Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 14/12/2017, 15:27 (GMT+7)
Cục diện chính trị - quân sự thế giới năm 2017

Sau một năm nhìn lại, bên cạnh gam màu sáng, cục diện chính trị - quân sự thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp và khó dự đoán. Các nước lớn tiến hành điều chỉnh và cạnh tranh chiến lược gay gắt; trong đó, nước Mỹ đang đứng trước sự lựa chọn có tính bước ngoặt, tác động nhiều chiều đến tình hình quốc tế.

Sự lựa chọn của nước Mỹ

Theo giới phân tích quốc tế, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 không chỉ đơn thuần là sự chuyển giao quyền lực giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa, mà còn là sự lựa chọn giữa hai con đường phát triển khác nhau của nước Mỹ. Năm 2017 là năm đầu tiên Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm dần hiện thực hóa các cam kết tranh cử: lựa chọn con đường chủ nghĩa tư bản công nghiệp và trật tự thế giới đa cực.

Với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Đô-nan Trăm đã đưa ra nhiều quyết định “gây sốc” đối với chính giới Mỹ và cộng đồng quốc tế. Đó là quyết định rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, ngày 23-01-2017; tuyên bố rút khỏi Hiệp định Pa-ri về biến đổi khí hậu năm 2015; đe dọa xem xét lại Thỏa thuận về Chương trình hạt nhân của Tê-hê-ran giữa I-ran và Nhóm P5+1. Đây là những động thái đầy toan tính của Mỹ, tác động không nhỏ tới toàn bộ cục diện chính trị - quân sự trên từng khu vực và toàn thế giới. Với việc từ bỏ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, Tổng thống Đô-nan Trăm đã đặt dấu chấm hết cho chiến lược “tái cân bằng” ở châu Á - Thái Bình Dương của người tiền nhiệm. Đối với Hiệp định Pa-ri về biến đổi khí hậu, sự đoạn tuyệt của Mỹ đã khiến cộng đồng quốc tế, trong đó có cả các đồng minh thân cận của Mỹ lên tiếng phản đối. Không những thế, ngày 02-11-2017, đại diện của Mỹ tại Liên hợp quốc tiếp tục bỏ phiếu chống lại Nghị quyết lên án cấm vận Cu-ba do Đại hội đồng Liên hợp quốc đề xuất, trong khi có tới 191/193 nước bỏ phiếu thuận. Các nhà quan sát cho rằng, những quyết định trên của Oa-sinh-tơn càng khiến Mỹ bị cô lập với thế giới và sẽ kéo theo những hậu quả tiêu cực đối với hòa bình, an ninh và hợp tác quốc tế.

Quan hệ giữa các nước lớn - sự đan xen giữa cạnh tranh và thỏa hiệp, rất khó đoán định

Sau khi trở thành ông chủ Nhà Trắng, thay vì thiết lập quan hệ hợp tác tốt đẹp với Mát-xcơ-va để cùng chống khủng bố như đã hứa trong quá trình tranh cử, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã lập tức bổ nhiệm những nhân vật có quan điểm chống Nga vào các chức vụ chủ chốt trong chính quyền. Do vậy, quan hệ Mỹ - Nga không những không được cải thiện, mà còn đối đầu quyết liệt hơn. Chuyên gia nghiên cứu chính trị hàng đầu ở Mỹ, ông Xti-ven Cô-en nhận định: động thái này chứng tỏ quan hệ giữa Mỹ và Nga đang trải qua thời khắc nguy hiểm nhất trong lịch sử kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ II tới nay và đang diễn ra đồng thời trên bốn trận tuyến: ở Xy-ri, ở châu Âu - nơi các căn cứ quân sự của Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang mở rộng tới sát biên giới Nga, và cuộc “chiến tranh” cấm vận nhằm vào Nga đã được luật hóa bằng đạo luật H.R.3364 được cả Hạ viện và Thượng viện thông qua và Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm chính thức phê chuẩn vào ngày 02-8-2017; trong đó, bao gồm các biện pháp cấm vận Nga còn khắc nghiệt hơn nhiều so với Đạo luật Giắc-xơn - Va-ních của Quốc hội Mỹ chống Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Nghiên cứu Đạo luật H.R.3364, giới phân tích chính trị quốc tế nhận định, văn kiện này là “lời tuyên chiến với nước Nga”, hoặc “là hành động chuẩn bị châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thế giới mới”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại
Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 9-11. (Ảnh: Reuters)

