Thứ Bảy, 23/11/2024, 03:46 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Thời gian qua, quan hệ Mỹ - Nga rơi xuống mức thấp nhất, tưởng chừng “đóng băng” bởi một loạt các hành động: trừng phạt, trục xuất nhân viên ngoại giao và triệu hồi Đại sứ về nước. Tuy nhiên, gần đây hai nước phát đi tín hiệu nhằm giảm căng thẳng, cải thiện quan hệ, điển hình là việc Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ động mời Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự hội nghị thượng đỉnh tại Geneva.
Những yếu tố tích cực thúc đẩy quan hệ
Kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đến nay, các đời Tổng thống Mỹ đều mong muốn quan hệ Mỹ - Nga thay đổi theo hướng tích cực. Nổi bật là: Tổng thống Bill Clinton (1993 - 2000) cam kết ủng hộ sự hội nhập của Nga và châu Âu vào các thể chế toàn cầu, thúc đẩy hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực; Tổng thống Barack Obama (2009 - 2016) “cài đặt lại” quan hệ với Nga, thúc đẩy ký thỏa thuận New START; Tổng thống Donald Trump (2017 - 2020) luôn tìm cách thúc đẩy mạnh mẽ việc cải thiện quan hệ Mỹ - Nga, đồng thời cố gắng xây dựng mối quan hệ cá nhân lãnh đạo tốt đẹp với Tổng thống Vladimir Putin. Ở phía ngược lại, người đứng đầu nước Nga - Tổng thống Vladimir Putin cũng thể hiện thiện chí là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gọi điện chia buồn với Tổng thống George Walker Bush khi nước Mỹ bị tấn công khủng bố và nhận lời hợp tác chống khủng bố (2001).
Tuy nhiên, những nỗ lực cải thiện quan hệ giữa hai nước vẫn gặp nhiều trở ngại, bởi nội bộ nước Mỹ liên tục gây sức ép và yêu cầu Tổng thống phải đưa ra những biện pháp cứng rắn đối với Nga trong xử lý các vần đề: “dân chủ”, “nhân quyền”, can thiệp bầu cử, Nga sáp nhập Crimea hay hoạt động quân sự của Nga ở miền Đông Ukraine, v.v. Trong khi đó, Nga khẳng định đây là các vấn đề nội bộ của Nga và kịch liệt phản đối việc Mỹ cho rằng Nga can thiệp bầu cử. Ở bên ngoài, các đồng minh NATO cũng thường xuyên gia tăng sức ép trong vấn đề bảo đảm an ninh châu Âu và yêu cầu Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực, đồng thời vẫn coi Nga là mối đe dọa an ninh hàng đầu. Ngoài ra, trong khi Mỹ và phương Tây nghi kỵ sâu sắc về cách thức cầm quyền của Tổng thống Vladimir Putin, thì Nga cũng luôn nghi ngờ về khả năng Mỹ và phương Tây mở rộng NATO ra không gian hậu Xô Viết đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia của nước này.
Khi bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống, ông Joe Biden cũng không đi ngược xu hướng của các chính quyền trước, thể hiện bằng việc gia hạn Hiệp ước New START, thực hiện hai cuộc điện đàm và chủ động đề xuất gặp trực tiếp Tổng thống Vladimir Putin. Tuy nhiên, thay vì đặt mục tiêu “cài đặt lại” quan hệ với Nga hay thúc đẩy quan hệ cá nhân lãnh đạo nồng ấm, Ông đặt mục tiêu khiêm tốn và có phần thực tế hơn, đó là tìm kiếm “mối quan hệ ổn định và có thể đoán định”. Mục tiêu này được thể hiện trong hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Nga tại Geneva ngày 16/6/2021, khi hai bên tập trung làm rõ lập trường, quan điểm, xác định các “giới hạn đỏ”, nhất trí các biện pháp duy trì đối thoại và tham vấn để tránh những sai lầm, tìm kiếm khả năng hợp tác trên một số lĩnh vực. Mặc dù, những yếu tố cản trở quan hệ Mỹ - Nga hiện nay vẫn còn, thậm chí một số lĩnh vực còn mạnh hơn, như: “dân chủ”, “nhân quyền”, an ninh mạng,… nhưng cũng có không ít những yếu tố thuận lợi thúc đẩy quan hệ hai nước.
