Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 13/07/2015, 15:56 (GMT+7)
Cuộc chiến Y-ê-men – một trái đắng nữa của “Mùa xuân A-rập”

Cách đây gần 5 năm, những biến chuyển chính trị - xã hội ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi đã tạo ra “Mùa xuân A-rập”. Song, đó không phải “mùa xuân” với những hoa thơm, quả ngọt mà là cuộc khủng hoảng toàn diện về chính trị, kinh tế - xã hội và an ninh ở khu vực. Gần đây, cuộc chiến ở Y-ê-men bùng phát - thêm một trái đắng nữa từ “Mùa xuân A-rập”.

Nhà cửa bị tàn phá sau giao tranh ở thủ đô Xa-na, Y-ê-men (Ảnh: AP)

Theo dõi những gì diễn ra gần 5 năm qua ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi cho thấy, không phải ngẫu nhiên mà “Mùa xuân A-rập” lại nhằm vào các quốc gia, như: Tuy-ni-di, Ai Cập, Li-bi, Xy-ri,… hay Y-ê-men. Bởi, đây là những nước có vị thế địa - chính trị quan trọng mà từ lâu đã nằm trong tầm ngắm của Mỹ, nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược Đại Trung Đông và chiến lược toàn cầu trên vành đai địa - chính trị kéo dài từ Bắc Phi - Trung Đông tới Trung và Nam Á. Đồng thời, đó còn là khu vực cạnh tranh lợi ích giữa các cường quốc trong và ngoài khu vực, chủ yếu là về dầu mỏ, khí đốt và an ninh hàng hải quốc tế; trong đó, Y-ê-men là một trong những mắt xích trọng yếu của khu vực.

Vị thế địa - chính trị và tình hình Y-ê-men

Là quốc gia tận cùng phía Nam của bán đảo A-rập, Y-ê-men có đường biên giới phía Bắc và Đông Bắc lần lượt giáp A-rập Xê-út và Ô-man, còn các hướng khác đều giáp biển (Biển Đỏ, Biển A-rập và vịnh A-đen). Địa thế đó cho phép Y-ê-men án ngữ toàn bộ eo biển Báp An-man-đép – vùng biển có vị thế địa - chiến lược cực kỳ quan trọng trong việc kết nối giữa Biển Đỏ và Ấn Độ Dương. Theo số liệu thống kê của Bộ Năng lượng Mỹ (năm 2013), mỗi ngày có khoảng 3,8 triệu thùng dầu thô được vận chuyển qua eo biển này để cung cấp cho thị trường châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á. Còn theo các chuyên gia quân sự, Y-ê-men là điểm nút chiến lược của khu vực, từ đây có thể khống chế toàn bộ các hoạt động thương mại và quân sự tại eo biển An-man-đép và vùng biển khu vực.

Cùng với đó, Y-ê-men còn là quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản, nhất là dầu mỏ và khí đốt. Theo đánh giá của Cơ quan năng lượng quốc tế, Y-ê-men có trữ lượng dầu mỏ ước đạt 4 tỉ thùng, 480 tỉ m3 khí đốt và trung bình mỗi ngày, nước này có thể sản xuất trên 402.000 thùng dầu. Tuy nhiên, do lịch sử để lại và do nhiều nguyên nhân khác nhau, Y-ê-men vẫn là quốc gia kém phát triển nhất so với khu vực Trung Đông; trong đó, thu nhập bình quân đầu người ở mức thấp nhất trong số các nước A-rập. Hiện nay, nền kinh tế Y-ê-men chủ yếu dựa vào ba nguồn thu chính từ khai thác dầu mỏ, sản xuất nông nghiệp và đánh bắt cá nên đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây bất ổn xã hội và cũng là “cái cớ” để các cường quốc trong và ngoài khu vực tranh giành ảnh hưởng đối với Y-ê-men.

