Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Sáu, 09/07/2021, 06:51 (GMT+7)
Chiều hướng quan hệ Mỹ - Trung Quốc trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden

Quan hệ Mỹ - Trung Quốc là một trong những yếu tố quan trọng quyết định cục diện kinh tế, chính trị và quân sự thế giới. Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, mối quan hệ này dự báo sẽ tiếp tục ở trạng thái cạnh tranh chiến lược, nhưng toàn diện và có hệ thống hơn so với người tiền nhiệm - cựu Tổng thống Donald Trump.

Mâu thuẫn về ý thức hệ

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã từng xác định bản chất cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc là thuộc về ý thức hệ. Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo so sánh cuộc cạnh tranh này với cuộc chiến ý thức hệ giữa Mỹ với Liên Xô trong kỷ nguyên Chiến tranh lạnh. Quan điểm này vẫn tồn tại trong giới lãnh đạo Mỹ tại nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden. Cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đều nhận định, thế giới đang trải qua những thay đổi sâu sắc, chưa từng thấy trong một thế kỷ, có thể coi là bước ngoặt lịch sử. Tuy nhiên, nội hàm của “bước ngoặt lịch sử” này theo quan niệm của hai nước lại hoàn toàn khác. Trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trương xây dựng một trật tự thế giới mà trong đó các quốc gia có thể cùng nhau xây dựng một “cộng đồng cùng chung vận mệnh” và tự tin tuyên bố rằng, thời gian và động lực đều đứng về phía Trung Quốc, thì Tổng thống Joe Biden chủ trương duy trì trật tự thế giới do Hoa Kỳ kiểm soát và khẳng định, nền dân chủ sẽ và phải thắng thế. Trong diễn văn về chính sách đối ngoại tại Bộ Ngoại giao Mỹ, ngày 04/02/2021, Tổng thống Joe Biden cho rằng: “Mỹ phải sẵn sàng nắm lấy vai trò lãnh đạo thế giới trong kỷ nguyên mới, khi chế độ độc tài đang trỗi dậy, bao gồm cả tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc để cạnh tranh với Mỹ, còn

Nga đang quyết tâm phá vỡ nền dân chủ của chúng ta”. Tại cuộc họp cấp cao đầu tiên giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc trong hai ngày 18 và 19/3/2021 ở Alaska, tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bày tỏ những quan ngại sâu sắc về hành vi của Trung Quốc ngược đãi đối với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, đàn áp dân chủ ở Hong Kong và cách tiếp cận ngày càng chuyên quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan. Theo ông, những hành động đó đang đe dọa trật tự dựa trên các quy tắc duy trì sự ổn định toàn cầu. Mỹ coi cách thức Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo nhà nước theo “mô hình Trung Quốc” là thách thức đối với các nền dân chủ trên toàn thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc luôn khẳng định cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc về bản chất không liên quan đến ý thức hệ. Phát biểu khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao, ngày 20/4/2021 tại Hải Nam, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hối thúc các quốc gia hợp tác và từ bỏ cuộc đối đầu ý thức hệ. Điều này cho thấy, Trung Quốc muốn tránh một cuộc xung đột khó kiểm soát giữa hai chế độ chính trị được coi là mâu thuẫn đối kháng.

