Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Ba, 13/03/2018, 09:36 (GMT+7)
Chính sách hạt nhân mới của Mỹ và tác động của nó tới an ninh toàn cầu

Đầu tháng 02-2018, Cơ quan quân sự Mỹ công bố Học thuyết hạt nhân mới, với mục tiêu xây dựng một lực lượng răn đe hiệu quả trước các “mối đe dọa” ngày càng hiện hữu. Phải chăng, đây là khởi điểm của những thay đổi lớn, có tính bước ngoặt, tác động tới cục diện an ninh quốc tế.

Tổng thống Đô-nan Trăm công bố chiến lược an ninh quốc gia mới
của Mỹ hôm 18-12-2017. (Nguồn: AP)

Theo các chuyên gia phân tích và chính giới nhiều nước, cùng với Chiến lược An ninh Quốc gia, Chiến lược Quốc phòng, Học thuyết hạt nhân (vừa được công bố) là một trong những điểm nhấn quan trọng, hình thành quan điểm chính thống của Mỹ về chính sách đối nội, đối ngoại dưới thời Tổng thống Đô-nan Trăm. Trong đó, báo cáo Đánh giá tình hình hạt nhân (NPR) năm 2018 của Mỹ được cho là có nhiều thay đổi mang tính đột phá và được cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm.

Những thay đổi lớn

Vừa qua, với lý do môi trường an ninh quốc tế cùng các “mối đe dọa” ngày càng lớn đối với an ninh quốc gia và đồng minh do sự mở rộng năng lực hạt nhân của những “đối thủ tiềm năng”,… Chính quyền của Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã công bố chính sách hạt nhân mới. Theo đó, NPR đã đưa ra những khuyến nghị sửa đổi chính sách hạt nhân kéo dài nhiều năm trước từ chính quyền của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Mặc dù tái khẳng định cam kết đối với các hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân, bao gồm cả Hiệp định START mới ký với Nga vào năm 2010, nhưng Lầu Năm Góc sẽ chủ trương hiện đại hóa, đa dạng hóa loại vũ khí này theo hướng nhỏ gọn (với sức nổ dưới 20 ki-lô-tôn) để tăng khả năng răn đe cũng như đối phó với các tình huống khẩn cấp, trong đó có cả các cuộc tấn công phi hạt nhân. Đồng thời, tập trung hiện đại hóa bộ ba chiến lược, gồm máy bay ném bom hạng nặng, tên lửa xuyên lục địa trên đất liền (ICBM) và tên lửa đạn đạo trên biển (SLBM). Chú trọng đầu tư xây dựng lại hệ thống điều khiển, kiểm soát hạt nhân cũ và tăng chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng hạt nhân của quốc gia. Ngoài ra, để nâng cao khả năng ngăn chặn đối phương có dự tính gia tăng sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm chiếm ưu thế khi xảy ra chiến tranh với Mỹ, cũng như phòng ngừa khu vực và bảo đảm an toàn cho các đồng minh, NPR cũng đề xuất 2 vấn đề cải cách “cần thiết”. Đó là, phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống tên lửa tầm thấp với một số tên lửa có bệ phóng từ tàu ngầm và giữa hệ thống này với tên lửa hành trình trang bị đầu đạn hạt nhân được phóng từ các tàu mặt nước, v.v.

Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, đây là sự thay đổi có tính bước ngoặt và hết sức tốn kém trong chương trình nguyên tử của Mỹ vốn lâu nay vẫn hướng tới việc giải trừ vũ khí hạt nhân. Trong Báo cáo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (tháng 10-2017), chương trình nâng cấp vũ khí hạt nhân giai đoạn 2017 - 2046 theo đề xuất của Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm sẽ tiêu tốn khoảng 1.200 tỷ USD, chiếm 7% ngân sách quốc phòng mỗi năm.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2010, Mỹ đưa ra những thay đổi lớn trong chính sách hạt nhân của một siêu cường thế giới. Theo các nhà quan sát, động thái này không chỉ khẳng định chính sách cứng rắn của Oa-sinh-tơn, mà còn thể hiện tham vọng hạt nhân của Lầu Năm Góc dưới thời Tổng thống Đô-nan Trăm.

