Thứ Ba, 26/11/2024, 21:11 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Một trong những chuyển hướng chiến lược quan trọng nhất của Mỹ những thập niên đầu thế kỷ XXI là quyết định xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương, nơi có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Sau 10 năm triển khai chiến lược này, mặc dù được đánh giá đạt một số thành công, song chặng đường hiện thực hóa đó còn nhiều chông gai, thách thức.
Mục tiêu Chiến lược
Năm 2011, Chính quyền Tổng thống Barack Obama công bố chiến lược Xoay trục (Tái Cân bằng) sang châu Á - Thái Bình Dương với 06 trụ cột chính, gồm: (1). Củng cố quan hệ với các đồng minh truyền thống (Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan, Australia); (2). Tăng cường quan hệ với các nước bạn bè, cường quốc đang lên (Ấn Độ, Singapore, Indonesia,…); (3). Tích cực tham gia xây dựng cấu trúc khu vực, như: Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Sáng kiến Hạ lưu Sông Mê Kông (LMI), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+); (4). Tăng cường sự hiện diện quân sự, triển khai luân chuyển quân tới khu vực (Singapore, Australia, Philippines,…), tiếp tục duy trì hiện diện tại khu vực thông qua các cuộc diễn tập quân sự song phương và đa phương; (5). Thúc đẩy hợp tác kinh tế với khu vực, gồm: đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), ủng hộ APEC, Sáng kiến gắn kết kinh tế mở rộng với ASEAN (E3); (6). Tiếp tục truyền bá, cổ súy giá trị dân chủ, nhân quyền, v.v.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton - một trong những kiến trúc sư của chiến lược Xoay trục đã từng tuyên bố: mục tiêu của nước Mỹ là xây dựng một hệ thống an ninh và kinh tế bền vững xuyên Thái Bình Dương giống như mô hình mạng lưới các thiết chế và quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương. Hệ thống này sẽ giúp thúc đẩy an ninh, thịnh vượng và các giá trị phổ quát, xử lý những khác biệt giữa các quốc gia, thúc đẩy lòng tin, trách nhiệm và hợp tác hiệu quả để đối phó với các thách thức. Giới học giả khi đó nhận định, chiến lược Xoay trục có mục tiêu quan trọng nhất là nhằm bảo đảm duy trì vị thế lãnh đạo của Mỹ trước những thay đổi nhanh chóng tại khu vực, đặc biệt là sự nổi lên của Trung Quốc.
Kết quả triển khai
Sau 10 năm triển khai Chiến lược, nước Mỹ đã đạt được một số thành công và cũng còn tồn tại một số hạn chế.
Về thành công: Thứ nhất, trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao, Mỹ đã tăng cường một bước chất “đồng minh”, “đối tác” khi quan hệ với nhiều nước tại khu vực này. Theo đó, Mỹ đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam (2013), Malaysia (2014) và Lào (2016); nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược với Indonesia (2015). Bên cạnh đó, Mỹ đã mở rộng phạm vi hợp tác trong khuôn khổ đối tác chiến lược với Ấn Độ và Singapore. Riêng Ấn Độ, từ chỗ là một quốc gia mới nổi cần can dự và kiềm chế dưới Chính quyền Tổng thống Barack Obama, đã trở thành đối tác quan trọng của Mỹ dưới Chính quyền Tổng thống Donald Trump và đối với Chính quyền Tổng thống Joe Biden, một “mỏ neo” an ninh của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Thứ hai, trên bình diện đa phương, Mỹ đã can dự tích cực và chủ động hơn trong thúc đẩy các chương trình nghị sự của EAS, ARF, ADMM+, thể chế hóa cơ chế gặp cấp cao Mỹ - ASEAN, đưa cơ chế này thành thường niên từ năm 2013; nâng cấp quan hệ với ASEAN lên đối tác chiến lược vào tháng 11/2015 và đang thảo luận nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện. Đáng chú ý, cả Chính quyền Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Joe Biden đã làm “sống lại” cơ chế Bộ Tứ Kim cương (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia), nhằm tăng cường phối hợp chính sách với khu vực, từng bước thể chế hóa cơ chế này.
