Thứ Bảy, 23/11/2024, 10:41 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Ngày 12-6-2018, tại Xin-ga-po đã diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh đặc biệt giữa Tổng thống Mỹ Donanld Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Cuộc gặp thượng đỉnh kết thúc tốt đẹp với Tuyên bố chung ngắn gọn, gồm 04 nội dung then chốt, nhưng có ý nghĩa rất lớn và sâu sắc, mở ra nhiều tiến trình mới, không chỉ cho quan hệ Mỹ - Triều mà cho cả các đối tác ở khu vực và trên thế giới.
Bối cảnh
Năm 2018, Triều Tiên kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước và cũng là năm đầu tiên công bố hoàn thành chương trình hạt nhân tên lửa (ngày 29-11-2017) và tự nhận là “cường quốc chiến lược toàn diện”. Trong thông điệp chào mừng năm mới, ngày 01-01-2018, Chủ tịch Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên chuyển hướng chiến lược sang phát triển kinh tế, nhằm nâng cao đời sống của nhân dân và làm cho xã hội thịnh vượng hơn. Sự chuyển hướng chiến lược này là thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng Lao động Triều Tiên tại Đại hội toàn quốc lần thứ VII (5-2016): “chuyển từ đường lối chính trị tiên quân (ưu tiên hàng đầu cho quân sự/quân đội) sang đường lối song tiến”, tức là vừa xây dựng kinh tế, vừa phát triển sức mạnh hạt nhân. Về đối ngoại, Triều Tiên vẫn coi Mỹ là kẻ thù trực tiếp, nguy hiểm; Nhật Bản là “kẻ thù truyền thống”; Hàn Quốc lúc thân thiện, lúc thù địch. Triều Tiên bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ, chịu liên tiếp 02 Nghị quyết trừng phạt (2270 tháng 01-2016 và 2321 tháng 9-2016) của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và hàng loạt biện pháp trừng phạt song phương, đơn phương từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu, v.v.
Đối với Chính quyền Mỹ, từ khi lên cầm quyền, ông Đô-nan Trăm (Donald Trump) coi việc xử lý vấn đề hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên là một trong hai ưu tiên cao nhất tại khu vực Đông Bắc Á. Cùng với duy trì các biện pháp cấm vận, Mỹ gia tăng sức ép toàn diện lên Triều Tiên; đồng thời, triển khai lực lượng quân sự hùng hậu nhất từ trước tới nay đến khu vực này nhằm gây sức ép với Bình Nhưỡng. Cuối năm 2017, quan hệ Mỹ - Triều có những lúc căng thẳng cao độ, làm cho Tổng thống Mỹ phải tuyên bố, “nếu bị buộc phải tự vệ và bảo vệ đồng minh, Mỹ có thể sẽ phải hủy diệt Triều Tiên”. Nhưng để đạt được mục đích của mình, Tổng thổng Mỹ Đô-nan Trăm đột ngột nhận lời gặp ông Kim Jong-un. Đây là một bất ngờ lớn, không ai có thể dự báo trước và gây ra một loạt vấn đề mới, khó lường ở khu vực.
Còn đối với Hàn Quốc, khi ông Moon Jae-in lên cầm quyền, Xơ-un đã có một số điều chỉnh chính sách quan trọng đối với Triều Tiên, chuyển từ răn đe sang “cùng tồn tại hòa bình, cùng thịnh vượng, không đối đầu, không thống nhất”. Cùng với đó, Xơ-un có nhiều nỗ lực nhằm giảm căng thẳng và ổn định tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Ngày 09-01-2018, tại Bàn Môn Điếm diễn ra cuộc gặp cấp cao giữa hai miền Triều Tiên, hai bên đã đạt nhiều thỏa thuận quan trọng. Một trong các việc đó là Triều Tiên sẽ cử nhiều đoàn: vận động viên, cổ động viên và ban nhạc; đặc biệt, trong đó có Đoàn cán bộ cấp cao tham dự khai mạc Thế vận hội mùa Đông tại Pi-ông Chang (Pyeong Chang), Hàn Quốc. Tiếp đó, ngày 27-4-2018, Hàn Quốc và Triều Tiên đã có cuộc gặp cấp cao lịch sử tại Bàn Môn Điếm và ra Tuyên bố chung, gồm 03 điểm lớn: (1). Thúc đẩy quan hệ liên Triều, thông qua việc nối lại quan hệ máu thịt giữa nhân dân hai miền, xây dựng thịnh vượng chung và thống nhất đất nước do chính người Triều Tiên tiến hành; (2). Cam kết giảm căng thẳng quân sự, xóa bỏ nguy cơ chiến tranh giữa hai miền; (3). Tích cực hợp tác thiết lập một chế độ hòa bình vững chắc và lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
Ngoài ra, không thể không nhắc tới các chuyến thăm Trung Quốc của ông Kim Jong-un, trong đó đặc biệt là chuyến thăm tới Đại Liên ngay trước cuộc gặp thượng đỉnh ngày 12-6-2018. Các chuyến thăm này đã góp phần phục hồi quan hệ Trung – Triều, vốn gặp nhiều khó khăn, trắc trở kể từ tháng 12-2011, khi ông Kim Jong-un lên cầm quyền.
Một số vấn đề đạt được
Mặc dù còn nhiều bất đồng, song cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều vẫn diễn ra đúng theo lịch trình. Ngày 12-6-2018, tại Xin-ga-po, hai nhà lãnh đạo tối cao của Mỹ và Triều Tiên đã tiến hành các cuộc gặp song phương, hội đàm chính thức, ký Tuyên bố chung và họp báo quốc tế. Bản Tuyên bố ngắn gọn, gồm 04 nội dung chính: (1). Mỹ và Triều Tiên cam kết thiết lập quan hệ mới phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng; (2). Mỹ và Triều Tiên sẽ có nhiều nỗ lực chung nhằm xây dựng một chế độ hòa bình, ổn định và lâu dài trên bán đảo Triều Tiên; (3). Khẳng định lại Tuyên bố Bàn Môn Điếm hôm 27-4-2018, trong đó có việc Triều Tiên cam kết nỗ lực hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên (4). Mỹ và Triều Tiên cam kết tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ mất tích và tù binh chiến tranh (POW/MIA); hồi hương ngay lập tức những bộ hài cốt đã được xác định rõ ràng. Kết quả này, về cơ bản không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia, nhưng bản Tuyên bố này có 3 điểm rất đáng chú ý và có một bất ngờ thú vị:
Thứ nhất, ba nội dung đầu tiên của Tuyên bố trên hoàn toàn trùng khớp với những tuyên bố của hãng thông tấn Trung ương Tiều Tiên (KCNA) hôm 11-6-2018, một ngày trước khi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều. Điều này cho thấy, phía Mỹ đã có những nhân nhượng đáng kể, còn Triều Tiên thì đạt được hầu hết các điểm mà họ mong muốn ngay từ đầu.
Thứ hai, vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, điều mà Mỹ ưu tiên số 1 lại chỉ xếp thứ ba trong Tuyên bố chung. Không những thế, điều này còn đặt trong khuôn khổ của Tuyên bố Bàn Môn Điếm giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên ngày 27-4-2018 và không có bất kỳ kế hoạch chi tiết nào để triển khai kết quả này; thậm chí, Triều Tiên cũng chỉ “cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn” một cách chung chung, chứ không phải là thực hiện ngay lập tức. Điều đó đã chuyển đi thông điệp rằng, Triều Tiên chưa bung “át chủ bài” của mình nếu Mỹ không có cam kết cụ thể, rõ ràng về vấn đề dỡ bỏ lệnh cấm vận, v.v. Ngược lại, Mỹ cũng không có cam kết gì về vấn đề dỡ bỏ lệnh cấm vận chống lại Triều Tiên. Ngoài ra, trong nội dung này còn có một hàm ý quan trọng là vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên trước hết phải do người Triều Tiên giải quyết trước, rồi mới bàn với các cường quốc bên ngoài.
Thứ ba, hai bên cam kết tiến hành trao trả hài cốt quân nhân Mỹ mất tích, đặc biệt là các bộ hài cốt đã được xác định. Đây là điểm bất ngờ và thú vị nhất của bản Tuyên bố này. Vì, trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) hơn 8 nghìn quân nhân Mỹ mất tích (theo tin của Bộ Quốc phòng Mỹ). Đây là vấn đề rất lớn đối với Oa-sinh-tơn (Washington). Do đó, ngay sau cuộc chiến tranh kết thúc, hai bên ký một thỏa thuận ngừng bắn, thay vì một hòa ước, Mỹ và Triều Tiên đã nhiều lần đàm phán thực hiện vấn đề này, song còn nhiều bất đồng và chấm dứt vào năm 2005. Có lẽ đây là thời điểm tốt nhất “không thể tốt hơn” để Oa-sinh-tơn đưa các bộ hài cốt về cho thân nhân.
Dư luận quốc tế và các vấn đề đặt ra
Đến nay, giới chuyên gia nhìn chung đều cho rằng, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều là một cuộc gặp lịch sử, bước khởi đầu cho một tiến trình hòa giải không chỉ giữa Mỹ và Triều Tiên, mà còn thúc đẩy quan hệ của Triều Tiên với hàng loạt quốc gia ở khu vực và trên thế giới, đặc biệt là quan hệ liên Triều, Trung - Triều, Nhật - Triều, v.v. Một tiến trình mới thực sự đã bắt đầu trên bán đảo Triều Tiên, song không ai dám chắc tiến trình này sẽ đi đến đâu, vì hiện nay còn quá nhiều vấn đề không rõ ràng. Ngay trong Bản Tuyên bố chung cũng không đưa ra các cam kết cụ thể hay bất kỳ kế hoạch hành động chi tiết nào. Do vậy, chắc chắn hai bên sẽ còn phải gặp nhau nhiều lần, thậm chí ở cấp cao để thúc đẩy việc triển khai, thực hiện. Đây cũng là một thắng lợi lớn của ngoại giao Triều Tiên trong bối cảnh Bình Nhưỡng chuyển ưu tiên phát triển tên lửa hạt nhân sang ưu tiên phát triển kinh tế, cải thiện vị thế đối ngoại của họ ở khu vực và trên thế giới.
