Thứ Bảy, 23/11/2024, 11:11 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Chính sách tái cân bằng Đông Nam Á là một bộ phận quan trọng trong chiến lược “Xoay trục” của Mỹ sang châu Á - Thái Bình Dương. Hiện nay, trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, những động thái về chính sách này trong năm 2015 của Mỹ luôn là mối quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Theo các nhà phân tích quốc tế, xem xét kỹ chính sách Đông Nam Á của Mỹ kể từ sau Chiến tranh lạnh đến nay cho thấy, về cơ bản nó trải qua ba giai đoạn: “giữ vững lập trường trung lập”; “mức độ quan tâm sâu hơn” và “sự lựa chọn trên thực tế”. Tuy nhiên, hiện nay, “sự lựa chọn trên thực tế” của Mỹ đang có xu hướng điều chỉnh từ “quan sát” sang “can dự” và được biểu hiện ở một số nội dung sau:
Tái cân bằng nhằm bảo đảm tự do, an toàn hàng hải ở Biển Đông
Biển Đông có diện tích rộng khoảng 3,5 triệu km2, với hàng nghìn hòn đảo lớn, nhỏ. Khu vực này giàu tài nguyên khoáng sản, lại án ngữ tuyến hàng hải quốc tế quan trọng, hằng năm chiếm khoảng 50% số lượng vận tải biển trên toàn cầu. Vì thế, Biển Đông có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược của nhiều nước trên thế giới, như: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU), và đó cũng là nguyên nhân cạnh tranh ảnh hưởng, lợi ích gay gắt giữa các nước lớn. Trong năm 2015, tình hình Biển Đông, nhìn bề ngoài có vẻ “êm ả”, nhưng thực chất bên trong lại đang “nổi sóng”, tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định rất khó lường. Điều đó, gây quan ngại sâu sắc và tác động trực tiếp tới cục diện chính trị và quân sự ở Đông Nam Á. Thông qua các tranh chấp về chủ quyền biển, đảo giữa các nước trong khu vực này, một số nước ngoài đã, đang công khai thể hiện quan điểm giải quyết và lợi ích của mình; trong đó có vấn đề về an ninh, an toàn, tự do hàng hải, nhưng đồng thời cũng bộc lộ ý đồ hiện diện quân sự lâu dài, nguy hiểm ở Biển Đông.
Vì không phải là một bên trong các tranh chấp chủ quyền ở khu vực, nên Oa-sinh-tơn đang dừng lại ở việc tuyên bố về lợi ích cốt lõi của Mỹ trong việc duy trì an ninh, an toàn, tự do hàng hải trên Biển Đông và nhấn mạnh ủng hộ giải pháp hòa bình cho các tranh chấp ở khu vực này dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Tuy nhiên, xuất phát từ chiến lược toàn cầu và chiến lược ở châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ không chấp nhận bất kỳ sự thay đổi hiện trạng nào ở Biển Đông. Oa-sinh-tơn đang hết sức lo ngại về sự trỗi dậy và ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với khu vực Đông Nam Á. Tại Đối thoại Shangri-La năm 2010, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Rô-bớt Ghết đã khẳng định, Mỹ dù không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền này nhưng sẽ phản đối mọi hành động đe dọa đến tự do hàng hải trên Biển Đông. Trước đó, tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) vào tháng 7-2010 tại Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn cũng nêu rõ: Mỹ có lợi ích quốc gia đối với tự do hàng hải trên Biển Đông. Bản thân Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma cũng nêu vấn đề Biển Đông tại Hội nghị cấp cao Đông Á ở Ba-li (tháng 11-2011) rằng, Oa-sinh-tơn sẽ không đứng về bên nào trong các tranh chấp trong khu vực, nhưng lợi ích của Mỹ bao hàm cả tự do hàng hải và đảm bảo thương mại quốc tế trong khu vực không bị cản trở ở Biển Đông.
