Thứ Sáu, 22/11/2024, 16:07 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Đêm 13 rạng ngày 14-4 vừa qua, với cáo buộc Chính quyền Đa-mát (Damascus) sử dụng vũ khí hóa học, Mỹ và đồng minh Anh, Pháp đã mở cuộc không kích bằng tên lửa vào Xy-ri (Syria). Đây là cuộc tấn công có quy mô tương đối lớn, nhằm làm suy yếu năng lực hóa học của Quân đội Xy-ri. Tuy nhiên, theo giới phân tích, đó chỉ là cái cớ để nhắm tới nhiều mục đích.
Lý do thiếu thuyết phục
Sau nhiều lần cân nhắc và răn đe, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm cuối cùng đã chọn giải pháp quân sự, cùng với hai đồng minh là Anh và Pháp phát động cuộc tấn công nhằm vào một số mục tiêu nghi là cơ sở hóa học của Xy-ri. Lý do của cuộc không kích được người đứng đầu Nhà Trắng đưa ra nhằm đáp trả vụ tấn công bị nghi là sử dụng vũ khí hóa học của Quân đội Xy-ri vào Đông Ghouta (hôm 7-4), làm chết 70 dân thường. Qua đó, xác lập một sự răn đe mạnh mẽ chống lại việc sản xuất, phổ biến và sử dụng vũ khí hóa học của Chính quyền Đa-mát; bảo vệ lợi ích quốc gia then chốt của Mỹ ở nước Trung Đông này. Để đạt mục tiêu đó, Oa-sinh-tơn sẽ sát cánh cùng các đồng minh tiếp tục tấn công Xy-ri cho đến khi chế độ B. An Át-xát (Al Assad) ngừng sử dụng vũ khí hóa học. Năm 2017, cũng với lý do tương tự, Mỹ đã sử dụng 59 tên lửa hành trình Tô-ma-hốc (Tomahawk) tấn công một căn cứ không quân của Đa-mát - nơi có cả binh sĩ Xy-ri và Nga đóng quân. Vụ tấn công năm nay có sự tham gia của hai đồng minh Anh, Pháp với quy mô gấp đôi, song dường như Liên quân không muốn đi quá xa tới mức có thể dẫn tới một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga tại chảo lửa Xy-ri.
Tuy nhiên, vụ tấn công đã gây phản ứng trái chiều và quan ngại trong dư luận quốc tế. Trong khi nhiều nước phương Tây, nhất là các nước trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đứng về phía Mỹ, Anh, Pháp thì dư luận quốc tế lại tỏ ý nghi ngờ và phản đối vụ tấn công. Đặc biệt, Nga tuyên bố sẽ công bố bằng chứng đã có sự “ngụy tạo” trong vụ việc này với ý đồ đổ lỗi cho Quân đội Xy-ri sử dụng vũ khí hóa học. Còn Tổng thống Xy-ri B. An Át-xát kiên quyết phủ nhận việc sử dụng các chất hóa học bị cấm và khẳng định rằng, những cáo buộc về một vụ “tấn công hóa học” chỉ dựa trên những lời thêu dệt từ Mỹ và phương Tây. Điều này là có cơ sở khi cho đến nay, vẫn chưa có một tổ chức uy tín nào tiến hành một cuộc điều tra độc lập và khách quan đối với những cáo buộc của Mỹ.
Trong khi đó, ngay sau khi vụ không kích của Liên quân vào các “cơ sở hóa học” của Xy-ri, Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) của Liên hợp quốc đã đến hiện trường thanh sát và xác nhận rằng: không tìm thấy vũ khí hóa học nào tại Trung tâm nghiên cứu Barzeh ở thủ đô Đa-mát bất chấp các tuyên bố trái ngược trước đây của giới chức Mỹ. Đây là sự logic khoa học, bởi về lý thuyết, nếu các chất độc được lưu trữ tại đó, hàng chục nghìn người sẽ thiệt mạng do chất độc bị phát tán khi các tên lửa của Liên quân bắn vào. Hơn thế nữa, dư luận đang đặt câu hỏi, liệu Chính quyền Đa-mát có ngây thơ khi sử dụng vũ khí hóa học bắn vào dân thường khi mà họ đang giành thế thượng phong trên chiến trường để hứng chịu tên lửa của Liên quân với cáo buộc “vượt lằn ranh đỏ”. Điều đáng nói là, mặc dù chưa có bằng chứng công khai nào chứng minh vũ khí hóa học đã được sử dụng ở thị trấn Douma (phía Đông Ghouta) cũng như ai là thủ phạm, nhưng Mỹ và đồng minh vẫn tiến hành vụ không kích. Các nhà quan sát cho rằng, việc vội vàng lên tiếng cáo buộc Chính phủ Xy-ri đã vượt qua “lằn ranh đỏ” về sử dụng vũ khí hóa học mà Mỹ đặt ra là chưa thuyết phục. Phải chăng, đó chỉ là cái cớ để Mỹ và đồng minh thực hiện vụ tấn công hòng nhắm tới nhiều mục đích.
Động cơ của Mỹ và đồng minh
Ngay sau chiến dịch chớp nhoáng này, một số hãng truyền thông đã đăng tải những phân tích về mục đích của động thái trên là nhằm chuyển hướng mối quan tâm của dư luận đối với cuộc điều tra về vụ “bê bối” liên quan đến Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 để giành lợi thế trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới của Tổng thống Đô-nan Trăm. Một số ý kiến khác lại cho rằng, cuộc không kích quy mô lớn lần này có lẽ Mỹ và đồng minh muốn hỗ trợ lực lượng đối lập ở Xy-ri được phương Tây hậu thuẫn, vốn đang bị suy yếu sau những thắng lợi liên tiếp của Quân đội Chính phủ Xy-ri trên chiến trường, v.v. Tuy nhiên, bối cảnh và cục diện bàn cờ Xy-ri hiện nay cho thấy, những nhận định trên mới chỉ thể hiện vẻ bề ngoài, chưa lột tả được bản chất của sự việc. Trước hết, cần thấy rằng, cuộc không kích lần này không phải của riêng Mỹ, mà là sự phối hợp của bộ ba: Mỹ, Anh, Pháp, nên không thể nói hành động đó là nhằm củng cố địa vị chính trị cho riêng Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm. Mặt khác, mặc dù giới chức Mỹ và đồng minh ra sức tán dương hành động quân sự này là “hoàn hảo”, song các chuyên gia quân sự nhấn mạnh rằng, quy mô của nó còn hạn chế và sức mạnh quân sự của Chính quyền Đa-mát hầu như không bị ảnh hưởng. Đây có lẽ chỉ là biện pháp mang tính răn đe, kỷ luật và thông điệp của nó chủ yếu mang tính biểu tượng về chính trị. Vậy, đâu mới là động cơ đích thực của cuộc không kích?
Theo đánh giá của giới phân tích quốc tế, mục đích của vụ không kích hôm 14-4 chủ yếu nhằm giải quyết lợi ích chiến lược của từng nước tham chiến thông qua cuộc xung đột ở Xy-ri. Đối với Mỹ, Xy-ri luôn là mắt xích quan trọng trên bàn cờ Trung Đông, nhất là vị trí chiến lược khống chế về cơ bản tuyến đường vận chuyển năng lượng của Trung Đông và Trung Á. Đồng thời, đó còn là nơi cạnh tranh địa chiến lược trong vai trò làm bá chủ, chi phối toàn bộ khu vực Trung Đông của Mỹ với các đối thủ tiềm tàng là Nga và I-ran, v.v. Nếu thất bại trong cuộc chiến Xy-ri, sẽ tạo phản ứng dây chuyền làm lung lay địa vị bá chủ của Mỹ ở khu vực. Vì vậy, xét từ một góc nhìn nào đó, Mỹ không thể thua ở Xy-ri. Đây có thể là nguyên do giải thích vì sao Mỹ phải ra sức hỗ trợ lực lượng đối lập, lực lượng vũ trang người Cuốc (Kurd), thậm chí cả lực lượng khủng bố ở Xy-ri để phát động chiến tranh. Thực tế cho thấy, mỗi khi cuộc chiến ở Xy-ri tiến đến thời điểm then chốt, Mỹ đều lấy lý do Chính quyền Đa-mát sử dụng vũ khí hóa học để mở cuộc tấn công quân sự và cuộc không kích lần này cũng không phải là ngoại lệ.
Mặt khác, theo giới chức của Lầu Năm Góc, cuộc tấn công quân sự đối với Xy-ri lần này chủ yếu nhằm vào các cơ sở hóa học của Chính quyền B. An Át-xát, không nhằm lật đổ chế độ ở Xy-ri và các lực lượng khác. Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, thực chất đây là đòn tấn công nhằm vào Nga. Bởi lẽ, sự xuất hiện, hỗ trợ của Quân đội Nga đối với Chính quyền Đa-mát đã làm thay đổi cán cân quyền lực ở Xy-ri và vô hình chung đã đẩy Mỹ đến bên bờ thất bại. Vì thế, xuất phát từ nhu cầu lợi ích quốc gia của Mỹ, đòi hỏi Tổng thống Đô-nan Trăm (mặc dù có lúc muốn làm người bạn tốt với Tổng thống Pu-tin) không những trừng phạt kinh tế đối với Mát-xcơ-va (Moskva), mà còn thúc đẩy chạy đua vũ trang, tấn công về tài chính,… gây sức ép để Liên bang Nga sụp đổ như đã từng làm tan rã Liên Xô trước đây và cuộc tấn công vào Xy-ri hôm 14-4 vừa qua cũng không nằm ngoài chiến lược bao vây Nga của Mỹ.
Về phía Anh, việc tham gia cuộc không kích lần này được cho là nhằm “trả ơn” Oa-sinh-tơn đã sát cánh ủng hộ Luân-đôn trong cuộc chiến ngoại giao với Nga liên quan đến vụ đầu độc điệp viên hai mang Skripal và con gái tại thành phố Salisbury của nước này. Tuy nhiên, theo giới quan sát, việc bỏ tiền của để tham gia chiến dịch cùng với Mỹ, trước hết, phải xuất phát từ chiến lược quốc gia của Anh. Đặc biệt hiện nay, Anh thực hiện tiến trình Brexit trong bối cảnh sức mạnh quân sự của Nga đã có sự phát triển vượt trội so với sức mạnh quân sự của toàn bộ lục địa châu Âu. Điều đó, không chỉ đe dọa tầm ảnh hưởng của Lục địa già, mà còn có thể gạt Anh - một quốc đảo sang bên lề trong giải quyết các vấn đề quốc tế. Trước bối cảnh đó, để tạo ảnh hưởng, Anh buộc phải đứng về phía Mỹ để đánh bại Nga, lập lại thế cân bằng của lục địa châu Âu và cuộc không kích Xy-ri vừa qua cũng là một trường hợp mà Luân-đôn không thể làm khác được.
Đối với Pháp, dường như sự tham gia không kích Xy-ri cùng Mỹ và Anh cũng xuất phát từ một kế hoạch to lớn hơn của nước này đối với khu vực Trung Đông. Theo đó, Tổng thống Pháp Mcron mong muốn đưa một số quốc gia châu Âu, Bắc Phi và tất cả những nước ven bờ Địa Trung Hải vào vành đai chiến lược của Pa-ri, nhằm tạo phạm vi ảnh hưởng của Pháp. Trong khi đó, sự can dự của Nga và I-ran ở Xy-ri đã, đang là vật cản đối với tham vọng này. Vì thế, sự đồng thuận cùng Mỹ, Anh tham gia cuộc không kích là điều dễ hiểu.
