Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Chủ Nhật, 11/03/2012, 15:44 (GMT+7)
Chiến lược quốc phòng mới của Mỹ và tác động của nó tới an ninh thế giới

Ngày 05-01-2012, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma công bố Chiến lược quốc phòng mới. Chiến lược quốc phòng này của Mỹ có gì mới và tác động của nó đến an ninh thế giới ra sao, đang là vấn đề mà dư luận quốc tế quan tâm.

alt
Tổng thống Mỹ B. Obama công bố chiến lược quân sự mới của nước Mỹ, ngày 06-01-2012 (nguồn: vov.vn).
 

Chiến lược quốc phòng (CLQP) mới công bố ngày 05-01-2012, thực chất là sự cụ thể hóa những nội dung trong Chiến lược an ninh quốc gia (ANQG) năm 2010 của Mỹ. Tuy nội dung CLQP mới của Mỹ so với những lần công bố trước không thay đổi nhiều; nhưng đó là những điều chỉnh quan trọng, nhằm duy trì vai trò lãnh đạo của Mỹ trước những thách thức mới.

1. Nước Mỹ và thế giới đang thay đổi.

Trong lời mở đầu Chiến lược ANQG (27-5-2010), Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma viết: “Trong tiến trình lịch sử phát triển của nước Mỹ luôn có những thời điểm thay đổi. Rõ ràng là, thời điểm hiện nay chính là dấu mốc để bắt đầu những thay đổi đó”. Theo Tổng thống B. Ô-ba-ma, Mỹ đang ở trong tình trạng chiến tranh mà chiến thắng phụ thuộc nhiều vào sự phát triển và ổn định nhà nước cũng như xã hội nói chung. Như vậy, nếu các chiến lược ANQG của Mỹ trước đây tập trung vào nguy cơ an ninh từ bên ngoài (chủ nghĩa khủng bố; sự phổ biến vũ khí hạt nhân, sự vi phạm các thể chế dân chủ ở nhiều nước trên thế giới; tội phạm trong không gian ảo), thì Chiến lược ANQG mới dưới thời Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma thẳng thắn thừa nhận nguy cơ đối với ANQG xuất phát từ trong nước. Đây là Chiến lược ANQG đầu tiên của Mỹ đề cập tới các nguy cơ đối với ANQG xuất phát từ ngay trong lòng nước Mỹ, như: thâm hụt ngân sách, nợ công; cuộc chiến chống khủng bố trên sân nhà. Trên cơ sở Chiến lược ANQG năm 2010, Mỹ đã xây dựng CLQP mới với những sửa đổi quan trọng trong điều kiện nước Mỹ chưa thoát khỏi khủng hoảng kinh tế với khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ buộc phải cắt giảm gần 500 tỷ USD ngân sách quân sự từ nay cho tới đầu thập kỷ sau.

Tuy nhiên, Mỹ công bố CLQP mới vào thời điểm thế giới đang trải qua nhiều biến động lớn và sâu sắc. Kết quả hai cuộc chiến tranh do Mỹ phát động và thực hiện ở Áp-ga-ni-xtan và I-rắc đã chứng tỏ Mỹ không thể sử dụng sức mạnh quân sự khổng lồ để “xuất khẩu dân chủ” sang các nước khác. Áp-ga-ni-xtan đang diễn ra quá trình “Ta-li-ban hoá” trái với mong muốn của Mỹ; còn I-rắc (tính đến thời điểm Mỹ rút quân vào cuối năm 2011), cũng đứng trước nguy cơ tan rã do mâu thuẫn muôn thuở giữa người theo dòng Si-ai, dòng Săn-ni và người Cuốc mà Mỹ đã không thể “làm lành” giữa họ với nhau trong một bộ máy quyền lực được Mỹ dựng lên theo “mô hình dân chủ”. Trong khi đó, sự kiện mà Mỹ và phương Tây gọi là “Mùa xuân Ả-rập” lại đang chứng tỏ sức mạnh phi thường của các công cụ phi quân sự, các lực lượng đặc nhiệm trong việc áp đặt quyền dân chủ cho các nước. Nhưng, để “Mùa xuân Ả-rập” có thể “gõ cửa” các nước khác, trong đó các nước Trung Á, thậm chí cả Nga, Mỹ cần loại bỏ “vật cản” khó vượt qua là Xy-ri và I-ran. Đồng thời, nước Mỹ đang chứng kiến sự dịch chuyển trọng tâm phát triển của thế giới sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương (CA-TBD). Mới đây, trong phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Mỹ H. Clin-tơn khẳng định, CA-TBD đã trở thành đầu tàu kinh tế và chính trị toàn cầu và là cơ hội lớn cho nước Mỹ trong thế kỷ XXI. Bà H. Clin-tơn dự báo trong 10 năm tới, Oa-sinh-tơn sẽ phải đưa ra quyết định nên đầu tư thời gian, sức lực, tiền bạc vào đâu để có thể duy trì vị thế lãnh đạo thế giới của mình và bảo vệ lợi ích “các giá trị Mỹ”. Theo Bà H. Clin-tơn, tuy không quay lưng lại với các đồng minh trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, Mỹ sẽ phải chọn châu Á là khu vực địa chính trị có ý nghĩa then chốt. Tuy nhiên, khi can dự vào châu Á, Mỹ sẽ phải “chạm trán” với một số cường quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ, có thể thách thức vị thế lãnh đạo thế giới của Mỹ. Vì thế, Oa-sinh-tơn phải chứng tỏ cho các nước châu Á thấy, mặc dù đang trải qua khủng hoảng kinh tế, nhưng Mỹ vẫn rất mạnh và không thể ngồi yên chứng kiến cảnh tượng Trung Quốc ngày càng “lấn lướt” Mỹ không chỉ trong phạm vi khu vực.

