Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 02/11/2015, 10:22 (GMT+7)
Cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu - căn nguyên và giải pháp
Những người tị nạn bật khóc bên bờ biển sau khi đặt chân đến châu Âu (Ảnh: CNN)

Theo thống kê của Cơ quan quản lý biên giới châu Âu, kể từ đầu năm đến nay đã có hơn 300.000 người từ các nước Xy-ri, I-rắc, Li-bi,… bất chấp hiểm nguy tính mạng để vượt Địa Trung Hải để đến châu lục này và dự báo con số đó có thể lên tới 01 triệu người vào cuối năm 2015. Vì sao có hiện tượng nghiêm trọng hy hữu này? Cộng đồng quốc tế, mà trực tiếp là Liên minh châu Âu đối mặt và giải quyết thách thức gay gắt đó ra sao trong thời gian tới?   

1. Căn nguyên khủng hoảng di cư

Theo các chuyên gia phân tích, khác với các cuộc khủng hoảng di cư trong lịch sử, làn sóng di cư sang châu Âu hiện nay nhìn bề ngoài có vẻ mang tính đột biến, nhưng thực chất không phải vậy. Bởi nó xuất phát từ nhiều nguyên nhân không khó nhận biết, dự báo. Trong đó, vấn đề khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội ở các nước khu vực Bắc Phi - Trung Đông được coi là nguyên nhân trực tiếp (nội tại), còn nguyên nhân sâu xa của nó phải chăng là sự cạnh tranh chiến lược, địa chính trị một cách ích kỷ vì lợi ích riêng của các nước lớn. Không khó để nhận thấy nguyên nhân của vấn đề nếu đặt nó trong chuỗi liên kết biện chứng: Làn sóng di cư - hậu “Mùa xuân A-rập” - “Mùa xuân A-rập”. Và căn nguyên của chuỗi sự kiện trên cũng là căn nguyên của mỗi sự kiện, trong đó có làn sóng di cư. Nguyên nhân trực tiếp của cuộc khủng hoảng di cư biểu hiện rõ nét ở nạn thất nghiệp tràn lan; sự chênh lệch giàu nghèo dẫn tới bất bình đẳng trong xã hội ở các nước khu vực này không ngừng gia tăng. Đặc biệt, sự trì trệ cùng những chính sách quản lý, điều hành hà khắc của chính quyền sở tại (kéo dài trong nhiều năm) khiến dân chúng bất bình. Điều này lý giải vì sao, khó khăn về kinh tế - xã hội ở các quốc gia khu vực Bắc Phi - Trung Đông (thời gian qua) tuy không trầm trọng hơn so với các khu vực đói nghèo khác trên thế giới, nhưng bất ổn chính trị vẫn xảy ra, thậm chí đã tác động làm sụp đổ thể chế chính trị của nhiều nước.

