Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 11/08/2011, 02:04 (GMT+7)
Chiến lược quân sự mới của Mỹ và những "hệ lụy" của nó

alt
Tàu sân bay Mỹ tham gia tập trận trên Hoàng Hải (Nguồn: Internet)
 Tháng 2-2011, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố Chiến lược quân sự  (CLQS) mới (còn gọi là CLQS năm 2011).  Vậy, CLQS năm 2011 có gì khác so với CLQS "đánh đòn phủ đầu" năm 2004 của Chính quyền G.W. Bu-sơ và có tác động như thế nào đến an ninh, ổn định của khu vực và thế giới ? 

Theo các nhà phân tích quốc tế, CLQS của Mỹ là văn kiện quan trọng nhất, cụ thể hóa chiến lược an ninh quốc gia trong lĩnh vực quân sự. Do vậy, nó cũng được coi là "dấu ấn riêng" của mỗi tổng thống. CLQS năm 2011 cũng vậy, nó thể hiện quan điểm, đường lối, chính sách quân sự, mà Chính quyền của Tổng thống B. Ô-ba-ma đã, đang và sẽ thực hiện trong nhiệm kỳ của mình. Có lẽ vì thế mà nó còn được gọi với cái tên: "Chiến lược B. Ô-ba-ma". Điểm tương đồng rõ nhất của CLQS năm 2011 với CLQS năm 2004 và các CLQS khác của những người tiền nhiệm là tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng hàng đầu của sức mạnh quân sự, coi đây là "trụ cột của an ninh quốc gia", nhằm bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia trên toàn cầu của Mỹ; thực chất là để bảo vệ vị thế bá chủ thế giới của Hoa Kỳ. Về môi trường chiến lược, CLQS năm 2011 xác định các mối đe dọa quân sự cũng không có khác biệt nhiều so với CLQS năm 2004; nhưng đặc biệt nhấn mạnh đến mối đe dọa "an ninh mạng", coi đây là một trong những thách thức nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia và kinh tế Mỹ trong thế kỷ 21.Về trọng tâm chiến lược, nhiều nhà phân tích cho rằng, CLQS năm 2011 thể hiện sự dịch chuyển mối quan tâm từ châu Âu sang châu Á - Thái Bình Dương; coi "những ưu tiên và lợi ích chiến lược của Mỹ sẽ ngày càng gắn chặt với khu vực châu Á - Thái Bình Dương", bởi mấy lý do chính: Một là, khu vực này có tốc độ phát triển kinh tế năng động vào hàng bậc nhất thế giới, sẽ là trung tâm của thế giới trong thế kỷ 21. Hai là, có nhiều nước, nhiều trung tâm quyền lực mới nổi, nhất là sự trỗi dậy rất nhanh của Trung Quốc1. CLQS năm 2011 bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về việc hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc và sức mạnh của nước này trong vũ trụ, không gian mạng, ở Hoàng Hải, Biển Hoa Nam, Biển Đông. Ba là, nguy cơ phổ biến các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó đáng kể nhất là "tham vọng" hạt nhân của I-ran và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên đang tạo ra các nguy cơ đối với khu vực và toàn cầu. Về phương châm chiến lược, nếu CLQS năm 2004 nhấn mạnh đến sử dụng ưu thế sức mạnh quân sự đơn phương "đánh đòn phủ đầu" để ngăn chặn và đánh bại các mối đe dọa "từ trong trứng nước", thì CLQS năm 2011 nhấn mạnh đến hoạt động quân sự đa phương, liên minh, liên kết với các đồng minh và các nước trong khuôn khổ cam kết quốc tế, trong khi vẫn giữ quyền hành động đơn phương khi cần thiết. Đây được coi là điều chỉnh cơ bản quan trọng nhất và là sự cụ thể hóa quan điểm "ngoại giao thông minh" mà Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã đề xuất năm 2010. Theo đó, Mỹ coi trọng phát huy vai trò của các liên minh quân sự, nhất là với NATO, Nhật Bản, Hàn Quốc... và mở rộng quan hệ hợp tác với các nước, nhằm đạt được các mục tiêu CLQS đề ra là: chống chủ nghĩa khủng bố; ngăn chặn và đánh bại xâm lược; củng cố an ninh khu vực và an ninh quốc tế.

