Thứ Bảy, 21/09/2024, 09:40 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Thời gian gần đây, viện cớ Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên có nhiều động thái thử tên lửa đạn đạo, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã gia tăng các hành động quân sự cứng rắn để răn đe, ngăn chặn nước này. Việc làm đó không những không đạt hiệu quả, mà còn khiến cho tình hình bán đảo Triều Tiên thêm căng thẳng, phức tạp.
Hai tàu sân bay của Mỹ là Carl Vinson (ảnh) và Ronald Reagan đã từng phô diễn sức mạnh ngoài khơi Triều Tiên vào tháng 6-2017. (Ảnh: Wikimedia Commons)
Lịch sử “thăng, trầm” trong quan hệ Mỹ - Triều Tiên
Sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, bán đảo Triều Tiên bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc và lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới. Tiếp đó, chính thể ở miền Nam thành lập nước Đại Hàn Dân Quốc, gọi tắt là Hàn Quốc; chính thể ở miền Bắc thành lập nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên. Trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953), Mỹ đã can thiệp trực tiếp giúp Hàn Quốc chống lại Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên, nên quan hệ Mỹ - Triều Tiên từ lâu đã ở trạng thái thù nghịch. Không những thế, trong suốt thời kỳ “Chiến tranh Lạnh”, Oa-sinh-tơn còn ráo riết thực hiện chính sách bao vây, cấm vận về kinh tế và răn đe, ngăn chặn về quân sự đối với Bình Nhưỡng. Do vậy, quan hệ Mỹ - Triều Tiên chưa bao giờ hết đối đầu, căng thẳng.
Trong bối cảnh đó, Triều Tiên ra sức tăng cường khả năng phòng thủ quốc gia; trong đó, phát triển sức mạnh hạt nhân được coi là nhân tố quan trọng, mang tính sống còn. Năm 1980, Bình Nhưỡng cho xây dựng tổ hợp hạt nhân Jong-bi-ôn, gồm một lò phản ứng 05 mê-ga-oát và một nhà máy xử lý pờ-lu-tôn. Kể từ đây, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên trở thành tâm điểm của khu vực và quốc tế; Mỹ và đồng minh gia tăng các biện pháp trừng phạt và can thiệp sâu hơn vào bán đảo Triều Tiên. Tháng 10-1994, thực hiện chính sách “can dự có chọn lọc”, Chính quyền của Tổng thống Mỹ B. Clin-tơn đã ký hiệp định khung về giải trừ hạt nhân với Triều Tiên. Theo đó, Bình Nhưỡng sẽ tạm ngừng chương trình hạt nhân; đổi lại, Mỹ và phương Tây sẽ trợ giúp về nhiên liệu và cung cấp cho Triều Tiên một số nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, hiệp định khung đã sớm bị đổ vỡ vì nhiều lý do, trong đó nguyên nhân chính là các bên không thực hiện đầy đủ các điều khoản cam kết đã ký. Sau vụ khủng bố kinh hoàng tại nước Mỹ (11-9-2001), Chính quyền của Tổng thống Mỹ G.W. Bu-sơ đã thông qua chiến lược quân sự “đánh đòn phủ đầu” chống khủng bố và xếp Triều Tiên vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố, quan hệ hai nước càng xấu đi. Tháng 10-2006, Triều Tiên thử thành công vụ nổ hạt nhân đầu tiên dưới lòng đất, Mỹ và nhiều nước phương Tây đã đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt và gây sức ép lớn hơn về quân sự đối với Bình Nhưỡng. Trước sự hối thúc của Mỹ và phương Tây, tháng 02-2007, tại vòng 5 Hội nghị đàm phán 6 bên1 về chương trình hạt nhân của Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên, các bên đã đạt được thỏa thuận quan trọng. Theo đó, Bình Nhưỡng chấp thuận đóng cửa tổ hợp hạt nhân Jong-bi-ôn để đổi lấy nguồn viện trợ nhiên liệu khổng lồ từ quốc tế. Trên thực tế, Bình Nhưỡng đã phá hủy tháp làm mát trong tổ hợp hạt nhân Jong-bi-ôn - động thái chứng tỏ cho cam kết của Triều Tiên đối với thỏa thuận đã ký. Đáp lại, tháng 10-2008, Mỹ tuyên bố rút Triều Tiên khỏi danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố, đánh dấu một bước đột phá tiến tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và bình thường hóa quan hệ hai nước. Tuy nhiên, không lâu sau, thỏa thuận bị đổ vỡ. Khi lên cầm quyền, thực hiện quan điểm “kiên nhẫn chiến lược” với Triều Tiên, Chính quyền của Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma một mặt tiến hành “đối thoại”; mặt khác lại gia tăng trừng phạt về kinh tế và răn đe, ngăn chặn về quân sự. Bởi vậy, quan hệ hai nước vẫn trong trạng thái thù địch; bán đảo Triều Tiên tiếp tục là “điểm nóng” gây nhức nhối cho khu vực và thế giới.
Chính sách răn đe, ngăn chặn cứng rắn đối với Triều Tiên của Chính quyền Đô-nan Trăm
Theo một thống kê được Chính quyền của Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm công bố mới đây, hơn một thập kỷ qua, Triều Tiên đã tiến hành 5 vụ thử hạt nhân và khoảng gần 100 vụ thử tên lửa. Các kết quả quan trắc và dữ liệu tình báo của Mỹ thu thập được trong các lần thử cho thấy, Triều Tiên đã có bước tiến “nhảy vọt”, vượt xa dự đoán của các chuyên gia Mỹ và phương Tây cả về trình độ nghiên cứu, chế tạo vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Nhiều chuyên gia hạt nhân của Mỹ cũng bày tỏ lo ngại rằng, với những kỹ thuật hạt nhân và tên lửa mà Triều Tiên đang làm chủ, trong tương lai không xa, nước này sẽ phát triển được hệ thống tên lửa chiến lược mang đầu đạn hạt nhân có tầm xa. Mới đây, nhân các vụ thử tên lửa liên tiếp của Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã chỉ trích hành động của Bình Nhưỡng là “hung hăng” và “khiêu khích”, rằng đã đến lúc thế giới và nước Mỹ phải có biện pháp quyết liệt để ngăn chặn “tham vọng hạt nhân” của Triều Tiên. Nhà Trắng cũng tuyên bố coi việc xử lý vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ của Chính quyền Đô-nan Trăm. Để thực hiện mục tiêu này, Oa-sinh-tơn đã tiến hành tổng hợp nhiều biện pháp nhằm tăng cường răn đe, ngăn chặn đối với Bình Nhưỡng. Về kinh tế, Mỹ thường xuyên hối thúc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua các nghị quyết trừng phạt nặng hơn về thương mại quốc tế đối với Triều Tiên. Mỹ cũng xếp hàng loạt hải cảng của nhiều quốc gia vào danh sách nghi vấn cần “kiểm soát đặc biệt” để ngăn chặn nguồn cung cấp nhiên liệu cho Bình Nhưỡng. Đồng thời, Mỹ đe dọa trả đũa bất kỳ nước nào vi phạm lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc về giao thương với Triều Tiên. Về quân sự, cùng với việc nâng cao năng lực tác chiến của các đơn vị đồn trú ở khu vực, Bộ Quốc phòng Mỹ đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc để đối phó với tên lửa của Triều Tiên. Lầu Năm Góc cũng điều động đội tàu chiến đấu hùng hậu, gồm 3 tàu sân bay hiện đại nhất (chiếm 1/3 năng lực tác chiến bằng tàu sân bay của Mỹ) tới “diễu võ dương oai” trên vùng biển Tây Thái Bình Dương. Đây được coi là một động thái quân sự hiếm gặp của Mỹ, kể từ sau khi “Chiến tranh Lạnh” kết thúc ở vùng biển này. Đồng thời, Quân đội Mỹ cũng phối hợp với Quân đội Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước trong khu vực tiến hành các hoạt động tuần tra chung trên không, trên biển, trao đổi thông tin tình báo, tổ chức nhiều cuộc tập trận liên quân quy mô lớn để phô trương sức mạnh, răn đe. Triều Tiên cho đó là những động thái đe dọa đối với họ và Triều Tiên sẵn sàng giáng trả mọi hành động xâm lược. Đầu tháng 4-2017, Mỹ đã phóng hàng chục tên lửa hành trình Tô-ma-hốc tấn công một căn cứ quân sự của Xy-ri. Hành động đó được giới phân tích quốc tế cho là không chỉ để trừng phạt Đa-mát, mà còn nhằm gửi một thông điệp mạnh đối với Triều Tiên. Về ngoại giao, Oa-sinh-tơn thúc ép các quốc gia thành viên Liên hợp quốc “thực hiện đầy đủ” các lệnh trừng phạt hiện có và hạ cấp hoặc đình chỉ quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng. Tại hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Trung Quốc vừa qua (4-2017), Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã đề nghị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dùng ảnh hưởng của Bắc Kinh để ép buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân. Nhiều quan chức cao cấp của Chính phủ Mỹ cũng tuyên bố, Mỹ đang xem xét mọi giải pháp, không loại trừ bất kỳ khả năng nào, kể cả sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Những tác động tới an ninh khu vực và quốc tế