Trọng điểm của “Mùa xuân A-rập”

Do tình hình kinh tế - xã hội Y-ê-men lâm vào khó khăn triền miên đã tạo môi trường thuận lợi để các thế lực bên ngoài kích động phong trào phản đối nhà cầm quyền trong nước. Đặc biệt, khi “Mùa xuân A-rập” quét qua và làm sụp đổ các thể chế chính trị ở Tuy-ni-di và Ai Cập,… (vào tháng 02-2011), thì tại Y-ê-men cũng nổi lên làn sóng biểu tình phản đối chính quyền của Tổng thống A. Áp-đu-la Xa-lê. Kết quả là, tháng 11-2011, sau nhiều năm tại vị, ông A. Áp-đu-la Xa-lê đã buộc phải ký thỏa thuận chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng thống Man-xua Ha-đi. Dĩ nhiên, việc ông Man-xua Ha-đi lên nắm quyền ở Y-ê-men đều nằm trong kịch bản “Mùa xuân A-rập” nên được Mỹ và phương Tây nhiệt liệt hoan nghênh và coi đó là biểu hiện sinh động của nền “dân chủ”. Sau sự kiện này, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã công khai tuyên bố: “Oa-sinh-tơn sẽ tiếp tục ủng hộ người dân Y-ê-men khi họ thực hiện cuộc chuyển giao lịch sử”.

Tuy nhiên, cuộc chuyển giao được coi là hòa bình đó chỉ là “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, bởi nó mới giải quyết “phần nổi” của tảng băng chìm, mà chưa giải phẫu triệt để những mâu thuẫn gay gắt trong lòng xã hội Y-ê-men. Vì thế, ngay sau khi thành lập chính phủ mới, tại các vùng phía Bắc thủ đô Xa-na đã bùng phát các cuộc giao tranh dữ dội giữa lực lượng trung thành với cựu Tổng thống A. Áp-đu-la Xa-lê với các lực lượng dân tộc cực đoan thuộc “Liên đoàn Y-ê-men vì cải cách”; trong đó, đáng chú ý là lực lượng nổi dậy theo dòng Hồi giáo Xi-ai mang tên Hu-thi. Cùng với đó, trên nhiều khu vực của Y-ê-men, các cuộc xung đột giữa những nhóm sắc tộc và tôn giáo cũng diễn ra quyết liệt đã đẩy tình hình an ninh nước này bất ổn hơn nhiều so với thời kỳ trước khi chuyển giao quyền lực. Trước tình hình đó, Tổng thống Man-xua Ha-đi không những không có các biện pháp kịp thời để vãn hồi trật tự, mà còn chủ trương không thực hiện các cam kết chính trị về chia sẻ quyền lực theo thỏa thuận đã ký với các lực lượng đối lập. Thậm chí, ông Man-xua Ha-đi còn thúc đẩy thực hiện các chính sách mang tính cực đoan, có lợi cho Mỹ và phương Tây mà không hướng vào bảo đảm đời sống người dân, v.v. Điều này đã thúc đẩy các lực lượng đối lập do phong trào Hu-thi làm nòng cốt tiến hành khởi nghĩa vũ trang, buộc Tổng thống Man-xua Ha-đi phải từ chức và thành lập Hội đồng cách mạng để lãnh đạo đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp.