Về xây dựng quân đội, tuy cách diễn đạt có khác so với CLQS năm 2004, nhưng tựu chung một quan điểm là phải tạo dựng cho nước Mỹ một quân đội mạnh hàng đầu thế giới, có đủ năng lực, khả năng chiến đấu và giành chiến thắng trong môi trường tác chiến mới đã có nhiều thay đổi. Theo đó, quân đội được xây dựng theo hướng mô-đun hóa, có khả năng triển khai các hoạt động quân sự nhanh trên quy mô toàn cầu, có ưu thế tuyệt đối về công nghệ, nhất là các trang thiết bị chỉ huy, kiểm soát, truyền thông, trinh sát, các vũ khí có trình độ công nghệ cao hàng đầu thế giới. Đối với lực lượng trên bộ, tập trung nâng cao năng lực thực hành mọi loại hình tác chiến, nhất là khả năng tác chiến liên hợp nhất thể hóa. Đối với hải quân đánh bộ, kết hợp phát triển các đơn vị có quy mô nhỏ, trang bị vũ khí hạng nhẹ với phát triển các đơn vị có quy mô lớn, trang bị các vũ khí hạng nặng, đảm bảo khả năng tác chiến trong các chiến dịch hải quân trên tất cả các vùng biển trên thế giới. Đối với không quân, tập trung nâng cao khả năng cơ động nhanh, tiến công chính xác, liên kết chỉ huy, kiểm soát, thông tin, tình báo, trinh sát..., thực sự là lực lượng xung kích trong các hoạt động tác chiến trên quy mô toàn cầu. Quân đội Mỹ cũng tiếp tục duy trì ưu thế của các lực lượng vũ trụ, hạt nhân chiến lược, an ninh mạng và tác chiến đặc biệt...

Vừa qua, Nhà Trắng đã có những bước cụ thể hóa CLQS mới này. Nổi bật là, ngày 22-6-2011, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã công bố kế hoạch rút quân Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan; theo đó, sẽ rút 10.000 quân trong năm 2011, 30.000 quân trong năm 2012 và hoàn thành kế hoạch vào năm 2014. Bộ Quốc phòng Mỹ đã thông qua "Chiến lược hành động trong không gian mạng"; thành lập Bộ Chỉ huy về không gian mạng. Cùng với củng cố, nâng tầm các liên minh quân sự song phương và đa phương, Mỹ cũng đang tích cực mở rộng quan hệ hợp tác với các nước, các tổ chức ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là với Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF)...; thúc đẩy việc nối lại đàm phán hòa bình Trung Đông, đàm phán 6 bên về giải quyết khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên... Đặc biệt, Nhà Trắng đẩy mạnh điều chỉnh bố trí lực lượng quân sự trên toàn cầu, tạo các tuyến phòng thủ khống chế, kiểm soát cái gọi là "vành đai bất ổn định" ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương... Mới đây, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự chi ngân sách quốc phòng năm 2012 là 649 tỷ USD, tăng 17 tỷ so với năm 2011...

Theo nhiều nhà phân tích quốc tế, so với CLQS năm 2004, CLQS năm 2011 đã có những điều chỉnh căn bản về phương châm, phương thức chiến lược, theo hướng linh hoạt hơn, đa phương hơn; chia sẻ trách nhiệm an ninh với các đồng minh; tranh thủ những điểm tương đồng, lợi ích chung để mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trong giải quyết những vấn đề khu vực và thế giới (tất nhiên phải theo ý đồ của Mỹ). Tuy nhiên, đó thực chất chỉ là thay đổi, điều chỉnh phương thức tập hợp lực lượng để phát huy cao nhất "sức mạnh tổng thể" của Mỹ hòng thiết lập một trật tự thế giới do Mỹ đóng vai trò là người lãnh đạo. Do vậy, CLQS này có tác động cả mặt tích cực và tiêu cực ở những mức độ khác nhau đối với các nước, các khu vực và thế giới. Và, chính nó cũng đã, đang và sẽ làm bộc lộ những "giới hạn", những "yếu kém" cố hữu, làm cho CLQS mới này khó tránh khỏi "vết xe đổ" của các CLQS trước đây. Tại Hội nghị cấp cao NATO vừa qua (28-6-2011), khi phát biểu về mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Rô-bớt Ghết đã ca thán rằng, Mỹ đang bị vắt kiệt trong vai trò lãnh đạo NATO. Theo ông, trong khi Mỹ phải chi phí rất lớn để bảo đảm an ninh cho các đồng minh, thì châu Âu luôn kêu ca về khó khăn kinh tế để giảm tối đa chi tiêu quân sự ở nước ngoài. Và rằng, trong khi có tới hơn 2 triệu quân, nhưng NATO chỉ đóng góp tối đa 40.000 quân trong các chiến dịch quân sự ở nước ngoài; đến nay, mới chỉ có 5/28 quốc gia NATO thực hiện đảm bảo ngân sách quốc phòng đạt mức cam kết là 2% GDP. Ông cũng cảnh báo, không loại trừ khả năng Mỹ sẽ rút khỏi NATO nếu không có sự cải thiện từ NATO. Theo báo cáo mới được viện Oát-xơn (Mỹ) công bố, Nhà Trắng đã chi từ 2.300 đến 2.600 tỷ USD và đã có khoảng gần 5.000 binh lính Mỹ bị thiệt mạng trong các chiến dịch chống khủng bố ở nước ngoài; nhưng, kết quả lại hết sức nghèo nàn. Dư luận ở I-rắc, ở Áp-ga-ni-xtan và nhiều nước trên thế giới phản đối Mỹ lợi dụng "chống khủng bố" để độc chiếm nguồn dầu mỏ ở Trung Đông; biến khu vực này thành "bàn đạp" để thực hiện mưu đồ "bá chủ thế giới". Hành động đó chỉ làm cho tình hình các khu vực và thế giới thêm phức tạp.

