Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Sáu, 04/05/2012, 07:45 (GMT+7)
“Chiến tranh bí mật công nghệ cao” - học thuyết mới của chính quyền Mỹ hiện nay

Theo một thống kê được công bố mới đây, trong 3 năm cầm quyền vừa qua, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã tiến hành trên 230 vụ tiến công bí mật bằng tên lửa, máy bay không người lái và lực lượng tác chiến đặc biệt ở nhiều nước thuộc khu vực Trung Á, Trung Đông, châu Phi. Trong đó, số lượng các chiến dịch đột kích bí mật bằng máy bay không người lái không ngừng được gia tăng: năm 2009 là trên 50 vụ (tăng gấp hai lần so với năm 2008) và năm 2010 là khoảng 120 vụ. Như vậy, so với những người tiền nhiệm (Tổng thống G.W. Bu-sơ tiến hành cả thảy 44 vụ) thì đây là một động thái quân sự khá nổi bật của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma, được dư luận quốc tế hết sức quan tâm.

Chuyên gia quân sự của Mỹ và phương Tây cho rằng, với việc sử dụng các vũ khí, trang bị quân sự có trình độ công nghệ tiên tiến, các cuộc đột kích bí mật của Quân đội Mỹ đã có những bước phát triển vượt bậc so với trước đây và là một trong những phương thức tác chiến đạt hiệu quả cao, nên được Nhà Trắng rất coi trọng. Trong số các cuộc đột kích bí mật mà Quân đội Mỹ tiến hành thời gian qua, nhiều cuộc đột kích thành công, thu được những kết quả mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng; như vụ Đặc nhiệm SEAL Team 6 của Hải quân Mỹ đột kích giải thoát một quan chức cấp cao của Mỹ bị hải tặc Xô-ma-li bắt cóc trên tàu Maersk Alabama hồi tháng 4-2009. Đó cũng là vụ lực lượng biệt kích của Mỹ bất ngờ đột kích tiêu diệt Trùm khủng bố khét tiếng Bin La-đen tại một thành phố thuộc Pa-ki-xtan hồi tháng 5-2011; các vụ đột kích bất ngờ bằng máy bay không người lái của Mỹ đã tiêu diệt nhiều chỉ huy cấp cao của Ta-li-ban và Al Qaeda ở I-rắc, Áp-ga-ni-xtan và ở nhiều nơi khác thuộc khu vực Trung Đông, châu Phi, v.v.. Từ những hiệu quả to lớn đó, giới hoạch định chiến lược của Nhà Trắng chủ trương xây dựng cái gọi là học thuyết “chiến tranh bí mật công nghệ cao” để sử dụng trong các cuộc “xung đột cường độ thấp” ở khắp các nơi trên thế giới.


Khu nhà ở Abbottabad - nơi Bin La-đen bị lực lượng đặc nhiệm Mỹ SEAl tiêu diệt
 

Tư tưởng chủ đạo của học thuyết này là sử dụng ưu thế tuyệt đối về sức mạnh quân sự, bí mật, bất ngờ đột kích, giành được mục tiêu tác chiến đề ra với chi phí thấp nhất, hạn chế tối đa thiệt hại về binh lực. Đối tượng của Học thuyết này là các mục tiêu có giá trị về kinh tế, chính trị, quân sự, quốc phòng (có thể là các yếu nhân, cơ quan đầu não của chính phủ, sở chỉ huy các cấp chiến dịch - chiến lược, các trung tâm tài chính, đài phát thanh, truyền hình của quốc gia…). Đây thực chất là sự cụ thể hóa ý tưởng tiến hành “chiến tranh điểm huyệt”, “chiến tranh không có thương vong” trong kỷ nguyên thông tin hóa, mà các chiến lược gia của Mỹ đã đề ra từ sau khi “chiến tranh lạnh” kết thúc. Trong chương trình quân sự năm 2011, Lầu Năm góc đã tăng gấp đôi lượng ngân sách dành cho Bộ Tư lệnh các Lực lượng đặc nhiệm (JSOC) lên mức 10,5 tỷ USD và tăng quân số lực lượng đặc nhiệm lên gấp 4 lần; thành lập Cơ quan Mật vụ quốc phòng (DCS), nhằm tăng dày các hoạt động tình báo của Mỹ ở nước ngoài. Tư lệnh JSOC, tướng M. Ra-ven đã đệ trình Bộ Quốc phòng Mỹ báo cáo đề nghị trao cho JSOC một vai trò lớn hơn trong cái gọi là “cuộc chiến chống khủng bố” ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ La-tinh. Ông cũng đề xuất một khoản ngân sách bổ sung cho việc nghiên cứu, phát triển các loại máy bay không ngưới lái, tên lửa hành trình, các phương tiện trinh sát, tình báo toàn cầu thế hệ mới; xây dựng lực lượng đặc nhiệm có khả năng tác chiến linh hoạt, cơ động cao, để JSOC có thể thực hiện các đòn “phẫu thuật ngoại khoa”, “tác chiến điểm huyệt” với độ chính xác cao, không bị hạn chế về cự ly và điều kiện địa hình trên các châu lục.

Tuy nhiên, trái với quan điểm trên của JSOC, không ít tướng lĩnh Mỹ cho rằng, đây là một chương trình quá tham vọng và mạo hiểm. Họ cũng yêu cầu phải cân nhắc kỹ lưỡng về khả năng kỹ thuật, chiến thuật cùng những tác động có thể có của các đòn đột kích bí mật đến các mặt quân sự, chính trị và ngoại giao, để học thuyết này thực sự có hiệu quả trên thực tế. Theo họ, trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống B. Clin-tơn, tiếp đó là Tổng thống G.W. Bu-sơ và nay là Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma, Quân đội Mỹ cũng có không ít vụ đột kích bí mật bị thất bại thảm hại và chúng cũng để lại cho nước Mỹ những hậu quả không nhỏ về chính trị và ngoại giao. Ví như, vụ đột kích bất thành nhằm bắt sống một thủ lĩnh phiến quân Xô-ma-li vào tháng 10-1993, đã làm 18 lính biệt động Mỹ thiệt mạng. Thất bại này đã giáng một đòn tâm lý nặng nề cho Nhà Trắng và nỗi ám ảnh của nó vẫn kéo dài cho đến tận ngày nay. Các vụ đột kích bất thành của JSOC hòng tiêu diệt Tổng thống Xa-đam Hút-xen trong cuộc chiến tranh I-rắc năm 2003, mà nguyên nhân chủ yếu do tin tức tình báo thiếu chính xác cũng là một ví dụ. Gần đây nhất là các vụ máy bay không người lái của Mỹ đã “bắn nhầm” làm nhiều dân thường và binh lính của Pa-ki-xtan thiệt mạng1, khiến cho dư luận nước này và quốc tế hết sức phẫn nộ. Sự việc đã làm ảnh hưởng xấu đến quan hệ đồng minh chống khủng bố của Mỹ và Pa-ki-xtan; nghiêm trọng hơn, nó còn bị Thủ tướng Pa-ki-xtan Y-u-xúp Ra-da Gi-la-ni lên án, coi đó là những hành động can thiệp thô bạo chủ quyền, công việc nội bộ của Pa-ki-xtan. Ông cũng tuyên bố, Quân đội Pa-ki-xtan sẽ hành động đáp trả nếu Mỹ không chấm dứt các vụ không kích “nhầm” vào người dân vô tội của nước này. Các chiến lược gia của Mỹ cũng cho rằng, yếu tố then chốt có tính quyết định đến sự thành, bại của các chiến dịch “đột kích bí mật” là phải đảm bảo tin tức tình báo với độ chính xác gần như tuyệt đối. Vẫn biết rằng, là nước đi đầu trong cuộc cách mạng khoa học - công nghệ quân sự mới, Mỹ đã có những tiến bộ vượt bậc về lĩnh vực nghiên cứu, phát triển vũ khí, trang bị công nghệ cao; trong đó, đặc biệt là các phương tiện trinh sát, tình báo của Mỹ đã đạt trình độ vượt xa các cường quốc khác đến vài ba thế hệ (điều đó được thể hiện rất rõ trong cuộc chiến tranh Li-bi vừa qua). Các khái niệm như “chiến trường trong suốt”, “chiến trường số hóa”, “tác chiến theo thời gian thực”, v.v. và v.v., phản ánh một cách khá sinh động về khả năng cũng như những ưu thế quân sự vượt trội về vũ khí, trang bị trinh sát, tình báo của Mỹ trong chiến tranh cục bộ có sử dụng vũ khí công nghệ cao. Tuy nhiên, đó mới chỉ là trên lý thuyết, còn thực tế trên chiến trường, để phát huy được uy lực của các vũ khí, trang bị trinh sát, tình báo hiện đại là một vấn đề hết sức phức tạp, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, cả khách quan và chủ quan, cả kỹ thuật và chiến thuật... Người ta thường nói “vỏ quýt dầy có móng tay nhọn” để phản ánh một thực tế là: cùng với sự phát triển của vũ khí, trang bị, phương thức, thủ đoạn trinh sát, tình báo hiện đại thì vũ khí, trang bị và phương thức, thủ đoạn phản trinh sát, phản tình báo cũng phát triển theo. Thực tế đã cho thấy, việc sử dụng các trang, thiết bị thô sơ, rẻ tiền, tận dụng điều kiện địa hình, khí tượng, thủy văn, các phương thức ngụy trang, nghi binh thông thường vẫn có thể đối phó có hiệu quả với các trang, thiết bị trinh sát hiện đại. Do vậy, các vụ đột kích bí mật của Quân đội Mỹ dù đã có những phát triển vượt bậc về phương thức, thủ đoạn, nhưng vẫn chứa đựng những rủi ro nhất định: nếu sử dụng tên lửa hành trình, máy bay không người lái để thực hiện các đòn đột kích thì có ưu điểm là hạn chế được thương vong cho binh lính, nhưng độ chính xác lại không cao; nếu sử dụng lực lượng đặc nhiệm tiến hành đột kích thì có ưu điểm là độ chính xác cao, nhưng mức độ rủi ro cho binh lính lại rất lớn. Hơn nữa, trong thực hành đột kích, các yếu tố: tin tức trinh sát, tình báo, phương thức, thủ đoạn, thời gian, không gian, vũ khí, trang bị, lực lượng sử dụng,… đều là những yếu tố trọng yếu và phải được giữ bí mật tuyệt đối. Nếu một khâu trong chuỗi “mắt xích” có liên kết chặt chẽ với nhau đó bị trục trặc, nhất là bị lộ thì cuộc đột kích khó có thể thành công, có khi lại bị đối phương giăng bẫy, thực hiện các đòn “đột kích ngược”. Ví như, vụ tàn quân Ta-li-ban phục kích bắn hạ máy bay trực thăng AH-6, làm 22 lính đặc nhiệm Mỹ thiệt mạng, khi lực lượng này đang thực thi một chiến dịch tiến công bí mật tại chiến trường Áp-ga-ni-xtan vào tháng 8-2011.  

