Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 15/01/2018, 11:29 (GMT+7)
Chính sách của Mỹ đối với ASEAN dưới thời Tổng thống Đô-nan Trăm

Tháng 9 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua Đạo luật HRES 311 về chính sách của Hoa Kỳ đối với ASEAN. Đây là động thái mới của Chính quyền Đô-nan Trăm đối với khu vực có địa chính trị quan trọng của châu Á - Thái Bình Dương.

Khẳng định vai trò quan trọng của ASEAN

Trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống B. Ô-ba-ma, quan hệ Mỹ - ASEAN khá nồng ấm và được gắn kết trong chiến lược “xoay trục” của Oa-sinh-tơn tới châu Á - Thái Bình Dương. Điều đó được thể hiện từ các cam kết đặc biệt của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á. Theo đó, thông qua các văn phòng đại diện của Mỹ ở Phi-líp-pin, Thái Lan và Xin-ga-po, đã tạo sự phối hợp hiệu quả về kinh tế giữa các nước ASEAN với Mỹ. Đặc biệt, với các gói biện pháp kết nối cùng các chính sách, chương trình hợp tác dài hạn giữa hai bên, Chính quyền của Tổng thống B. Ô-ba-ma tin rằng, quan hệ giữa Mỹ và ASEAN tiếp tục phát triển tốt đẹp.

Các đại biểu dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ lần thứ 5 kỷ niệm 40 năm Quan hệ đối thoại ASEAN - Hoa Kỳ. Ảnh: AP

Trái với dự đoán của chính quyền tiền nhiệm, ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ đắc cử Đô-nan Trăm đã quyết định đưa nước Mỹ rời khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - nhân tố kinh tế cốt lõi của chính sách tái cân bằng của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, khiến các nhà lãnh đạo ASEAN và dư luận khu vực lo ngại. Tuy vậy, điều đáng quan tâm là, mặc dù Chính quyền của Tổng thống Đô-nan Trăm tuyên bố xóa bỏ chính sách “xoay trục” và rút khỏi TPP, nhưng lại ban hành Đạo luật HRES 311 về quan hệ Mỹ - ASEAN. Cùng với đó, thông qua chuyến công du châu Á, dự hai Hội nghị Thượng đỉnh (APEC, ASEAN) và thăm 05 quốc gia châu Á cho thấy, ông Trăm đã có sự điều chỉnh quan điểm của mình cho phù hợp với tư duy của giới lập pháp Mỹ. Vì thế, giới phân tích cho rằng, việc Hạ viện Mỹ thông qua Đạo luật HRES 311 phản ánh tư duy đổi mới của Tổng thống Đô-nan Trăm đối với khu vực châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Điều này được thể hiện rõ ở nội hàm của Đạo luật, gồm: (1). Ủng hộ và cam kết tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - ASEAN, Mỹ cũng tái cam kết trong việc thúc đẩy một trật tự dựa trên nền tảng của pháp luật trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương; (2). Công nhận giá trị của ASEAN, với các đối tác kinh tế, chính trị và an ninh, như: Ô-xtrây-li-a, Ca-na-đa, Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản, Niu Di-lân, Na Uy, Hàn Quốc và Đài Loan; (3). Khuyến khích tăng cường các cam kết kinh tế giữa Mỹ và ASEAN thông qua việc xóa bỏ các rào cản thương mại; (4). Hỗ trợ hợp tác với ASEAN để thực hiện các hoạt động chống khủng bố, chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực; (5). Hỗ trợ nỗ lực của các quốc gia thành viên ASEAN và các quốc gia khác ở khu vực, bao gồm cả Trung Quốc, trong giải quyết các tranh chấp về biển và lãnh thổ một cách xây dựng, theo đuổi các yêu sách thông qua ngoại giao và tuân thủ luật pháp quốc tế; (6). Kêu gọi tất cả các bên tranh chấp lãnh hải và lãnh thổ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương tự kiềm chế, không sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực; tránh các nỗ lực quân sự hóa các đảo; (7). Tái khẳng định cam kết của Mỹ tiếp tục hợp tác với ASEAN để ngăn chặn nạn buôn người trái phép và kêu gọi ASEAN tăng cường nỗ lực nhằm thiết lập, tăng cường các cơ chế khu vực để hỗ trợ người tị nạn và nhập cư. Như vậy, với những nội dung chủ yếu của Đạo luật HRES 311, việc Tổng thống Đô-nan Trăm tuyên bố xóa bỏ chiến lược “xoay trục” về châu Á - Thái Bình Dương của người tiền nhiệm chỉ mang tính hình thức.

