc công nghệ cần thiết cho các công ty của Nga trong hoạt động thăm dò, khai thác dầu mỏ và khí đốt ở đáy biển và thềm lục địa; những dự án mà trong đó Nga chiếm từ 33% khối lượng đầu tư cũng như các dự án thuộc các lĩnh vực: giao thông, luyện kim và khai thác khoáng sản. Ngoài ra, theo Đạo luật H.R.3364, các công ty của Liên minh châu Âu (EU) không được tham gia những dự án liên doanh với Nga, như: Dòng khí xanh, Dòng chảy phương Bắc - 2, Dòng chảy Cát-pi-en, v.v.
Đặc biệt, Đạo luật H.R.3364 đã tước đoạt mọi quyền hành pháp của Tổng thống Đô-nan Trăm trong việc dỡ bỏ bất kỳ biện pháp cấm vận nào của Mỹ đối với Nga. Nhận định về đạo luật này, Thủ tướng Nga Đ. Mét-vê-đép đánh giá, các biện pháp cấm vận mới của Mỹ nhằm vào nước này khắc nghiệt hơn rất nhiều so với Đạo luật Giắc-xơn - Va-ních chống Liên Xô cách đây 40 năm và toàn diện chưa từng có trong lịch sử quan hệ quốc tế, nhằm buộc Nga phải “chịu phục tùng” sự áp đặt ý chí chính trị của Oa-sinh-tơn về trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo, trước hết là trong việc giải quyết các điểm nóng, như: U-crai-na, Xy-ri. Điều đó cho thấy, động thái cấm vận của Mỹ đối với Nga không chỉ nhằm mục đích kinh tế, mà còn hướng tới làm cho Nga suy yếu, sụp đổ, hòng xóa bỏ một trong những vật cản lớn nhất đối với vị thế bá chủ thế giới của Mỹ.
Biện pháp đáp trả của Nga
Năm 2014, sau khi Mỹ và EU đồng loạt áp đặt các biện pháp cấm vận nhằm vào Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng tại U-crai-na, Tổng thống V. Pu-tin đã ký sắc lệnh: “Về áp dụng các biện pháp kinh tế đặc biệt riêng rẽ nhằm bảo đảm an ninh Liên bang Nga”. Theo đó, Điện Crem-li yêu cầu các cơ quan chính quyền trung ương thực thi những biện pháp có liên quan nhằm cấm hoặc hạn chế nhập khẩu vào Nga một số mặt hàng nông sản, nguyên liệu và lương thực, thực phẩm có xuất xứ từ những quốc gia đã áp đặt hoặc ủng hộ trừng phạt kinh tế chống lại các cá nhân, chủ thể của Nga. Thực hiện sắc lệnh này, các nhà sản xuất nông nghiệp của Nga đã thuyết phục chính quyền thực hiện chính sách đẩy mạnh phát triển sản xuất trong nước và cắt giảm hạn ngạch nhập khẩu từ phương Tây. Đây là biện pháp đáp trả, khiến ngành sản xuất nông nghiệp của một số nước phương Tây lao đao vì bị mất thị trường tiêu thụ giàu tiềm năng ở khu vực. Bên cạnh đó, trước tình trạng hoảng loạn, bán tháo cổ phiếu của các tập đoàn tài chính phương Tây (từng sở hữu một lượng lớn cổ phần của các công ty dầu mỏ và khí đốt của Nga), Mát-xcơ-va chủ động thu mua toàn bộ số cổ phiếu đó với giá rẻ. Nhờ đó, các công ty năng lượng của Nga đã thu về phần lớn tài sản mà trước đó thuộc về các tập đoàn tài chính phương Tây. Thành công này được các chuyên gia kinh tế đánh giá như “trận Xta-lin-grát” trong thế chiến II về các biện pháp đáp trả của Nga.
Cùng với đó, khi mà cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua nội dung Đạo luật H.R.3364 nhằm tăng cường các biện pháp cấm vận đối với Nga, Mát-xcơ-va đã yêu cầu Mỹ kể từ ngày 01-9-2017, phải cắt giảm số nhân viên ngoại giao của họ ở Nga xuống đúng bằng số các nhà ngoại giao Nga ở Mỹ. Giải pháp đáp trả của Mát-xcơ-va rất công bằng, phù hợp với luật pháp quốc tế, tuy không “đao to búa lớn” nhưng khiến Oa-sinh-tơn bất ngờ, bởi theo yêu cầu đó thì Bộ Ngoại giao Mỹ phải rút 755 nhân viên ra khỏi Nga, nghĩa là gấp hơn 20 lần số nhà ngoại giao Nga bị Mỹ trục xuất cuối năm 2016. Đây là một trong những biện pháp đáp trả mạnh mẽ nhất của Nga đối với Mỹ, khi Oa-sinh-tơn ban hành Đạo luật H.R.3364. Bởi với số lượng 755 nhà ngoại giao Mỹ phải rời khỏi nước Nga sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cơ chế và tổ chức các hoạt động từ bên trong, trong khi cuộc bầu cử Tổng thống của Nga đang tới gần (năm 2018). Chính vì thế, ngay sau khi Nga công bố các biện pháp đáp trả, chính quyền Mỹ đã thực sự “choáng váng”. Giới chức ngoại giao Mỹ lập tức tiến hành hối hả các cuộc điện đàm để “trao đổi” và “thương lượng” với Nga về những vấn đề có liên quan đến biện pháp đáp trả của Mát-xcơ-va. Dư luận quốc tế cho rằng, với các biện pháp đáp trả trên, Mát-xcơ-va đã thực hiện quyền chính đáng của mình trước cách hành xử vô lối của Mỹ đối với Nga.
Những hệ lụy từ việc Mỹ và EU cấm vận Nga
Trên thực tế, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU từ năm 2014 đến nay đã khiến nền kinh tế Nga khủng hoảng trầm trọng, đồng rúp mất giá hơn 50% so với USD, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài giảm mạnh. Theo các chuyên gia kinh tế, biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU làm cho kinh tế Nga thiệt hại khoảng 40 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, “hệ lụy” từ các biện pháp cấm vận của phương Tây đã buộc Nga phải cải cách triệt để nền kinh tế và giải quyết các vấn đề khó khăn, như: chống tham nhũng, quan liêu, chống phụ thuộc vào lĩnh vực xuất khẩu nhiên liệu năng lượng, khắc phục nền công nghiệp chế tạo máy yếu kém, đầu tư vào nghiên cứu phát triển và phát triển các mô hình hiện đại của ngành nông nghiệp. Với các nước láng giềng gần và xa nước Nga không tham gia lệnh trừng phạt, những biện pháp mới ban hành của Nga đã giúp họ tiếp cận một thị trường hơn 143 triệu dân. Mạng lưới bán lẻ của Nga đã đàm phán với các nước, như: Nam Phi, Ác-hen-ti-na, Bra-xin, Chi-lê, Trung Quốc và các nước châu Á khác về nội dung thay thế nhập khẩu thịt bò, trái cây và rau quả của châu Âu và Mỹ. Các biện pháp của EU cấm vận Nga khiến người tiêu dùng Nga tăng sử dụng sản phẩm nội thay vì sản phẩm nhập ngoại và bằng cách đó nâng cao sức mạnh nội lực của nền kinh tế Nga. Ngoài nông nghiệp, sản xuất công nghiệp ở Nga không ngừng tăng. Ngành nông nghiệp Nga cũng hưởng lợi nhiều từ các lệnh cấm vận của phương Tây. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế, nền kinh tế Nga đã tăng trưởng trở lại trong năm 2016, đạt mức 1,5 %.
Nga đã vượt qua Mỹ để trở thành nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới. Đây là một bước phát triển đột phá, mở đường cho các ngành trồng cây lương thực đi lên. Sự phát triển mạnh mẽ này cùng với các sáng kiến hỗ trợ tài chính của Tổng thống V. Pu-tin đã tạo ra một “cơn sốt” khai thác các vùng đất ở vành đai miền Trung nước Nga, cùng nhiều khu vực màu mỡ khác. Hai dòng đầu tư nóng nhất cho những người giàu ở Nga hiện nay chính là đất nông nghiệp và các khách sạn ở châu Âu. Tổng thống V. Pu-tin tự tin phát biểu trước Quốc hội: “Nga có thể trở thành nước cung cấp lớn nhất thế giới về thực phẩm chất lượng cao, sạch về mặt sinh học và có lợi cho sức khỏe con người, bỏ xa các nhà sản xuất phương Tây”.
Trái lại, các biện pháp trừng phạt đó lại chia rẽ quan hệ đồng minh giữa Mỹ và EU cũng như nội bộ các nước EU với nhau, bởi các doanh nghiệp của họ có thể bị thiệt hại từ gói biện pháp cấm vận mới đối với Nga. Nhiều nước châu Âu đã lên tiếng phản đối Đạo luật H.R.3364 của Mỹ và dọa sẽ tẩy chay các biện pháp của Mỹ. Là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, với kim ngạch thương mại song phương năm 2013 đạt 336 tỷ, EU chịu thiệt hại trực tiếp từ đòn đáp trả của Nga, đặc biệt là các nhà sản xuất và xuất khẩu chuyên cung cấp nhiều loại thực phẩm sang Nga. Các nước bị cấm xuất khẩu thực phẩm sang Nga bao gồm: EU, Mỹ, Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a và Na Uy buộc phải định hướng lại sản xuất để xuất khẩu sang các nước châu Á, khu vực Mỹ La-tinh và các nước vùng Ca-ri-bê. Ủy ban châu Âu cho biết, các nước thành viên EU thiệt hại khoảng 40 - 50 tỷ Euro trong hai năm 2014 - 2015 do bị hạn chế tiếp cận thị trường tài chính Nga, cũng như lệnh cấm cung cấp hàng hóa và công nghệ lưỡng dụng sang Nga. Ngoài ra, họ còn tốn một khoản không nhỏ trong dịch chuyển cơ cấu đầu tư và xuất nhập khẩu. Nông dân châu Âu đã mất đi thị trường truyền thống và họ phải tìm kiếm những thị trường mới cho các sản phẩm vốn được sản xuất để cung cấp cho Nga. Theo các chuyên gia kinh tế, những biện pháp trừng phạt Nga đã khiến cho các nền kinh tế thuộc EU thiệt hại gấp 10 lần so với Mỹ. Kim ngạch thương mại EU - Nga giảm từ 326,5 tỷ Euro năm 2013 xuống còn 210 tỷ Euro vào năm 2015, trong khi kim ngạch thương mại Mỹ - Nga chỉ giảm từ 38,2 tỷ USD xuống 23,6 tỷ USD cùng thời điểm. Đến nay, đã có 500 công ty của EU bày tỏ sự phản đối kịch liệt đối với Đạo luật H.R.3364. Đó là hệ lụy mà Mỹ và EU phải “gánh” từ việc cấm vận Nga.
Mặt khác, hệ lụy từ cuộc “đối đầu” Mỹ - Nga sẽ làm thất bại mọi nỗ lực của Tổng thống Đô-nan Trăm nhằm bình thường hóa quan hệ với Nga. Điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn tới nỗ lực quốc tế nhằm đối phó với những nguy cơ và thách thức có tính toàn cầu mà không một quốc gia nào có thể đơn phương hóa giải.
Đại tá LÊ THẾ MẪU
Đô-nan Trăm,Đạo luật H.R.3364,những hệ lụy
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