Thứ Năm, 24/04/2025, 11:53 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Quyết định mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 là một quyết định lịch sử, thể hiện quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo các nước ASEAN. Những năm qua, ASEAN đã có nhiều bước đi quan trọng nhằm hiện thực hóa mục tiêu đã xác định. Tuy nhiên, việc hoàn thành mục tiêu này trong hơn một năm tới là một thách thức không nhỏ đối với các thành viên ASEAN.
1. Quá trình hình thành Cộng đồng ASEAN
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập ngày 08-8-1967 trên cơ sở của Tuyên bố Băng Cốc, với 5 thành viên sáng lập là In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Xin-ga-po và Thái Lan. Năm 1997, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập ASEAN (lúc này Hiệp hội gồm 10 quốc gia), lãnh đạo các nước ASEAN đã thông qua văn kiện quan trọng “Tầm nhìn ASEAN 2020” với mục tiêu tổng quát là đưa Hiệp hội trở thành “một nhóm hài hòa các dân tộc Đông Nam Á, gắn bó trong một cộng đồng các xã hội đùm bọc lẫn nhau”. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Hội nghị cấp cao ASEAN-6 (diễn ra tại Hà Nội tháng 12-1998) đã thông qua Chương trình Hành động Hà Nội (HPA) giai đoạn 1999 - 2004.
Tháng 10-2003, lãnh đạo các nước ASEAN ký Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II với mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2020 dựa trên ba trụ cột: Cộng đồng An ninh (sau đổi thành Cộng đồng Chính trị - An ninh), Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội. Bốn năm sau, để thích ứng với xu hướng phát triển của thế giới, tháng 01-2007, ASEAN quyết định thúc đẩy mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Tiếp đó, tháng 11-2007, lãnh đạo các nước ASEAN đã ký và thống nhất triển khai thực hiện bản Hiến chương ASEAN nhằm tạo cơ sở pháp lý (nguyên tắc, thể chế và định hướng), thúc đẩy các hoạt động liên kết khu vực; trước hết, tập trung hỗ trợ mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015. Để thực hiện mục tiêu đó, tháng 11-2009, ASEAN đã nhất trí thông qua kế hoạch, lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN giai đoạn 2009 - 2015.
Như vậy, với việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 sẽ đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Từ một tổ chức hợp tác lỏng lẻo, một thực thể nhỏ bé ở khu vực, ASEAN đã đầu tư thành một tổ chức liên kết chặt chẽ, một bộ máy tương đối hoàn chỉnh và một đối tác quan trọng của các nước lớn, các tổ chức quốc tế, góp phần kiến tạo hòa bình và phát triển thịnh vượng của khu vực cũng như thế giới.
2. Ý tưởng và mục tiêu
Những năm qua, mặc dù phải trải qua không ít biến cố, thăng trầm, nhưng ASEAN vẫn có bước phát triển vượt bậc trên các lĩnh vực; trong đó, việc xây dựng Cộng đồng trên ba trụ cột: Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa - Xã hội đã trở thành nét nổi bật trong khu vực và thế giới. Để hướng tới xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh, ASEAN đề ra mục tiêu là đưa hợp tác Chính trị - An ninh ASEAN lên tầm cao mới để các quốc gia trong khu vực sống hòa bình với nhau và với thế giới trong một môi trường bình đẳng, dân chủ, hòa hợp. ASEAN cũng khẳng định không hướng tới hình thành liên minh quân sự hoặc khối phòng thủ chung của khu vực. Trong kế hoạch tổng thể được Hội nghị cấp cao ASEAN-14 (năm 2009) thông qua, việc xây dựng trụ cột này sẽ dựa trên ba thành tố: xây dựng một cộng đồng theo các giá trị, chuẩn mực chung; tạo dựng một khu vực gắn kết, hòa bình và tự cường với trách nhiệm chung đối với an ninh toàn diện1; hướng tới một khu vực năng động, rộng mở với bên ngoài trong một thế giới ngày càng liên kết và linh hoạt. Với thành tố thứ nhất, ASEAN đã đẩy mạnh hợp tác về chính trị, hình thành và chia sẻ các chuẩn mực thông qua một số hiệp ước, tuyên bố, diễn đàn ở khu vực. Với thành tố thứ hai, ASEAN tập trung hợp tác xây dựng lòng tin, thúc đẩy đối thoại, hợp tác về quốc phòng - an ninh, tăng cường hiểu biết lẫn nhau nhằm ngăn ngừa xung đột; đồng thời, phối hợp nghiên cứu các biện pháp giải quyết xung đột bằng hòa bình và hợp tác, coi trọng hợp tác giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống. Với thành tố thứ ba, ASEAN nâng cao và phát huy vai trò trung tâm của mình trong hợp tác xây dựng cấu trúc an ninh khu vực mở, minh bạch, dung nạp; trong đó, chú trọng quan hệ với các đối tác bên ngoài khu vực. Đến nay, các lĩnh vực hợp tác theo ba thành tố trên ngày càng được thúc đẩy, đi vào chiều sâu. Trong đó, hợp tác về quốc phòng - an ninh được chú trọng thông qua cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) với 8 nước đối tác; hợp tác an ninh biển theo khuôn khổ Diễn đàn (AMF),… Ngoài ra, các diễn đàn đối thoại và hợp tác do ASEAN chủ trì, như: Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nhị Cấp cao Đông Á (EAS),… đã, đang là nhân tố tăng cường liên kết xây dựng Cộng đồng. Đặc biệt, trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 xâm phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đe dọa an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, Hội nghị cấp cao ASEAN-24 đã ra Tuyên bố chung bày tỏ quan ngại, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ra Tuyên bố riêng về tình hình Biển Đông. Đây là biểu hiện trách nhiệm của Hiệp hội đối với hòa bình, an ninh khu vực cũng như sự đoàn kết của ASEAN trước khó khăn, thử thách.
Mục tiêu hình thành Cộng đồng Kinh tế là nhằm xây dựng một khu vực kinh tế ASEAN ổn định, thịnh vượng và cạnh tranh cao; nơi có sự tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động tay nghề cao; phát triển kinh tế đồng đều; có khả năng hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu. Để thực hiện mục tiêu đó, các nhà lãnh đạo ASEAN đã đề ra các biện pháp cụ thể, như: dỡ bỏ thuế quan và các hàng rào phi thuế quan; thuận lợi hóa thương mại, hài hòa các tiêu chuẩn sản phẩm (hợp chuẩn) và quy chế, giải quyết nhanh chóng các thủ tục hải quan cũng như xuất, nhập khẩu; hoàn chỉnh các quy tắc về xuất xứ, tạo thuận lợi cho dịch vụ, đầu tư, tăng cường phát triển thị trường vốn và tự do lưu chuyển của dòng vốn. Bên cạnh đó, ASEAN còn kết hợp chặt chẽ giữa củng cố mạng lưới sản xuất khu vực thông qua việc liên kết cơ sở hạ tầng, nhất là trong lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, công nghệ thông tin, viễn thông và thương mại điện tử với thúc đẩy chính sách cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ sở hữu trí tuệ,… nhằm xây dựng một khu vực kinh tế mở, năng động, linh hoạt và hấp dẫn. Các biện pháp nói trên đã, đang được các nước ASEAN triển khai có hiệu quả thông qua các thỏa thuận và hiệp định quan trọng, như: Hiệp định khu vực mậu dịch tự do (AFTA), Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS), Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA),... Đến nay, việc giảm thuế hàng hóa, tự do di chuyển vốn và lao động trong khu vực ASEAN đã có chuyển biến tích cực, tạo sự liên kết chặt chẽ thúc đẩy kinh tế từng nước và toàn khu vực ngày càng phát triển.
Cùng với thúc đẩy hai trụ cột trên, việc xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong khu vực. Trong đó, tập trung hướng vào tạo dựng một xã hội chia sẻ, đùm bọc, mức sống và phúc lợi của người dân được nâng cao. Để xây dựng trụ cột này, ASEAN coi trọng phát triển con người; bảo đảm phúc lợi và bảo trợ xã hội, các quyền và bình đẳng xã hội, môi trường bền vững; tạo dựng bản sắc ASEAN; thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước,... Về phát triển con người, ASEAN khuyến khích phát triển giáo dục tự nguyện, thúc đẩy nền giáo dục của các nước và nâng cao nhận thức về ASEAN. Về phúc lợi và bảo trợ xã hội, ASEAN tập trung hợp tác y tế, ngăn ngừa, kiểm soát bệnh dịch truyền nhiễm (HIV, AIDS) và ma túy; xúc tiến các biện pháp giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, năng lượng, ứng phó hiệu quả với thiên tai, thảm họa,... Về các quyền và bình đẳng xã hội, ASEAN đẩy mạnh hợp tác bảo vệ và nâng cao vai trò, lợi ích cho phụ nữ, trẻ em, người già, người khuyết tật, người lao động di cư,… Về bảo đảm môi trường bền vững, ASEAN tăng cường hợp tác ứng phó với các thách thức môi trường xuyên quốc gia, như: hiệu ứng nhà kính, chất thải biển, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu,... Về xây dựng bản sắc và nâng cao ý thức cộng đồng, ASEAN chú trọng giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của khu vực; thúc đẩy trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân; đề cao nguyên tắc thống nhất trong đa dạng; tăng cường sự hiểu biết, chia sẻ giữa người dân các nước về văn hóa, lịch sử, tôn giáo và văn minh. Bằng nỗ lực xây dựng ba trụ cột trên, đến nay, ASEAN đã hoàn thành 80% kế hoạch đã đề ra, tạo cơ sở nền tảng để biến quyết tâm thành hiện thực - hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015.
3. Thách thức và những vấn đề đặt ra
Những thành tựu mà các nước ASEAN đã làm được trong thời gian qua là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, để xây dựng Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 và những năm tiếp theo trở thành Cộng đồng với đầy đủ nội dung như mong muốn thì ASEAN phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những khó khăn, thách thức đối với việc hình thành Cộng đồng Chính trị - An ninh. Trước hết, là trình độ nhất thể hóa của ASEAN chưa cao, chính sách ngoại giao chung chưa rõ nét, chủ yếu dừng lại ở ngoại giao tự chủ của các nước thành viên. Mặt khác, do các nước thành viên ASEAN có mục tiêu, lợi ích chính trị - an ninh khác nhau, dẫn đến chưa thống nhất, đồng thuận cao về quan điểm, thái độ và lập trường vì lợi ích chung của khu vực. Điển hình là vấn đề Biển Đông, sự ổn định, an toàn của vùng biển này là nhân tố quyết định đến hòa bình và ổn định của khu vực, nhưng ASEAN chưa thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng và sự cần thiết phải tập trung đầu tư thích đáng cho việc bảo đảm lợi ích chung, nhất là việc đoàn kết tạo tiếng nói chung có trọng lượng nhằm ngăn chặn các vấn đề đe dọa đến an ninh khu vực. Cùng với sự bất ổn trên Biển Đông, khu vực Đông Nam Á còn tiềm ẩn các nguy cơ xung đột biên giới, tranh chấp tài nguyên nước và các nguy cơ khủng bố xuyên quốc gia. Đặc biệt là, luôn chịu sự chi phối, tác động nhiều chiều từ các nước lớn ngoài khu vực nên khả năng độc lập, tự chủ, uy tín và vị thế của ASEAN đối với việc xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh bị giảm đáng kể.
Do vậy, để hoàn thành mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 nói chung, Cộng đồng Chính trị - An ninh nói riêng, trước hết, các nước thành viên ASEAN phải nâng cao nhận thức chung về vị thế, vai trò của ASEAN đối với an ninh khu vực, từ đó thống nhất mục tiêu an ninh chung của Cộng đồng và mục tiêu đó phải chịu sự ràng buộc pháp lý bằng các quy tắc hiệu lực gắn với trách nhiệm chính trị của mỗi quốc gia. Các thành viên ASEAN đều có lợi ích quốc gia, dân tộc riêng, nhưng lợi ích đó phải hài hòa với lợi ích chung của khu vực, không vì lợi ích riêng mà coi nhẹ lợi ích của khu vực, càng không vì lợi ích từng quốc gia mà đi ngược lại lợi ích của khu vực. Trong không gian chung, khu vực Đông Nam Á phải chịu sự ảnh hưởng tự nhiên của các khu vực khác và của cả thế giới, mục tiêu an ninh của ASEAN gắn liền với lợi ích an ninh của các nước ngoài khu vực. Điều đó, đòi hỏi ASEAN phải tăng cường đoàn kết, phát huy vai trò chủ đạo, có quan điểm nhất quán và trực tiếp tham gia giải quyết các vấn đề an ninh, nhất là an ninh biển. Trước hết, cần duy trì thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nguyên tắc 6 điểm của ASEAN đối với Biển Đông; đồng thời, tích cực tham vấn xây dựng, hoàn chỉnh Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (COC) để đưa vào thực hiện.
Trong bối cảnh hiện nay, ASEAN cần nhận thức sâu sắc rằng: xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh là vấn đề then chốt bảo đảm hòa bình ổn định lâu dài cho khu vực Đông Nam Á. Không ai khác, chính ASEAN phải thể hiện quyết tâm chính trị trong hành động thực tiễn nhằm hướng tới một Cộng đồng ASEAN không chỉ vào cuối năm 2015 mà còn cả chặng đường phát triển trong tương lai.
ĐỨC LÊ ______
1 - An ninh toàn diện là các mối đe dọa quân sự và phi quân sự đối với mỗi quốc gia.
Cộng đồng ASEAN
Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về vệ tinh tầm thấp và tác động đối với khu vực 21/04/2025
Cục diện chính trị, an ninh thế giới nhìn từ Hội nghị an ninh Munich 2025 10/04/2025
BRICS mở rộng - cơ hội và thách thức đối với ASEAN 24/03/2025
Định hình chính sách quốc phòng, an ninh của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump 10/03/2025
Xu hướng phát triển công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ 17/02/2025
Cơn địa chấn chính trị Syria và sự tác động đến an ninh khu vực, thế giới 10/02/2025
Đôi nét về “học thuyết hạt nhân” mới của Liên bang Nga 23/01/2025
10 sự kiện quân sự, quốc phòng nổi bật trên thế giới năm 2024 04/01/2025
Nhìn lại cục diện chính trị, quân sự thế giới năm 2024 30/12/2024
Những điều chỉnh trong chính sách quốc phòng mới của Canada 23/12/2024
Cục diện chính trị, an ninh thế giới nhìn từ Hội nghị an ninh Munich 2025
Cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về vệ tinh tầm thấp và tác động đối với khu vực