Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Sáu, 13/05/2016, 07:49 (GMT+7)
Cộng đồng ASEAN - tầm vóc của một thể chế mới trong khu vực

Ra đời vào cuối năm 2015, với ba trụ cột chủ đạo, Cộng đồng ASEAN đã trở thành một trong những tổ chức khu vực thành công nhất trên thế giới. Đây là dấu mốc lịch sử của tiến trình liên kết khu vực ở mức cao hơn và chặt chẽ hơn. Qua đó, Cộng đồng đã thể hiện tầm vóc của một thể chế mới ở Đông Nam Á.

Lãnh đạo 10 nước ASEAN thể hiện quyết tâm phát triển Cộng đồng ASEAN ngày càng thịnh vượng. (Ảnh: VOV)

Cộng đồng ASEAN - một tất yếu lịch sử

Sau Chiến tranh lạnh, mặc dù khu vực châu Á - Thái Bình Dương hình thành nhiều trung tâm kinh tế, chính trị và an ninh (trong đó có ASEAN), nhưng vẫn thiếu vắng các cơ chế đàm phán, nhất là các biện pháp củng cố lòng tin, do các nước vẫn nghi ngại trong việc xây dựng hệ thống an ninh chung. Trong khi đó, khu vực này đã, đang trở thành nhân tố phát triển năng động nhất thế giới và kèm theo đó là sự cạnh tranh giữa các nước lớn cũng ngày càng gay gắt. Mặt khác, khu vực Đông Nam Á lại bao gồm các quốc gia khác biệt nhau về thể chế văn hóa, trình độ phát triển kinh tế - xã hội và hệ thống chính trị; đồng thời, tồn tại tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, xung đột tôn giáo, sắc tộc và chạy đua vũ trang. Không những thế, trong thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, còn có sự thay đổi về tương quan lực lượng ở châu Á - Thái Bình Dương; đó là việc Mỹ tuyên bố rút quân khỏi căn cứ quân sự ở Phi-líp-pin (tháng 11-1991); Liên Xô tan rã (tháng 12-1991) và Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông năm 1992, không ngừng thực hiện chính sách cứng rắn trong khu vực. Về phương diện kinh tế, mặc dù việc hội nhập trên lĩnh vực này đã được khởi động nhưng chưa mang lại kết quả như mong đợi, nguy cơ khủng hoảng và tụt hậu về kinh tế của khu vực ngày càng hiện hữu, v.v. Trước bối cảnh ấy, ý tưởng về xây dựng một Cộng đồng ASEAN lần đầu tiên được đề cập vào tháng 12-1997. Theo đó, nhân kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập ASEAN, lãnh đạo các nước thành viên đã thông qua văn kiện quan trọng “Tầm nhìn ASEAN 2020”, với mục tiêu tổng quát là đưa Hiệp hội trở thành “một nhóm các dân tộc Đông Nam Á hài hòa, gắn bó”. Thực hiện ý tưởng đó, trong Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II (tháng 10-2003), lãnh đạo Hiệp hội đã nhất trí đề ra mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2020 với ba trụ cột chính: Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội. Tuy nhiên, trước những biến chuyển nhanh chóng và phức tạp của tình hình quốc tế và khu vực, tháng 01-2007, tại Xê-bu (Phi-líp-pin) lãnh đạo các nước ASEAN đã nhất trí đẩy nhanh tiến trình liên kết nội khối vào năm 2015, và ngày 31-12-2015, Cộng đồng ASEAN chính thức được hình thành. Như vậy, sự ra đời của Cộng đồng ASEAN với thể chế mới được xuất phát từ tình hình thực tiễn của thế giới, khu vực và mỗi nước.

Tầm vóc của một thể chế mới ở khu vực

Trong những năm qua, trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN, cùng với các cơ chế hợp tác năng động, sáng tạo, ASEAN đã có bước chuyển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực. Điển hình như trong lĩnh vực hòa bình, an ninh, ASEAN đã kiến tạo những cơ chế mang tính đột phá, như: “Diễn đàn khu vực ASEAN” (ARF); Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) và ADMM với các nước đối tác, đối thoại (ADMM+); cơ chế giải quyết các tranh chấp chủ quyền thông qua Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), v.v. Qua đó, làm cho khu vực Đông Nam Á chuyển từ thế đối đầu với “tiếng bấc, tiếng chì” trong hàng thập kỷ sang đối thoại và hợp tác. Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, ASEAN đã ngày càng coi trọng các hoạt động hướng tới con người, vì lợi ích của người dân ở khu vực. Trong đó, nhiều mục tiêu đề ra, nhất là trong Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội liên quan đến cuộc sống của người dân được ASEAN triển khai thực hiện, như: đẩy mạnh an sinh xã hội, xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, tăng cường hợp tác phòng, chống các bệnh lây nhiễm,… ở từng quốc gia, v.v. Đặc biệt, trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu, rộng, ASEAN đã tập trung ưu tiên phát triển kinh tế, tăng cường liên kết khu vực, nhằm hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế của các nước thành viên phát triển; trong đó, đã hình thành khu vực thương mại tự do ASEAN, hình thành khu vực về đầu tư chung của Hiệp hội. Theo các tài liệu của Hiệp hội, từ đầu năm 2000 đến nay, hợp tác kinh tế nội khối đã đem lại hiệu quả to lớn. Các nước ASEAN đều có sự phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, liên kết thương mại ngày càng rộng mở và hiệu quả. Tất cả các vấn đề đó đã tạo cơ sở, nền tảng để Hiệp hội tuyên bố hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31-12-2015, sớm hơn 05 năm so với ý tưởng ban đầu. Và sự ra đời của Cộng đồng không chỉ thể hiện sự đồng thuận, quyết tâm cao trong gia tăng liên kết, hợp tác giữa các thành viên, mà còn đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ về chất của ASEAN - thành tựu to lớn sau gần nửa thế kỷ phát triển vì mục tiêu hòa bình, thịnh vượng ở khu vực. Trên thực tế, việc hình thành Cộng đồng ASEAN đã được dư luận đánh giá là một trong những tổ chức khu vực thành công nhất với đầy đủ văn kiện về chính sách, pháp lý. Theo đó, việc vận hành Cộng đồng đã và đang hé lộ tầm vóc của một cơ chế mới, nhằm tăng cường hợp tác nội khối trong cả ba lĩnh vực: chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội, cũng như hợp tác giữa ASEAN với các đối tác và được thể hiện ở các vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, trong lĩnh vực chính trị - an ninh, ASEAN đã chuyển từ cơ chế xây dựng lòng tin sang các biện pháp hòa giải; trong đó, lấy việc vận hành theo luật lệ trên cơ sở tuân thủ triệt để các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử chung của ASEAN cũng như các nguyên tắc của luật pháp quốc tế về ứng xử hòa bình làm mục tiêu cần hướng tới. Qua đó, ASEAN đã đề cao và nhân rộng giá trị của các chuẩn mực ứng xử đã được thiết lập, như: Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Á (TAC), Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANFWZ), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới xem xét, sớm hình thành một văn kiện ràng buộc pháp lý về ứng xử của các quốc gia cả ở trong và ngoài khu vực. Trên nền tảng đó, các nguyên tắc về dân chủ, pháp quyền, quản trị,… sẽ được lan tỏa, lồng ghép vào chính sách và thực tiễn của Cộng đồng Chính trị - An ninh để thu hẹp dần khác biệt, gia tăng sự tương đồng trong nhận thức và hành động của các nước thành viên. Ngoài ra, các nước ASEAN cũng đã tính đến cơ chế phản ứng nhanh, nhất là trong giải quyết các thách thức đặt ra ở khu vực cũng như các biện pháp nhằm ngăn ngừa xung đột và xử lý tranh chấp ở Biển Đông giữa các nước thành viên và giữa ASEAN với các cường quốc ở bên ngoài, v.v. Theo đó, cùng với tiếp tục thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nguyên tắc 06 điểm của ASEAN về Biển Đông (năm 2012), ASEAN cần thúc đẩy cơ chế tham vấn với các bên liên quan nhằm sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Đồng thời, tăng cường hợp tác với các nước bên ngoài khu vực, thông qua các diễn đàn đa phương để giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Với những cơ chế này, ASEAN sẽ đủ sức đóng vai trò trung tâm trong xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định vững chắc hơn cho nhân dân các nước Đông Nam Á - một trong những điều kiện quan trọng trong thực hiện các mục tiêu của Tầm nhìn ASEAN 2025.

Thứ hai, đối với trụ cột kinh tế, trên cơ sở các hiệp định thương mại tự do ASEAN đã có, Hiệp hội sẽ đẩy mạnh thực hiện cơ chế liên kết về thương mại, dịch vụ và tăng cường hợp tác, tạo điều kiện cho nhau đầu tư ở các lĩnh vực vốn được coi là nhạy cảm, như: tài chính, thị trường vốn, viễn thông, cơ sở hạ tầng, v.v. Qua đó, tạo cấu trúc cho nền kinh tế khu vực mang tính thống nhất, liên kết và cạnh tranh cao, bảo đảm thực thi các cam kết sâu hơn về thương mại, hàng hóa, dịch vụ, sự di chuyển của đầu tư, lao động lành nghề, doanh nhân và vốn, nhằm thúc đẩy tăng trưởng theo năng suất, sáng tạo, ứng dụng công nghệ, tri thức trong môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và tham gia ngày càng nhiều vào các giá trị toàn cầu. Đến nay, cùng với ký kết các hiệp định khu vực thương mại tự do với các đối tác1, ASEAN đã vận dụng nhiều cơ chế để tăng cường hợp tác với các khu vực trên thế giới, trước hết là ký kết Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP), đánh dấu quyết tâm của Hiệp hội trong vai trò trung tâm và định hình kinh tế của các nền kinh tế mới nổi, và sẽ trở thành khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới, bên cạnh Tổ chức Thương mại thế giới.

Thứ ba, một trong những mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN sau năm 2015 không chỉ nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, đáp ứng nhu cầu phát triển của cả thế hệ hôm nay và mai sau, mà còn định ra những chế định bảo vệ tốt nhất cho người dân trước các thách thức, kể cả trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa. Để đạt được mục tiêu đó, ASEAN đã, đang triển khai nhiều chính sách mang đậm tính nhân văn nhằm thu hút sự tham gia rộng rãi của người dân và mọi tầng lớp xã hội trong việc hội nhập với Cộng đồng; trong đó có cơ chế về những vấn đề thường nhật trong đời sống người dân, như: điều kiện học tập, đi lại, tiêu dùng,… đều được quan tâm, bình đẳng. Theo đó, người dân sẽ có nhiều lựa chọn về hàng hóa, dịch vụ, cơ hội học tập, tìm hiểu việc làm hoặc mở rộng sản xuất, kinh doanh. Quyền của phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và các nhóm yếu thế luôn được quan tâm và bảo vệ. Bên cạnh đó, ASEAN cũng thúc đẩy sự tham gia, cam kết trách nhiệm của người dân trong tiến trình xây dựng Cộng đồng. Theo cơ chế này, trong những năm tới, người dân ASEAN sẽ được tạo điều kiện tham gia từ khâu định hình, đánh giá chính sách, xây dựng chương trình triển khai đến việc phản hồi về kết quả và những tác động của chính sách đó. Đây là vấn đề rất quan trọng, tạo hiệu ứng gắn kết người dân với nhau và với Cộng đồng, góp phần xây dựng nền tảng, hình thành bản sắc chung, bền vững cho ASEAN.

Tuy nhiên, do ASEAN bao gồm 10 quốc gia có lịch sử, văn hóa, tôn giáo, kinh tế, chính trị,… rất khác nhau, nên việc tạo đồng thuận để thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng còn gặp nhiều trở ngại. Hơn nữa, nội tình các nước thành viên cũng rất đa dạng, ở một số nước có lúc chưa thật ổn định; thậm chí có quốc gia, trong một số trường hợp, vì lợi ích của mình, có thể tìm cách gây tình trạng ly tán trong Hiệp hội, v.v. Vì vậy, dư luận quốc tế cho rằng, để hội nhập, chung sống và phát triển thịnh vượng trong ngôi nhà ASEAN, mỗi thành viên của Hiệp hội cần huy động nguồn lực trong nước và từ bên ngoài để phấn đấu một cách hiệu quả, đúng hạn theo các mục tiêu và nguyên tắc trong Hiến chương ASEAN, góp phần xây dựng Cộng đồng ngày càng vững mạnh.

NGÔ QUYỀN

_________________

1 - Gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ôt-xtrây-li-a, Niu Di-lân và Ấn Độ.

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...