Thứ nhất, trước những căng thẳng của cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung và để “rảnh tay” đối phó với Trung Quốc, Mỹ cần xác lập và duy trì quan hệ ổn định hơn với Nga. Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng có thể “chia rẽ” mối quan hệ Nga - Trung thông qua việc khai thác những khác biệt giữa hai nước trong vấn đề: không gian hậu Xô Viết, năng lực quân sự của mỗi quốc gia,... nhằm hạn chế những rắc rối mà “liên minh” Nga - Trung có thể gây ra. Ở chiều ngược lại, Nga cũng mong muốn cải thiện quan hệ với Mỹ nhằm ổn định chiến lược, cùng giải quyết các vấn đề quốc tế và có điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.
Thứ hai, hiện nay nội bộ Mỹ cũng giảm chỉ trích Tổng thống Joe Biden so với Tổng thống Donald Trump trong việc thúc đẩy quan hệ song phương với Nga và tổ chức cuộc gặp Thượng đỉnh với Tổng thống Vladimir Putin. Là chính trị gia lão luyện với kinh nghiệm hơn 40 năm làm Thượng nghị sĩ, ông Joe Biden đã có nhiều cách giải quyết khôn khéo, nhằm xoa dịu nội bộ nước Mỹ và các đồng minh châu Âu, như: tăng cường tham vấn trong lĩnh vực đối ngoại; tiếp tục áp một số lệnh trừng phạt với Nga; cam kết hỗ trợ tài chính và quân sự cho Ukraine, v.v.
Thứ ba, những căng thẳng liên quan đến dự án “Dòng chảy Phương Bắc 2” của Nga tạm lắng, với lý do: dự án đã gần hoàn thành; ông Joe Biden không có “nhu cầu” gây căng thẳng trong quan hệ với Đức; đồng thời, chủ trương thúc đẩy phát triển năng lượng xanh, giảm bớt quan tâm năng lượng hóa thạch. Ngoài ra, những vấn đề an ninh phi truyền thống, như: đối phó với dịch Covid-19, an ninh y tế, biến đổi khí hậu,… mà chính quyền Tổng thống Joe Biden hiện đang chú trọng cũng mở ra những không gian mới có thể thúc đẩy quan hệ hợp tác Mỹ - Nga.
Triển vọng quan hệ Mỹ - Nga
Mặc dù, quan hệ Mỹ - Nga có những yếu tố thuận lợi, nhưng thời gian tới chưa thể sớm có đột phá hay cải thiện nhanh chóng. Quan hệ này, nhiều khả năng sẽ diễn ra theo chiều hướng cạnh tranh có kiểm soát; duy trì các kênh đối thoại để hạn chế bất đồng; đẩy mạnh hợp tác trên một số lĩnh vực; trong đó, chống phổ biến vũ khí hạt nhân sẽ là nền tảng của hợp tác song phương. Theo các nhà bình luận quốc tế, nhiều khả năng chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ thúc đẩy đàm phán một thỏa thuận hạt nhân mới với Nga và có sự tham gia của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng gặp thuận lợi khi một số nước thành viên NATO, nhất là Pháp và Đức cũng mong muốn ổn định quan hệ với Nga để giảm căng thẳng khu vực và đẩy mạnh hợp tác trong những vấn đề hai bên cùng có lợi như dầu lửa, khí đốt, ổn định chiến lược. Đồng thời, Mỹ cũng trấn an các đồng minh bằng việc sẵn sàng đáp trả quân sự, nếu Nga có những hành động gây tổn hại đến NATO hay phá hoại các giá trị dân chủ phương Tây. Mặt khác, hai bên vẫn tiếp tục cọ xát trong lĩnh vực: “dân chủ”, “nhân quyền”, an ninh mạng, an ninh châu Âu, tình hình Ukraine và Belarus. Các nhà phân tích quốc tế cho rằng, nếu Nga tiếp tục vi phạm “dân chủ”, “nhân quyền”, an ninh mạng theo quan điểm của phương Tây hay có các động thái quân sự mạnh hơn ở Ukraine, thì Mỹ sẽ tăng cường các biện pháp gây sức ép và không loại trừ việc tăng quân tới châu Âu. Ngoài ra, Mỹ có thể tìm kiếm sự hợp tác của Nga trong giải quyết các vấn đề nóng của quốc tế, như: hạt nhân Iran; cuộc chiến ở Syria, Lybia và Afghanistan hay các thách thức an ninh phi truyền thống: biến đổi khí hậu, đối phó với dịch Covid-19, v.v.