Với những kết quả như vậy, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều vừa qua đã đặt ra một số vấn đề có thể có những tác động sâu sắc tới môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực và tác động trực tiếp tới Việt Nam trên nhiều phương diện.
Một là, Mỹ - Triều sẽ có những bước đi tiếp theo như thế nào? Ngay sau khi về nước, hãng KCNA của Triều Tiên chính thức khẳng định ông Kim Jong-un đã nhận lời mời thăm Mỹ của Tổng thống Đô-nan Trăm. Theo đó, hai bên đang tích cực thu xếp cho chuyến thăm này, có thể sẽ diễn ra nhân dịp lãnh đạo cấp cao Triều Tiên đến Niu Ooc tham dự Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9-2018. Đây là một chuyến thăm mà Triều Tiên rất mong đợi vì việc ông Kim Jong-un phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc; đồng thời, là sự khẳng định và công nhận địa vị cường quốc chiến lược của Triều Tiên hiện nay (theo quan điểm của Triều Tiên). Hơn nữa, nếu trong đợt này, Mỹ - Triều thu xếp được một cuộc gặp cấp cao thứ hai, cho dù là bên lề Đại hội đồng, hay ngay tại thủ đô Oa-sinh-tơn D.C của Mỹ thì đó là bước củng cố vững chắc hơn nữa vị thế của Triều Tiên trên trường quốc tế, cũng như vị thế chính trị của ông Kim Jong-un ở trong nước.
Hai là, vừa qua Triều Tiên và Trung Quốc đã đẩy mạnh quan hệ đối ngoại, nhất là sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, ông Kim Jong-un sang thăm Trung Quốc lần thứ ba không chỉ để cảm ơn Bắc Kinh đã trợ giúp Bình Nhưỡng, mà còn mời Chủ tịch Tập Cận Bình thăm chính thức Triều Tiên. Điều này đang đặt ra nhiều vấn đề cần xử lý. Nếu ông Tập Cận Bình thăm Triều Tiên trước khi ông Kim Jong-un đi Mỹ thì đây sẽ là một lợi thế to lớn về chính trị và đối ngoại cho Triều Tiên. Việc này sẽ tác động mạnh tới tập hợp lực lượng ở khu vực và việc triển khai các lệnh trừng phạt Triều Tiên. Các nước khu vực, nhất là ASEAN,… sẽ buộc phải tính tới điều chỉnh chính sách đối với Triều Tiên trong bối cảnh mới.
Ba là, nếu Mỹ - Triều thiết lập quan hệ như cam kết và Triều Tiên tiến hành cải cách, mở cửa thì Bình Nhưỡng sẽ đi theo hướng nào? Liệu các công ty của Hàn Quốc có rút bớt và chuyển hướng chiến lược trong các kế hoạch đầu tư ở Việt Nam để đầu tư về Triều Tiên hay không? Hiện nay, dư luận quốc tế cho rằng, Triều Tiên có thể học tập mô hình cải cách, mở cửa và hội nhập của Việt Nam mà vẫn duy trì được sự ổn định chính trị và sự lãnh đạo của Đảng Lao động Triều Tiên. Ngoài ra, trên thế giới cũng còn nhiều mô hình khác: Trung Quốc, Xin-ga-po để Triều Tiên áp dụng.
Bốn là, nếu hai miền Triều Tiên và Mỹ đều tuyên bố chấm dứt chiến tranh, thiết lập các cơ chế lâu dài, bền vững để duy trì hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên, không loại trừ khả năng Mỹ sẽ bố trí lại toàn bộ lực lượng hiện đang đồn trú ở Hàn Quốc hoặc cả ở Tây Thái Bình Dương. Vừa qua, chính Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã tuyên bố ngừng một số cuộc tập trận với Hàn Quốc để tạo điều kiện thuận lợi cho Triều Tiên triển khai cam kết của mình với Mỹ. Nếu như vậy, cục diện chiến lược ở khu vực sẽ còn nhiều diễn biến khó lường, đan xen cả cơ hội và thách thức.
Nói tóm lại, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều ngày 12-6-2018 là một sự kiện lịch sử trọng đại, mở ra nhiều tiến trình mới ở khu vực, nhưng cũng hàm chứa không ít ẩn số cho các bên. Trong đó, có rất nhiều vấn đề được đặt ra đối với cả Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ cùng các nước có liên quan và câu trả lời thỏa đáng vẫn còn ở phía trước.
TS. TRẦN VIỆT THÁI, Học viện Ngoại giao
Cuộc gặp thượng đỉnh,Tổng thống Mỹ,Chủ tịch Triều Tiên
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