Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 09/05/2013, 21:53 (GMT+7)
Cuộc can thiệp quân sự của Pháp vào Ma-li - nhìn từ cục diện quan hệ quốc tế hiện nay

Ngày 11-01-2013, Tổng thống Pháp P. Hô-lăng-đơ đã bất ngờ phát động chiến dịch quân sự can thiệp vào Ma-li. Đây là quyết định được cho là có ý nghĩa quyết định đối với vai trò của Pháp ở châu Phi. Nhìn từ cục diện quan hệ quốc tế, sự kiện này tiếp tục tô điểm cho cuộc cạnh tranh và xung đột địa -  chính trị khốc liệt giữa các nước trên phạm vi toàn cầu.

Binh sĩ Pháp được triển khai tới Ma-li (Ảnh in-tơ-nét).

           

Kỷ nguyên cạnh tranh và xung đột địa – chính trị trong cục diện quan hệ quốc tế sau Chiến tranh lạnh

Cách đây hơn 20 năm (năm 1989), sự kiện phá đổ bức tường Béc-lin, ở góc độ nào đó đã đánh dấu kỷ nguyên đối đầu ý thức hệ giữa hai hệ thống chính trị thế giới trong Chiến tranh lạnh kết thúc, mở ra kỷ nguyên mới – kỷ nguyên cạnh tranh và xung đột địa – chính trị trên phạm vi toàn cầu. Tuy bề ngoài xung đột địa – chính trị không quyết liệt như đối đầu thời Chiến tranh lạnh, nhưng thực chất bên trong lại hết sức cam go, tính chất phức tạp và tác động nhiều chiều đối với nhiều quốc gia, khu vực. Nhìn lên bản đồ thế giới, có thể dễ dàng nhận thấy, các khu vực khủng hoảng chính trị, xung đột vũ trang và chiến tranh cục bộ ngày một nhiều, không ngừng mở rộng về phạm vi và gia tăng mức độ căng thẳng. Đó là vùng Ban-căng với cuộc chiến tranh Cô-xô-vô (năm 1999); Trung Á với cuộc chiến tranh Áp-ga-ni-xtan (từ năm 2001 đến nay); vùng Vịnh với cuộc chiến tranh I-rắc (năm 2003); vùng Ca-xpi với cuộc chiến tranh (5 ngày) giữa Nga và Gru-di-a (năm 2008); tranh chấp chủ quyền trên biển ở Đông Bắc Á, Biển Đông, Bắc Cực… Gần đây, các biến động chính trị - xã hội bùng phát ở khu vực Bắc Phi – Trung Đông (từ cuối năm 2010) diễn ra rất phức tạp, chưa có hồi kết là giai đoạn quan trọng nhất, quyết liệt nhất trong cuộc cạnh tranh và xung đột địa – chính trị toàn cầu.

Về danh nghĩa, các cuộc chiến tranh đó đều nhằm mục đích “chống khủng bố”, “bảo vệ dân thường”, “bảo vệ dân chủ, chống độc tài”, nhưng đằng sau đó là những toan tính lợi ích, cạnh tranh xung đột địa – chính trị không khoan nhượng giữa các cường quốc. Chiến tranh I-rắc (năm 2003) với cái cớ “ngăn chặn vũ khí sát thương hàng loạt” và “đem dân chủ đến cho I-rắc”, nhưng thực chất là sự hiện diện và phát huy ảnh hưởng của Oa-sinh-tơn tại khu vực có vị trí địa – chính trị quan trọng sống còn ở Trung Đông trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Phát động chiến tranh Cô-xô-vô, Mỹ và NATO theo đuổi tham vọng kiểm soát vành đai địa – chính trị kéo dài từ Ban-căng qua vùng Cáp-ca-dơ (thuộc Nga) đến Trung Á, Pa-ki-xtan, Ấn Độ và Trung Quốc. Tiến hành chiến tranh ở Áp-ga-ni-xtan, Mỹ muốn mượn “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” để “lót chỗ” trong “sân sau” của Trung Quốc, tiến tới làm chủ Ấn Độ Dương, khống chế I-ran và mở đường tiến tới các quốc gia trong không gian hậu Xô-viết… Đặc biệt gần đây, do cạnh tranh và xung đột địa – chính trị tại Xy-ri giữa các cường quốc trong và ngoài khu vực quyết liệt, nên cuộc khủng hoảng chính trị dẫn tới xung đột ở quốc gia này vẫn kéo dài, rất phức tạp và chưa có hồi kết. Tất cả điều đó cho thấy, vòng xoáy của cạnh tranh và xung đột địa - chính trị đã ngày càng lan rộng, phức tạp, dưới nhiều hình thức cả về chính trị, kinh tế và quân sự, lôi cuốn nhiều nước tham gia, nhất là các nước lớn. Vì thế, việc Pháp mở chiến dịch quân sự can thiệp vào Ma-li có phần bất ngờ với dư luận, nhưng không quá khó hiểu.

