Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Sáu, 26/12/2014, 09:36 (GMT+7)
Đàm phán về "hồ sơ hạt nhân" của I-ran ‒ nguyên nhân bế tắc và triển vọng

Sau hai lần bỏ lỡ thời hạn chót, đêm 24-11 vừa qua, các nhà đàm phán I-ran và nhóm P5+11 buộc phải nhất trí kéo dài thời gian đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tê-hê-ran đến ngày 01-7-2015. Kết quả đáng thất vọng này khiến dư luận đặt câu hỏi, vì sao việc hóa giải “hồ sơ hạt nhân” của I-ran đã ở trong tầm tay lại rơi vào bế tắc?

Các chuyên gia tại nhà máy sản xuất nhiên liệu hạt nhân ở Isfahan, Iran.
(Nguồn: EPA/TTXVN)  

Mặc dù các bên tham gia đàm phán đều thể hiện rõ quyết tâm đạt được mục tiêu đề ra, nhưng “hồ sơ hạt nhân” của Tê-hê-ran vẫn chưa thể khép lại bởi nhiều vấn đề gai góc. Theo các nhà phân tích quốc tế, sự bế tắc trong đàm phán do hai nhóm nguyên nhân chính; đó là, nhóm nguyên nhân kỹ thuật và nhóm nguyên nhân chiến lược - chính trị.

Về nhóm nguyên nhân kỹ thuật, hiện hai bên tồn tại nhiều bất đồng; trong đó, bất đồng lớn nhất là số lượng máy li tâm và mức độ, quy mô làm giàu u-ra-ni của I-ran. Về phía I-ran, Lãnh tụ tinh thần tối cao - Đại giáo chủ A-li Kha-mê-nây quả quyết rằng, Tê-hê-ran hoàn toàn có quyền phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và hiện nước này đang có 190.000 máy li tâm; trong đó có khoảng 10.000 máy đang hoạt động. Trong khi đó, các quan chức phương Tây tỏ ý nghi ngờ và cho rằng, con số thực phải hơn thế nhiều lần; rằng: I-ran cần phải loại bỏ một nửa số máy li tâm nêu trên. Hai bên cũng chưa thống nhất việc xác định những loại máy li tâm nào mà I-ran được phép giữ lại hoặc loại bỏ (các máy li tâm đã cũ hay các máy do I-ran tự thiết kế dựa trên các tài liệu công nghệ mà nước này có được từ chính các nước phương Tây) và vị trí đặt các máy li tâm mà nước này được quyền giữ lại tại nhà máy Na-tan hay ở cả cơ sở hạt nhân Uôm. Song vấn đề quan trọng hơn là bất đồng giữa hai bên về số lượng, quy mô u-ra-ni mà I-ran được làm giàu ở mức bao nhiêu phần trăm và bao nhiêu u-ra-ni sẽ được chuyển ra nước ngoài (có thể là Nga) để chuyển đổi thành các thanh u-ra-ni nhiên liệu phục vụ cho các nhà máy điện hạt nhân. Theo các chuyên gia kỹ thuật hạt nhân, một khi u-ra-ni làm giàu ở mức độ thấp, được chuyển đổi thành các thanh u-ra-ni nhiên liệu thì rất khó để biến chúng trở lại dạng u-ra-ni làm giàu lúc ban đầu. Đây sẽ là một trong những “điểm nghẽn” đối với cả hai bên trong quá trình đàm phán. Bởi lẽ, trong khi I-ran tuyên bố kiên quyết theo đuổi chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình thì các nước phương Tây lại ngờ vực mục tiêu của Tê-hê-ran không phải là năng lượng hạt nhân, mà là vũ khí hạt nhân, nên khăng khăng đòi quốc gia Hồi giáo này từ bỏ hoàn toàn chương trình này.

