Thứ Bảy, 23/11/2024, 04:39 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên ngày 12-6-2018 ở Xin-ga-po, quan hệ giữa hai nước đã có bước chuyển căn bản từ thế “đối đầu” sang “đối thoại”. Mặc dù bản thỏa thuận Mỹ - Triều Tiên còn chung chung, chưa thực sự được triển khai trên thực tế, nhưng đã có tác động không nhỏ tới cục diện khu vực, được dư luận hết sức quan tâm.
Kể từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) đến trước khi cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra, Mỹ - Triều Tiên chỉ ký với nhau một Hiệp định Đình chiến, chưa ký một hiệp định nào về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình. Còn Nga và Nhật Bản cũng chưa hề ký với nhau một hiệp định nào về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, mà chỉ ký với nhau một Hiệp định Đình chiến. Bởi thế, khu vực Đông Bắc Á luôn trong tình trạng đối đầu quân sự, nhất là giữa một bên là Triều Tiên với bên kia là Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Đó là căn nguyên làm cho khu vực Đông Bắc Á tập trung lớn các lực lượng răn đe chiến lược của Mỹ, Nga, Nhật Bản, Triều Tiên và Hàn Quốc, v.v. Cũng chính vì lẽ đó, khu vực này lúc nào cũng trong tình trạng đối đầu căng thẳng.
Tuy nhiên, một động thái có tính bước ngoặt là: ngày 12-6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un quyết định gặp nhau và ký kết thỏa thuận Mỹ - Triều, tạo bước chuyển quan trọng từ “đối đầu” sang “đối thoại hòa bình”, mở ra cục diện mới cho khu vực Đông Bắc Á.
Sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, nội bộ Hoa Kỳ có quan điểm thống nhất rất cao rằng, Tổng thống Đô-nan Trăm thay đổi phương sách giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên thể hiện sự khôn ngoan về chiến lược. Bởi lẽ, xét về sâu xa, vấn đề Triều Tiên chưa phải là nhiệm vụ tối quan trọng đối với an ninh Mỹ, nhưng đó lại là “hồ sơ” đầy gai góc, có ảnh hưởng lớn đến vị thế, uy tín của Mỹ đối với khu vực Đông Bắc Á và trên thế giới mà các chính quyền tiền nhiệm chưa giải quyết được. Do vậy, quyết định cải thiện quan hệ Mỹ - Triều của Tổng thống Đô-nan Trăm nhằm thu phục Triều Tiên là sách lược không thể hơn của Hoa Kỳ trong lúc này. Bởi, từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm chưa giải quyết được một hồ sơ quốc tế nào liên quan đến an ninh, chính trị thế giới nói chung, Hoa Kỳ nói riêng, nên việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên được đặt lên hàng đầu. Qua đó, một mặt, Hoa Kỳ muốn biến bán đảo Triều Tiên đang từ chiến trường trở thành thị trường, giúp Mỹ dễ dàng tiếp cận Trung Quốc và Nga. Mặt khác, cải thiện quan hệ với Triều Tiên để giảm bớt căng thẳng ở khu vực Đông Bắc Á, tạo điều kiện thuận lợi cho Hoa Kỳ triển khai, thực hiện Chiến lược Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, từng bước kiềm chế sáng kiến “Vành đai và con đường” của Trung Quốc. Những việc làm đó cũng không ngoài mục đích phục vụ cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ, khi quan điểm hòa hoãn, đối thoại với Nga - “liên Nga chống Trung Quốc” của Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm vấp phải sự phản đối quyết liệt của các đảng phái, kể cả Đảng Cộng hòa, mà Ông là một thành viên. Để duy trì kênh đối thoại với Triều Tiên, Mỹ không những đã nhượng bộ một số vấn đề, mà còn không hề có một phản ứng nào, khi Triều Tiên có những quyết định làm chậm lại tiến trình đàm phán về trình tự phi hạt nhân hóa.
Thực hiện cam kết, hai bên đã có những động thái triển khai các thỏa thuận, song đều rất thận trọng và tính toán kỹ lưỡng, vừa thực hiện, vừa thăm dò phản ứng của đối phương. Mỹ dừng tập trận song phương với Hàn Quốc; thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp giữa nguyên thủ hai nước; tiếp tục gặp gỡ trao đổi các vấn đề liên quan đến giải trừ vũ khí hạt nhân với Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản,... điều kiện bảo đảm cho các cuộc đàm phán tiếp theo giữa Mỹ - Triều Tiên diễn ra thuận lợi, hướng tới mục tiêu thiết lập thể chế hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Không những vậy, Mỹ và Hàn Quốc vẫn chưa đưa ra một quyết định nào đối với các cuộc tập trận khác, như: “Giải pháp then chốt”, “Đại bàng non”, càng không có một bước đi nào về dỡ bỏ cấm vận và trừng phạt đối với Triều Tiên - điều cốt lõi mà Bình Nhưỡng mong đợi. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ còn thông qua Dự luật Ủy quyền quốc phòng (NDAA)1, nội dung chủ yếu là ngăn cản mọi việc tác động đến quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc, ngoại trừ việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Ngược lại, phía Triều Tiên cũng chưa có hành động nào rõ ràng, ngoài việc phá hủy một số cơ sở hạt nhân, trước sự chứng kiến của nhiều phóng viên báo chí quốc tế; nối lại đường dây liên lạc quân sự với Hàn Quốc; tổ chức đoàn tụ các gia đình ly tán trong chiến tranh; trao trả hài cốt binh lính Mỹ mất tích trong chiến tranh và có một vài cuộc gặp cấp cao với Mỹ, Hàn Quốc, v.v.
Trong khi đó, Triều Tiên sẽ làm mọi việc để duy trì xu thế hòa hoãn, phù hợp với chủ trương phát triển đất nước của Đảng Lao động Triều Tiên (Hội nghị Trung ương 3, khóa VII); đó là: thực hiện một thời kỳ hòa hoãn chiến lược, tập trung phát triển kinh tế đất nước cũng như đường lối ngoại giao mới. Thực hiện chủ trương này, Bình Nhưỡng tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế phù hợp với tình hình thực tế đất nước, khu vực Đông Bắc Á. Về ngoại giao, Triều Tiên thực hiện tiếp cận cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ, nhằm đạt được lợi ích cao nhất về mặt chiến lược. Vì thế, Triều Tiên vừa thúc đẩy đối thoại với Mỹ, vừa theo đuổi chính sách “gần gũi hơn” với Trung Quốc; đồng thời, duy trì hợp tác, đối thoại với Hàn Quốc, Nhật Bản, tìm kiếm khả năng gỡ bỏ cấm vận, thúc đẩy quan hệ liên Triều và trong khu vực. Như vậy, sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, Bình Nhưỡng đã có những bước đi rất rõ ràng, vừa muốn bỏ thế đối đầu quân sự với Mỹ, Hàn Quốc để dỡ bỏ trừng phạt, bao vây, cấm vận, thu hút nguồn vốn, kinh nghiệm phát triển kinh tế, vừa giữ được quan hệ lâu dài, láng giềng với Trung Quốc và Nga, phục vụ công cuộc phát triển nền kinh tế, mang lại phồn vinh, thịnh vượng cho đất nước.
Còn Trung Quốc, Nhật Bản và Nga, tuy có sự khác biệt về lợi ích, mối quan tâm và quan điểm tiếp cận trong giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, nhưng tựu trung đều mong muốn bán đảo Triều Tiên hòa bình, ổn định, giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa thông qua đối thoại chính trị. Để không bị gạt ra ngoài trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Nga và Trung Quốc tiếp tục tác động, can dự vào quá trình đàm phán Mỹ - Triều, nhằm duy trì ảnh hưởng và đảm bảo lợi ích chiến lược của mình. Gần đây Nga, Trung Quốc còn gia tăng các cuộc gặp cấp cao với Triều Tiên, thậm chí Tổng thống Nga V. Pu-tin đã mời Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un thăm chính thức Liên bang Nga vào thời gian sớm nhất; Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có kế hoạch thăm chính thức Triều Tiên vào tháng 9 tới. Những động thái trên phản ánh sự quan tâm của Mát-xcơ-va và Bắc Kinh là muốn lấy lại vai trò trong vấn đề đàm phán hạt nhân Triều Tiên.
Trước những gì đang diễn ra tại khu vực Đông Bắc Á và việc cải thiện quan hệ Mỹ - Triều, Nhật Bản quyết định dỡ bỏ lệnh trực chiến đối với các tàu khu trục có trang bị hệ thống ra-đa E-gít (Aegis), còn lực lượng đánh chặn tên lửa trên bộ (PAC3) vẫn trực chiến 24/24 giờ và sẵn sàng bắn hạ mọi tên lửa của Triều Tiên trước khi chúng bay tới lãnh thổ nước này. Vì thực tế, Triều Tiên còn rất nhiều tên lửa tầm trung có thể bay tới lãnh thổ Nhật Bản. Xét về tổng thể, mặc dù quan hệ Mỹ - Triều có những tiến triển khá tốt không những cho quan hệ hai nước, mà còn tác động tích cực đến an ninh khu vực Đông Bắc Á, song Tô-ky-ô vẫn quyết tâm thực hiện Kế hoạch của Bộ Phòng vệ Nhật Bản cuối năm 2017, mua sắm 02 hệ thống tên lửa E-gít A-sô (Aegis Ashore), bổ sung vào hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia. Dự kiến, hệ thống này có thể hoạt động vào năm 2023. Với lực lượng tên lửa như vậy, Nhật Bản có thể bắn hạ mọi loại tên lửa của đối phương - Triều Tiên - từ sớm, từ xa, thậm chí ở ngoài tầng khí quyển, đảm bảo an toàn “tuyệt đối” lãnh thổ. Ngoài ra, Nhật Bản còn theo dõi sát sao diễn biến trên bán đảo Triều Tiên, vì Tô-ky-ô lo sợ Mỹ, thậm chí cả Hàn Quốc có thể “đi đêm” với Triều Tiên, gạt Nhật Bản ra một bên. Cùng với đó là một loạt vấn đề được người dân Nhật Bản quan tâm, như: người Nhật bị bắt cóc từ những năm 1970, 1980; sự tồn tại của quân Mỹ trong khu vực (ở Hàn Quốc, Nhật Bản). Trước tình thế đó, Tô-ky-ô sẽ phải thảo luận trực tiếp với các bên có liên quan, trước tiên là với Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm, tiếp đó là Hàn Quốc và rất có thể là Triều Tiên, nhằm biết rõ những bước đi tiếp theo của Hoa Kỳ, Xơ-un và các bên có liên quan. Cùng với đó, Nhật Bản thúc đẩy thực hiện các biện pháp tiến hành phi hạt nhân hóa, cũng như những thỏa thuận về đảm bảo an ninh của Mỹ đối với Tô-ky-ô.
Nói chung, tình hình khu vực Đông Bắc Á vẫn chưa định hình rõ nét, khi mà các bên, nhất là Mỹ, Triều Tiên và Hàn Quốc còn nghi ngờ lẫn nhau, chưa có sự bảo đảm chắc chắn về lòng tin chiến lược. Các bên tuy đã, đang thực hiện những bước đi sau thỏa thuận Mỹ - Triều, nhưng trong tình trạng vừa đi, vừa thăm dò thái độ của nhau. Theo đánh giá của các nhà chiến lược, khu vực Đông Bắc Á - nơi mà Nga, Trung Quốc đang đe dọa vị trí siêu cường của Mỹ thì việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên chỉ là ánh sáng le lói cuối đường hầm, không thể khai quang những vướng mắc cơ bản ở khu vực này. Trên thực tế, việc Mỹ triển khai lực lượng, vũ khí; trong đó, có cả lực lượng hạt nhân chiến lược ở Đông Bắc Á không chỉ đơn thuần là đối phó với Triều Tiên, mà sâu xa là nhằm tạo thế cân bằng về an ninh với Nga và Trung Quốc. Hơn thế là kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, không thể cho nước này chiếm đoạt vị trí hàng đầu về kinh tế, quân sự trên thế giới. Theo đó, các nhà chiến lược cho rằng, những căn cứ, phương tiện quân sự, quân Mỹ và hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc vẫn tiếp tục tồn tại ở khu vực Đông Bắc Á, ít nhất đến khi cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc và vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên chấm dứt.
Tóm lại, cấu trúc an ninh, chính trị khu vực Đông Bắc Á thời gian tới tùy thuộc vào thái độ và mức độ thỏa hiệp của Triều Tiên với Mỹ, Hàn Quốc với sự tác động của Trung Quốc và phần nào của Nga trong đàm phán với Mỹ.
Thiếu tướng, PGS, TS. VŨ TIẾN TRỌNG, Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế về Quốc phòng _____________
1 - Theo Yonhap, ngày 26-7-2018 với tỷ lệ 359 phiếu thuận và 54 phiếu chống.
Đông Bắc Á,cuộc gặp thượng đỉnh,Đô-nan Trăm,Kim Jong-un,cục diện
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