Thế nhưng, do được thế lực bên ngoài hậu thuẫn, ngày 21-02-2015, Tổng thống Man-xua Ha-đi (trong khi di chuyển về phía Nam) đã tuyên bố không từ chức và lấy thành phố A-đen là Thủ đô tạm thời của Y-ê-men; đồng thời, kêu gọi A-rập Xê-út và các quốc gia A-rập can thiệp quân sự, nhằm ngăn chặn các tay súng Hu-thi thông qua kiểm soát không phận Y-ê-men. Đáp lại, ngày 26-3-2015, liên minh các nước A-rập do A-rập Xê-út đứng đầu phát động chiến dịch “Bão táp quyết tâm”, nhằm không kích trên toàn Y-ê-men, gây nhiều thiệt hại cho quốc gia láng giềng này1. Mỹ đã tỏ ý ủng hộ chiến dịch không kích khi Tổng thống B. Ô-ba-ma cho phép hỗ trợ hậu cần và tình báo đối với liên quân vùng Vịnh. Cùng với các đòn không kích, A-rập Xê-út cam kết đóng góp 150.000 quân và nhiều vũ khí hạng nặng để thành lập Quân đội chung của Liên đoàn A-rập, bao gồm các nước, như: Cô-oét, Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất và Ca-ta,… và liên minh quân sự này sẽ mở rộng đến 10 quốc gia khu vực. Như vậy, “Mùa xuân A-rập” ở Y-ê-men đã không mang lại hạnh phúc cho người dân, mà sản phẩm của nó là một cuộc chiến khốc liệt mới đã được châm ngòi.

Toan tính của các bên trong cuộc chiến ở Y-ê-men

Theo các nhà phân tích quốc tế, cuộc chiến ở Y-ê-men không chỉ nhằm giải quyết mâu thuẫn nội tại trong nước, mà còn biểu hiện sự dịch chuyển trung tâm khu vực Trung Đông tới cục diện địa - chính trị mới, với sự tham gia của các lực lượng trong và ngoài khu vực. Trong đó, sẽ hình thành các liên minh mới, bất chấp nguyên tắc không can thiệp của Hiến chương Liên hợp quốc và kèm theo đó là những toan tính của từng bên đối với quốc gia nghèo khó này.

Đối với Mỹ, Y-ê-men tuy là quốc gia nghèo nhất Trung Đông, nhưng có vị trí địa - chính trị và quân sự quan trọng. Trước hết, Mỹ muốn thâu tóm Y-ê-men để bảo đảm rằng, họ có thể kiểm soát được eo biển An-man-đép với các lô hàng thương mại và đường di chuyển quân sự quốc tế. Song, việc ngăn chặn ảnh hưởng của I-ran và tạo được thế đứng chân vững chắc tại Y-ê-men mới là mối quan tâm hàng đầu của Oa-sinh-tơn. Vì thế, trong cuộc chiến này, Mỹ muốn mượn tay liên minh do A-rập Xê-út đứng đầu để ngăn chặn ảnh hưởng của I-ran đối với phong trào Hu-thi ở Y-ê-men. Thông qua hoạt động của các liên minh trong khu vực, dưới ô bảo trợ của Mỹ, Oa-sinh-tơn muốn chứng tỏ rằng, Tê-hê-ran không có đủ tiềm lực để chiếm ưu thế trong khu vực. Hơn nữa, việc phiến quân Hu-thi kiểm soát phần lớn lãnh thổ Y-ê-men, trong đó có Thủ đô Xa-na khiến Lầu Năm Góc và Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) phải rút hàng loạt vị trí đã triển khai hoạt động ở nước này là điều Mỹ không thể chấp nhận được. Do đó, về thực chất, cuộc chiến hiện nay ở Y-ê-men vẫn là cuộc chiến của Oa-sinh-tơn, nhằm dựng lên một chính phủ thân Mỹ để thực hiện mục tiêu địa - chính trị của họ ở quốc gia này. Tuy nhiên, hành động của Mỹ trong cuộc chiến ở Y-ê-men đã bộc lộ mâu thuẫn chưa có lời giải. Đó là, Oa-sinh-tơn không chỉ đứng trên cùng một chiến tuyến với A-rập Xê-út, mà (dưới góc độ nào đó) còn với cả tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng để chống lại phiến quân Hu-thi, trong khi Mỹ lại đang đứng đầu liên minh chống tổ chức khủng bố khét tiếng này.