2. Những nội dung điều chỉnh trong CLQP mới của Mỹ.

Trước hết, về định hướng chiến lược: Mỹ đang đứng trước hai “điểm nóng” địa - chính trị có liên quan với nhau là Trung Đông Lớn và CA-TBD. Ở Trung Đông Lớn, Mỹ đang phải đối phó với thách thức từ phía I-ran. Còn ở CA-TBD, Mỹ đang bị thách thức từ sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc - ứng cử viên có thể cạnh tranh với Mỹ ở vị thế lãnh đạo thế giới. Hai “điểm nóng” này có liên quan với nhau, bởi I-ran là đối tác kinh tế hàng đầu của Trung Quốc và là một trong những tâm điểm của nền chính trị quốc tế đương đại. Vấn đề thay đổi cơ bản trong định hướng chiến lược mới của Mỹ là sẽ tập trung vào khu vực CA-TBD và Trung Đông Lớn, nhằm đối phó với thách thức nêu trên.

Về biện pháp chiến lược: Lầu Năm Góc sẽ thực hiện chủ trương “liệu cơm gắp mắm” trong điều kiện nước Mỹ đang lún sâu vào cuộc khủng hoảng nợ công và thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc không có những thay đổi căn bản trong các ưu tiên CLQP của mình. Chính vì vậy, Mỹ tập trung thực hiện một số biện pháp chiến lược. Một là, Mỹ tạm thời chia tay với học thuyết sẵn sàng đồng thời giành chiến thắng trong hai cuộc chiến tranh. Học thuyết này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ vừa giành “chiến thắng” trong cuộc “chiến tranh lạnh”, đang say sưa với sức mạnh vượt trội toàn diện về kinh tế, chính trị và quân sự trong trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo sau khi Liên Xô tan rã. Nhưng đó chỉ là “khoảnh khắc đơn cực”; bởi sau đó, Mỹ bị sa lầy trong cuộc chiến tranh Áp-ga-ni-xtan và I-rắc, lại bị lún sâu vào cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ cuộc đại suy thoái trong những năm 30 của thế kỷ XX. Do bị lâm vào tình trạng “lực bất tòng tâm”, Mỹ đương nhiên phải chia tay trong nuối tiếc với học thuyết đầy tham vọng này và chuyển sang biện pháp chiến lược mới. Theo đó, Mỹ có thể phát động một cuộc chiến quy mô lớn ở một khu vực, đồng thời kiềm chế ý đồ gây xung đột của đối phương ở một khu vực khác. Hai là, Mỹ sẽ cắt giảm quân số và sau năm 2014, tổng quân số Quân đội Mỹ còn khoảng 1,4 triệu người. Để bảo đảm sức mạnh Quân đội, Mỹ sẽ lấy chất lượng bù số lượng thông qua các chương trình xúc tiến hiện đại hoá vũ khí trang bị. Theo đó, Mỹ sẽ tập trung phát triển các loại vũ khí mới, hiện đại hơn, như: máy bay không người lái thế hệ mới “thông minh” hơn, máy bay “tàng hình” thế hệ mới tương tự như F-35, các hệ thống chiến tranh điện tử, vũ khí tiến công mạng. Ba là, Mỹ tập trung nhiều hơn cho việc đối phó với các nguy cơ an ninh phi truyền thống, như: an ninh mạng thông tin, an ninh môi trường sinh thái, chống phổ biến vũ khí sát thương hàng loạt... Bốn là, Mỹ tăng cường phối hợp hành động với các đồng minh mà sẽ không đơn phương hành động, thậm chí khuyến khích các đồng minh “xung phong” lên tuyến trước, như: Pháp và Anh trong cuộc chiến tranh Li-bi vừa kết thúc năm 2011.

