Thứ Bảy, 23/11/2024, 16:19 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Cơ sở pháp lý của hoạt động gìn giữ hòa bình (GGHB) do Liên hợp quốc (LHQ) tiến hành
LHQ là tổ chức quốc tế quan trọng nhất trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Theo Hiến chương LHQ, việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế được thực hiện bằng hai phương thức: giải quyết hoà bình các cuộc tranh chấp và cưỡng chế (gồm biện pháp quân sự hoặc phi quân sự). Chương VI Hiến chương LHQ quy định việc giải quyết hòa bình các cuộc tranh chấp bằng các hình thức “đàm phán, điều tra, trung gian, hoà giải, trọng tài, tòa án”. Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đề ra những phương pháp giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; cho phép triển khai nhân viên quân sự, nhưng không được sử dụng vũ lực. Theo đó (Chương VI), hoạt động GGHB của LHQ phải được các bên liên quan trực tiếp tới cuộc xung đột đồng ý. Đây được coi là cơ sở pháp lý quốc tế để LHQ thành lập lực lượng GGHB đầu tiên vào năm 1948. Chương VII đề cập "hành động trong trường hợp hòa bình bị đe dọa, bị phá hoại và có hành vi xâm lược"; quy định thẩm quyền của HĐBA trong những tình huống như vậy; trao cho HĐBA trách nhiệm chính trong việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tế và thẩm quyền xác định kẻ xâm lược (Điều 39, 40); từ đó quyết định những biện pháp cưỡng chế nhằm trừng phạt hành động xâm lược và thực hiện việc tái lập hòa bình (Điều 41, 42, 48, 49). Để thực hiện hành động quân sự, Điều 42 nêu rõ, cần có lực lượng quân sự của LHQ được thành lập trên cơ sở thỏa thuận ký kết giữa LHQ và các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, do chưa có hiệp định nào về vấn đề này được ký kết, nên đến nay LHQ vẫn chưa có quân đội riêng. Tiếp đó, Điều 51 của Chương VII còn cho phép các nước có quyền tự vệ riêng rẽ hay tự vệ tập thể cho đến khi có sự can thiệp của HĐBA. Chương VIII đề cập tới những dàn xếp do các tổ chức khu vực tiến hành, nhằm góp phần GGHB trong khu vực, giải quyết xung đột bằng phương pháp hòa bình. Về nguyên tắc, HĐBA có thể sử dụng các tổ chức khu vực để cưỡng chế (Điều 53, khoản 1).
Trên cơ sở các quy định nêu trên, HĐBA đã có Nghị quyết số 341(1973) xác định những nguyên tắc chủ yếu tổ chức một chiến dịch GGHB do LHQ lãnh đạo. Một là, HĐBA ra nghị quyết thành lập lực lượng GGHB; các bên liên quan hợp tác đầy đủ với nhau và hợp tác với lực lượng GGHB; lực lượng GGHB phải có khả năng hoạt động như một đơn vị quân sự độc lập và thống nhất. Hai là, lực lượng GGHB đặt dưới sự chỉ huy của LHQ, thông qua Tổng Thư ký LHQ, chịu sự giám sát của HĐBA. Tổng Thư ký LHQ bổ nhiệm Tư lệnh lực lượng GGHB và được HĐBA thông qua. Tư lệnh lực lượng GGHB phải chịu trách nhiệm trước Tổng Thư ký LHQ. Ba là, lực lượng GGHB được tự do di chuyển và thông tin; được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ theo “Công ước LHQ về các quyền ưu đãi và miễn trừ”; hoạt động độc lập với lực lượng vũ trang của các bên xung đột. Bốn là, binh sĩ lực lượng GGHB do một số nước đóng góp theo yêu cầu của Tổng Thư ký LHQ, trên cơ sở tham khảo HĐBA và các bên liên quan xung đột; đồng thời, đảm bảo cân bằng về địa lý. Năm là, lực lượng GGHB phải hành động hoàn toàn khách quan và không được sử dụng vũ lực, trừ trường hợp tự vệ. Sáu là, LHQ bảo đảm chi phí hoạt động của lực lượng GGHB, do các quốc gia đóng góp theo tỷ lệ mà Đại hội đồng LHQ phân bổ1.