Trong khi đó, năm 2017 quan hệ Mỹ và Trung Quốc có những bước chuyển tích cực. Từ chỗ coi nhau là đối thủ tiềm tàng, Oa-sinh-tơn muốn thiết lập mối quan hệ mang tính xây dựng với Bắc Kinh. Điều đó thể hiện trong chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên, ngày 09-11-2017, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã được đón tiếp nồng hậu. Trong chuyến thăm này, hai bên ký kết các thỏa thuận trị giá 250 tỷ USD, trong đó có thỏa thuận Trung Quốc sẽ chi 37 tỷ USD để mua 300 máy bay Boeing và sẽ đầu tư vào dự án xây dựng nhà máy sản xuất khí đốt hóa lỏng ở bang A-lát-xca của Mỹ, trị giá 43 tỷ USD. Thỏa thuận này sẽ tạo cơ hội vàng cho ngành năng lượng Mỹ vì Trung Quốc là nước nhập khẩu khí đốt hóa lỏng nhiều nhất thế giới. Ngoài ra, Trung Quốc còn tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty Mỹ thâm nhập thị trường, đổi lại các ngân hàng Trung Quốc cũng sẽ dễ dàng được phép hoạt động ở Mỹ.

Các nhà phân tích cho rằng, quan hệ giữa các nước lớn là vấn đề hết sức quan trọng, tác động tới cục diện chính trị - quân sự khu vực và thế giới. Đó là mối quan hệ có đi có lại, đem lại lợi ích cho cả hai bên, có sự đan xen giữa cạnh tranh và thỏa hiệp, rất khó đoán định, nhất là trước các biến động của tình hình quốc tế.

Cục diện chính trị - quân sự khu vực Trung Đông có chuyển dịch lớn

Trong nhiều thập kỷ, Mỹ là nước chi phối cục diện chính trị - quân sự ở Trung Đông. Tuy nhiên, cán cân quyền lực giữa ba cường quốc: Mỹ, Nga, Trung Quốc ở Trung Đông đang thay đổi. Năm 2017 diễn ra những chuyển dịch địa chính trị chưa từng có ở Trung Đông liên quan tới sự thay đổi vai trò và ảnh hưởng của Mỹ và Nga. Trước hết là diễn biến của cuộc chiến chống khủng bố ở Xy-ri; trong đó, với sự giúp đỡ của Nga, Quân đội Xy-ri đã gần như giải phóng hoàn toàn lãnh thổ và đang tiêu diệt những tàn quân IS cuối cùng, tạo điều kiện thuận lợi cho một giải pháp chính trị về cuộc khủng hoảng Xy-ri. Nga đang chuyển mình rõ ràng từ việc xây dựng chiến lược ở Xy-ri cho đến hợp tác sâu sắc với I-ran, mở rộng kết nối với Thổ Nhĩ Kỳ và gần đây là với A-rập Xê-út. Kế đến là Trung Quốc, mặc dù chủ động tránh đối đầu hoặc cạnh tranh với Mỹ, nhưng sẵn sàng nhảy vào lấp chỗ trống khi cần thiết và thúc đẩy các lợi ích kinh tế, chính trị cho riêng mình. Bởi, Trung Đông là mảnh ghép không thể thiếu trong chiến lược thúc đẩy thương mại, hạ tầng qua sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ vẫn là nhân tố chủ chốt ở Trung Đông với việc tăng cường năng lực cho I-xra-en và các nước A-rập, thông qua cung cấp vũ khí và hợp tác an ninh. Do vậy, các nhà quan sát cho rằng, cục diện chính trị - quân sự ở Trung Đông sẽ tiếp tục có sự biến chuyển phức tạp.

Áp-ga-ni-xtan - điểm nóng khó có hồi kết

Trái ngược với cam kết trong chiến dịch tranh cử trong năm 2016 rằng, sẽ giảm bớt sự can thiệp vào các cuộc xung đột ở nước ngoài, ngày 21-8-2017, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm chính thức tuyên bố về chiến lược mới ở Áp-ga-ni-xtan - nơi Mỹ và NATO bị “sa lầy” suốt 16 năm qua trong cái gọi là “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố”. Chiến lược này có những điểm đáng chú ý, gồm: không đặt ra thời hạn cuối cho việc rút quân; cảnh báo Pa-ki-xtan có thể trở thành vùng đất an toàn cho các phần tử khủng bố; sẽ hợp tác nhiều hơn với Ấn Độ - đối tác then chốt của Mỹ trong lĩnh vực an ninh và kinh tế; coi trọng và nhấn mạnh yếu tố đối thoại chính trị; gia tăng quyền tự quyết cho các lực lượng chiến đấu tại Áp-ga-ni-xtan.