Ngay trong văn kiện của Đạo luật HRES 311, Hạ viện Mỹ khẳng định, kể từ năm 1977, khi Mỹ - ASEAN bắt đầu khởi động quan hệ đối thoại, hai bên đã đạt được nhiều thành quả quan trọng. Trước đó (16-02-2016), tại Hội nghị Thượng đỉnh Xăn-ni-len (Mỹ), hai bên tiếp tục khẳng định vai trò của ASEAN đối với hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Trên thực tế, ASEAN là một trong 6 nền kinh tế lớn nhất thế giới với GDP hằng năm ước đạt là 2,4 nghìn tỷ USD và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Mỹ; đồng thời, các quan hệ kinh tế ASEAN đã góp phần tạo ra hơn 500 nghìn việc làm ở Mỹ. Ngoài ra, quan hệ Mỹ - ASEAN là sống còn đối với các lợi ích an ninh của Mỹ, vì Mỹ và các nước thành viên ASEAN đều có mối quan tâm chung trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông và đạt được đồng thuận trong vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Hơn thế, ASEAN còn là đối tác của Mỹ trong đối phó với các thách thức xuyên quốc gia, như: khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, bạo lực, ô nhiễm môi trường, khủng hoảng năng lượng, dịch bệnh, giải trừ quân bị, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, an ninh mạng, buôn lậu, đánh bắt cá bất hợp pháp.

Đánh giá vai trò của Đạo luật trên, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, Ét - Roi-xơ cho biết, với rất nhiều thách thức mà khu vực Đông Nam Á đang phải đối mặt hiện nay, như: vấn đề “dân chủ” ở Cam-pu-chia, xung đột tại bang Ra-khin (Mi-an-ma) liên quan đến người Hồi giáo Rô-hinh-ga, an ninh hàng hải ở Biển Đông, việc thông qua an toàn Đạo luật HRES 311 khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - ASEAN, thể hiện cam kết hợp tác của Mỹ với các nước thành viên ASEAN, nhằm giải quyết các vấn đề trên; đồng thời, chứng tỏ sự ủng hộ của Mỹ đối với ASEAN và quan hệ chiến lược của Mỹ đối với các nước Đông Nam Á.

Sau khi Đạo luật HRES 311 được thông qua, hai Hạ nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Cộng hòa, Đoa-quyn Ca-xtro và An Oa-nơ, vốn là những người giới thiệu đạo luật trên cho biết, mục đích của Đạo luật nhằm khẳng định đối tác chiến lược Mỹ - ASEAN và thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai bên; mong muốn Mỹ tiếp tục hiện diện ngày một “vững chắc” hơn tại khu vực Đông Nam Á, từ tăng cường an ninh đến phát triển kinh tế Mỹ - ASEAN, tới thúc đẩy nhân quyền và bảo vệ các tuyến hàng hải ở Đông Nam Á. Nhóm nghị sĩ Quốc hội về các vấn đề liên quan đến Đông Nam Á sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với ASEAN nhằm tăng cường sự can dự của Mỹ.

Xác định các ưu tiên đối với khu vực Đông Nam Á

Theo các nhà phân tích, chiến lược của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á từ xưa đến nay vẫn xoay quanh hai cụm từ then chốt là “lợi ích” và “cạnh tranh”. Do đó, để tránh làm tiêu tan thành quả của Mỹ ở Đông Nam Á trong vòng 5 đến 10 năm qua, lôi kéo lại các đồng minh truyền thống và xuất phát từ vai trò quan trọng của ASEAN đối với Mỹ cùng các động thái của Trung Quốc - đối thủ cạnh tranh chiến lược chủ yếu của Hoa Kỳ tại khu vực, không có gì ngạc nhiên khi Oa-sinh-tơn muốn tăng cường can dự vào khu vực này (thông qua Đạo luật HRES 311), nhất là sau một thời gian bị sao nhãng khi chính quyền của Tổng thống Đô-nan Trăm chưa định hình rõ chiến lược. Việc thông qua Đạo luật HRES 311 không chỉ khẳng định tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á đối với Mỹ, mà còn thể hiện cam kết hợp tác mới của Oa-sinh-tơn với các nước thành viên ASEAN về tăng cường quan hệ đối tác chiến lược vì lợi ích của cả hai bên. Đồng thời, chứng tỏ mong muốn của Mỹ tiếp tục hiện diện ngày một “vững chắc” hơn tại khu vực Đông Nam Á, từ tăng cường an ninh đến phát triển kinh tế, thúc đẩy nhân quyền và bảo vệ các tuyến hàng hải ở khu vực.

Sự ưu tiên trong chính sách đối ngoại mới của Oa-sinh-tơn đối với khu vực Đông Nam Á còn được thể hiện rõ qua chuyến công du dài ngày của Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm tới 05 nước châu Á. Đây là chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Đô-nan Trăm tới khu vực này kể từ khi lên nắm quyền và là chuyến đi dài nhất đến châu Á mà bất kỳ tổng thống Mỹ nào từng thực hiện, kể từ thời chính quyền G. Bu-sơ. Theo các nhà phân tích, chuyến công du này đánh dấu sự khởi đầu của chiến lược “hậu xoay trục” của Mỹ. Tại Đà Nẵng, điểm dừng chân thứ tư trong chuyến đi, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã vạch ra chính sách châu Á bao quát của chính quyền Mỹ, đó là “giấc mơ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” tự do và cởi mở. Điều này có dụng ý như một lựa chọn thay thế cho “Giấc mơ Trung Hoa” và Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Mặc dù chi tiết về chiến lược khung Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ vẫn còn chưa rõ ràng, nhưng đây cũng là sự kiện đánh dấu sự mở đầu cho chiến lược “hậu xoay trục” của Mỹ. Vì những mối quan hệ kinh tế và an ninh giữa Mỹ và khu vực này rất quan trọng đối với cả hai bên.

Trong chuyến công du này, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm cũng nhắc lại rằng mạng lưới các liên minh của Mỹ vẫn không thay đổi và sẽ không rút khỏi những liên minh này. Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm - người được xem là chỉ nhấn mạnh quan hệ thương mại song phương với chủ nghĩa biệt lập, đã có những phát biểu và hành động tích cực khi tham dự các sự kiện lớn của khu vực, gồm: Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị cấp cao ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS). Điều đó cho thấy những điểm mới trong chính sách đối ngoại của Oa-sinh-tơn đối với khu vực cũng như vai trò quan trọng của khu vực này đối với Mỹ. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 31 ở Ma-ni-la (Phi-líp-pin), Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã đề cao mốc 40 năm thiết lập quan hệ giữa Mỹ và ASEAN, nhấn mạnh rằng, Nhà Trắng duy trì các cam kết về vai trò trung tâm của ASEAN như là một diễn đàn hợp tác toàn diện tại khu vực, khẳng định mối quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - ASEAN.

Như vậy, thông qua Đạo luật HRES 311 cùng với những tuyên bố của Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm tại hai Hội nghị Thượng đỉnh (APEC ở Đà Nẵng và ASEAN ở Ma-ni-la) có thể nhận thấy, Oa-sinh-tơn vẫn can dự tích cực vào khu vực Đông Nam Á, bởi quan hệ Mỹ - ASEAN là phù hợp với quan điểm “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm. Tất nhiên, kết quả thực tế ra sao thời gian sẽ trả lời.

LÊ VĂN THÀNH

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...