Đặc biệt, ngày 03-12-2014, với số phiếu tuyệt đối, Hạ viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết H. Res-714; trong đó, tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với các giải pháp hòa bình trong giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Theo đó, Mỹ chủ trương duy trì quyền tự do hàng hải và hàng không; đồng thời, lên án những hành vi cưỡng chế hoặc sử dụng vũ lực để ngăn cản việc thực thi các quyền tự do sử dụng vùng biển hay không phận quốc tế trên Biển Đông. Nghị quyết hối thúc Trung Quốc kiềm chế thực thi vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông và không lập ADIZ tại các vùng biển khác của châu Á - Thái Bình Dương (hàm ý trên Biển Đông). Đồng thời, kêu gọi ASEAN và các nước có tranh chấp cùng nhau nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, thông qua việc thiết lập Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Như vậy, về mặt đối ngoại, tuy Mỹ không thừa nhận chính sách của mình ở Biển Đông có sự thay đổi, nhưng các nước ASEAN coi đó là bước ngoặt trong chính sách của Oa-sinh-tơn ở Đông Nam Á. Thậm chí giới phân tích còn cho rằng, trong thời gian tới ngoại giao xoay quanh những căng thẳng ở Biển Đông sẽ trở thành hoạt động chủ đạo của giới chức Oa-sinh-tơn. Theo người phát ngôn của Lầu Năm Góc, hiện Mỹ đã xây dựng xong Kế hoạch quân sự nhằm thực hiện chiến lược “Tái cân bằng” trong vòng 5 năm tới. Theo đó, Mỹ sẽ điều chỉnh sự bố phòng lực lượng ở châu Á - Thái Bình Dương với sự hiện diện 60% lực lượng hải quân, đảm bảo để các lực lượng này có thể tiếp cận gần hơn với tuyến vận tải biển ở khu vực. Đối với khu vực Đông Nam Á, trong năm 2015, Mỹ tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng với các đối tác trong khuôn khổ: ARF, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+);… đồng thời, xúc tiến triển khai 4 chiến hạm thường trực ở Xin-ga-po và sẽ đưa vào hoạt động từ tháng 5-2017, v.v. Cũng theo Kế hoạch này, đến năm 2020, Oa-sinh-tơn sẽ chuyển phần lớn các hạm đội hải quân tới Thái Bình Dương như một phần chiến lược tập trung vào châu Á. Ngoài ra, Mỹ còn chủ trương đẩy mạnh quan hệ quân sự song phương với một số nước ASEAN, như: Phi-líp-pin, Xin-ga-po, Thái Lan và một số quốc gia khác, nhằm tăng cường quan hệ song phương với các nước có mong muốn duy trì mở cửa giao thông đường biển.
Cân bằng ảnh hưởng kinh tế ở khu vực Đông Nam Á
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng với Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) được đánh giá là hai trụ cột của Học thuyết Ô-ba-ma nhằm duy trì vai trò dẫn dắt của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu. Ở châu Á - Thái Bình Dương nói chung, Đông Nam Á nói riêng, Mỹ từng có ý định sử dụng Diễn đàn hợp tác kinh tế (APEC) để phát huy ảnh hưởng kinh tế lớn hơn đối với khu vực. Tuy nhiên, do sự phát triển và ảnh hưởng của nhiều nền kinh tế trong khu vực, trước hết là của Trung Quốc nên vai trò của Mỹ ngày càng mờ nhạt. Vì thế, Mỹ phải tìm cách thức khác để định hình lại chính sách thương mại đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, Mỹ đã đề xuất sáng kiến tham gia đàm phán TPP vào năm 2008. Với bước đi này, chính quyền của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma hy vọng, TPP sẽ cải thiện các mối quan hệ thương mại xuyên Thái Bình Dương, đặt nền móng cho một chương trình tự do thương mại do Mỹ dẫn dắt. Theo các chuyên gia kinh tế, thỏa thuận về TPP nếu được ký kết sẽ là một thắng lợi lớn đối với Mỹ trong “cuộc chiến kinh tế” đang diễn ra ở Đông Nam Á và cả châu Á - Thái Bình Dương. Đây cũng sẽ là minh chứng sinh động cho chính sách tái cân bằng của Mỹ ở Đông Nam Á nói riêng và chiến lược “Xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương nói chung.
Theo đại diện thương mại Mỹ Mi-sen Phơ-rốc-man, Chính phủ Mỹ dự kiến sẽ kết thúc quá trình đàm phán về TPP với các đối tác (trong đó có 4 nước Đông Nam Á là Bru-nây, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po và Việt Nam) trước giữa năm 2015. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng của chính quyền Tổng thống Ô-ba-ma, nhằm mở đường cho Quốc hội Mỹ phê chuẩn thỏa thuận này vào cuối năm nay, trước khi chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ (vào năm 2016) bước vào giai đoạn quan trọng nhất. Việc hoàn tất TPP còn có ý nghĩa quan trọng để Oa-sinh-tơn chứng minh rằng chiến lược “Tái cân bằng” sang châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ bao gồm cả lĩnh vực kinh tế cũng như các vấn đề an ninh.
Xúc tiến quá trình dân chủ hóa ở Đông Nam Á
Đây không những là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược “Xoay trục” tới châu Á - Thái Bình Dương mà còn đối với cả chiến lược toàn cầu của Mỹ. Trong nhiều thỏa thuận hợp tác quốc tế, Mỹ thường gắn với áp đặt điều kiện này, thậm chí coi đó là nguyên tắc. Do đó, các nước Đông Nam Á, bên cạnh việc hợp tác trên các lĩnh vực đều tỏ ra hết sức cảnh giác, dè chừng Mỹ. Những năm gần đây, việc xúc tiến dân chủ hóa khu vực được Mỹ coi trọng như một chính sách ưu tiên của Oa-sinh-tơn đối với các nước ASEAN, mà trọng tâm là hướng vào Mi-an-ma - nơi diễn ra sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc. Với chủ trương đó, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma kêu gọi chính quyền của Tổng thống Thên Sên tiến hành một cuộc bầu cử “toàn diện và công bằng” trong năm 2015. Đồng thời, Oa-sinh-tơn cũng hối thúc Nây Pi Tô thực thi các biện pháp bổ sung nhằm giải quyết tình trạng căng thẳng sắc tộc tại bang Rắc-khi-ne ở miền Tây nước này, nơi đã từng diễn ra các làn sóng bạo lực (vào năm 2012) giữa người theo đạo Phật và người Hồi giáo thiểu số Rô-hing-a, khiến hàng trăm người chết và hơn 14.000 người phải đi lánh nạn. Đáp lại, Tổng thống Mi-an-ma Thên Sên đã triệu tập một cuộc họp “toàn thể” với sự tham gia của lãnh đạo quân đội và các chính đảng toàn quốc để thảo luận các vấn đề chính trị trong nước. Cuộc họp được tổ chức vào thời điểm rất quan trọng trong bối cảnh chính phủ Mi-an-ma đang cố gắng đạt được thỏa thuận ngừng bắn trên toàn quốc với nhiều nhóm phiến quân, trước khi tiến hành cuộc tổng tuyển cử vào cuối năm 2015. Đây vừa được coi là một phép thử mang tính then chốt đối với các bước cải cách dân chủ ở Mi-an-ma; đồng thời, cũng thể hiện chính sách tái cân bằng của Mỹ ở Đông Nam Á trên lĩnh vực đầy nhạy cảm này.
Điều chỉnh quy trình phòng thủ chung Mỹ - Nhật Bản nhằm hướng vào Đông Nam Á
Theo giới học giả chính trị, trong năm 2015, Mỹ và Nhật Bản sẽ thay đổi quy trình phòng thủ chung giữa hai nước; trong đó, quy định vai trò của quân đội Mỹ và lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF) nhằm mở rộng quan hệ đối tác quốc phòng giữa hai nước ra bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản. Điều này càng được khẳng định khi ngày 10-02-2015, lần đầu tiên Thủ tướng Nhật Bản Xin-dô A-bê phê chuẩn Hiến chương về viện trợ nước ngoài, cho phép sử dụng Viện trợ phát triển chính thức (ODA) của nước này để hỗ trợ các lực lượng quân sự nước ngoài trong các chiến dịch phi quân sự. Bản Hiến chương này đánh dấu lần sửa đổi đầu tiên bản Hiến chương về viện trợ quốc tế kể từ năm 2003 và dỡ bỏ các hạn chế trước đây, như: cấm Nhật Bản hỗ trợ tài chính cho quân đội nước ngoài, do lo ngại khoản tiền này có thể được sử dụng sai mục đích trong các xung đột quốc tế. Theo nhà phân tích K. I-mo-ri (chuyên gia nghiên cứu các vấn đề châu Á của Nhật Bản), về lý thuyết, việc phân bổ một lượng lớn ODA cho quân đội nước ngoài nhằm hỗ trợ các chiến dịch nhân đạo, như: cứu trợ thảm họa, chống chọi với khủng hoảng và cả cho liên minh do Mỹ dẫn đầu ở từng khu vực trên thế giới là hành động đáng ghi nhận. Song, trên thực tế, phần lớn sự viện trợ này lại dành cho quân đội các nước Đông Nam Á, bởi khu vực này hàng năm nhận được những khoản ODA nhiều hơn bất cứ nơi nào trên thế giới. Hơn nữa, sự sửa đổi này của Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh địa chính trị hiện tại ở Biển Đông và Biển Hoa Đông có những diễn biến phức tạp, khó lường. Như vậy, với quyết định này, Nhật Bản đã góp phần chia sẻ gánh nặng tái cân bằng của Mỹ trong quan hệ với các nước ASEAN.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, dựa vào tầm quan trọng của tự do hàng hải và thương mại trên Biển Đông, lập trường của Mỹ về chính sách tái cân bằng ở khu vực Đông Nam Á, trong thời gian tới sẽ kiên quyết và rõ nét hơn. Điều này sẽ có tác động không nhỏ tới môi trường khu vực ASEAN và châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách quốc phòng bị cắt giảm; hoạt động của chính quyền Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma phải chịu sự giám sát của lưỡng viện Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát,… thì chính sách tái cân bằng của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương nói chung, khu vực Đông Nam Á nói riêng năm 2015 không dễ “xuôi chèo mát mái” như mong đợi./.
NGUYỄN NGỌC ANH
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