Tác động đến khu vực
Việc Mỹ - Nga ổn định quan hệ sẽ giúp Mỹ và các đồng minh NATO kiểm soát phần nào các thách thức an ninh ở châu Âu, đồng thời giúp Mỹ tránh được tình thế cùng lúc phải đối phó với hai đối thủ chiến lược là Trung Quốc và Nga - điều Mỹ không mong muốn tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, để dồn toàn lực đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc. Khi Mỹ và phương Tây đạt được cách tiếp cận chung, coi Trung Quốc là “thách thức mang tính hệ thống” chứ không phải Nga, thì cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương thời gian tới sẽ khó đoán định và có tác động không nhỏ đến chiến lược của các nước trong khu vực. Mặt khác, Nga vẫn là một nhân tố quan trọng trong lĩnh vực an ninh tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhất là khu vực Ấn Độ Dương. Thời gian qua, vì muốn đưa “nước Mỹ vĩ đại trở lại”, nên “vô tình” Mỹ đã đẩy Nga về phía Trung Quốc. Do vậy, hai nước này đã có nhiều hoạt động hợp tác, nhất là về an ninh, quân sự tạo thách thức không nhỏ cho Mỹ trong việc duy trì ưu thế vượt trội về quân sự tại Thái Bình Dương. Triển vọng cải thiện quan hệ Nga - Mỹ và chia rẽ quan hệ Nga - Trung trong dài hạn có thể giúp Mỹ rảnh tay đối phó, hạn chế tham vọng của Trung Quốc ở khu vực này.
Trong bối cảnh cuộc đối đầu Mỹ - Trung diễn biến phức tạp, các đối tác của Nga rất hoan nghênh việc Mỹ - Nga cải thiện quan hệ, nhất là Nhật Bản và Ấn Độ - hai quốc gia có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc và hiện đang là thành viên của nhóm Bộ tứ (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia). Theo đó, các nước này tin tưởng Nga sẽ giữ vai trò độc lập và tạo sân chơi bình đẳng cho các quốc gia tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việc hai nước lớn trong khu vực là Nhật Bản và Ấn Độ thể hiện quan điểm ủng hộ cải thiện quan hệ Mỹ - Nga và đẩy mạnh quan hệ với Nga cũng giúp Nga gửi thông điệp đến Trung Quốc về khả năng Nga tìm được đối tác chiến lược tại khu vực. Bên cạnh đó, quan hệ Mỹ - Nga ổn định cũng sẽ mở đường cho các nước như Ấn Độ hay Indonesia có thêm lựa chọn để đa dạng hóa kho vũ khí của mình. Vừa qua, Ấn Độ đã thành công nhất định trong việc chưa bị Mỹ trừng phạt theo Đạo luật “Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt” khi nhập khẩu vũ khí của Mỹ bên cạnh việc duy trì nhập khẩu vũ khí của Nga.
Ngoài ra, quan hệ Mỹ - Nga thực sự đi vào ổn định sẽ đẩy tam giác quan hệ Mỹ - Nga - Trung theo hướng tương tác phức tạp hơn. Theo đó, Mỹ vừa duy trì quan hệ cạnh tranh có kiểm soát với Nga, vừa tiếp tục chia rẽ quan hệ Nga - Trung để tập trung đối phó với Trung Quốc như những gì Mỹ đã làm để đối phó với Liên Xô trước đây. Nga cũng tranh thủ nâng cao vị thế và vai trò khi là nhân tố có tầm ảnh hưởng trong việc cân bằng quan hệ Mỹ - Trung. Trung Quốc có thể lựa chọn tăng cường củng cố quan hệ “cận đồng minh” với Nga, kết hợp sử dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, khai thác vấn đề Ukraine và Belarus để phá thế Mỹ - Nga.
Triển vọng cải thiện quan hệ Mỹ - Nga đang nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cả đồng minh châu Âu và châu Á. Dù “tông chủ đạo” quan hệ Mỹ - Nga vẫn là cạnh tranh chiến lược, song thời gian tới, nhiều khả năng hai nước sẽ duy trì đối thoại để kiểm soát hiệu quả các bất đồng. Việc quan hệ Mỹ - Nga đi vào quỹ đạo “ổn định và có thể xác định” sẽ tác động tích cực đến quan hệ và chiến lược của các nước tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như quan hệ quốc tế.
MỸ CHÂU – VIỆT HÀ
quan hệ Mỹ - Nga,an ninh khu vực,hội nghị thượng đỉnh
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