Bên cạnh đó, sự can thiệp của các nước phương Tây núp dưới chiêu bài “cải cách dân chủ” cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn tới khủng hoảng. Thực tiễn cho thấy, các biến động chính trị - xã hội mang tên “Mùa xuân A-rập” (từ cuối năm 2010 tới nay) thực chất là hậu quả việc thực hiện chiến lược “Đề án Trung Đông lớn” của Mỹ. Dưới tác động của “Mùa xuân A-rập”, bạo lực, xung đột đã diễn ra ở nhiều nước khu vực Bắc Phi - Trung Đông khiến người dân nơi đây phải rời bỏ nhà cửa, đất nước đi lánh nạn, tạo làn sóng di cư ồ ạt sang châu Âu và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Một nguyên nhân nữa dẫn tới cuộc khủng hoảng là do các nước châu Âu chưa có chính sách thống nhất về giải quyết người tỵ nạn. Nhiều nhà nghiên cứu chiến lược cho rằng, mặc dù việc gia tăng người di cư vào châu Âu đã diễn ra từ ba năm nay và nhiều nước của châu lục này đã tham gia Công ước quốc tế về người tỵ nạn; thậm chí một số nước trong Liên minh châu Âu còn tham gia Hệ thống Đu-bơ-rin về quy định trách nhiệm của các quốc gia thành viên trong thực hiện các thủ tục đăng ký tiếp nhận người tỵ nạn, nhưng trước áp lực mạnh mẽ của làn sóng người di cư trong năm 2015, các quốc gia châu Âu đều bị động và có quan điểm, chính sách xử lý rất khác nhau. Do hậu quả của quá trình già hóa dân số, một số nước, trước hết là Đức sẵn sàng tiếp nhận người tỵ nạn, nhằm dễ dàng tuyển chọn nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đất nước. Trong khi đó, những quốc gia khác, như: I-ta-li-a, Hy Lạp và các nước vùng Ban-căng (Xéc-bi-a, Hung-ga-ri, Cô-rát-ti-a) lại không sẵn sàng tiếp nhận do lo ngại về an ninh và khó khăn kinh tế trong nước. Tuy nhiên, dòng người nhập cư muốn đến được các nước có nhu cầu tiếp nhận (để tăng cơ hội có việc làm và điều kiện phúc lợi cao hơn) phải đi qua những nước phản đối chính sách nhập cư. Thay vì thực hiện các quy định trong Hệ thống Đu-bơ-rin, các nước “tuyến đầu” này đã kiên quyết đóng cửa biên giới. Vì thế, tạo cảnh hỗn loạn và bất ổn ngày càng gia tăng, thậm chí nhiều nơi đã xảy ra tình trạng bạo lực. Mặt khác, việc các nước sở tại ngăn chặn trên đường bộ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã thôi thúc người di cư vượt Địa Trung Hải để đến miền đất hứa và các thảm cảnh trên biển đã xảy ra, khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Như vậy, do thiếu một chính sách nhất quán trong giải quyết vấn đề người di cư, các nước châu Âu đã làm cho cuộc khủng hoảng vốn đã phức tạp lại càng phức tạp hơn.

2. Thách thức gay gắt và giải pháp bước đầu

Theo đánh giá của Liên hợp quốc, châu Âu hiện đang phải đối mặt với khủng hoảng di cư nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay. Điều đáng nói là, thách thức này gia tăng đột biến, phức tạp, tác động tới nhiều lĩnh vực, không chỉ về kinh tê - xã hội, mà còn làm lung lay các giá trị “nhân văn” vốn có của Cựu lục địa, được thể hiện ở một số nội dung sau:

Thứ nhất, theo đại diện Cao ủy Liên hợp quốc về người tỵ nạn (UNHCR), chỉ tính 9 tháng đầu năm 2015, đã có hơn 620.000 người đăng ký tỵ nạn ở châu Âu (tương đương với số lượng của cả năm 2014). Trong đó, riêng tháng 7-2015 con số người tỵ nạn đã đến châu Âu khoảng 137.000 người. Hơn nữa, dòng người tỵ nạn không chỉ đông về số lượng, mà còn gia tăng đột biến (trong thời gian ngắn) và phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung vào một số nước, như: Đức, Pháp, Hung-ga-ri và I-ta-li-a,…, nên đã tạo áp lực và là thách thức lớn đối với EU trong việc thống nhất tìm cách giải quyết vấn đề nan giải này.

Thứ hai, làn sóng di cư ồ ạt vào châu Âu đã tạo sự hỗn loạn về trật tự công cộng, nhất là tại các cửa khẩu biên giới và hệ thống giao thông của một số quốc gia. Trong khi đó, không loại trừ các phần tử Hồi giáo cực đoan, đặc biệt là phiến quân thuộc Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể trà trộn vào dòng người tỵ nạn để thâm nhập vào châu Âu, nhằm thực hiện các hoạt động khủng bố. Vì thế, khủng hoảng di cư ở Lục địa già hiện nay đã, đang trực tiếp đe dọa an ninh của nhiều nước, nhất là đối với các nước tham gia hoạt động không kích chống IS ở I-rắc và Xy-ri.

Thứ ba, khủng hoảng di cư còn tạo ra gánh nặng kinh tế đối với hầu hết các quốc gia châu Âu, nhất là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực đồng tiền chung châu Âu chưa được hóa giải. Riêng nền kinh tế một số nước, như: Hy Lạp, I-ta-li-a, Hung-ga-ri,… không chỉ phải chia sẻ nguồn lực cho công tác cứu trợ nhân đạo về lương thực, y tế cho người tỵ nạn mà còn thiệt hại nặng nề về doanh thu ngành du lịch. Ngoài ra, việc tiếp nhận số lượng lớn người tỵ nạn sẽ đặt ra nhiều thách thức về giải quyết chỗ ở, việc làm trong khi nạn thất nghiệp ở hầu hết các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu chưa được khắc phục.

Thứ tư, áp lực từ làn sóng di cư đến châu Âu khiến bất đồng chính trị trong nội bộ EU ngày càng sâu sắc. Thậm chí, do lo ngại về hiểm họa của chủ nghĩa khủng bố (thông qua con đường nhập cư) có thể buộc các thành viên EU tạm dừng áp dụng Hiệp định Sen-gen1. Việc phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người tỵ nạn cho các thành viên cũng như biện pháp cụ thể xử lý cuộc khủng hoảng khiến nội bộ EU chỉ trích lẫn nhau. Trong khi Hung-ga-ri buộc phải sử dụng biện pháp cứng rắn để ngăn chặn và giảm bớt sự hỗn loạn do dòng người nhập cư gây ra thì Đức lại sẵn sàng tiếp nhận và phê phán cách làm của Bu-đa-pét, v.v.

Như vậy, làn sóng di cư vào châu Âu đã và đang tạo ra thách thức không nhỏ đối với EU, buộc Liên minh này phải đề ra các giải pháp cấp bách, nhằm tháo gỡ những nút thắt của khủng hoảng. Theo đánh giá của các nhà phân tích, mặc dù có những bất đồng về một chính sách chung đối với người tỵ nạn, các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu đang cố gắng xây dựng một cơ chế phân bổ người tỵ nạn cho các nước thành viên. Theo đó, các nước thuộc EU phải cùng nhau chia sẻ trách nhiệm tiếp nhận người nhập cư trên cơ sở điều kiện kinh tế của mỗi nước. Thậm chí, EU còn đề ra yêu cầu đối với các nước chuẩn bị gia nhập Liên minh này chia sẻ trách nhiệm tiếp nhận người di cư và coi đó như một điều kiện tiên quyết để gia nhập ngôi nhà chung châu Âu.

Bên cạnh đó, về mặt tổ chức, tuy EU là thực thể được gắn kết tương đối chặt chẽ, nhưng khả năng, tiềm lực kinh tế và nhu cầu tiếp nhận người nhập cư của mỗi thành viên không giống nhau nên rất cần một cơ chế điều hành linh hoạt cả ở trong và ngoài Liên minh. Vì vậy, nhiều chính khách châu Âu cho rằng, trước hết, EU phải có cơ chế, chính sách để các nước giàu giành thêm nguồn lực hỗ trợ cho các hoạt động tiếp nhận và tạo điều kiện cho người di cư hòa nhập vào cộng đồng của châu lục theo hướng: hỗ trợ hội nhập vào cộng đồng sở tại và tìm việc làm. Đồng thời, tăng cường cung cấp tài chính cho những quốc gia ở gần nguồn dân di cư; hỗ trợ các hoạt động quản lý biên giới ngoài của EU; xây dựng hệ thống pháp lý để tái định cư những người tỵ nạn và thu hút nhân lực có trình độ phù hợp. Ngoài ra, việc huy động các nỗ lực của cộng đồng quốc tế, nhất là vai trò của Liên hợp quốc trong giải quyết cuộc khủng hoảng di cư hiện nay đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, các giải pháp trên mới chỉ giải quyết phần ngọn mà chưa đi vào gốc dễ của vấn đề di cư. Dư luận quốc tế cho rằng, để giải quyết có hiệu quả cuộc khủng hoảng này, các nước châu Âu cần thúc đẩy các nỗ lực kinh tế, ngoại giao,… nhằm giúp các nước khu vực Bắc Phi - Trung Đông ổn định tình hình, loại trừ khủng bố, chấm dứt xung đột, lập lại hòa bình. Chỉ có như vậy mới có thể giải quyết cuộc khủng hoảng di cư hiện nay một cách căn bản, lâu dài, góp phần ổn định tình hình an ninh, kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân ở khu vực đầy biến động này.

Đại tá Lê THẾ MẪU
________

1 -  Theo Hiệp định Sen-gen, người nào được cấp vi-da Sen-gen vào một nước thành viên của EU sẽ có quyền di chuyển tự do qua biên giới của tất cả các quốc gia thuộc Liên minh này.

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...