Trong sự kiện "Mùa xuân A-rập" đầu năm 2011, việc Mỹ "bật đèn xanh" cho việc lật đổ Tổng thống Tuy-ni-di Ben A-li và Tổng thống Ai Cập H. Mu-ba-rắc bị dư luận nhiều nước cho đó là "trò chơi hai mặt", là chính sách "thay ngựa giữa dòng" khi các đồng minh thân cận này không còn giá trị sử dụng. Hay, việc Mỹ điều động lực lượng đặc nhiệm bất ngờ đột kích ngôi nhà tại một thành phố của Pa-ki-xtan, tiêu diệt trùm khủng bố Bin La-đen (02-5-2011), đã bị Chính quyền Pa-ki-xtan phản đối quyết liệt vì coi đây là hành động của chủ nghĩa cường quyền, vi phạm trắng trợn chủ quyền của nước này.

Trong quan hệ với Trung Quốc và Nga, Mỹ vừa tăng cường quan hệ hợp tác, đối tác trên nhiều lĩnh vực, kể cả quân sự, lại vừa tiến hành các hoạt động răn đe, ngăn chặn, kiềm chế không để hai nước này trỗi dậy, đe dọa đến vị thế siêu cường số 1 của Mỹ. Năm 2010, Bắc Kinh đã phản đối Mỹ can thiệp thô bạo công việc nội bộ của Trung Quốc, nhất là khi Mỹ quyết định bán cho Đài Loan gói vũ khí trị giá trên 6 tỷ USD. Nhiều tướng lĩnh Trung Quốc cảnh báo, Mỹ đang thiết lập vòng vây quân sự xung quanh Trung Quốc. Mát-xcơ-va cũng cảnh báo sẽ rút khỏi Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược mới ký với Mỹ nếu Mỹ cố tình triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược (NMD) ở châu Âu. Nga và nhiều nước cũng phản đối Mỹ và NATO đang lợi dụng Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để tiến hành các hoạt động quân sự ở Li-bi, vì những toan tính chiến lược riêng. Họ cũng yêu cầu Mỹ không được can thiệp công việc nội bộ của Li-bi; để cho người Li-bi tự giải quyết công việc của mình... Chính sách hai mặt của Mỹ làm cho quan hệ giữa Mỹ và các nước, nhất là trong tam giác Mỹ - Trung - Nga trong cạnh tranh địa -kinh tế, địa - chiến lược, địa - chính trị ở các khu vực và trên thế giới ngày càng gay gắt, phức tạp.

Ở trong nước, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đang đối mặt với cuộc chiến pháp lý về chiến tranh Li-bi. Nghị sĩ đảng Dân chủ Đen-nít Cu-xi-nich chỉ trích: nước Mỹ nay lại làm cảnh sát quốc tế. Theo ông, điều đó là rất nguy hiểm. Chủ tịch Hạ viện Giôn Bô-nơ đã đệ đơn kiện Tổng thống B. Ô-ba-ma tiến hành cuộc chiến Li-bi khi chưa được Quốc hội thông qua là bất hợp pháp. Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cấm sử dụng các quỹ cho các chiến dịch quân sự ở Li-bi. Cùng với đó, Quốc hội gần đây gây khó khăn cho Tổng thống B. Ô-ba-ma trong việc nâng trần nợ công để thoát khỏi nguy cơ đẩy nước Mỹ vào tình trạng vỡ nợ công là những "rào cản" đối với Chính quyền của Tổng thống B. Ô-ba-ma trong việc thực hiện CLQS mới, nhất là khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang đến gần.

CLQS năm 2011 của Mỹ vừa là tác nhân vừa là hệ quả phản ánh thực tế quốc tế đang hết sức phức tạp. Tình hình đó đặt ra cho các nước, nhất là các nước đang phát triển cần chú trọng giữ gìn độc lập, tự chủ trong đường lối phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại, quốc phòng - an ninh; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng - an ninh, chăm lo xây dựng quân đội vững mạnh; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh quốc tế, sức mạnh thời đại để tạo sức mạnh tổng hợp lớn nhất cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và giữ vững an ninh quốc gia.

 MINH ĐỨC

                  

1 - Chỉ trong vòng mấy thập kỷ gần đây, Trung Quốc đã lần lượt vượt Đức, rồi Nhật Bản, để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ), với dự trữ ngoại tệ đạt khoảng 3.200 tỷ USD, tổng giá trị xuất khẩu lên tới 1.200 tỷ USD, lớn nhất thế giới. Cùng với sự phát triển kinh tế, Trung Quốc đang gia tăng hiện đại hóa quân đội và mở rộng phạm vi lợi ích của quốc gia ở khu vực và trên thế giới.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...