Hợp tác quốc phòng có thể là điểm nhấn tiếp theo trong chính sách của Mỹ đối với khu vực. Nhiều chính quyền của Mỹ gần đây đã tăng cường thúc đẩy quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia - những đồng minh truyền thống quan trọng của Hoa Kỳ. Các nước đồng minh nói trên cũng ngày càng đóng vai trò chủ động và tích cực hơn với Mỹ trong các vấn đề khu vực, như: triển khai chính sách với Trung Quốc, tăng ngân sách quốc phòng, mua sắm trang, thiết bị quân sự tối tân và tham gia tích cực vào các hoạt động tập trận chung song phương và đa phương. Mỹ cũng đưa quân trở lại căn cứ quân sự của Philippines lần đầu tiên kể từ năm 1992. Đáng chú ý, cùng với Bộ Tứ Kim cương, liên minh an ninh AUKUS (Mỹ, Anh, Australia) là một bước đi hướng đến mục tiêu xây dựng an ninh tập thể tại khu vực, kết nối các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và châu Á.
Thứ ba, đối với ảnh hưởng tại khu vực, mặc dù có những giai đoạn chứng kiến sự sụt giảm tương đối của Mỹ, song, nhìn chung Hoa Kỳ vẫn được một số nước coi là đối tác chủ chốt, có ảnh hưởng quan trọng đến an ninh và kinh tế khu vực. Nhiều nước trong khu vực, trong đó có một số quốc gia Đông Nam Á - các nước đồng minh của Mỹ hay đã từng hợp tác với Mỹ trên nhiều lĩnh vực tiếp tục kỳ vọng Mỹ là một đối tác giúp duy trì cân bằng chiến lược tại khu vực. Về kinh tế, mặc dù Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP, song nước này vẫn là thị trường xuất khẩu chủ chốt của khu vực với tổng giá trị nhập khẩu trên 3.000 tỉ USD/năm. Trong nhiều năm qua, Mỹ vẫn duy trì là nhà đầu tư nước ngoài chủ chốt tại Đông và Đông Nam Á với tổng số vốn đầu tư trên 1.000 tỉ USD. Về công nghệ, mặc dù Trung Quốc đang đầu tư mạnh để cạnh tranh với Mỹ, song Mỹ vẫn nắm giữ nhiều công nghệ nguồn và công nghệ cao mang tính dẫn dắt cho sự tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Mỹ trở thành quốc gia tài trợ vaccine lớn nhất tại khu vực với hơn 89 triệu liều tới Đông Á và Thái Bình Dương (13 nước trừ Trung Quốc và Australia) và hơn 84 triệu liều tới Nam Á và Trung Á (10 nước trừ Ấn Độ) tính đến đầu tháng 01/2022.
Về hạn chế: Một là, sự chú ý của nội bộ Mỹ và nguồn lực có lúc thiếu nhất quán. Mặc dù các chính đảng ở Mỹ về cơ bản ủng hộ tăng cường can dự tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, song, sự thay đổi chính quyền sau mỗi 04 năm và những điều chỉnh chính sách của chính quyền mới đôi lúc khiến dư luận hoài nghi về quyết tâm can dự của Mỹ. Sự bế tắc của quốc hội về ngân sách cũng khiến nguồn lực của Mỹ dành cho khu vực có lúc bị gián đoạn. Ngoài ra, do phải căng trải trên toàn cầu, nên có lúc Hoa Kỳ không thể tập trung nguồn lực cho khu vực này nếu đó không phải là vấn đề cấp thiết.
Hai là, một số biện pháp can dự của Mỹ tại khu vực chưa thực sự hiệu quả. Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP đồng thời với chủ trương gây sức ép về thâm hụt thương mại, thao túng tiền tệ khiến các nước ở khu vực khó hiểu về biện pháp kinh tế trong chiến lược Xoay trục của Mỹ. Các bước đi cụ thể với các nước tiểu vùng sông Mê Kông chưa thực sự hiệu quả, khiến ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực này đang suy giảm tương đối. Về vấn đề Biển Đông, mặc dù đưa ra nhiều tuyên bố và thực hiện các cuộc tuần tra tự do hàng hải (FONOP), song, Mỹ vẫn chưa thể tác động, ảnh hưởng đáng kể đến hiện trạng tại khu vực này.