Các vụ đột kích bí mật của Quân đội Mỹ cũng đang là chủ đề gây tranh cãi trong bộ máy cầm quyền của nước này. Nhiều nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa lên tiếng phê phán Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma vì đã trao quá nhiều đặc quyền cho Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và JSOC trong việc ra quyết định thực hiện các đòn đột kích bí mật trong cái gọi là “chống khủng bố”. Điều đó đang làm nảy sinh tư tưởng ngạo mạn, công thần và khoét sâu mâu thuẫn nội bộ giữa CIA, JSOC với các quân chủng khác của Quân đội Mỹ. Họ cũng chỉ rõ, lấy cớ là phải đảm bảo yêu cầu giữ bí mật tuyệt đối mà ngày càng nhiều các vụ đột kích bí mật của Quân đội không được công bố, hoàn toàn nằm trong bức màn bí ẩn. Đây là một tiền lệ nguy hiểm, có thể phá vỡ nguyên tắc về tính công khai, minh bạch, vốn là những nguyên tắc cơ bản trong thực thi luật pháp của Mỹ. Họ cũng yêu cầu phải có một cơ chế kiểm soát các hoạt động “chiến tranh bí mật công nghệ cao”; theo đó, Tổng thống phải báo cáo và chỉ được tiến hành các cuộc tiến công bí mật sau khi Quốc hội phê chuẩn, như quy định của Đạo luật Quyền hạn chiến tranh mà Mỹ đang thực hiện. Nhiều tướng lĩnh Mỹ thì tỏ ý lo ngại về tính pháp lý và tính hiệu quả của học thuyết “chiến tranh bí mật công nghệ cao” của Chính quyền Ba-rắc Ô-ba-ma đối với “cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu”. Theo họ, thực tế trên các chiến trường ở I-rắc, Áp-ga-ni-xtan, Pa-ki-xtan, Y-ê-men, Hai-i-ti và nhiều nơi khác cho thấy, các vụ tiến công bí mật của Quân đội Mỹ tuy tiêu diệt được nhiều chỉ huy của Al Qaeda; nhưng điều đó cũng không làm cho tổ chức khủng bố này suy yếu đi; trái lại, nó lại kích động tư tưởng chống Mỹ trong người dân bản địa; làm cho Al Qaeda và nhiều tổ chức khủng bố khác phát triển mạnh hơn, hoạt động tàn bạo, nguy hiểm hơn. Họ cũng cảnh báo, với việc thực thi học thuyết “chiến tranh bí mật công nghệ cao”, Chính quyền của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đang tự biến nước Mỹ thành “Cảnh sát toàn cầu”!    

 Minh Đức thực hiện

 _________

[1] - Vụ máy bay không người lái của NATO không kích “nhầm” giết hại 24 lính Pa-ki-xtan vào tháng 11-2011.

   

 

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...