Các nhà quan sát cho rằng, việc Triều Tiên tăng cường phòng thủ đất nước, chống lại các mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia là điều bình thường, nhưng không phải vì thế mà vi phạm các điều ước quốc tế và làm tổn hại tới an ninh khu vực và quốc tế. Song, việc Mỹ và phương Tây sử dụng các biện pháp áp đặt nhằm tăng cường sức ép đối với Triều Tiên không những không giải quyết được vấn đề, mà còn đẩy nước này tiến tới những phản kháng ngày càng quyết liệt. Trên thực tế, trong khi coi chương trình hạt nhân của Triều Tiên là “mối đe dọa” và gây sức ép buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ vũ khí hạt nhân, Mỹ lại chủ trương tăng cường đầu tư để hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân và trang bị cho các nước đồng minh hệ thống tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, mà họ nói là để đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng. Không chỉ vậy, để thực hiện mục tiêu bá chủ khu vực và thế giới, Mỹ lấy cớ bảo vệ “dân chủ”, “nhân quyền” để can dự, buộc các nước phải đi theo quỹ đạo của mình. Hoa Kỳ cũng bất chấp luật pháp quốc tế, sự phản ứng của dư luận, đơn phương phát động chiến tranh “chống khủng bố”, lật đổ các chính quyền thù địch ở Trung Đông - Bắc Phi và nhiều nơi khác trên thế giới, đẩy nhiều quốc gia vào “vòng xoáy” của xung đột “huynh đệ tương tàn”, bất ổn định kéo dài liên miên, v.v. Theo nhiều chuyên gia, việc Mỹ huy động binh lực, hỏa lực thiện chiến nhằm răn đe, ngăn chặn Triều Tiên không chỉ làm quan hệ giữa hai nước “xấu đi”, mà còn gây căng thẳng ở khu vực Đông Bắc Á nói riêng và châu Á - Thái Bình Dương nói chung. Theo đó, Trung Quốc và Nga bày tỏ quan ngại, coi việc Mỹ triển khai hệ thống THAAD ở Hàn Quốc là nhân tố đe dọa đến an ninh của những nước này.
Bán đảo Triều Tiên đang bị “hun nóng” bởi những tuyên bố và hành động quân sự “cứng rắn” của cả Mỹ và Triều Tiên. Dư luận quốc tế bày tỏ sự lo ngại sâu sắc; yêu cầu các bên phải hết sức kiềm chế, không được manh động, trên cơ sở nguyên tắc luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, đàm phán tìm giải pháp hòa bình phù hợp nhất mà các bên có thể chấp nhận được để giải quyết những bất đồng, mâu thuẫn, xây dựng bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân, hòa bình, hợp tác, phát triển. Đây là cách duy nhất có lợi cho các bên, cho hòa bình, ổn định của khu vực và quốc tế.
KIỀU LOAN
__________
1 - Gồm: Mỹ, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản.
chính sách răn đe,tên lửa đạn đạo,Mỹ,Triều Tiên
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Những đột phá trong phát triển công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc 19/05/2024
Phần Lan gia nhập NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 09/05/2024
Xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas: tâm điểm của Hội nghị an ninh Munich 2024 22/04/2024
Liên minh Mỹ - Nhật - Hàn và tham vọng thay đổi cán cân lực lượng trong khu vực 15/04/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương