Thứ Bảy, 23/11/2024, 14:52 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Sau nhiều năm trì hoãn, ngày 12-5-2016, Mỹ bất ngờ “kích hoạt” hệ thống lá chắn tên lửa ở Ru-ma-ni. Sự kiện này đánh dấu bước mở màn thực thi Kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Oa-sinh-tơn ở châu Âu và đẩy quan hệ Nga - Mỹ vào giai đoạn khó khăn mới. Vậy, đằng sau động thái này là gì?
Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Deveselu của Romania. (Ảnh: TTXVN)
Biện minh liệu có thuyết phục?
Theo các nhà nghiên cứu quốc tế, hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu được Mỹ đề xuất từ thời cựu Tổng thống Rô-nan Ri-gân với mục tiêu chính là chống lại Liên Xô. Sau “chiến tranh lạnh”, kế hoạch này bị gián đoạn một thời gian và được nối lại vào năm 2007 với mục đích mới mà Nhà Trắng công bố là đối phó với tên lửa tấn công từ I-ran, Triều Tiên và trở thành đề tài tranh cãi giữa Nga và Mỹ. Sau thời gian lắng dịu, những tưởng Tổng thống B. Ô-ba-ma đã giải quyết vấn đề này sau khi phát động chiến dịch “cài đặt lại” quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ vẫn âm thầm triển khai kế hoạch theo hướng có sự điều chỉnh và sự kiện “kích hoạt” lá chắn tên lửa ở Ru-ma-ni vừa qua đã làm mâu thuẫn giữa Mỹ và Nga thêm gay gắt.
Biện minh cho động thái này, giới chức Mỹ và đại diện Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố, hệ thống phòng thủ tên lửa của họ nhằm chống lại tên lửa tấn công từ những nước như I-ran và không sử dụng để đối phó với bất kỳ mối đe dọa tên lửa nào từ Nga. Một cách cụ thể hơn, đại diện cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tại NATO Rô-bớt Bin đã khẳng định: hệ thống tên lửa Aegis ở Ru-ma-ni không làm phương hại đến năng lực răn đe chiến lược của Nga và nó cũng không có khả năng làm điều đó; những lo ngại của Nga chỉ là “hoang tưởng”, v.v. Bình luận về vấn đề này, các nhà phân tích cho rằng, thật khó có nhà lãnh đạo quốc gia nào, nhất là Nga, lại tin vào điều đó, bởi các lý do sau đây.
Thứ nhất, mặc dù “chiến tranh lạnh” đã kết thúc và kéo theo đó là sự tan rã của Liên Xô, nhưng đối với Mỹ, sự tồn tại của nước Nga có chủ quyền đã, đang sở hữu kho vũ khí hạt nhân khổng lồ vẫn là một trong những vật cản lớn nhất đối với tham vọng kiểm soát trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo. Vì thế, việc sử dụng hệ thống lá chắn tên lửa để giành ưu thế quân sự đối với Nga là mục tiêu nhất quán của Mỹ trong việc duy trì ngôi vị số 1 thế giới. Điều này càng được khẳng định khi năm 2012, trong trao đổi, đàm phán về vấn đề này, Nga đề nghị Mỹ và NATO cam kết bằng văn bản, có tính ràng buộc về pháp lý rằng, hệ thống lá chắn tên lửa của họ “không nhằm chống lại Nga” nhưng đã bị từ chối.
Thứ hai, việc Oa-sinh-tơn khẳng định rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu chủ yếu để đối phó với mối đe dọa tên lửa từ I-ran là chưa có tính thuyết phục, bởi tình thế quan hệ Mỹ – I-ran hiện nay đã hoàn toàn khác trước. Nếu ở thời điểm cách đây 6 năm (khi kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ được thông qua), giữa Mỹ và I-ran còn đối đầu gay gắt về chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran, thì tên lửa của I-ran là đáng lo ngại. Tuy nhiên, với thỏa thuận hạt nhân lịch sử đạt được giữa nhóm P5 + 11 với I-ran (năm 2015) thì “mối đe dọa” từ nước Cộng hòa Hồi giáo này không đủ sức nặng để Mỹ viện cớ triển khai kế hoạch lá chắn tên lửa ở châu Âu.
Thứ ba, “kích hoạt” hệ thống lá chắn tên lửa ở châu Âu vào đúng thời điểm quan hệ căng thẳng giữa Nga với Mỹ và phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng ở U-crai-na chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” không khỏi khiến Mát-xcơ-va cảm thấy bất an. Hơn nữa, hệ thống vũ khí này, mặc dù ở trạng thái phòng thủ, nhưng nếu được “cài đặt” lại, chúng có thể làm nhiệm vụ tấn công bất cứ lúc nào, càng làm Nga đứng ngồi không yên. Vì thế, dư luận cho rằng, việc biện minh cho động thái trên của Oa-sinh-tơn chưa có tính thuyết phục, nhưng khẳng định hoạt động đó chủ yếu chĩa mũi nhọn vào Nga cũng chưa thỏa đáng. Vậy, phải chăng việc “kích hoạt” hệ thống lá chắn tên lửa ở châu Âu còn nhằm các mục đích khác, cao hơn?
Hướng tới nhiều mục đích
Theo giới quan sát, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu là “mũi tên hướng đến nhiều đích”; trong đó, khẳng định ưu thế về quân sự và gây ảnh hưởng về chính trị đối với khu vực là đích ngắm chủ yếu của Oa-sinh-tơn. Theo Kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu được chính thức thông qua (năm 2010), mục đích thực sự của hệ thống này nhằm vô hiệu hóa khả năng tấn công trả đũa của đối phương tiềm tàng sau khi Oa-sinh-tơn thực hiện đòn tấn công hạt nhân phủ đầu họ. Qua đó, Mỹ sẽ chiếm ưu thế toàn diện về quân sự và lấy đó làm cơ sở để bảo vệ ngôi vị số 1 thế giới của mình. Vì thế, hệ thống lá chắn tên lửa (vừa được “kích hoạt”) ở Ru-ma-ni được Mỹ trang bị hết sức tối tân, gồm: các ra-đa công suất lớn SPY-1D, hệ thống điều khiển hỏa lực MK-99 và hệ thống tên lửa đánh chặn MK-41. Trong đó, hệ thống ra-đa SPY-1D có khả năng tìm kiếm, phát hiện, theo dõi nhiều loại khí tài bay, trước hết là máy bay chiến lược thế hệ mới, các tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, được kết nối với các giàn phóng tên lửa đánh chặn MK-41 và được bố trí cả ở trên tàu hải quân hoặc trên đất liền. Mặt khác, hệ thống liên hoàn này không chỉ có khả năng phóng các loại tên lửa đánh chặn mà còn tổ chức các tên lửa hành trình tấn công khi cần thiết.
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, sở dĩ Mỹ quyết định xây dựng và triển khai hệ thống lá chắn tên lửa ở châu Âu, bởi lo ngại hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Nga. Phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, Frank Rose, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ kiêm phụ trách kiểm soát, cấp phép và triển khai vũ khí tại Ru-ma-ni khẳng định: “chúng ta đang gặp những thách thức rất lớn trong đương đầu với Nga”; rằng: “Nga đã có một hệ thống tên lửa đạn đạo tiên tiến từ lâu và họ đã vận hành tốt”. Các nghiên cứu của giới quân sự phương Tây cũng cho rằng, việc “kích hoạt” hệ thống lá chắn tên lửa ở Ru-ma-ni xuất phát từ ý đồ dùng tên lửa đánh chặn siêu cao tốc để tiêu diệt tên lửa hạt nhân của Nga trong giai đoạn nó vừa rời bệ phóng, bởi lúc đó, tên lửa của Nga sẽ tỏa nhiệt mạnh nên dễ bị phát hiện và chưa thể cơ động né tránh. Theo tính toán, giai đoạn này sẽ kéo dài vài phút, đủ thời gian để các tên lửa siêu cao tốc của Mỹ (bố trí trên lãnh thổ các nước Đông Âu) vận hành, tiếp cận mục tiêu và tiêu diệt.
