Thứ Bảy, 23/11/2024, 03:54 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Ngay sau vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11-9-2001, chính quyền Mỹ đã phát động “cuộc chiến chống khủng bố” trên toàn cầu. Đây là cuộc chiến phiêu lưu, đầy tham vọng, với nhiều toan tính. Tuy nhiên, sau 15 năm nhìn lại, mặc dù thu được một số kết quả quan trọng, nhưng cuộc chiến này cũng bộc lộ nhiều sai lầm, bất cập và khó có hồi kết.
Vụ tấn công khủng bố Tòa tháp đôi thuộc Trung tâm Thương mại Thế giới tại thành phố Niu Y-oóc (Hoa Kỳ), ngày 11-9-2001 đã làm hơn 3.000 người chết và bị thương, khiến nước Mỹ rúng động, bàng hoàng về sự tàn bạo, nguy hiểm của chủ nghĩa khủng bố đối với an ninh quốc gia của siêu cường số 1 thế giới. Đặc biệt, trong bối cảnh nước Mỹ “không có đối thủ” xứng tầm, vụ khủng bố trên là hành động chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Cú “đòn hiểm” đã giáng mạnh vào “lòng kiêu hãnh” của siêu cường “duy nhất” vào thời điểm đó, khiến Oa-sinh-tơn vô cùng tức giận. Để trả đũa, Tổng thống Mỹ G.W. Bu-sơ (khi đó) đã phát động “cuộc chiến chống khủng bố” trên toàn cầu và cuộc tiến công quân sự mang danh “chống khủng bố” nhằm vào Áp-ga-ni-xtan (tháng 10-2001) là “phát súng mở màn” cho cuộc “thập tự chinh” mới của Mỹ thời kỳ “hậu chiến tranh lạnh”.
1. Theo giới phân tích quốc tế, sau 15 năm, với 2 đời Tổng thống cùng những chiến lược khác nhau, “cuộc chiến chống khủng bố” trên toàn cầu của Mỹ đã thu được một số kết quả khá quan trọng. Trước hết, sự kiện 11-9-2001 tuy là “bi kịch lớn”, nhưng theo nhiều chuyên gia, nó cũng là “cái phước” cho nước Mỹ. Thông qua sự kiện đó, Oa-sinh-tơn đã thực hiện điều chỉnh bộ máy chính quyền với quy mô lớn nhất kể từ nửa thế kỷ qua để phòng, chống khủng bố. Đó là, thành lập Bộ An ninh Nội địa, Bộ chỉ huy miền Bắc, Giám đốc tình báo quốc gia, Lực lượng đặc biệt chống khủng bố,… với quy mô lực lượng và kinh phí lần lượt tăng lên gấp hai và ba lần so với trước. Các biện pháp, phương tiện đảm bảo an ninh đường không, đường biển, nội địa, an ninh mạng được phát triển, tổ chức chặt chẽ, nhằm hình thành “phòng tuyến” vững chắc bảo vệ nước Mỹ, v.v. Nhờ đó, Mỹ đã ngăn chặn được nhiều âm mưu khủng bố và về cơ bản không để xảy ra những vụ khủng bố tương tự. Trên thực tế, nước Mỹ đã an toàn hơn, ít nhất là trong thời gian qua. Mặt khác, thông qua hai cuộc chiến tranh tại Áp-ga-ni-xtan và I-rắc, Mỹ đã bắn “mũi tên trúng nhiều đích”. Đó là, không chỉ phô trương sức mạnh quân sự, kiểm nghiệm được các loại vũ khí mới,… mà còn công khai đưa lực lượng thọc sâu, mang tính lịch sử vào Trung Á, tiến vào Trung Đông một cách toàn diện, khiến khả năng kiểm soát địa chiến lược toàn cầu của Mỹ được nâng lên. Hơn nữa, với vai trò lãnh đạo “Liên minh quốc tế” chống khủng bố, sức mạnh mềm và sức mạnh cứng của Mỹ cũng được tăng cường, từng bước đặt nền móng để nước này giữ vai trò “chủ đạo” thế giới. Mỹ và các nước trong “Liên minh quốc tế” chống khủng bố đã tiêu diệt được trùm khủng bố khét tiếng Bin La-đen cùng nhiều phó tướng của An Kê-đa và thủ lĩnh cao cấp của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), được dư luận đánh giá là những “điểm cộng” trong “cuộc chiến chống khủng bố” toàn cầu.
2. Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế đã cho thấy, “cuộc chiến chống khủng bố” của Mỹ cũng bộc lộ nhiều bất cập, khiếm khuyết, được thể hiện trên một số nội dung sau:
Thứ nhất, mơ hồ trong quan niệm về khủng bố và đối tượng khủng bố. Đây là vấn đề nổi cộm nhất và là yếu điểm cốt lõi trong “cuộc chiến chống khủng bố” của Mỹ. Trong giai đoạn đầu của “cuộc chiến chống khủng bố”, chính quyền của Tổng thống G.W. Bu-sơ đưa ra danh sách hàng trăm tổ chức khủng bố trên toàn cầu, trong đó có “trục liên minh ma quỷ” (gồm: I-ran, I-rắc, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên) và coi đó là những “mục tiêu” cần đặc biệt quan tâm. Vì thế, sau khi “hoàn tất” cuộc chiến tranh ở Áp-ga-ni-xtan, lấy lý do Bát-đa phát triển vũ khí hạt nhân và trợ giúp tổ chức khủng bố An Kê-đa, tháng 3-2003, Mỹ đơn phương đem quân tiến công I-rắc, lật đổ chính quyền của Tổng thống Xát-đam Hút-xen. Cuộc tiến công này đã làm dấy lên làn sóng phản đối gay gắt trên các diễn đàn quốc tế của Liên hợp quốc và ngay trong dư luận nước Mỹ về tính xác thực và sự cần thiết. Thực tế là, sau 5 năm kết thúc cuộc chiến, các điều tra của Mỹ đã thừa nhận lý do mà Nhà trắng đưa ra để tiến công I-rắc là không đúng, thực chất là che đậy sự thật, lừa gạt dư luận và sau đó tất nhiên được đổ lên đầu cơ quan tình báo. Nhiều nước đã lên án, coi đây là cuộc chiến tranh đội lốt “chống khủng bố” để Mỹ thực hiện mưu đồ bá quyền ở Trung Đông - khu vực địa chiến lược trọng yếu trong chiến lược toàn cầu của Mỹ.
Thay thế người tiền nhiệm, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma mặc dù thừa nhận “sai lầm” của cuộc chiến tranh ở I-rắc, nhưng vẫn thể hiện sự quyết tâm chống khủng bố với một số điều chỉnh trong chiến lược. Theo đó, thay vì dàn trải trên toàn cầu, Oa-sinh-tơn sẽ chỉ xác định các tổ chức khủng bố trực tiếp đe dọa đến an ninh quốc gia của Mỹ là đối tượng để tiến hành các chiến dịch quân sự. Dư luận cho rằng, Tổng thống B. Ô-ba-ma đã đưa ra quan niệm cụ thể hơn về mối đe dọa từ khủng bố. Tuy nhiên, đầu năm 2014, người đứng đầu Nhà trắng lại bất ngờ tuyên bố điều chỉnh đối tượng chống khủng bố khi xác định mục tiêu chủ yếu của “Liên minh quốc tế” chống khủng bố do Mỹ đứng đầu là IS. Lý do phải gấp rút điều chỉnh đối tượng chiến lược mà ông B. Ô-ba-ma đưa ra là do Mỹ và “Liên minh quốc tế” đã “đánh giá quá thấp năng lực của IS”. Nhiều chuyên gia cho rằng, về mặt quân sự, việc mơ hồ trong xác định đối tượng tác chiến là điều “cấm kỵ”, nó tất yếu dẫn đến việc hoạch định chiến lược và điều hành chiến tranh thiếu hiệu quả và có thể khiến cho “cuộc chiến chống khủng bố” của Mỹ rơi vào thế “lợi bất cập hại”.
Thứ hai, “Chiến lược chống khủng bố” của Mỹ không mang lại hiệu quả như mong muốn. Trong 15 năm qua, Mỹ đã tiến hành 2 “chiến lược chống khủng bố”. Đó là Chiến lược “đánh đòn phủ đầu” (năm 2001) của Tổng thống Mỹ G.W. Bu-sơ còn gọi là “Học thuyết G.W. Bu-sơ” và “Chiến lược chống khủng bố mới” (năm 2013) mà Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đang tiến hành. Tư tưởng chủ đạo của Chiến lược “đánh đòn phủ đầu” là sử dụng ưu thế sức mạnh quân sự đánh phủ đầu mối đe dọa khủng bố tiềm tàng từ “trong trứng nước”. Kết quả là Mỹ đã tiến hành thắng lợi “thần tốc” 2 cuộc chiến tranh ở Áp-ga-ni-xtan (năm 2001) và ở I-rắc (năm 2003), nhưng bị “sa lầy” tại 2 chiến trường này trong hơn một thập kỷ. Đến nay, ở Áp-ga-ni-xtan, lực lượng Ta-li-ban mà Mỹ coi là “khủng bố” vẫn tồn tại và hoạt động mạnh. Còn ở I-rắc, tình trạng bạo lực, khủng bố vẫn diễn ra liên miên, đe dọa đến an ninh nước này và khu vực. Như vậy, về cơ bản, “Học thuyết G.W. Bu-sơ” đã kết thúc trong thất bại đầy tai tiếng.
