Thứ Sáu, 22/11/2024, 19:03 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Để đối phó với các thách thức an ninh toàn cầu, bảo vệ lợi ích quốc gia, chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã và đang tập trung nâng cao năng lực tác chiến cho lực lượng phòng vệ; đồng thời, triển khai chiến lược mới - Chiến lược “Vành nan hoa Anh Đào”. Vậy, bối cảnh hình thành, nội dung cơ bản của Chiến lược thế nào, tác động của nó đối với khu vực ra sao, đang là vấn đề được dư luận quốc tế quan tâm.
Bối cảnh hình thành
Nhận định về cục diện thế giới hiện nay, các nhà hoạch định chiến lược của Nhật Bản cho rằng, cấu trúc an ninh và cán cân quyền lực toàn cầu đang có sự thay đổi mạnh mẽ, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đang gia tăng trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh; trong đó, nổi bật nhất vẫn là cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc hàng loạt các sự kiện đan xen, tiếp nối, như: Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Triều Tiên tiến hành các vụ thử tên lửa hạt nhân, Nga và Trung Quốc đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương,… đã và đang là những yếu tố khiến cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn càng trở nên phức tạp, khó đoán định. Điều đó cũng khiến cho cuộc đấu tranh thiết lập trật tự thế giới mới trở thành vấn đề “nóng” hơn bao giờ hết. Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có Nhật Bản cũng bị tác động mạnh bởi các thay đổi về cán cân quyền lực toàn cầu và đang phải đối mặt với nhiều thách thức; nhất là khi tranh chấp chủ quyền biển, đảo tại khu vực này còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và có thể bùng phát thành các cuộc xung đột bất cứ lúc nào, nếu các bên không kiềm chế, v.v.
Trong bối cảnh môi trường an ninh quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp, để bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia, Chính phủ Nhật Bản chủ trương triển khai đồng thời hai trụ cột chiến lược: nâng cao khả năng phòng vệ độc lập, tự chủ của lực lượng phòng vệ quốc gia và mở rộng hợp tác quốc phòng, an ninh với các liên minh, đối tác. Để hiện thực hóa chủ trương này, bên cạnh việc công bố chiến lược mới, với định hướng phát triển lực lượng phòng vệ đầy tham vọng, Chính phủ Nhật Bản còn đẩy mạnh quan hệ song phương với các nước thông qua các chuyến công du nước ngoài của Thủ tướng Kishida Fumio. Nội dung chiến lược được Nhật Bản công bố tháng 12/2022 xác định, 05 năm tới là giai đoạn “bản lề” và Tokyo dự kiến sẽ tăng ngân sách chi tiêu cho quốc phòng từ mức 01% (tổng sản phẩm quốc nội) hiện nay lên mức 02% vào năm 2027. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng sẽ cơ cấu lại lực lượng phòng vệ, nghiên cứu hoàn chỉnh thế trận phòng vệ liên hoàn trên phạm vi cả nước, nhất là việc bố trí lại lực lượng, phương tiện chiến đấu hiện đại, như: máy bay, tên lửa tầm xa,… trên các hướng chiến lược, các đảo trọng yếu ở phía Nam. Tokyo cũng dành một khoản ngân sách lớn để đầu tư, phát triển lực lượng phòng vệ trở thành lực lượng quốc phòng “đa năng”; trang bị cho lực lượng phòng vệ công nghệ quốc phòng mới, vũ khí, trang thiết bị quân sự hiện đại; phát triển hệ thống tấn công và phòng thủ tên lửa, các loại đầu đạn mới, vũ khí tầm xa, máy bay chiến đấu đa năng, phương tiện không người lái, phòng thủ không gian và an ninh mạng.
Theo giới quân sự Nhật Bản, chiến lược quốc phòng mới của chính phủ nước này phản ánh sự thay đổi mang tính “bước ngoặt” về tư duy quốc phòng, khi chuyển từ “phòng vệ thụ động” sang “phòng vệ tích cực, chủ động”; đồng thời, cần phải sở hữu năng lực “thực hiện các cuộc phản công hiệu quả vào lãnh thổ của kẻ thù như một biện pháp tự vệ tối thiểu”. Phương châm chiến lược về an ninh của Nhật Bản cũng có sự khác biệt khi chuyển từ bảo vệ an ninh quốc gia chủ yếu dựa vào “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ sang đảm bảo an ninh dựa trên sự kết hợp giữa khả năng phòng vệ độc lập, tự chủ của lực lượng phòng vệ với đa dạng hóa quan hệ hợp tác quốc phòng, an ninh với các liên minh, đối tác.
“Vành nan hoa Anh Đào”
Để hiện thực hóa kế hoạch mở rộng năng lực phòng thủ trong vòng 05 năm tới, nhất là việc xây dựng cấu trúc quốc phòng mới, nâng cao năng lực phản công và nâng cấp hệ thống tên lửa, từ ngày 09 đến ngày 14/01/2023, Thủ tướng Kishida Fumio đã có chuyến công du tới châu Âu và Bắc Mỹ. Đây được coi là hoạt động đối ngoại đặc biệt quan trọng của xứ sở “mặt trời mọc”, bởi chuyến đi này không chỉ nhằm thống nhất chương trình nghị sự của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh của Nhóm diễn ra tại Hiroshima vào tháng 5/2023, mà thông qua đây, chính quyền của Thủ tướng Kishida Fumio còn hoàn chỉnh chiến lược “Vành nan hoa Anh Đào” với các đối tác xoay quanh tâm điểm là Nhật Bản. Chuyến thăm có thể định hình mô hình hợp tác chiến lược đa tuyến của riêng Nhật Bản (tựa như năm cánh của bông hoa Anh Đào); đồng thời, từng bước giúp nước này đạt được mục tiêu tự chủ trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, qua đó từng bước tách khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Mỹ.
Điểm đến đầu tiên của Thủ tướng Kishida Fumio trong chuyến công du châu Âu và cũng là một trong những cánh hoa quan trọng nhất trong “Vành nan hoa Anh Đào” đó chính là Pháp. Quan hệ Nhật Bản - Pháp được coi là trục then chốt giúp Nhật Bản củng cố ba “tam giác” - những “cánh hoa Anh Đào” khác, đó là: tam giác phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) Nhật - Pháp - Đức; tam giác an ninh hàng hải Nhật - Pháp - Ấn Độ; tam giác hải quân Nhật - Pháp - Australia. Vì vậy, Pháp được coi là đối tác quan trọng giúp Nhật Bản mở rộng quan hệ hợp tác với các nước ở châu Á, châu Âu và châu Đại Dương. Trong chuyến thăm Pháp, Thủ tướng Kishida Fumio và Tổng thống Emmanuel Macron đạt được thỏa thuận mở rộng hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, trong đó có quốc phòng, an ninh. Lãnh đạo hai nước cũng khẳng định, tiếp tục nâng tầm “quan hệ đặc biệt” giữa hai quốc gia; cam kết tăng cường hợp tác an ninh, thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở; mở rộng các kênh đối thoại an ninh; tổ chức các cuộc tập trận song phương giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Quân đội Pháp ở khu vực biển Hoa Đông, v.v.
Cùng với Pháp, Italia và Anh là hai quốc gia được Nhật Bản chọn làm đối tác để phát triển công nghệ về quốc phòng. Do nhu cầu cấp thiết nhằm giảm chi phí nghiên cứu, phát triển và sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ mới (do đồng Yên, Euro và bảng Anh đang bị mất giá) nên việc hình thành tam giác quan hệ Nhật - Italia - Anh trở thành một “cánh hoa” giúp Tokyo đa dạng hóa đối tác quốc phòng, từ đó giảm dần sự ảnh hưởng độc quyền của các tập đoàn công nghiệp quốc phòng Mỹ đối với khả năng tự lực về công nghệ của Nhật Bản trong lĩnh vực quân sự. Tại Italia, ông Kishida Fumio và người đồng cấp nhất trí nâng tầm quan hệ giữa hai nước lên đối tác chiến lược; hai nước sẽ tổ chức kênh đối thoại an ninh song phương theo hình thức “2+2” giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng nhằm tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Trong chuyến công du tới Anh, lãnh đạo hai nước đã ký Hiệp định tiếp cận đối xứng (RAA) - Hiệp ước quốc phòng quan trọng nhất, lần đầu tiên được ký giữa một quốc gia châu Âu với Nhật Bản. Hiệp định là cơ sở pháp lý cho việc đẩy nhanh hợp tác nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ quốc phòng; vận chuyển vũ khí khi hai nước tổ chức các cuộc tập trận chung và triển khai lực lượng trên lãnh thổ của mỗi nước trong hoạt động cứu trợ, nhân đạo. Nhật Bản cùng với Italia và Anh cũng đạt được thỏa thuận hợp tác phát triển các loại máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo vào năm 2035. Đây là dự án hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng đầu tiên của Nhật Bản với các quốc gia khác mà không phải là Mỹ.