Củng cố ưu thế toàn diện

Lý giải cho những thay đổi nêu trên, Oa-sinh-tơn cho rằng, trong khi Mỹ tập trung chống lại mối đe dọa khủng bố từ mạng lưới An Kê-đa (sau sự kiện 11-9) và Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS),… thì Nga, Trung Quốc và Triều Tiên,… đã mở rộng kho vũ khí hạt nhân với các tên lửa thế hệ mới, đe dọa lợi ích của Mỹ, đồng minh và sự an toàn ngay trên lãnh thổ nước này. Rằng, đó còn là những “lỗ hổng” trong chính sách ngăn chặn hiện nay của Mỹ do sự mở rộng năng lực hạt nhân của những đối thủ tiềm năng cũng như sự thờ ơ về chính sách, hoạt động, công nghệ của Mỹ trong nhiều năm, v.v.  Tuy nhiên, giới quan sát quốc tế lại cho rằng, căn nguyên của các động thái trên xuất phát từ việc đề cao chủ kiến “Nước Mỹ trước tiên” và nguyên tắc “tạo lập hòa bình thông qua sức mạnh” của Chính quyền Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm. Theo đó, Mỹ đang theo đuổi tham vọng giành lại ưu thế toàn diện trong tất cả các môi trường tác chiến so với các đối thủ tiềm tàng, thậm chí sẵn sàng thực hiện các cuộc tấn công phủ đầu mà không lo ngại bị đáp trả, v.v. Nhận định trên là hoàn toàn có cơ sở khi nhìn vào Học thuyết hạt nhân vừa mới công bố của Lầu Năm Góc. Với Học thuyết này, Mỹ không chỉ muốn giành lại ưu thế tuyệt đối về vũ khí hạt nhân, mà còn cả ưu thế vượt trội về vũ khí thông thường. Điều đó càng được khẳng định khi Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm tuyên bố sẽ mở rộng kho vũ khí hạt nhân và xây dựng Quân đội Mỹ thành đội quân mạnh nhất trong toàn bộ lịch sử Hoa Kỳ. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jiêm Ma-tít thì nhấn mạnh, việc đánh giá tiềm năng vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, Triều Tiên, I-ran có thể là “mối đe dọa” đối với an ninh quốc gia của Mỹ, khiến Oa-sinh-tơn sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân trong tấn công phủ đầu để bảo vệ vị thế của nước Mỹ.

Để thực hiện ý tưởng đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đặt ra mục tiêu trong tầm trung hạn, lực lượng răn đe của nước này “phải đủ sức linh động, thích ứng mọi hoàn cảnh, xuyên thủng hàng rào phòng thủ của đối phương, đáp trả chính xác và hiệu quả”. Vì thế, mặc dù tái khẳng định tuân thủ các hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân, nhưng NPR vẫn kêu gọi hiện đại hóa, đa dạng hóa vũ khí hạt nhân, nhằm tăng khả năng răn đe. Theo giới chức của Lầu Năm Góc, cùng với củng cố bộ ba hạt nhân là tàu ngầm phóng tên lửa, hỏa tiễn hạt nhân trên đất liền và chiến đấu cơ chiến lược, Quân đội Mỹ sẽ được trang bị các loại vũ khí mới, trong đó có tên lửa đạn đạo tầm ngắn, với đầu đạn hạt nhân hủy diệt thấp và trung bình, nhưng sẽ có độ uyển chuyển, đa dạng và linh hoạt hơn nhiều, nhằm đáp ứng với mọi tình huống khẩn cấp và răn đe có hiệu quả. Bình luận về vấn đề này, các nhà phân tích cho rằng, dường như Mỹ đang muốn quay trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh, dùng vũ khí hạt nhân để áp đảo đối phương, nhằm tạo một khoảng cách quyền lực trong vai trò lãnh đạo thế giới, nhất là trong ngăn chặn các cường quốc mới trỗi dậy.

Hiểm họa khôn lường

Trước động thái của Mỹ, nhiều nước trên thế giới bày tỏ quan ngại, thậm chí phản đối mạnh mẽ chính sách hạt nhân mới của Oa-sinh-tơn. Ngày 03-2-2018, tức chỉ 01 ngày sau khi NPR được công bố, Bộ Ngoại giao Nga đã bày tỏ “thất vọng” sâu sắc đối với chính sách hạt nhân của Mỹ và cho rằng, đó là chính sách “hiếu chiến, chống Nga”; đồng thời, cảnh báo sẽ có những biện pháp cần thiết để bảo đảm an ninh quốc gia. Theo giới chức Nga, Báo cáo đánh giá tình hình hạt nhân năm 2018 của Mỹ rất nguy hiểm, bởi sự vi phạm của nó đối với các quy tắc về răn đe hạt nhân. Trong đó, việc NPR công bố quy định cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân như một công cụ để tấn công chống lại kẻ thù có thể kích động các quốc gia khác bắt đầu điều chỉnh các nguyên tắc của mình. Không những thế, chính sách hạt nhân mới của Mỹ còn hướng tới phát triển các đầu đạn hạt nhân nhỏ, gọn có thể làm gia tăng nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh hạt nhân trong bối cảnh đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên tăng cao. Đây là vấn đề rất nguy hiểm, tác động mạnh mẽ tới an ninh toàn cầu chứ không chỉ đối với riêng bất cứ quốc gia nào. Vì thế, hơn lúc nào hết, Nga và Mỹ cần tăng cường các cuộc đối thoại mang tính xây dựng, tìm được tiếng nói chung nhằm duy trì môi trường hòa bình và an ninh bền vững trên từng khu vực và toàn thế giới.

Về phần mình, sau khi chỉ trích gay gắt sự “phỏng đoán vô lý” của Mỹ về sức mạnh hạt nhân Trung Quốc, Bắc Kinh đã kêu gọi Mỹ từ bỏ “tư duy chiến tranh lạnh”; đồng thời, khẳng định xu thế hòa bình và phát triển trên thế giới là không thể đảo ngược. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng ra thông cáo đòi hỏi Mỹ, với tư cách là nước sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới cần tuân theo xu hướng này thay vì đi ngược lại nó.

Cùng quan điểm trên, phía I-ran kịch liệt phản đối chính sách hạt nhân mới của Mỹ và cho đó là một hành động vi phạm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Hơn thế, những nội dung của NPR phản ánh sự phụ thuộc lớn hơn của Mỹ vào vũ khí hạt nhân, có thể đưa loài người tiến gần hơn tới sự hủy diệt. Ngoài ra, Bộ trưởng Ngoại giao I-ran J. Da-ríp còn khẳng định sự “ngoan cố” của Tổng thống Đô-nan Trăm trong việc hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa I-ran và nhóm P5+11 cũng bắt nguồn từ sự “khinh suất nguy hiểm tương tự”. Thậm chí Đức - một nước chủ chốt của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng bày tỏ quan điểm trong việc thúc đẩy giải trừ vũ khí hạt nhân. Phát biểu trước báo giới sau khi Mỹ công bố NPR, Ngoại trưởng Đức Ga-bri-en cho rằng, cũng như thời Chiến tranh Lạnh, châu Âu hiện đang phải đối mặt với những mối hiểm nguy từ an ninh hạt nhân. Do đó, lục địa này cần tích cực đưa ra các sáng kiến mới về kiểm soát và giải trừ vũ khí. Đồng thời, Ông cũng khẳng định, Đức sẽ phối hợp với các đồng minh và đối tác để xúc tiến và giải trừ vũ khí trên toàn thế giới.

Trong khi đó, theo đánh giá của chính giới nhiều nước, thực tế trên thế giới hiện nay vẫn có phần trái ngược với đánh giá tình hình hạt nhân năm 2018 của Mỹ. Theo đó, các nước, như: Triều Tiên, I-ran, Trung Quốc, đặc biệt là Nga đã đạt được những tiến bộ trong việc phát triển và triển khai vũ khí hạt nhân cũng như các hệ thống phóng đầu đạn hạt nhân nhưng chủ yếu nhằm mục đích tự vệ và phòng thủ. Vì thế, những thay đổi về chính sách hạt nhân của Mỹ được gắn với lý do nhằm đối phó với “nguy cơ bị tiến công” từ các đối thủ tiềm năng,… là chưa thỏa đáng. Phải chăng, đó chỉ là luận điệu biện minh, tạo cơ sở dư luận và điều kiện để Oa-sinh-tơn “lách luật”, phát triển những vũ khí mới cho một cuộc chiến tranh tiềm tàng trong tương lai. Dư luận quốc tế cho rằng, dù với lý do và mục đích gì, việc Mỹ công bố chính sách hạt nhân mới không chỉ vi phạm các hiệp ước, hiệp định không phổ biến vũ khí hạt nhân, mà còn làm dấy lên một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân toàn cầu. Điều đó nếu xảy ra, sẽ đẩy thế giới tới bờ vực của sự hủy diệt.

HẢI SƠN
_____

1- Gồm: Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức.

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...