Ngoài ra, vụ tấn công quân sự vào Xy-ri của Mỹ và đồng minh có thể là cách để ba nước: Mỹ, Anh, Pháp thể hiện vai trò và “lấy lại uy danh” trong bối cảnh hình ảnh của họ đã có phần sa sút sau những rắc rối của mỗi nước kể cả về đối nội và đối ngoại. Từ những phân tích trên cho thấy, phải chăng, đó mới là động cơ đích thực của cuộc không kích.
Hậu quả khôn lường
Theo đánh giá của các nhà quan sát, cuộc tấn công của liên quân do Mỹ dẫn đầu tại Xy-ri sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, không chỉ ở Xy-ri, mà bao gồm toàn khu vực Trung Đông do căng thẳng leo thang. Phát biểu trước báo giới về vụ không kích, Tổng thống Nga V. Pu-tin gọi đó là hành động gây hấn; có thể làm hủy hoại toàn bộ hệ thống quan hệ quốc tế và khiến cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Xy-ri trầm trọng hơn, v.v. Còn các học giả trên thế giới thì coi hành động của Mỹ và đồng minh là mối đe dọa nguy hiểm không chỉ đối với Xy-ri, mà cả hòa bình và an ninh quốc tế, vì đã vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Trên thực tế, cuộc không kích đã đẩy tình trạng đối đầu, thù địch và tranh giành ảnh hưởng giữa các bên đối địch tại quốc gia Trung Đông này không ngừng gia tăng, diễn biến phức tạp và có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Ngày 14-4, trong một tuyên bố phát trên truyền hình, Quân đội Xy-ri nêu rõ: các cuộc không kích của phương Tây nhằm vào quốc gia này sẽ không làm giảm quyết tâm chiến đấu tiêu diệt các lực lượng nổi dậy và khủng bố còn sót lại. Về phía Nga - đồng minh thân cận của Chính quyền Đa-mát - tuy chưa nêu bất cứ phương án quân sự nào ngoài lời kêu gọi triệu tập cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, song tướng Xéc-gây Rút-xcôi (Sergei Rudskoi), Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nga đã cảnh báo rõ ràng đối với Mỹ và đồng minh rằng, Mát-xcơ-va có thể sẽ triển khai thêm các khẩu đội tên lửa S-300 cho hệ thống phòng thủ có từ thời Xô-viết tại Xy-ri. Đặc biệt, ông Rút-xcôi cũng tiết lộ rằng, trong bối cảnh hiện nay, Mát-xcơ-va đang xem xét khả năng cung cấp các tên lửa tầm xa cho một số quốc gia khác; trong đó, rất có thể sẽ có I-ran - đồng minh đã sát cánh với Nga trong cuộc chiến chống khủng bố tại Xy-ri. Điều này nếu xảy ra thì nguy cơ một cuộc đối đầu quân sự quy mô lớn ở khu vực là khó tránh khỏi, đe dọa trực tiếp an ninh khu vực Trung Đông và toàn thế giới.
Không những thế, các nhà phân tích còn cảnh báo rằng, hành động quân sự vừa qua của Mỹ và đồng minh không chỉ khiến tình hình Xy-ri càng thêm phức tạp, mà còn là cơ hội để các nhóm khủng bố “hồi sinh” và vô hình chung, cuộc không kích sẽ khuấy động thêm nhiều cuộc xung đột khác. Trong bối cảnh quốc tế đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp giải quyết cuộc khủng hoảng tại Xy- ri thì động thái, toan tính trên của Mỹ và đồng minh như “đổ thêm dầu vào lửa”, làm quốc gia Trung Đông này vốn đã nóng bỏng lại càng nóng bỏng và đối đầu quyết liệt hơn. Dư luận quốc tế cho rằng, chỉ có thực hiện giải pháp chính trị, trên cơ sở thương lượng hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền của mỗi quốc gia; công việc nội bộ của Xy-ri phải do chính người dân nước này giải quyết thì hòa bình, ổn định mới có cơ hội đơm hoa, kết trái ở quốc gia Trung Đông đầy bạo lực và bất ổn này.
XUÂN KHANH
Mỹ và đồng minh,không kích Xy-ri
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