Cánh hoa cuối cùng trong “Vành nan hoa Anh Đào” chính là khu vực Bắc Mỹ. Trong chuyến công du đến khu vực này, Thủ tướng Nhật Bản và người đồng cấp Canada tái khẳng định sức mạnh của quan hệ đối tác chiến lược, cũng như cam kết chung đối với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và bao trùm; nhất trí đẩy mạnh hợp tác trên lĩnh vực an ninh năng lượng, phát triển công nghệ mới; đạt được đồng thuận về vấn đề giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G7. Cùng với Canada, quan hệ Nhật Bản - Mỹ cũng được coi là trục quan hệ có vai trò quyết định trong “Vành nan hoa Anh Đào”. Tại xứ cờ hoa, Thủ tướng Kishida Fumio đã nhận được sự cam kết từ Tổng thống Joe Biden về việc Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ Nhật Bản theo Điều 5 của Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật. Lãnh đạo hai nước cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong phát triển và sử dụng hiệu quả năng lực phản công cũng như các năng lực quốc phòng khác của Nhật Bản. Washington cũng cam kết đảm bảo chuỗi cung ứng chất bán dẫn và tăng cường hợp tác với Tokyo trong lĩnh vực hạt nhân vì mục đích an ninh năng lượng.
Bên cạnh những hoạt động trên, chính quyền của Thủ tướng Kishida Fumio có nhiều động thái nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác an ninh với Australia thông qua Nhóm “tứ giác kim cương” (QUAD); tăng cường hợp tác với Ấn Độ về hàng hải, hậu cần, chia sẻ thông tin tình báo, khả năng tương tác giữa hải quân hai nước trong khu vực cũng như vai trò cầu nối để kết nối sâu rộng hơn giữa khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ngoài ra, nước này cũng coi trọng hợp tác quốc phòng, an ninh với các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, nhất là các nước ASEAN. Trong đó, điểm đáng chú ý nhất là việc Thủ tướng Kishida Fumio khẳng định, “Việt Nam là một đất nước đặc biệt và có lương duyên với Nhật Bản; hai nước đang nỗ lực hướng tới một giai đoạn mới của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở châu Á”.
Những tác động
Theo các chuyên gia nghiên cứu quốc tế, chuyến công du của Thủ tướng Kishida Fumio tới châu Âu và Bắc Mỹ gặt hái được nhiều thành công, khi Nhật Bản nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các nước trong Nhóm G7 “vì sự thành công” của Hội nghị Thượng đỉnh G7. Qua chuyến đi, Nhật Bản cùng các nước đã trao đổi, thống nhất và có nhận thức chung về nhiều vấn đề quốc tế quan trọng đang nổi lên hiện nay, nhất là vấn đề phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, xây dựng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Đặc biệt, chuyến thăm thúc đẩy quan hệ song phương giữa Nhật Bản với các nước trong Nhóm G7 về lĩnh vực quốc phòng, an ninh, qua đó giúp nước này hoàn chỉnh chiến lược “Vành nan hoa Anh Đào” khi đa dạng hóa hợp tác về lĩnh vực quốc phòng, an ninh với các nước và hạn chế sự phụ thuộc vào Mỹ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, việc Thủ tướng Kishida Fumio nỗ lực đẩy mạnh hợp tác quốc phòng, an ninh với các nước G7 là hành động lôi kéo các nước này vào điểm nóng của khu vực châu Á và Nhật Bản cũng được xem là người đóng vai trò dẫn đường “đưa NATO - di sản của Chiến tranh lạnh, vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương”. Hành động này có thể sẽ mang lại sự “bất ổn an ninh” cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như toàn cầu. Đồng thời, nó cũng có thể khiến quan hệ giữa Nhật Bản với các nước láng giềng: Trung Quốc, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên và Nga trở nên căng thẳng hơn.
MINH ĐỨC - TIẾN LỰC
“Vành nan hoa Anh Đào”,chiến lược mới,dư luận quốc tế,chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