Thứ Bảy, 23/11/2024, 22:36 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Cuộc nội chiến ở Xy-ri đã kéo dài hơn 07 năm, nhưng chưa có một tín hiệu khả quan về hòa bình, ổn định. Mặc dù, cơ hội hòa bình đã có lúc mở ra cho người dân nước này, khi Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bị đánh bại, nhưng điều đó đã không trở thành hiện thực khi Xy-ri tiếp tục trở thành tâm điểm của sự tranh giành ảnh hưởng ngày càng quyết liệt giữa các cường quốc. Vậy, cơ hội hòa bình nào cho Xy-ri?
Nhìn lại cuộc xung đột
Có lẽ, xuất phát từ vị trí địa chiến lược của Xy-ri, nên cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này dai dẳng từ năm 2011 đến nay vẫn chưa tìm được lời giải. Theo giới quan sát, vùng biển Địa Trung Hải thuộc chủ quyền của Xy-ri có nhiều tài nguyên phong phú, nhất là dầu mỏ với trữ lượng lớn. Ven biển Xy-ri có thể xây dựng một số quân cảng lớn, khống chế một vùng rộng lớn trên biển Địa Trung Hải. Về chính trị, Xy-ri là đồng minh quan trọng của Nga và I-ran, trong khi cả hai nước này đều là mục tiêu chống phá quyết liệt của Mỹ và phương Tây, khiến quốc gia này trở thành tâm điểm của cạnh tranh địa - chính trị, địa chiến lược của các cường quốc cả ở trong và ngoài khu vực. Bắt đầu từ làn sóng bạo loạn chính trị (ngày 15-3-2011) mang tên “Mùa xuân A-rập”, sau đó biến thành cuộc nội chiến giữa một bên là lực lượng trung thành với Tổng thống B. An Át-xát, bên kia là “các lực lượng đối lập” được Oa-sinh-tơn và các nước đồng minh của Mỹ trong và ngoài khu vực ủng hộ đã đẩy Xy-ri rơi vào cảnh “nồi da nấu thịt”, bạo lực, bất ổn triền miên.
Cuộc cạnh tranh địa - chính trị diễn ra tại Xy-ri được thể hiện ở 02 cấp độ: khu vực và toàn cầu. Ở cấp độ khu vực, chủ yếu là sự cạnh tranh giữa một bên là A-rập Xê-út, Ca-ta, Thổ Nhĩ Kỳ và bên kia là Cộng hòa Hồi giáo I-ran. Trong khi I-ran là đồng minh của Chính quyền Đa-mát và luôn ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Xy-ri, thì A-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ và Ca-ta lại muốn lật đổ chế độ của Tổng thống B. An Át-xát, hòng kéo Xy-ri về phía mình. Còn ở cấp độ toàn cầu, sự cạnh tranh đó diễn ra giữa Mỹ và một số nước phương Tây với Nga được I-ran và Chính phủ Xy-ri hậu thuẫn. Như vậy, xem xét ở cả hai cấp độ trong cuộc cạnh tranh này, thì A-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ và Ca-ta trở thành đồng minh tự nhiên của Mỹ. Bởi, họ có chung mục đích, kiểm soát toàn bộ tuyến đường ống dẫn khí đốt đi qua Xy-ri. Riêng Mỹ, còn nuôi tham vọng kiểm soát hầu hết lượng dầu mỏ và khí đốt trên lục địa Á - Âu, nhằm đẩy Nga ra khỏi Trung Đông và thị trường truyền thống châu Âu. Còn Nga thì không thể ngồi yên khi Xy-ri - đồng minh duy nhất của mình đang bị chia rẽ thành nhiều phe phái, cùng sự sống còn của 02 căn cứ quân sự (La-ta-ki-a và Ta-tút) có từ thời Liên Xô để tiếp tục duy trì sự ảnh hưởng của mình ở Trung Đông, v.v. Chính vì vị trí địa chiến lược của Xy-ri và lợi ích quốc gia của mỗi bên, nên đất nước Trung Đông này trở thành chiến trường, chưa biết khi nào mới được hưởng hòa bình, ổn định.
Toan tính của các thế lực bên ngoài
Ngay từ năm 2011 đến nay, Mỹ và phương Tây đã sử dụng cái gọi là “các lực lượng đối lập” để tiến hành “cuộc chiến tranh qua tay người khác”, nhằm loại bỏ Tổng thống Xy-ri B. An Át-xát và dựng lên chính quyền mới, do Oa-sinh-tơn kiểm soát. “Các lực lượng đối lập” được Mỹ, phương Tây và các nước đồng minh trong khu vực ủng hộ, gồm nhiều thành phần; trong đó, ở một mức độ nào đó còn bao hàm cả hai tổ chức khủng bố là An Kê-đa và IS. Vì thế, tuy quyết định thành lập liên minh quốc tế chống IS vào tháng 8-2014 và triển khai các đợt không kích IS ở I-rắc và Xy-ri, song trên thực tế, mượn cớ “chống IS”, liên quân do Mỹ chỉ huy đã tấn công tàn phá cơ sở hạ tầng kinh tế và quân sự của Xy-ri, tạo điều kiện cho “các lực lượng đối lập” giành ưu thế trên chiến trường, chiếm giữ ngày càng nhiều lãnh thổ và đe dọa chính thể của Tổng thống Xy-ri B. An Át-xát.