Bên cạnh đó, cơ chế đảm bảo để I-ran không vi phạm các điều khoản đã ký kết (theo đề xuất của phương Tây), nhất là việc bí mật xây dựng các cơ sở làm giàu u-ra-ni cũng là vấn đề còn gây tranh cãi. Hơn nữa, do nội dung đàm phán vốn rất phức tạp, bao gồm hàng loạt vấn đề chuyên môn kỹ thuật đặt ra; số lượng các bên tham gia đàm phán lại nhiều2, nên các vòng đàm phán đòi hỏi nhiều thời gian và tăng thêm khó khăn trong việc điều phối lập trường của các thành viên.

Về nhóm nguyên nhân chiến lược - chính trị, bất đồng lớn nhất giữa các bên là lộ trình dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với I-ran. Các nhà quan sát cho rằng, trên thực tế, Mỹ chưa muốn kết thúc đàm phán và luôn muốn sử dụng “hồ sơ hạt nhân” của I-ran để gây áp lực hòng thay đổi chế độ cầm quyền ở Tê-hê-ran. Điều này đã giải thích vì sao, Mỹ một mực đòi hỏi Tê-hê-ran phải dành cho Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) quyền “thanh sát đặc biệt” tại các cơ sở hạt nhân của I-ran, mặc dù I-ran đã có nhiều thiện chí. Không những thế, Mỹ còn yêu cầu I-ran từ bỏ chương trình hạt nhân Phô-đo dưới lòng đất; thậm chí đòi thanh sát căn cứ quân sự Pác-chin và tên lửa đạn đạo của nước này. Đây là những vấn đề “nhạy cảm” mà Mỹ thừa biết I-ran sẽ không bao giờ chấp nhận. Phải chăng, mục đích mà Mỹ hướng tới là làm trầm trọng thêm “nguy cơ hạt nhân từ I-ran” và lấy đó làm cơ sở để thắt chặt quan hệ đồng minh chiến lược với I-xra-en, A-rập Xê-út và Ca-ta,… đồng thời, biện minh cho kế hoạch triển khai “lá chắn tên lửa” ở châu Âu của họ.

Cùng với đó, sức ép chính trị của các bên cũng là nguyên nhân làm cho Mỹ và I-ran không thể nhượng bộ trên bàn đàm phán. Đối với I-ran, sức ép từ phe bảo thủ trong Quốc hội luôn muốn sử dụng đường lối cứng rắn trong bảo vệ chương trình hạt nhân quốc gia đã cản trở đáng kể thiện chí thỏa hiệp của chính quyền Tổng thống ôn hòa Giâu-ha-ni. Về phía Mỹ, phái diều hâu vốn luôn hoài nghi thiện chí của I-ran, đã khiến nỗ lực khai thông bế tắc của Tổng thống B. Ô-ba-ma trong vấn đề hạt nhân của Tê-hê-ran trở nên khó khăn. Thậm chí, ngay sau khi vòng đàm phán ngày 24-11 vừa qua phải gia hạn thêm thời gian, phe Cộng hòa lập tức đòi Chính phủ Mỹ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới để gia tăng áp lực, buộc I-ran phải nhượng bộ. Bên cạnh đó, các đồng minh chủ chốt của Mỹ ở khu vực, như: I-xra-en, A-rập Xê-út và Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất,… cũng tạo áp lực không nhỏ đối với Oa-sinh-tơn. Đã từ lâu, ba quốc gia này luôn coi I-ran là kẻ thù không đội trời chung và đều cho rằng, một thỏa thuận (về chương trình hạt nhân của I-ran) bất lợi đối với phương Tây thậm chí còn tồi tệ hơn nhiều so với việc không đạt được bất cứ một thỏa thuận nào. Riêng I-xra-en, bất chấp việc đạt được một thỏa thuận hay không, Ten A-víp vẫn không bao giờ tin rằng, I-ran sẽ từ bỏ tham vọng vũ khí hạt nhân và luôn xác định mục tiêu không thay đổi là bằng mọi giá phải ngăn chặn Tê-hê-ran đạt được tham vọng đó. Nhận xét về nhóm nguyên nhân này, chính giới của nhiều nước đều khẳng định: lòng tin, sức ép và những toan tính chính trị của các bên đã, đang là rào cản khó vượt qua nhất trên con đường đi tới một thỏa thuận cuối cùng, toàn diện về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của I-ran.