Cuộc chiến về thương mại và công nghệ

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden không có ý định hủy bỏ cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đã được khởi động dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump mà thậm chí còn xây dựng một chiến lược toàn diện và có hệ thống hơn để đối phó với các hành vi kinh tế, thương mại mà theo Washington là mang tính cưỡng bức và không công bằng của Bắc Kinh. Đầu tháng 3/2021, Văn phòng đại diện thương mại Mỹ công bố Chương trình nghị sự thương mại năm 2021, trong đó xác định: Trung Quốc gây tổn hại cho người lao động Mỹ, đe dọa ưu thế công nghệ, làm suy yếu khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng trong nước và phá hoại lợi ích quốc gia của Mỹ, ép buộc chuyển giao công nghệ, xâm phạm bất hợp pháp quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ, hạn chế và kiểm duyệt nền kinh tế kỹ thuật số trên internet, v.v. Washington cũng chỉ trích kế hoạch “Made in China 2025” của Bắc Kinh và cho rằng, kế hoạch này rất nguy hiểm đối với Mỹ và thế giới vì mục tiêu chính của Trung Quốc là giành quyền kiểm soát thị phần toàn cầu lớn hơn trong 10 lĩnh vực chiến lược. Đáp lại, Trung Quốc vẫn giữ thái độ bình tĩnh, khi tiếp tục cuộc chiến thương mại với Mỹ. Bởi, hiện nay Trung Quốc đã trở thành nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới và sở hữu một sức hút khổng lồ trong hợp tác kinh tế. Đồng thời, đang muốn tăng trưởng kinh tế, giảm lệ thuộc vào thị trường bên ngoài và sử dụng thị trường nội địa như “thỏi nam châm” để hút các nhà đầu tư quốc tế, song phải đi kèm với việc chuyển giao công nghệ. Với sức mạnh của mình, Trung Quốc hoàn toàn tự tin khi đối đầu lâu dài với Mỹ trong cuộc chiến thương mại.

Bên cạnh cuộc chiến thương mại, cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc dưới thời Tổng thống Joe Biden cũng phát triển theo chiều hướng mới. Ngoài những nỗ lực đơn phương, Mỹ đang xây dựng liên minh gồm các quốc gia dân chủ có công nghệ phát triển hàng đầu thế giới để ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy về công nghệ; tập trung kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc trong các lĩnh vực, như: chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, mạng viễn thông 5G và công nghệ mạng 6G trong tương lai. Đồng thời, tìm cách kết hợp cạnh tranh chặt chẽ giữa ý thức hệ và khoa học công nghệ, tạo dựng vai trò chủ đạo của Mỹ về “dân chủ khoa học công nghệ”.

Cạnh tranh về địa chính trị

Trung Quốc luôn tuyên bố, biên giới phía Đông của họ trải dài tới Thái Bình Dương, gồm: đảo Đài Loan được coi là “tỉnh ly khai”, quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, nhóm đảo Điếu Ngư/Senkaku theo cách gọi của Trung Quốc và Nhật Bản. Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Joe Biden hoàn toàn bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc và khẳng định quyết tâm bảo đảm an ninh cho Nhật Bản và Philippines theo các hiệp ước đã ký, cũng như có nghĩa vụ lập pháp để bảo vệ Đài Loan trên cơ sở Đạo luật quan hệ với Đài Loan được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1979. Vì vậy, vùng biển rộng lớn: Biển Hoa Đông và Biển Đông luôn có sự hiện diện của tàu chiến, máy bay của cả Mỹ và Trung Quốc “chạm trán” nhau và luôn ở trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Cả Mỹ và Trung Quốc đều quyết tâm bảo vệ những gì mà họ xác định là lợi ích chiến lược trong khu vực. Trong khi Trung Quốc luôn chứng tỏ năng lực chiếm hữu và bảo vệ các vùng biển này trước các cuộc phản công có thể xảy ra của Nhật Bản, Đài Loan hay Mỹ, thì Hoa Kỳ luôn phủ nhận tính hợp pháp trong các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc và đảm bảo với thế giới, nhất là các đồng minh rằng, Trung Quốc không thể thực hiện được các yêu sách phi lý đó, kể cả khi họ sử dụng biện pháp quân sự.