Cùng với ý đồ giành ưu thế về quân sự, việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu còn nhằm mục đích chính trị đối với Lục địa già. Theo các nhà quan sát, Mỹ có thể sử dụng hệ thống này để thổi bùng “nguy cơ xâm lược” từ Nga, biến “mối đe dọa ảo” thành “đe dọa thật”, thúc đẩy chạy đua vũ trang, buộc các nước thành viên NATO phải gia tăng ngân sách quốc phòng trong bối cảnh chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công, di cư và làn sóng khủng bố ngày một lan rộng. Không những thế, hệ thống lá chắn tên lửa này phần lớn do Mỹ thiết kế và chi phối bí mật về công nghệ; từ đó dẫn đến sự phụ thuộc về an ninh của châu Âu vào Mỹ, nhất là các nước vốn đã nằm trong sự bảo trợ từ “chiếc ô hạt nhân” của Oa-sinh-tơn. Điều này cũng dẫn đến một số bất đồng ở châu Âu về vai trò của hệ thống phòng thủ này. Một số nước cho rằng, việc Mỹ triển khai hệ thống lá chắn tên lửa ở châu Âu là “chưa tôn trọng” các đồng minh xuyên Đại Tây Dương, bởi các nước châu Âu có đủ khả năng để tự bảo vệ trước các cuộc tiến công tiềm tàng bằng tên lửa mà không cần đến Mỹ. Nhiều quan chức quân sự Pháp không hài lòng với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ do chi phí quá lớn, mà hiệu quả chưa thật tin cậy. Thậm chí, tại Cộng hòa Séc và Ba Lan đang dấy lên làn sóng phản đối Mỹ triển khai hệ thống lá chắn tên lửa ở hai nước này, bởi nó sẽ làm tổn hại đến nền độc lập, chủ quyền quốc gia và biến họ thành “con tin” cho các tham vọng của Oa-sinh-tơn. Vì thế, việc khống chế, chi phối các nước châu Âu về chính trị, quân sự là một trong những mục đích cốt lõi của Mỹ trong triển khai, “kích hoạt” hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu lục này.
Những hệ lụy khó lường
Không khó để nhận thấy rằng, việc “kích hoạt” một mắt xích trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu đã tác động đến an ninh của nhiều nước trong khu vực, trong đó có Nga. Ngay lập tức, Mát-xcơ-va đã có phản ứng mạnh mẽ cả bằng lời nói và hành động đối với động thái trên của Mỹ. Mát-xcơ-va cho rằng, mục đích thực sự của hệ thống lá chắn tên lửa này là nhằm vô hiệu hóa kho vũ khí hạt nhân của Nga, đủ để Mỹ có thể ra đòn tiến công hạt nhân trước trong tình thế có chiến tranh. Đặc biệt, việc triển khai các tên lửa đánh chặn đến sát biên giới Nga, vô hình trung Mỹ và NATO đã, đang tìm cách bao vây, cô lập, nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng của nước này. Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Ma-ri-a Da-kha-rô-va nhấn mạnh: chúng tôi coi việc Mỹ triển khai hệ thống lá chắn tên lửa ở Ru-ma-ni là vi phạm Hiệp ước về lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) mà hai bên đã ký từ năm 1987.
Cùng với chỉ trích gay gắt hành động của Mỹ, giới chức Nga cũng cảnh báo sẽ thực thi nhiều biện pháp để vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu. Trước mắt, Mát-xcơ-va công bố kế hoạch thành lập 3 sư đoàn mới với khoảng 10.000 quân để bảo vệ sườn Tây và Nam nước này; đồng thời, sẽ khôi phục và hiện đại hóa căn cứ ra-đa cảnh báo sớm ở bán đảo Crưm. Theo các chuyên gia quân sự của Nga, hiện tại nước này đang nghiên cứu để đưa ra các biện pháp đáp trả “phi đối xứng”, bảo đảm ít tốn kém nhưng hiệu quả hơn nhiều và hoàn toàn có khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, không chỉ ở châu Âu mà ở nhiều khu vực khác nhằm vào Nga. Theo đó, Mát-xcơ-va đang cân nhắc triển khai Đoàn tàu tên lửa hạt nhân Ba-gu-rin, các tổ hợp tên lửa dẫn đường I-xcan-đơ-M ở vùng Ka-lê-nin-grat gần biên giới các nước Đông Âu nhằm đối phó với hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ, trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. Ngoài ra, Nga đã, đang có ý tưởng phát triển các loại tên lửa hạt nhân tầm xa, có khả năng tàng hình, với nhiều đầu đạn hạt nhân phóng đi cùng lúc để đưa vào trang bị cho lực lượng vũ trang trong tương lai, v.v. Như vậy, việc “kích hoạt” hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ ở Ru-ma-ni vào tháng 5 vừa qua không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của Nga, mà còn gây hệ lụy làm đảo lộn sự ổn định chiến lược của toàn khu vực. Nhiều chính khách trên thế giới cho rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu khi đã được “khởi động” chẳng những không bảo vệ được các nước thành viên NATO, mà còn thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực thêm phần quyết liệt. Dư luận cũng bày tỏ lo ngại, tình hình trên nếu không được kiểm soát có thể dẫn tới sự khởi đầu cho một cuộc “chiến tranh lạnh” kiểu mới ở châu Âu trong thế kỷ XXI.
MINH HOÀNG
______________
1 - Gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức.
Mỹ kích hoạt,phòng thủ tên lửa,châu Âu
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