Về triển vọng khai thông thế bế tắc

Ai cũng thấy, đạt được một thỏa thuận về “hồ sơ hạt nhân” của I-ran sẽ đem đến lợi ích cho cả hai phía. Với I-ran, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây đang gây ra những tổn hại không nhỏ đối với nền kinh tế của quốc gia Hồi giáo này và nó càng trở nên trầm trọng hơn khi giá dầu thế giới liên tục lao dốc trong thời gian qua. Trong khi kế hoạch ngân sách của I-ran (giai đoạn 2014 - 2015) được tính toán dựa trên cơ sở mức giá dầu bình quân là 140 USD/thùng thì hiện tại, mức giá này đã rớt xuống dưới 60 USD/thùng và chưa có dấu hiệu tăng trở lại. Rõ ràng, trong tình thế hiện nay, I-ran đang phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách nghiêm trọng. Vì thế, vấn đề quan tâm hàng đầu của hàng triệu người dân I-ran là phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân; đồng thời, hướng tới một chính sách ôn hòa, mở cửa đối với bên ngoài.

Trong khi đó, ở bên kia bàn đàm phán, nhiều nước phương Tây cũng muốn đạt được thỏa thuận toàn diện với I-ran và thúc đẩy mối quan hệ với quốc gia Hồi giáo này, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường giàu tiềm năng mà từ lâu chưa khai phá. Đối với Mỹ, đó còn là đòn bẩy để khôi phục uy tín của chính quyền Tổng thống B. Ô-ba-ma trong bối cảnh đảng Dân chủ bị thất sủng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua. Quan trọng hơn, đạt được một thỏa thuận hạt nhân sẽ có tác động tích cực tới cục diện an ninh khu vực; thúc đẩy tiến trình không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Trung Đông và thế giới; đồng thời, có thể loại bỏ nguy cơ một cuộc tấn công quân sự của Mỹ và đồng minh vào I-ran bất cứ lúc nào, v.v.

Có lẽ vì thế mà cho dù bỏ lỡ thời hạn chót lần thứ hai, các bên vẫn nhất trí kéo dài thời gian đàm phán thêm 7 tháng nữa, nhằm tránh cho vòng đàm phán khỏi bị sụp đổ hoàn toàn. Tuy nhiên, càng kéo dài thời gian đàm phán, các bên không những không tận dụng được thời cơ, thuận lợi xuất hiện như vừa qua, mà còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại mới cả ở trong và ngoài nước. Trong đó, việc phe Cộng hòa ở Mỹ giành quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội hoặc Tổng thống Giâu-ha-ni và xu hướng ôn hòa ở I-ran yếu đi đều là thách thức đối với tiến trình đàm phán. Vì thế, để có thể khai thông bế tắc trong hóa giải “hồ sơ hạt nhân” của Tê-hê-ran cho vòng đàm phán tới, đòi hỏi các bên phải có thiện chí và giải pháp toàn diện, nhằm giải quyết gốc rễ mọi nguyên nhân, nhất là đối với nhóm nguyên nhân về chiến lược - chính trị. Cùng với các biện pháp giải quyết, thu hẹp các bất đồng có tính kỹ thuật, các bên đàm phán cần gạt bỏ mọi toan tính, vì cục diện chung, nêu cao sự thiện chí cả trên lời nói và hành động, mà quan trọng nhất là tôn trọng và bảo đảm thực thi nghiêm túc các thỏa thuận đã đạt được, trên cơ sở đó, xây dựng lòng tin lẫn nhau để từng bước thu hẹp bất đồng. Chỉ có như vậy, thế bế tắc nhiều năm về “hồ sơ hạt nhân” của I-ran mới có thể được tháo gỡ, tạo nhân tố mới thúc đẩy hòa bình, ổn định cho khu vực thường xuyên bất ổn này./.   

                   

NGUYỄN NGỌC ANH

 


1 - Gồm - Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức.

2 - Gồm - I-ran, Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức và Liên minh châu Âu

 

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...