Lịch trình vì hòa bình và bổ sung Lịch trình vì hòa bình
Trước yêu cầu mới của nhiệm vụ GGHB, ngày 17-6-1992, HĐBA đã thông qua Lịch trình vì hòa bình, xác định nội hàm hoạt động GGHB rộng rãi hơn, như: ngoại giao phòng ngừa, tái lập hòa bình, GGHB, củng cố hòa bình sau xung đột, đề ra cách thức hợp tác với các tổ chức khu vực. Tiếp đó, ngày 03-01- 1995, HĐBA thông qua Bổ sung Lịch trình vì hòa bình của Tổng Thư ký LHQ. Theo đó, hoạt động GGHB không chỉ gồm hoạt động truyền thống, mà còn mở rộng ra nhiều hoạt động, như: tái hoà nhập những người tham chiến vào cộng đồng dân sự; phá hủy các phương tiện chiến tranh, vũ khí; rà phá mìn; hồi hương dân tỵ nạn; phân phát hàng cứu trợ nhân đạo; giám sát việc thiết lập và điều hành cơ cấu chính quyền dân sự; kiểm chứng việc tôn trọng các quyền con người; thiết kế và giám sát công tác cải cách thể chế, lập pháp và bầu cử; phối hợp nỗ lực khôi phục kinh tế và tái thiết đất nước. Có thể thấy, Bổ sung Lịch trình vì hòa bình thực chất là quy định mở rộng thêm nhiệm vụ cho lực lượng GGHB của LHQ.
Cùng với các văn kiện trên, một số văn bản pháp luật quốc tế khác, như: luật pháp quốc tế về nhân quyền, Luật Nhân đạo quốc tế, Luật Xung đột vũ trang,… đã dần trở thành cơ sở pháp lý cho hoạt động của lực lượng GGHB của LHQ. Như vậy, cơ sở pháp lý chủ yếu của hoạt động GGHB được hình thành và bổ sung qua thời gian, dựa trên hai nguồn chính là Hiến chương LHQ và một số Nghị quyết của HĐBA, báo cáo của Tổng Thư ký LHQ được Hội nghị nguyên thủ các nước HĐBA thông qua, cùng các văn bản luật pháp quốc tế khác.
Các loại lực lượng GGHB trên thế giới hiện nay
1- Các lực lượng GGHB do LHQ trực tiếp lãnh đạo.
Lực lượng này được đa số các nước ủng hộ, tham gia, hoạt động theo Chương VI Hiến chương LHQ. Tổng Thư ký LHQ đề xuất và HĐBA phê chuẩn việc bổ nhiệm Tư lệnh lực lượng GGHB. LHQ chi phí cho các hoạt động của lực lượng GGHB bằng nguồn đóng góp của các quốc gia thành viên vào Quỹ hoạt động GGHB. Các đơn vị, nhân viên do mỗi quốc gia đóng góp do sĩ quan của quốc gia đó trực tiếp chỉ huy, hoạt động theo kế hoạch được ký kết với Vụ GGHB của LHQ và đặt dưới sự chỉ huy chung của Tư lệnh lực lượng GGHB. Nhân viên lực lượng này có phù hiệu LHQ, được hưởng quy chế ưu đãi miễn trừ của LHQ. Các chiến dịch do lực lượng này tiến hành được nước chủ nhà yêu cầu, do vậy ít nguy cơ rủi ro. LHQ kiểm soát được hoạt động của lực lượng này cũng như diễn tiến của chiến dịch GGHB.
2- Lực lượng đa quốc gia.