3. Mục tiêu CLQP mới của Mỹ.

Mặc dù Mỹ đã điều chỉnh một số định hướng chiến lược và biện pháp chiến lược, nhưng riêng mục tiêu chiến lược thì lại không thay đổi. Điều này đã được Bộ trưởng quốc phòng Mỹ L. Pa-nét-ta khẳng định trong bài phát biểu tại Lầu Năm Góc nhân sự kiện công bố CLQP mới: “Chúng ta cần phải duy trì khả năng quân sự lớn, mạnh nhất thế giới để đảm bảo và duy trì vai trò lãnh đạo thế giới duy nhất của Mỹ”. Đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của tinh thần Chiến lược ANQG Mỹ dưới   thời Tổng thống B. Ô-ba-ma là vẫn theo đuổi mục tiêu “bất biến” giành, duy trì vị thế lãnh đạo thế giới. Đây cũng là mục tiêu chiến lược lâu dài đã từng được khẳng định và không bao giờ thay đổi qua các đời tổng thống Mỹ. Chỉ có điều, vai trò “lãnh đạo” của Mỹ mà chính quyền của Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma theo đuổi đã phần nào thay đổi là “lãnh đạo” một thế giới đang “vạn biến” không ngừng, với những nguy cơ bất định và rủi ro khó lường.

4. Tác động CLQP mới của Mỹ đối với tình hình an ninh thế giới và khu vực.

Trước hết, với mục tiêu là duy trì vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ, CLQP mới của Mỹ sẽ đưa thế giới rơi vào vòng xoáy của cuộc chạy đua vũ trang mới cả trên mặt đất, trên biển, trên không, vũ trụ và trong “không gian ảo”. Trong đó, kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trên quy mô toàn cầu và sự tái cơ cấu, bố trí lại lực lượng ở các căn cứ quân sự của Mỹ trên khắp thế giới tiềm ẩn nguy cơ bùng phát xung đột, chiến tranh. Mặt khác, các nước trên thế giới có thể sai lầm nếu cho rằng việc cắt giảm ngân sách quốc phòng và quy mô lực lượng Quân đội Mỹ trong CLQP mới sẽ ảnh hưởng đến vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Thực tế việc đó hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới sức mạnh quân sự của Mỹ, bởi các lực lượng quân sự chính quy của Mỹ sẽ được giao cho các công ty quân sự tư nhân và các tổ chức dân sự phi chính phủ đảm nhiệm.

Đối với an ninh khu vực, chuyên gia quân sự nhiều nước cho rằng, hai khu vực sẽ chịu tác động nhiều nhất trong CLQP mới của Mỹ là CA-TBD và Trung Đông. Ở CA-TBD, Mỹ sẽ can dự sâu hơn vào nền an ninh, bởi tại đây hiện đang tồn tại các "điểm nóng" ở eo biển Đài Loan, Đông Bắc Á, Biển Đông, eo biển Ma-lắc-ca tiềm ẩn nguy cơ xung đột do tranh chấp lãnh thổ cũng như mâu thuẫn sắc tộc, mâu thuẫn tôn giáo; tình hình chính trị nội bộ bất ổn trong từng nước riêng lẻ; nạn khủng bố; cướp biển; buôn lậu vũ khí... Tại CA-TBD đang diễn ra quá trình cạnh tranh và hợp tác đan xen, trong đó, Mỹ và một số cường quốc đang tranh giành vai trò lãnh đạo khu vực. CLQP mới của Mỹ coi trọng việc kiểm soát các nguồn tài nguyên, năng lượng và các tuyến đường vận chuyển qua khu vực CA-TBD, kiềm chế, ngăn chặn các cường quốc trỗi dậy, có thể thách thức vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ. Trong khi Mỹ quyết định can dự sâu hơn vào nền an ninh khu vực, thì tại đây còn thiếu một cơ chế đa phương thống nhất về an ninh tập thể; hệ thống an ninh chính trị - quân sự dựa chủ yếu trên các hiệp định và thoả thuận song phương, như: Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ, Hiệp ước về phòng thủ chung giữa Mỹ - Hàn Quốc, thoả thuận giữa các nước tham gia khối ANZUC (Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Anh, Ma-lai-xi-a và Xin-ga-po). Các tổ chức khu vực này thường có xu hướng kết hợp kinh tế với lợi ích an ninh và sự hợp tác của họ với Mỹ về an ninh trong thời gian tới ngày càng gắn bó hơn. Mỹ sẽ tích cực hiện diện quân sự ở khu vực CA-TBD, nhằm tăng cường các liên minh truyền thống của Mỹ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Phi-líp-pin, Thái Lan để phát triển các quan hệ đối tác chiến lược mới, xây dựng các cơ chế bền vững cho sự hợp tác khu vực. Trong đó, liên minh Mỹ - Nhật đóng vai trò quan trọng nhất, là hòn đá tảng cho chiến lược an ninh và các mục tiêu chiến lược của Mỹ ở khu vực.

Như vậy, những năm tới, ở khu vực CA-TBD sẽ diễn ra quá trình vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, kiềm chế nhau giữa các cường quốc trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực quốc phòng - an ninh.

Còn ở Trung Đông, Mỹ tập trung đẩy nhanh quá trình cải cách chính trị theo cái gọi là “Mùa xuân Ả-rập” ở một số nước trong khu vực này, trước hết là Xy-ri và I-ran. Vì thế, hai nước này tiềm ẩn nhiều nguy cơ rơi vào khủng hoảng trầm trọng hơn, thậm chí là chiến tranh; điều đó sẽ tác động trực tiếp tới tình hình an ninh khu vực và toàn cầu.

Đại tá LÊ THẾ MẪU

 

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...