Tương đồng quan điểm với Mỹ, A-rập Xê-út muốn thông qua cuộc chiến Y-ê-men chủ yếu nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của đối thủ I-ran đối với khu vực nói chung, quốc gia láng giềng Y-ê-men nói riêng. Điều đó được khẳng định khi Ri-i-át liên tục cáo buộc Tê-hê-ran đứng đằng sau hậu thuẫn cho phiến quân Hu-thi. Song, về bản chất, phong trào Hu-thi không phải thân I-ran và không nổi dậy theo sự “ủy nhiệm” của Tê-hê-ran. Đây là lực lượng chính trị độc lập, nổi lên từ sự đàn áp của chính quyền Tổng thống Man-xua Ha-đi được Mỹ và A-rập Xê-út hậu thuẫn. Trong quá khứ (năm 2009), khi chưa nhận được sự giúp đỡ của I-ran, lực lượng Hu-thi đã bị Ri-i-át không kích trong nhiều tuần. Vì vậy, “nguy cơ từ I-ran” đối với Y-ê-men chỉ là cái cớ để Ri-i-át cạnh tranh và thiết lập vai trò lãnh đạo của mình ở khu vực. Thậm chí, nước này còn toan tính việc chia cắt Y-ê-men thành hai miền (Nam - Bắc) và lấy đó như một giải pháp để giảm thiểu ảnh hưởng của phong trào Hu-thi đối với các tỉnh phía Nam. Nếu điều này xảy ra, sẽ tạo cơ sở vững chắc để A-rập Xê-út cùng các quốc gia A-rập có đường trung chuyển thông ra vịnh A-đen và Ấn Độ Dương mà không lo ngại khả năng I-ran phong tỏa eo biển Hoóc-mút.

Về phía phong trào Hu-thi, sở dĩ họ phế truất Tổng thống Man-xua Ha-đi là do ông này phản bội lại thỏa thuận đã ký với Hu-thi cùng các phe phái chính trị khác ở Y-ê-men và điều hành đất nước theo chế độ hà khắc. Mong muốn của lực lượng Hu-thi là xây dựng một nhà nước Y-ê-men dân chủ, hòa hợp dân tộc, theo đường lối độc lập, tự chủ, loại bỏ ảnh hưởng và sự chi phối của các thế lực bên ngoài. Để thực hiện mục đích ấy, Hu-thi vừa thực hiện liên kết các phe phái trong nước, vừa tìm cách quan hệ với các quốc gia khác, nhằm tạo đối trọng với phe Chính phủ. Theo “Nhật báo Phố-Uôn”, các tay súng Hu-thi sau khi chiếm thủ đô Xa-na đang cố gắng xây dựng mối quan hệ với I-ran, Nga và Trung Quốc để tạo sự cân bằng đối với sự hỗ trợ của phương Tây và A-rập Xê-út đối với lực lượng của Tổng thống bị lật đổ Man-xua Ha-đi.

Những toan tính nêu trên cho thấy, cuộc chiến ở Y-ê-men sẽ rất quyết liệt, phức tạp và chưa thể có hồi kết. Dư luận quốc tế cho rằng, trong tình cảnh của Y-ê-men hiện nay, các bên liên quan nên tìm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột này. Chỉ có “cách tiếp cận hòa bình” trên cơ sở hòa hợp dân tộc và tôn trọng nguyên tắc: công việc nội bộ của Y-ê-men phải do chính người dân nước này quyết định, chống can thiệp từ bên ngoài thì hạnh phúc và hòa bình mới có thể mỉm cười với người dân ở quốc gia Trung Đông nghèo khó này.

Đại tá, PGS, TS. ĐỒNG XUÂN THỌ
______________

1 - Theo thống kê của Liên hợp quốc, cho đến nay, các cuộc không kích của liên quân do A-rập Xê-út đứng đầu và giao tranh giữa phong trào Hu-thi với quân đội trung thành với Tổng thống Man-xua Ha-đi đã làm hơn 2.000 người chết, gần 7.300 người bị thương, hàng trăm nghìn người buộc phải rời bỏ nhà cửa và khoảng 20 triệu người cần được hỗ trợ nhân đạo.

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...