Lực lượng đa quốc gia do một quốc gia lãnh đạo, tiến hành “cưỡng chế hoà bình” theo uỷ nhiệm của HĐBA. Các quốc gia khác tham gia đóng góp nhân viên, phương tiện trên cơ sở thỏa thuận với quốc gia lãnh đạo lực lượng2. Các lực lượng này tiến hành hoạt động GGHB theo quy định tại Chương VII, Hiến chương LHQ. Tư lệnh lực lượng là sĩ quan của nước giữ vai trò chủ đạo, không do LHQ bổ nhiệm. Tuy nhiên, LHQ chi phí cho hoạt động của lực lượng này. Các đơn vị, nhân viên của mỗi quốc gia đóng góp do sĩ quan của quốc gia đó trực tiếp quản lý và chịu sự chỉ huy của Tư lệnh lực lượng đa quốc gia.
Các chiến dịch “cưỡng chế” không được nước chủ nhà yêu cầu, do vậy nguy cơ rủi ro cao, hầu như ít được cộng đồng quốc tế hưởng ứng. Tuy HĐBA “uỷ nhiệm”, nhưng LHQ khó kiểm soát được hoạt động của lực lượng đa quốc gia. Cũng có lực lượng đa quốc gia không được LHQ cho phép, như lực lượng liên quân do Mỹ cầm đầu tại I-rắc năm 2003. Nhiều nước, kể cả các cường quốc, như Nga, Pháp, Đức…đều phản đối lực lượng này.
3- Lực lượng GGHB khu vực.
Các lực lượng GGHB do các tổ chức quân sự khu vực chỉ huy, như lực lượng GGHB của các nước châu Phi tại Li-bê-ri-a, Vùng Hồ Lớn; lực lượng “GGHB” do Mỹ và NATO chỉ huy ở Cô-xô-vô (1999)... Các lực lượng này hoạt động theo Chương VIII Hiến chương LHQ. Về cơ bản, đây là lực lượng GGHB do các nước lớn hoặc các nước dẫn đầu khu vực đứng ra thành lập và thao túng. Tư lệnh lực lượng này do tổ chức khu vực chỉ định, không do LHQ bổ nhiệm. Các nước khu vực tự chịu chi phí mọi hoạt động. LHQ không trực tiếp kiểm soát lực lượng này; vì vậy, lực lượng này không được phép tiến hành các hành động cưỡng chế, nếu không có nghị quyết của HĐBA.
Thành công của lực lượng GGHB của LHQ.
Khi mới ra đời, lực lượng GGHB của LHQ là một phái đoàn quan sát viên quân sự. Hiện nay, lực lượng này đã bao gồm nhiều thành phần: các quan sát viên quân sự, các đơn vị “mũ nồi xanh”, cảnh sát dân sự, các nhân viên dân sự của hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó có 88 nước thuộc Phong trào không liên kết và các nước đang phát triển. Trong hơn 6 thập kỷ qua,GGHB LHQ lực lượng GGHBGGHB LHQ của LHQ đã góp phần chấm dứt nhiều cuộc xung đột quốc tế (như ở Áp-ga-ni-xtan, I-ran, I-rắc), hạn chế nhiều cuộc xung đột vũ trang; khôi phục chủ quyền cho Cô-oét; giúp Cam-pu-chia chấm dứt nội chiến, hòa nhập với cộng đồng quốc tế; góp phần tích cực chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 27 năm tại Ăng-gô-la; lập lại hòa bình cho Mô-dăm-bích; từng bước ổn định tình hình ở Cộng hòa Trung Phi; tạo nên những quốc gia mới, như: Na-mi-bia, Đông Ti-mo…Lực lượng GGHB của LHQ đã giúp các bên xung đột tuân thủ lệnh ngừng bắn theo các hiệp định hòa bình. Nhờ đó, các quốc gia có được thời gian ổn định cần thiết để tiến hành tái thiết đất nước, như ở Síp, biên giới U-gan-đa và Ru-an-đa, ở Li-bê-ria (đất nước nổi tiếng về tình trạng bất ổn, liên tiếp xảy ra đảo chính), chấm dứt xung đột biên giới giữa hai nước Ê-ti-ô-pi-a và Ê-ri-tri-a; góp phần không để chiến tranh lớn nổ ra giữa hai cường quốc hạt nhân Ấn Độ – Pa-ki-xtan. Điểm nổi bật là, chi phí cho hoạt động GGHB của LHQ ít tốn kém hơn nhiều nếu để chiến tranh xảy ra3. Theo thống kê của LHQ, chi phí hoạt động GGHB bình quân là 2,63 tỷ USD/năm (bằng 2,7% so với tổng chi phí quân sự trên toàn thế giới). Trong số gần 1 triệu lượt quân nhân, cảnh sát, viên chức tham gia lực lượng GGHB củaGGHB LHQ LHQ, có gần 3.000 nhân viên hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ (số thương vong này chỉ chiếm 0,04% lực lượng tham gia GGHB, thấp hơn nhiều so với số thương vong của các bên tham chiến trong các cuộc chiến tranh). Như vậy có thể thấy, hoạt động GGHB vẫn là biện pháp hiệu quả, ít thiệt hại cả nhân lực lẫn tài lực của quốc tế và của các quốc gia có xung đột.
Những hạn chế của lực lượng GGHB của LHQ
Bên cạnh những mặt tích cực, lực lượng GGHB của LHQ cũng có những hạn chế nhất định. Nhất là, từ sau khi “Chiến tranh lạnh” kết thúc, tuy LHQ trực tiếp chỉ đạo lực lượng GGHB, nhưng các nước lớn vẫn tìm cách chi phối (thông qua việc phê chuẩn ngân sách, thời hạn hoạt động, cử nhân viên tham gia và nhất là đề chọn người chỉ huy lực lượng GGHB). Vì thế, có lúc lực lượng GGHB của LHQ bị một số nước lớn thao túng. Trong một số trường hợp, khi tiến hành các hoạt động cưỡng chế, lực lượng GGHB của LHQGGHB LHQ không giữ được tính vô tư, thậm chí tự biến mình thành một bên tham chiến. Điều đó cũng là nguyên nhân khiến cho một số cuộc xung đột bị kéo dài nhiều thập kỷ (như ở Trung Đông, đảo Síp, Li-băng, Tây Xa-ha-ra, Cộng hòa dân chủ Công-gô,…) mà các lực lượng GGHB của LHQ không thể làm gì được. Thời gian gần đây, mượn chiêu bài bảo vệ “dân chủ, nhân quyền”, trợ giúp “nhân đạo”…, một số nước lớn đã lợi dụng lực lượng GGHB của LHQ để xâm phạm chủ quyền quốc gia, can thiệp vào công việc nội bộ của một số nước, nhất là các nước đang phát triển và chậm phát triển, để mưu cầu lợi ích chiến lược riêng.
Đại tá, TS. NGUYỄN HỒNG QUÂN
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng
_______________
1 - Từ năm 1973, LHQ phân chia tỷ lệ đóng góp cho các chi phí hoạt động GGHB của LHQ như sau: Mỹ 31,7%; Nhật Bản 12,5%; Đức 9%; Liên Xô (nay là Liên bang Nga) 8,5%; Pháp 7,6%; Anh 6,6%...
2 - Như các lực lượng đa quốc gia: do Mỹ đứng đầu tại I-rắc (Chiến dịch Bão táp sa mạc) năm 1991, ở Xô-ma-li năm 1992, ở Ha-i-ti năm 1994; do Pháp chỉ huy (Chiến dịch Turquoise) ở Ru-an-đa năm 1995; do Ô-xtrây-li-a chỉ huy (lực lượng INTERFET) ở Đông Ti-mo năm 1999, v.v.
3 - Chi phí chiến tranh của Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan và I-rắc ở mức gần 47 tỷ và 65 tỷ USD/năm.
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