Đầu năm 2018, được Nga và I-ran giúp đỡ, Xy-ri đã đánh bại IS và truy quét khủng bố. Do không thể tiếp tục núp dưới chiêu bài “chống khủng bố” để hiện diện quân sự bất hợp pháp trên lãnh thổ Xy-ri, ngày 14-4-2018, liên quân Mỹ - Anh - Pháp đã cáo buộc quân đội Xy-ri “sử dụng vũ khí hóa học tàn sát dân thường” và cho mình quyền tấn công quân sự khi chưa có bằng chứng đầy đủ và thuyết phục. Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, bởi năm 2013, theo đề xuất của Mát-xcơ-va, Chính quyền Đa-mát đã hủy bỏ toàn bộ vũ khí hóa học, dưới sự giám sát và kiểm chứng chặt chẽ của tổ chức cấm vũ khí hóa học của Liên hợp quốc, trong đó có Mỹ, làm cơ sở để Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhất trí thông qua Nghị quyết 2118. Theo đó, bất cứ sự can thiệp quân sự nào từ bên ngoài vào Xy-ri liên quan tới vũ khí hóa học chỉ được tiến hành, sau khi đã có kết quả điều tra xác minh của Liên hợp quốc. Vì thế, hành động quân sự của Liên quân “trừng phạt” Xy-ri vừa qua, đang đẩy cuộc xung đột ở quốc gia Trung Đông này leo thang tới mức độ nguy hiểm chưa từng có, gây bất lợi cho tiến trình hòa bình vừa được nhen nhóm.
Còn đối với Nga, kể từ thời điểm diễn ra các cuộc biểu tình chống Chính quyền Đa-mát đến nay, Mát-xcơ-va vẫn kiên quyết bảo vệ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, quyền giải quyết công việc nội bộ của Xy-ri. Dĩ nhiên, trong khi Mát-xcơ-va bảo vệ chủ quyền quốc gia của Xy-ri cũng bao hàm cả việc bảo vệ lợi ích của Nga ở xứ sở này. Giữa tháng 9-2015, “các lực lượng đối lập” cực đoan, trong đó có IS, đã kiểm soát phần lớn lãnh thổ của Xy-ri và uy hiếp Chính quyền Đa-mát. Để cứu nguy cho Xy-ri, ngày 30-9-2015, thực hiện Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về chống IS và nhận được yêu cầu của Chính quyền Xy-ri, Tổng thống Nga V. Pu-tin đã thành lập liên minh chống khủng bố, gồm: Nga, I-rắc, I-ran và quân đội Chính phủ Xy-ri. Từ đó đến nay, liên minh này do Nga dẫn đầu đã đánh bại IS trên lãnh thổ Xy-ri; bảo vệ được chủ quyền và chính quyền của Tổng thống B. An Át-xát, giành lại hầu hết lãnh thổ.
Về phía Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia cận kề với Xy-ri luôn có ý tưởng chia cắt quốc gia này thành các khu đệm, dưới quyền kiểm soát của An-ca-ra. Để thực hiện ý đồ đó, họ ra sức hỗ trợ, huấn luyện và trang bị cho “các lực lượng đối lập” ở Xy-ri, trong đó có “quân đội Xy-ri tự do”. Tuy nhiên, đứng trước hiểm họa IS, An-ca-ra đã bất chấp sự phản đối của Chính quyền Đa-mát, đưa quân đội trực tiếp tiêu diệt IS trên lãnh thổ Xy-ri. Một điểm đáng lưu ý là, trong khi đưa quân tham gia cuộc chiến chống khủng bố ở Xy-ri, Thổ Nhĩ Kỳ còn thực hiện một mục đích khác là tiêu diệt các lực lượng vũ trang người Kurd mà An-ca-ra coi là “khủng bố”. Thậm chí, ngày 20-01-2018, Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện chiến dịch “Nhành Ô-liu” nhằm vào lực lượng vũ trang người Kurd ở khu vực A-phrin của Xy-ri, gây nhiều quan ngại trong bối cảnh các nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng Xy-ri vẫn bế tắc. Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ muốn ngăn cản người Kurd Xy-ri thành lập “vương quốc tự trị”. Vì, nếu điều này thành hiện thực sẽ truyền cảm hứng cho tham vọng tương tự với người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ.
Cùng với đó, sự tác động của I-ran và I-xra-en cũng là tác nhân quan trọng đối với cuộc xung đột ở Xy-ri. Đối với I-ran - một trong những quốc gia thân cận với Chính quyền Tổng thống Xy-ri B. An Át-xát, đã hỗ trợ vũ khí, tài chính, thông tin tình báo cho quân đội Chính phủ Xy-ri và lực lượng ủng hộ Tổng thống B. An Át-xát. Sự can dự trong cuộc chiến này giúp I-ran tạo dựng hình ảnh là “người bảo vệ” cộng đồng hồi giáo Si-ai - nhánh hồi giáo chiếm đa số ở I-ran, cũng như người hồi giáo Si-ai ở Xy-ri vốn là mục tiêu tấn công của nhiều nhóm phiến quân và khủng bố dòng Xăn-ni đối lập. I-ran hiện diện ở Xy-ri thông qua các nhóm vũ trang người Si-ai hiện đang kiểm soát khu vực phía Tây Xy-ri. Tê-hê-ran muốn có hành lang vận tải thông suốt qua I-rắc, Xy-ri để tiếp vận liên tục cho lực lượng vũ trang Héc-bô-la ở Li-băng, gây sức ép lên I-xra-en. Ngược lại, I-xra-en cũng thực hiện nhiều cuộc không kích chống lại lực lượng Héc-bô-la và các căn cứ quân sự của I-ran trên lãnh thổ Xy-ri, kể từ khi có xung đột. Sở dĩ, I-xra-en muốn can dự sâu vào tình hình chiến sự của Xy-ri, vì muốn ngăn chặn I-ran mở rộng ảnh hưởng tại quốc gia Trung Đông này.
Đối với Xy-ri, nước chủ nhà được sự giúp đỡ của Nga và I-ran, quân đội nước này đã giành được nhiều thắng lợi về quân sự trước “các lực lượng đối lập” và mong muốn sớm khôi phục hòa bình, ổn định cũng như toàn vẹn lãnh thổ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia quân sự, rất khó để các phe phái chấp nhận Tổng thống B. An Át-xát như thủ lĩnh tối cao sau những gì xảy ra 07 năm qua. Mặt khác, từ khi cuộc xung đột nổ ra, Chính phủ Xy-ri không quan tâm đến vấn đề người Kurd, mà chỉ lo đối phó với phe hồi giáo Xăn-ni, nên người Kurd Xy-ri có nhiều thuận lợi, gấp rút củng cố tổ chức chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang độc lập với sự hậu thuẫn của Mỹ.
Cơ hội nào cho hòa bình ở Xy-ri?
Sau khi Xy-ri đánh bại IS, hòa bình tưởng chừng trong tầm tay, nhưng đã vội tuột mất, khi liên quân Mỹ - Anh - Pháp không kích Xy-ri. Oa-sinh-tơn thẳng thừng tuyên bố, Mỹ sẽ hiện diện quân sự lâu dài ở quốc gia này cho tới lúc nào Đa-mát “từ bỏ ý định sử dụng vũ khí hóa học”. Đó chỉ là lời ngụy biện hòng che đậy sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Xy-ri để tiếp tục cuộc chiến địa - chính trị với Nga, trong bối cảnh vai trò và ảnh hưởng của Mát-xcơ-va ngày càng lớn ở Trung Đông. Tuy nhiên, sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ trên lãnh thổ Xy-ri là bất hợp pháp, bởi sự hiện diện đó về danh nghĩa không được Chính phủ Xy-ri cho phép và không loại trừ các cuộc tấn công vào các căn cứ quân sự của Mỹ, như là hành động đáp trả chính đáng sau vụ không kích của Mỹ và đồng minh vào Xy-ri hôm 14-4-2018. Theo các chuyên gia quân sự nhận định, khả năng này có thể xảy ra, bởi hành động của Xy-ri phù hợp với luật pháp quốc tế. Khi đó, không loại trừ khả năng đối đầu quân sự Mỹ - Nga. Để tránh xảy ra tình huống nguy hiểm này, Oa-sinh-tơn đề nghị các nước trong liên minh “NATO của thế giới A-rập” - tổ chức được hình thành trong chuyến thăm Trung Đông đầu tiên của Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm - đưa quân tới Xy-ri thay thế quân Mỹ theo kịch bản “A-rập hóa chiến tranh Xy-ri”, nhằm chia rẽ Nga với các nước trong khu vực. Vì thế, giới phân tích nhận định, đòn tấn công quân sự vào Xy-ri của Liên quân vừa qua chỉ là “khúc dạo đầu” cho một cuộc đối đầu quân sự quy mô lớn giữa liên minh: Mỹ, NATO và “NATO của thế giới A-rập” với Nga ở Trung Đông.
Trong điều kiện cực kỳ phức tạp như hiện nay, Tổng thư ký Liên hợp quốc An-tô-ni-ô Gu-tơ-rét tuyên bố, giải pháp cơ bản lâu dài để giải quyết cuộc xung đột Xy-ri chỉ có thể là giải pháp chính trị, nhưng điều này không hề dễ. Bởi lẽ, các phe nhóm ở quốc gia Trung Đông này khó mà ngồi lại với nhau, khi mà các bên vẫn chưa đi đến thống nhất, vì lợi ích riêng của mình. Do đó, cơ hội hòa bình cho Xy-ri vẫn là điều xa vời, chưa có hồi kết.
Đại tá LÊ THẾ MẪU - Đại tá, ThS. HOÀNG MẠNH DU
Xy-ri,cơ hội hòa bình
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