Cuộc chiến tranh của Pháp ở Ma-li nhìn từ sự cạnh tranh địa – chính trị ở châu Phi

Có thể thấy, quyết định can thiệp quân sự bất ngờ vào Ma-li đã đưa Pháp vào tình thế khá mạo hiểm, nhưng đó lại là cơ hội để Pa-ri có một chỗ đứng vững chắc và phát huy ảnh hưởng tại quốc gia Tây Phi này. Điều này cũng lý giải vì sao, sự can dự của Pháp là “chính đáng”, theo yêu cầu của Chính phủ Ma-li, phù hợp với nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhưng sự ủng hộ quốc tế đối với Pháp, nhất là của các đồng minh thân cận, như: Mỹ và phương Tây rất yếu ớt. Theo các nhà quan sát, trong thời gian gần đây, do sức hút tài nguyên thiên nhiên giá rẻ và tiềm năng của thị trường tiêu thụ và đầu tư, châu Phi rơi vào tâm điểm cạnh tranh địa – chính trị quyết liệt giữa các nước: Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và một số quốc gia khác; trong đó, Mỹ thể hiện rất rõ vai trò “phân vai” cho các quốc gia trong cuộc chinh phục và kiểm soát “lục địa đen” này.

Bề ngoài, Mỹ tuyên bố chính sách của họ nhằm góp phần “giảm căng thẳng xung đột chính trị - quân sự” và giải quyết “các vấn đề mang tính nhân đạo” đang đặt ra cho châu Phi, như: “chống tham nhũng và bệnh tật”, “ngăn chặn sự bùng nổ của tệ phân biệt chủng tộc” và “chống khủng bố”… nhưng mục đích thật sự của họ là kiểm soát nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhất là dầu mỏ của châu lục này. Theo đánh giá của các chuyên gia, trong tương lai, 30% tổng số dầu mỏ nhập khẩu của Mỹ là từ châu Phi. Hiện tại, riêng đầu tư của Mỹ vào hoạt động thăm dò, khai thác dầu mỏ đã chiếm từ 67% đến 75% tổng lượng đầu tư của các nước vào châu lục này. Cùng với chiến lược đầu tư kiếm lời, Mỹ đã triển khai xây dựng căn cứ hải quân ở Xao Tô-mê và Prin-xi-pê (từ năm 2002); thành lập Bộ Tư lệnh châu Phi (AFRICOM) vào năm 2008, nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp với các nước chống lại “các mối đe dọa tiềm tàng”. Năm 2009, sau chuyến thăm của Tổng thống B. Ô-ba-ma tới Ga-na, Ngoại trưởng Mỹ đã có chuyến công du 7 nước châu Phi (Kê-ni-a, Nam Phi, Ăng-gô-la, Công-gô, Ni-giê-ri-a, Li-bê-ri-a và Cáp-ve) nhằm bảo vệ và phát triển các lợi ích quan trọng của Mỹ ở châu Phi; đồng thời, thuyết phục các nước để AFRICOM có thể đứng chân lâu dài trên lãnh thổ một nước châu Phi, nhằm từng bước tăng cường sự hiện diện về quân sự của Mỹ trên toàn khu vực.

Trung Quốc bắt đầu quan tâm tới châu Phi từ những năm 50 của thế kỷ XX, chủ yếu xuất phát từ mục đích chính trị. Khi bắt đầu chính sách mở cửa, Trung Quốc đã từng đưa ra khái niệm “mở rộng không gian sinh tồn” hoặc “cuộc tranh giành biên giới mềm” trong bối cảnh cơn lốc của toàn cầu hóa tràn qua các châu lục. Với tinh thần đó, Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – châu Phi (tháng 11-2006) tại Bắc Kinh trở thành sự kiện quan trọng, chứng tỏ Trung Quốc không chỉ đang “mở rộng không gian sinh tồn” mà còn “mở rộng không gian phát triển” sang “lục địa đen”. Từ năm 2010, Trung Quốc đã trở thành lực lượng kinh tế thương mại hàng đầu ở châu Phi; là đối tác thương mại chủ yếu của các nền kinh tế lớn nhất ở khu vực này, như: Ai-cập, Xu-đăng, Ni-giê-ri-a và Ăng-gô-la, từng bước vươn lên, thay thế các đối tác truyền thống ở lục địa này, như: Mỹ, Anh và Pháp, v.v.

Đối với Nga, tuy là quốc gia có diện tích lãnh thổ lớn, có nhiều tài nguyên thiên nhiên ẩn chứa trong lòng đất với trữ lượng lớn, nhưng, gần đây Nga đã nhận ra rằng, tài nguyên thiên nhiên trong nước không chỉ có hạn mà còn là thứ “vũ khí” để tranh giành ảnh hưởng địa – chính trị trên thế giới. Vì vậy, trong chiến lược an ninh quốc gia (mới) đến năm 2020 và trong chính sách đối ngoại, Nga bắt đầu chú ý đến vấn đề bảo vệ lợi ích quốc gia bên ngoài lãnh thổ của mình; trong đó, có châu Phi.

Thực hiện “đường lối ngoại giao dầu mỏ”, Ấn Độ là quốc gia sớm quan tâm và tích cực hoạt động kinh tế thương mại ở châu Phi, nhất là ở các vùng mà sự hiện diện của Mỹ và Trung Quốc còn thưa vắng. Với phương thức khuyến khích quan hệ đối tác cân bằng với các nước, Ấn Độ không chỉ là nước nhập khẩu tài nguyên mà còn là nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu cho các nước châu Phi. Hiện tại, các công ty của Ấn Độ đã có mặt ở hầu hết các nước Đông Phi, như: Tan-da-ni-a, Dăm-bi-a, Mô-ri-xơ và Ma-đa-ga-xca… Hơn nữa, với Dự án hợp tác kỹ thuật (năm 2004), Ấn Độ đã liên kết với 8 nước Tây Phi (Ga-na, Buốc-ki-na-pha-xô, Sát, Cốt Đi-voa, Ghi-nê Xích đạo, Ghi-nê Bít-xao, Ma-li và Xê-nê-gan) nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác.

Pháp là quốc gia có ảnh hưởng không nhỏ ở châu Phi. Bởi, đa số các nước ở châu lục này từng là thuộc địa cũ của họ, nên việc “quan tâm” của nước này đối với “lục địa đen” là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, phạm vi, tần xuất và tính chất can dự của Pa-ri vào châu Phi ngày càng tăng cao. Liên tiếp các sự kiện: lật đổ Tổng thống Cốt Đi-voa (tháng 4-2011); đi đầu can thiệp quân sự lật đổ chính quyền Ca-đa-phi ở Li-bi (tháng 3-2011) và đơn phương mở chiến dịch quân sự can thiệp vào Ma-li (tháng 01-2013) của Pháp đã cho thấy sự bắt đầu của một giai đoạn mới trong cuộc cạnh tranh và xung đột địa – chính trị tại châu Phi.

Theo các chuyên gia phân tích của Tạp chí “Sai-gen” (Đức) và “Bình luận quân sự độc lập” (Nga), chiến dịch quân sự của Pháp tại Ma-li không chỉ là “chống khủng bố” mà quan trọng hơn là đứng vững để kiểm soát nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của quốc gia này. Lập luận “ngăn chặn phiến quân Hồi giáo” và “bảo vệ người dân” của Pa-ri bị dư luận đặt dấu hỏi nghi vấn; bởi, chính các tổ chức khủng bố ở châu Phi đã từng cùng với lực lượng đối lập được Pháp hậu thuẫn trong cuộc chiến ở Li-bi trước đây cũng như trong cuộc xung đột đẫm máu hiện nay ở Xy-ri nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống B. An Át-xát. Thực ra, lợi ích cốt yếu của Pa-ri được ẩn dấu dưới các mỏ u-ra-ni ở phía Bắc nước này hiện do Tập đoàn nguyên tử A-re-va của Pháp khai thác. Theo Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Ma-li có trữ lượng u-ra-ni rất lớn, vào khoảng 4,7 triệu tấn, có thể cung cấp nguyên liệu cho tất cả các nhà máy điện nguyên tử trên thế giới sử dụng trong vòng 85 năm. Trong khi đó, Pháp là quốc gia phụ thuộc vào năng lượng điện nguyên tử nhất thế giới (khoảng 75% điện quốc gia của nước này do các nhà máy điện nguyên tử cung cấp). Do đó, mục đích hàng đầu của chiến dịch quân sự tại Ma-li là bảo đảm lợi ích kinh tế lâu dài của Pa-ri ở châu Phi.

Mặt khác, theo nhận định của Uy-li-am Ăng-đan, chuyên gia nghiên cứu địa – chính trị của Mỹ, hành động can dự của Pháp cũng nằm trong chiến lược của Mỹ nhằm kiểm soát Ma-li. Bởi lẽ, Ma-li là quốc gia rộng lớn, tiếp giáp với nhiều nước, như: An-giê-ri, Mô-ri-ta-ni, Cốt Đi-voa, Ghi-nê, Buốc-ki-na Pha-xô. Những nước này có nhiều tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhất là các tài nguyên chiến lược, như: vàng, u-ra-ni, đồng và măng-gan… Vì thế, đứng chân và kiểm soát được tình hình Ma-li cũng đồng nghĩa với nắm chắc một trong những đầu cầu chiến lược để từ đó kiểm soát các nguồn tài nguyên chiến lược quan trọng của châu Phi.

Như vậy, cuộc chiến tranh của Pháp tại Ma-li một lần nữa chứng tỏ kỷ nguyên cạnh tranh và xung đột địa – chính trị sau Chiến tranh lạnh đang có dấu hiệu tăng nhiệt. Nhiều chuyên gia phân tích chính trị quốc tế đã đề cập đến khả năng thế giới đương đại quay trở lại cuộc xung đột địa – chính trị ở cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX để rồi dẫn tới Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918). Tuy nhiên, kỷ nguyên cạnh tranh và xung đột địa – chính trị trong thế kỷ này có một yếu tố hoàn toàn mới, đó là quá trình toàn cầu hóa đang gắn kết tất cả các quốc gia. Vì thế, nó sẽ chứa đựng nhiều yếu tố bất định, khó lường dễ xảy ra xung đột, chiến tranh cục bộ, nhưng khó xảy ra “chiến tranh thế giới” như trước đây. Nhiều chính khách trên thế giới nhận định rằng: những gì đang diễn ra tại Ma-li phản ánh các thách thức chiến lược ngày càng lớn, trước hết là đối với các quốc gia Bắc Phi, sau đó là đối với cộng đồng quốc tế.

 

Đại tá LÊ THẾ MẪU

 

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...