Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Ba, 10/10/2017, 08:08 (GMT+7)
Chiến lược mới của Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan và tác động của nó tới an ninh khu vực

Ngày 22-8-2017, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm công bố chiến lược mới của Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan. Vì sao Mỹ thay đổi chiến lược ở Áp-ga-ni-xtan? Nội hàm chiến lược mới thế nào, tác động gì đến an ninh khu vực? Đây là những vấn đề đang được dư luận quốc tế quan tâm.

Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm. (Ảnh: TTXVN)

Bối cảnh của chiến lược

Tháng 10-2001, Mỹ và Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phát động cuộc chiến chống khủng bố mang tên “Chiến dịch Tự do vĩnh cửu” ở Áp-ga-ni-xtan, lật đổ chính quyền Ta-li-ban và truy quét Tổ chức khủng bố khét tiếng An Kê-đa - nghi phạm gây ra vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11-9-2001 ở Mỹ. Từ đó đến nay đã ngót 16 năm, trải qua ba đời Tổng thống, tuy nhiên, Mỹ vẫn loay hoay chưa thể thoát khỏi “vũng lầy” ở Áp-ga-ni-xtan. Theo thống kê của Bộ Quốc phòng Mỹ, mỗi năm nước này phải chi khoảng 100 tỷ USD cho cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan; tính đến giữa năm 2017, đã có hơn 2.000 lính Mỹ thiệt mạng và hơn 15.000 binh sĩ bị thương ở chiến trường này. Đặc biệt, từ khi Mỹ và NATO tuyên bố giảm quy mô hoạt động quân sự ở Áp-ga-ni-xtan thì tình hình an ninh ở quốc gia Nam Á này càng diễn biến phức tạp. Lợi dụng “khoảng trống quyền lực”, lực lượng tàn quân Ta-li-ban và các nhóm phiến quân trỗi dậy, đánh chiếm nhiều địa bàn chiến lược trọng yếu ở Áp-ga-ni-xtan. Hiện nay, chính quyền Ca-bun chỉ kiểm soát khoảng 50% lãnh thổ đất nước, phần còn lại do Ta-li-ban và các nhóm phiến quân chiếm giữ. Nguy hiểm hơn, cuộc chiến tàn khốc mà Mỹ và NATO tiến hành chống tàn quân Ta-li-ban và các nhóm phiến quân đã làm cho hàng trăm nghìn thường dân vô tội ở Áp-ga-ni-xtan bị sát hại, tàn phá đất nước và đẩy hàng vạn gia đình lâm vào cảnh nghèo đói, vô gia cư, “màn trời, chiếu đất”. Các tổ chức khủng bố lợi dụng tình trạng xung đột để biến Áp-ga-ni-xtan thành “Thánh địa”; từ đây, chúng mở rộng mạng lưới hoạt động khủng bố ra các nước trong khu vực. Theo phân tích, nếu như năm 2001, ở Áp-ga-ni-xtan chỉ có Ta-li-ban và An Kê-đa, thì tới nay, đã có thêm hàng chục tổ chức khủng bố được hình thành, trong đó có cả Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Thêm vào đó, tình trạng tham nhũng tràn lan trong bộ máy chính quyền Ca-bun, sự chia rẽ, bất đồng giữa Tổng thống A. Ga-ni và Thủ tướng A. Áp-đun-la đang đẩy đất nước đến bờ của khủng hoảng kinh tế, chính trị toàn diện. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận ở quốc gia Nam Á này cho thấy, uy tín của chính quyền Ca-bun đang thấp ở mức kỷ lục. Đại đa số người dân Áp-ga-ni-xtan được hỏi đều tỏ ý bất mãn, không tin tưởng vào năng lực điều hành đất nước của chính quyền đương nhiệm. Thủ lĩnh các bộ lạc và chính trị gia, gồm cả thành viên nội các, đang kêu gọi Tổng thống A. Ga-ni và các quan chức chính phủ từ chức với cáo buộc tham nhũng, gây thù hằn sắc tộc - nguyên nhân chính làm cho đất nước rơi vào tình trạng bất ổn như hiện nay.

Mới đây, trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ về cuộc xung đột ở Áp-ga-ni-xtan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Giêm Mát-tít đã thừa nhận, tình hình ở Áp-ga-ni-xtan là rất “đáng lo ngại”. Ông cũng cho rằng, kế hoạch cắt giảm binh lực Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan trong thời điểm hiện nay là không khả thi. Để bảo vệ an ninh, lợi ích ở khu vực Nam Á, theo Ông, Mỹ cần phải có cách tiếp cận mới, dựa trên một chiến lược thực tế, hiệu quả hơn đối với Áp-ga-ni-xtan.

Nội hàm chiến lược mới của Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan

Theo các nhà phân tích quốc tế, mục tiêu đề ra trong chiến lược mới của Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan như Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm tuyên bố là ngăn chặn những tổ chức khủng bố người Hồi giáo cực đoan thực hiện các cuộc tấn công khủng bố chống lại các lợi ích của Mỹ. So với các chiến lược trước đây, chiến lược mới được xây dựng trên quan điểm “linh hoạt”, “thực tế hơn”, kết hợp chặt chẽ giữa các mặt chính trị, quân sự, an ninh và đối ngoại để đạt được mục tiêu đề ra. Về mặt chính trị, Mỹ cam kết tiếp tục hỗ trợ chính phủ Áp-ga-ni-xtan thông qua các chương trình viện trợ dân sự; đồng thời, nỗ lực tập hợp lực lượng trong liên minh quốc tế chống khủng bố để chia sẻ gánh nặng và thành lập mặt trận nâng cao hiệu quả chống Ta-li-ban và các nhóm phiến quân khủng bố ở Áp-ga-ni-xtan. Tổng thống Đô-nan Trăm cũng nhấn mạnh, sẽ kết hợp tổng hợp các biện pháp để đạt được một giải pháp chính trị, trong đó bao gồm cả vấn đề Ta-li-ban trong thời gian tới, tạo điều kiện cho một tiến trình chính trị để đạt được hòa bình lâu dài ở quốc gia này. Về mặt quân sự, Mỹ chủ trương tăng thêm khoảng 4.000 quân, đưa tổng số quân Mỹ ở đây lên hơn 12.000 quân. Số quân này kết hợp với khoảng 13.000 quân của NATO (tới đây có thể được bổ sung thêm) ở Áp-ga-ni-xtan sẽ tiếp tục sứ mệnh bảo vệ an ninh, lợi ích của Mỹ và NATO tại đây; đào tạo, huấn luyện cho lực lượng quân đội, an ninh bản địa và phối hợp với quân đội chính phủ Áp-ga-ni-xtan, lực lượng vũ trang các bộ lạc chống các nhóm phiến quân và tội phạm. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho phép các chỉ huy quân sự có quyền quyết định tác chiến chủ động hơn, tùy thuộc vào nhiệm vụ và diễn biến thực tế trên chiến trường. Lầu Năm Góc hy vọng, với cách tiếp cận thực tế theo thời gian thực trên chiến trường thì các chiến dịch quân sự của Quân đội Mỹ và NATO ở Áp-ga-ni-xtan sẽ thu được kết quả tốt hơn. Về mặt an ninh và đối ngoại, Mỹ thúc giục các nước đồng minh NATO tiếp tục thực hiện cam kết hỗ trợ kinh tế, an ninh và quân sự với Mỹ trong cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan. Mỹ cũng đề cao vai trò của Ấn Độ trong việc phối hợp, giúp đỡ chính quyền Ca-bun về kinh tế, chính trị, xây dựng lực lượng quân sự và an ninh chống Ta-li-ban và các nhóm phiến quân. Đồng thời, Nhà Trắng sẽ gia tăng sức ép với chính quyền I-xla-ma-bát trong việc ngăn chặn các nhóm phiến quân khủng bố thâm nhập, ẩn náu ở Pa-ki-xtan. Một nội dung nữa được nhấn mạnh là, Oa-sinh-tơn sẽ gia tăng áp lực buộc chính quyền Ca-bun đẩy nhanh việc thực hiện các chương trình cải cách, loại trừ tham nhũng, tăng cường tính minh bạch và hiệu quả làm việc của bộ máy, coi đây là yêu cầu cốt lõi mang tính sống còn đối với chính phủ đương nhiệm ở Áp-ga-ni-xtan.

Việc chính quyền Mỹ công bố chiến lược mới ở Áp-ga-ni-xtan đã gây ra những phản ứng trái chiều từ dư luận trong nước và quốc tế. Một số nghị sĩ thuộc phái “Diều hâu” của Mỹ cho rằng, chiến lược là một thông điệp mạnh mẽ khẳng định quyết tâm và đường hướng mới của Oa-sinh-tơn trong cuộc chiến đánh bại tàn quân Ta-li-ban và các nhóm phiến quân khủng bố, lập lại an ninh, ổn định cho nước này. Trong khi đó, chính khách của nhiều nước lại cho rằng, chiến lược “chống khủng bố” ở Áp-ga-ni-xtan thực chất chỉ là “bình mới, rượu cũ”, khó có thể tạo ra “đột phá” để giải quyết xung đột ở quốc gia Nam Á này. Họ cũng chỉ rõ, thời kỳ đỉnh điểm (giai đoạn 2010 - 2011), cựu Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã từng điều động tới Áp-ga-ni-xtan hơn 140.000 quân Mỹ và NATO với nhiều trang, thiết bị hiện đại, tiến hành các chiến dịch truy quét quy mô lớn vào căn cứ của Ta-li-ban và các nhóm phiến quân, nhưng cũng không thu được kết quả đáng kể nào, cuối cùng phải chấp nhận thất bại. Bởi vậy, trong bối cảnh tình hình ở Áp-ga-ni-xtan đang rất rối ren, việc Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm điều động 4.000 quân lần này chỉ là “muối bỏ bể”. Theo họ, thay vì tăng quân ở Áp-ga-ni-xtan, Nhà Trắng nên tính đến chuyện đã đến lúc phải rút khỏi “bãi lầy” này trước khi quá muộn.

Những tác động đối với an ninh khu vực

Trước hết, chiến lược mới của Mỹ tiếp tục nhấn mạnh việc sử dụng sức mạnh quân sự là yếu tố quan trọng, quyết định trong “chống khủng bố” ở Áp-ga-ni-xtan. Điều đó không những không giải quyết được gốc rễ của vấn đề, mà có nguy cơ đẩy quốc gia Hồi giáo này vào một thời kỳ xung đột, bất ổn định mới. Thực tiễn cho thấy, chiến trường Áp-ga-ni-xtan có điều kiện địa lý rất phức tạp, núi rừng hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt; tàn quân Ta-li-ban và các lực lượng phiến quân vốn rất thông thạo địa hình, lại sống trà trộn trong dân, thực hiện chiến tranh du kích, nên các chiến dịch “tìm - diệt” theo phương châm “giết nhầm còn hơn bỏ sót” của Mỹ và NATO thường tiêu diệt được rất ít tàn quân Ta-li-ban và phiến quân, nhưng lại làm rất nhiều thường dân vô tội bị thiệt mạng. Theo báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc, từ năm 2012 đến nay, các vụ tiến công “nhầm” của lính Mỹ và liên quân NATO đã làm hàng chục nghìn thường dân ở Áp-ga-ni-xtan thương vong. Những hành động quân sự đó của Mỹ đã kích động tư tưởng phản đối, chống Mỹ trong dân chúng nước này và các nước trong khu vực. Dư luận Áp-ga-ni-xtan cũng vạch rõ, các hành động quân sự của Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan là “đội lốt chống khủng bố” để thực hiện mưu đồ đen tối là xâm chiếm quốc gia giàu tài nguyên và có vị trí địa chiến lược trọng yếu ở khu vực Nam Á này. Chính âm mưu, thủ đoạn đó đã khiến cho Mỹ dù sử dụng nhiều lực lượng thiện chiến, cùng vũ khí, kỹ thuật tiên tiến nhất nhưng cũng không thể tiêu diệt được tàn quân Ta-li-ban; lực lượng này vẫn tồn tại và đang tìm cách mở rộng địa bàn hoạt động. Mặt khác, Mỹ sử dụng lực lượng vũ trang của các bộ lạc mà họ cho là “ôn hòa” để chống Ta-li-ban và lực lượng phiến quân càng làm cho xung đột giữa các sắc tộc, bộ tộc, tôn giáo ở quốc gia Hồi giáo này và của Áp-ga-ni-xtan với các quốc gia láng giềng gay gắt, phức tạp hơn. Hơn nữa, Mỹ chủ trương thiết lập mặt trận liên minh quốc tế “chống khủng bố” ở Áp-ga-ni-xtan, nhưng lại không đề cập đến việc hợp tác với Nga, Trung Quốc, I-ran - những quốc gia có vai trò quan trọng trong vấn đề bảo đảm an ninh, ổn định của khu vực. Những khiếm khuyết, bất cập trên trong chiến lược mới của Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan có thể làm cho Mỹ càng lún sâu hơn vào “vũng lầy” và Áp-ga-ni-xtan tiếp tục là “điểm nóng” đe dọa đến an ninh, ổn định của khu vực và thế giới.

Đến nay, cuộc chiến tranh ở Áp-ga-ni-xtan đã trở thành cuộc chiến can thiệp quân sự ở nước ngoài kéo dài nhất của Mỹ, gây nhiều đau khổ, tổn thất cho người dân Áp-ga-ni-xtan. Dư luận cho rằng, Mỹ và NATO cần nhận thức đúng vai trò, trách nhiệm quốc tế của mình, cùng với chính phủ, các phe phái, tộc người của Áp-ga-ni-xtan thúc đẩy tiến trình hòa giải dân tộc ở nước này, trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, độc lập, chủ quyền quốc gia, quyền tự quyết của người dân Áp-ga-ni-xtan; không được lợi dụng danh nghĩa “chống khủng bố” để thực hiện các hành động quân sự nhằm mưu cầu, lợi ích riêng. Chỉ có như vậy, Mỹ và NATO mới giải quyết dứt điểm được cuộc chiến tranh đầy tai tiếng này, lập lại hòa bình, ổn định lâu bền cho Áp-ga-ni-xtan và khu vực.

KIỀU LOAN

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...