Trong bối cảnh sức mạnh tổng hợp quốc gia của Mỹ đang có chiều hướng suy giảm, chính quyền Tổng thống Joe Biden gấp rút thực hiện chủ nghĩa đa phương - liên kết chặt chẽ với các đồng minh, gây sức ép toàn diện hơn với Trung Quốc. Tính đến tháng 4/2021, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã có ba động thái để cạnh tranh với Trung Quốc. Một là, tái khởi động Đối thoại an ninh bốn bên (Bộ Tứ), gồm: Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia nhằm vào các nước Đông Nam Á để cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Hai là, lôi kéo các nước đồng minh thành lập liên minh các quốc gia dân chủ và công nghệ, nhằm gây áp lực mạnh hơn với Bắc Kinh. Ba là, đề xuất xây dựng các sáng kiến phát triển cơ sở hạ tầng với đông đảo các nước phương Tây để cạnh tranh trực tiếp với Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Theo nhận định của nhiều chính trị gia, Mỹ dường như đang thiếu khả năng ứng phó trước ảnh hưởng địa chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc. Trong báo cáo công bố ngày 23/3/2021, cựu quan chức thương mại Mỹ Jennifer Hillman xác nhận, Trung Quốc đang thông qua Sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường” để mở rộng quyền lực trên toàn cầu, thậm chí có phần vượt Mỹ tại châu Phi và châu Á. Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ từng thông qua các biện pháp chiến lược, kinh tế và chính trị, như: xây dựng cơ chế, ký thỏa thuận đối tác, định hướng tài chính, triển khai các dự án hợp tác xây dựng và thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư cơ sở hạ tầng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhằm đối phó toàn diện với ​​“Vành đai và Con đường”. Tiếp nối mục tiêu trên, chính quyền Tổng thống Joe Biden tăng cường liên kết thương mại tự do giữa các quốc gia đồng minh và đối tác, đặc biệt là cộng đồng nước nhỏ dễ chịu sức ép từ Trung Quốc. Ngày 22/3/2021, Nhà Trắng đã công bố Sáng kiến ​​Các nền kinh tế đảo nhỏ và ít dân cư (SALPIE) để điều phối tiến trình hợp tác với các quốc đảo và vùng lãnh thổ ở khu vực Caribe, Bắc Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, nhằm giải quyết hậu quả khủng hoảng nhân đạo, phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường hợp tác trong hệ thống tổ chức quốc tế và chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.

Một động thái đáng chú ý nữa là, ngày 20/4/2021, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Cạnh tranh Chiến lược năm 2021 với số phiếu áp đảo, nhằm đương đầu với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực. Đạo luật dài gần 300 trang, gồm nhiều vấn đề, từ chiến lược ngoại giao, triển khai quân sự, cạnh tranh các giá trị đến kiềm chế “hành vi kinh tế quốc tế mang tính săn mồi” của Trung Quốc và tăng cường khả năng cạnh tranh của Mỹ. Đây là lần đầu tiên các nghị sĩ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cùng nhau thúc đẩy một dự luật chống Trung Quốc sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố cạnh tranh toàn diện với nước này. Sau khi được Tổng thống Joe Biden ký thông qua, Đạo luật này có thể được coi là “văn kiện mang tính cương lĩnh” để Mỹ đối đầu toàn diện với Trung Quốc trong những thập kỷ tới.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc xác định trạng thái căng thẳng với Mỹ sẽ là trạng thái “bình thường mới” tồn tại lâu dài. Để cạnh tranh, Trung Quốc thúc đẩy mô hình phát triển tuần hoàn kép, nhằm duy trì tăng trưởng trong những năm tới, tăng cường nhu cầu nội địa và ngoại thương, đáp ứng những thách thức trong giai đoạn phát triển mới. Mô hình phát triển tuần hoàn kép với thị trường nội địa và thị trường nước ngoài củng cố lẫn nhau, trong đó thị trường nội địa là trụ cột. Theo đó, Trung Quốc chú trọng đến các liên kết bên ngoài, đặc biệt là Sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường”; đồng thời, khuyến khích và bảo hộ đặc biệt đối với hệ thống kinh tế trong nước, tạo sự cân bằng giữa phát triển nội địa và ngoại thương.

Mặc dù, Mỹ và Trung Quốc vẫn đang hợp tác trong việc đối phó với các thách thức toàn cầu, từ biến đổi khí hậu tới đại dịch Covid-19, nhưng nhìn chung quan hệ hai nước đang diễn tiến theo chiều hướng leo thang mâu thuẫn, cạnh tranh và có thể dẫn đến một cuộc “chiến tranh lạnh mới”. Do đó, cộng đồng quốc tế kỳ vọng, hai bên cần sớm tìm ra giải pháp để nhượng bộ lẫn nhau, xoa dịu căng thẳng, vượt qua khác biệt, tăng cường hợp tác để duy trì một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển.

PHẠM BÌNH

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...