Theo nhận định của giới phân tích, chiến lược này sẽ không mang lại hòa bình và ổn định một khi chính quyền Áp-ga-ni-xtan không thể tự đứng vững trước các thách thức và nguy cơ bên trong cũng như từ bên ngoài, không thể tự mình cải cách đất nước. Lãnh đạo phong trào Ta-li-ban cho rằng, chiến lược mới của Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan vừa không có gì mới, vừa không rõ ràng và vì thế, sẽ không thể kết thúc cuộc chiến vốn đã kéo dài nhất của Hoa Kỳ ở quốc gia Nam Á này.

Diễn biến đầy kịch tính và khó đoán định trong cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên

Trong suốt cả năm 2017, thế giới chứng kiến diễn biến đầy kịch tính trong cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, đỉnh cao là tuyên bố của Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm tại Diễn đàn của Đại Hội đồng Liên hợp quốc rằng: “Mỹ đã sẵn sàng cho một cuộc tấn công nhằm hủy diệt Triều Tiên”, còn Bình Nhưỡng thì tuyên bố: “sẵn sàng tấn công Mỹ một khi bị đe đọa” và sẽ không bao giờ đàm phán với Mỹ về vấn đề Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân. Để sẵn sàng phòng thủ đất nước, Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa, trong đó có cả tên lửa tầm xa. Một câu hỏi lớn đặt ra là: ai sẽ hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên?

Nếu căn cứ vào phản ứng của các bên có liên quan thì xem ra các vụ thử tên lửa vừa qua của Triều Tiên chẳng có lợi cho ai. Nhưng, nếu phân tích thấu đáo, thì Oa-sinh-tơn đang cố tình làm trầm trọng cuộc khủng hoảng này để đạt mục đích trong chiến lược toàn cầu của họ ở Đông Bắc Á. Đó là, lợi dụng “nguy cơ tên lửa hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên” để gây sức ép, buộc Trung Quốc phải nhượng bộ trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ; buộc Hàn Quốc và Nhật Bản gia tăng mua sắm vũ khí của Mỹ để “tự vệ” trước “nguy cơ bị Triều Tiên tấn công” và tiếp tục tình nguyện núp dưới ô bảo đảm an ninh của Mỹ. Theo đó, Oa-sinh-tơn đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống đánh chặn tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc và đang có dự án triển khai ở Nhật Bản, thực chất không chỉ nhằm đối phó với nguy cơ hạt nhân từ Triều Tiên mà còn kiểm soát các căn cứ quân sự của Nga ở Viễn Đông và các hoạt động quân sự ở sâu trong lãnh thổ Trung Quốc; đồng thời, vô hiệu hóa tiềm lực hạt nhân của hai nước này. Cùng với đó, mượn cớ thực thi nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cấm vận toàn diện Triều Tiên để kiểm soát các căn cứ quân sự của Nga ở Viễn Đông. Như vậy, bên lợi duy nhất trong vấn đề hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên, không ai khác, chính là Mỹ. Nghĩa là, Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng “lò thuốc súng” trên bán đảo Triều Tiên để thực hiện những toan tính nhằm đạt được các mục tiêu đề ra trong chiến lược toàn cầu của họ ở Đông Bắc Á.

Ngoài ra, quan hệ Nga - NATO trong năm 2017 tiếp tục leo thang căng thẳng, “ăn miếng, trả miếng” thông qua các cuộc tập trận. Các động thái này không chỉ làm dấy lên cuộc chạy đua vũ trang, mà còn tác động tiêu cực tới tình hình an ninh khu vực và thế giới.

Nhìn chung, khi năm 2017 khép lại, bức tranh chính trị - quân sự thế giới có nhiều gam màu tối hơn là sáng. Điều đó dự báo năm 2018, tình hình chính trị - quân sự thế giới sẽ có những biến động phức tạp, khó lường. Cộng đồng quốc tế tiếp tục kỳ vọng các nước, nhất là các nước lớn, tăng cường sự hợp tác và niềm tin chiến lược, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc để xây dựng thế giới hòa bình, ổn định và phát triển. Kỳ vọng đó liệu có trở thành hiện thực? Câu trả lời dĩ nhiên còn đang ở phía trước: năm 2018.

NGÔ QUYỀN

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...