Thay thế Chiến lược “đánh đòn phủ đầu” của người tiền nhiệm, “Chiến lược chống khủng bố mới” của Tổng thống B.Ô-ba-ma coi trọng tính hiệu quả dựa trên các hoạt động quân sự có chọn lọc. Phương thức tiến hành là, dựa trên tin tức tình báo chính xác, sử dụng các phương tiện bay hiện đại, được trang bị vũ khí thông minh để đánh đòn đột kích “phẫu thuật ngoại khoa”, “điểm huyệt” vào các mục tiêu khủng bố. Chiến lược mới cũng coi trọng phát huy vai trò, chia sẻ trách nhiệm với các nước thuộc “Liên minh quốc tế” trong việc hỗ trợ tài chính, chia sẻ thông tin tình báo, trợ giúp huấn luyện và các hoạt động quân sự trong chống khủng bố. Tuy nhiên, tất cả các biện pháp của Chiến lược mới đã không mang lại kết quả như họ từng tham vọng. Trên thực tế, không quân Mỹ và liên quân đã tiến hành hàng nghìn phi vụ tập kích lực lượng IS ở Xy-ri, nhưng kết quả rất hạn chế. Nhiều báo cáo chỉ ra nguyên nhân là do Nhà trắng rất thiếu thông tin tình báo về IS. Mặt khác, phiến quân IS có khả năng thích nghi nhanh với sự biến đổi của tình hình, ứng phó hiệu quả với các cuộc không kích của Mỹ; trong khi đó, “Liên minh quốc tế” chống khủng bố ngày càng bộc lộ sự thiếu thống nhất, nên không tạo được sức mạnh tổng hợp cần thiết. Ngày càng có nhiều chính khách Mỹ bày tỏ sự thiếu tin tưởng, coi “Chiến lược chống khủng bố mới” của Mỹ là thiếu cứng rắn, không đánh giá hết khả năng của IS và đang yêu cầu phải thay đổi.
Ngoài ra, “cuộc chiến chống khủng bố” trong 15 năm qua đã để lại cho nước Mỹ những hệ lụy về nhiều mặt, cả kinh tế, chính trị và đối ngoại. Riêng về kinh tế, theo thống kê mới nhất, Mỹ đã phải chi cho “cuộc chiến chống khủng bố” hàng chục nghìn tỷ USD; trong đó, riêng chiến tranh ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan đã tiêu tốn khoảng 6.000 tỷ USD. Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (năm 2008) tồi tệ nhất kể từ sau “chiến tranh lạnh” đến nay, khiến sức mạnh kinh tế của Mỹ bị suy giảm đáng kể. Hiện tại, quy mô nền kinh tế Mỹ vẫn giữ ngôi vị số 1 thế giới, nhưng cũng là “con nợ” lớn nhất toàn cầu (nợ hơn 10 nghìn tỷ USD). Đây là thách thức không nhỏ đối với Oa-sinh-tơn, khi “cuộc chiến chống khủng bố” ngày càng lan rộng, phức tạp và chưa thể kết thúc trong một sớm, một chiều.
3. Triển vọng u ám “cuộc chiến chống khủng bố” do Mỹ tiến hành. Theo nhiều phân tích quốc tế, “Chiến lược chống khủng bố mới” của chính quyền Tổng thống B.Ô-ba-ma tuy có những điều chỉnh (cả về đối tượng, phương thức và tính linh hoạt), nhưng về bản chất lại không có sự thay đổi đáng kể so với trước. Chiến lược đó vẫn chỉ dựa vào sức mạnh cường quyền để can thiệp vào các nước có độc lập, chủ quyền dưới một hình thức khác, trên cơ sở những toan tính về lợi ích là chủ yếu. Thực tiễn đã cho thấy, việc thiếu đi các giải pháp đồng bộ, nhất là giải pháp hữu hiệu để giải quyết mối quan hệ đang nổi cộm hiện nay giữa phương Tây với thế giới Hồi giáo, mà chỉ coi trọng sử dụng sức mạnh quân sự để chống khủng bố, Mỹ và phương Tây đang tạo ra nghịch lý “hận thù, bạo lực” nối tiếp nhau không bao giờ chấm dứt. Nó không những không thể tiêu diệt được chủ nghĩa khủng bố mà vô hình trung lại kích động thứ chủ nghĩa này phát triển mạnh hơn, manh động hơn. Điều đó cũng lý giải vì sao Mỹ càng chống khủng bố thì khủng bố càng nhiều thêm, đa dạng và liều lĩnh hơn. An Kê-đa được cho là “đang trên đà tan rã”, thì ngay lập tức IS lại nổi lên với mức độ khủng bố tàn bạo, nguy hiểm hơn gấp nhiều lần, khiến cho Nhà trắng hết sức đau đầu.
Dư luận cho rằng, để chống khủng bố hiệu quả, Mỹ cần phải tiến hành giải pháp đồng bộ với sự hợp tác của cả cộng đồng quốc tế, nhất là giải quyết tận gốc sự đói nghèo, bất công, bất bình đẳng, v.v. Các giải pháp quân sự chống khủng bố phải trên cơ sở luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia; không được sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để phục vụ những mưu đồ, lợi ích riêng trái với công ước, đạo lý quốc tế. Đó là cách tiếp cận mới về chống chủ nghĩa khủng bố. Nếu không như vậy, “cuộc chiến chống khủng bố” của Mỹ sẽ dễ trở thành “cuộc chiến không hồi kết”.
KIỀU LOAN
Chính quyền Mỹ,chống khủng bố,15 năm nhìn lại
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