Ba là, việc Hoa Kỳ tiếp tục nêu vấn đề giá trị Mỹ trong quan hệ với các nước, khiến hợp tác khó đạt được tiến triển thực chất. Sự kiện giới quân sự trở lại nắm quyền tại Thái Lan và Myanmar khiến quan hệ giữa Mỹ với hai quốc gia này, nhất là với Myanmar rơi vào khó khăn nhất kể từ một thập niên qua. Cuộc bầu cử năm 2016 tại Philippines với chiến thắng của Tổng thống Duterte cũng đặt quan hệ Mỹ - Philippines vào tình trạng bất trắc. Các nước như Indonesia, Malaysia tuy vẫn coi trọng quan hệ với Mỹ, song, bác bỏ chỉ trích của Mỹ về dân chủ - nhân quyền. Campuchia vừa qua đã tỏ thái độ cứng rắn với Mỹ sau lệnh trừng phạt của Washington đối với một số quan chức chính phủ.
Triển vọng thực hiện
Mặc dù, Chính quyền của Tổng thống Joe Biden chưa công bố chiến lược mới đối với khu vực này, song, có thể dự đoán chiến lược mới này về cơ bản sẽ kế thừa những trụ cột cơ bản của chiến lược Xoay trục được đưa ra cách đây 10 năm với một số điều chỉnh phù hợp với tình hình mới. Chắc chắn Tổng thống Joe Biden sẽ cụ thể hóa mục tiêu kiềm chế Trung Quốc trong chiến lược mới khi Mỹ xác định Bắc Kinh là đối thủ chiến lược chủ chốt. Mỹ sẽ củng cố hơn các trụ cột như quan hệ với đồng minh, đối tác. Nội dung an ninh - quốc phòng sẽ tiếp tục được coi trọng để đối phó với các nguy cơ đối với Mỹ từ khu vực; trong đó, bao gồm cả vấn đề Đài Loan. Can dự đa phương (nhóm Bộ Tứ Kim cương và liên minh AUKUS) sẽ tiếp tục được chú trọng nhằm củng cố các “mỏ neo” của Mỹ ở khu vực. Nội dung kinh tế - thương mại sẽ được cụ thể hóa một bước theo hướng đa dạng hóa các chuỗi cung ứng để giảm dần “sự phụ thuộc” đối với nguồn hàng hóa đến từ Trung Quốc, tăng cường kiểm soát về công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao đối với Trung Quốc, nhằm tăng dần sự phụ thuộc vào Mỹ. Thúc đẩy dân chủ - nhân quyền vẫn sẽ là một mục tiêu giống như trước đây, song, có thể sẽ được điều chỉnh để không ảnh hưởng đến hợp tác của Mỹ với các đối tác, nhất là các nước có tầm quan trọng chiến lược đối với Mỹ.
Một điều rút ra sau 10 năm Mỹ thực hiện chiến lược Xoay trục là sự đồng thuận ngày càng tăng của nội bộ Mỹ về tầm quan trọng của khu vực này đối với an ninh và thịnh vượng của Mỹ. Điều đó được minh chứng khi ngân sách quốc phòng năm 2022 của Mỹ dành cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cao nhất so với các khu vực trên thế giới. Đó là cơ sở để tin rằng, chiến lược Xoay trục phiên bản mới sẽ được thực hiện mạnh mẽ trong thời gian tới, vì chính lợi ích an ninh, ảnh hưởng và thịnh vượng của nước Mỹ mà các kiến trúc sư của chiến lược này đã vạch ra.
MỸ CHÂU
Châu Á - Thái Bình Dương,Chiến lược xoay trục,phiên bản mới,kết quả và triển vọng
Xu hướng tăng cường sức mạnh quân sự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương 25/11/2024
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ
Xu hướng tăng cường sức mạnh quân sự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương