Thứ Bảy, 23/11/2024, 02:05 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Nhằm duy trì vị thế “siêu cường” về sức mạnh quân sự, lực lượng Không quân Mỹ đã, đang thúc đẩy quá trình hiện đại hóa trang bị với nỗ lực nghiên cứu, phát triển và đưa vào trang bị các máy bay tàng hình, phương tiện răn đe chiến lược đường không thế hệ mới,... cùng các loại máy bay có và không có người lái hiện đại. Đồng thời, tăng cường trang bị tên lửa tấn công chính xác tầm xa trên nhiều loại máy bay khác nhau, v.v. Đây là động thái mới, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Ưu tiên phát triển phương tiện răn đe chiến lược thế hệ mới
Không quân Mỹ cho rằng, năng lực tấn công tầm xa là yếu tố quan trọng nhất để Mỹ đối phó hiệu quả với chiến lược chống tiếp cận và ngăn chặn khu vực. Trong tương lai, vũ khí điều khiển chính xác phóng từ máy bay sẽ nhỏ gọn, đạt độ chính xác cao, uy lực lớn, có năng lực phá hủy tiệm cận với vũ khí hạt nhân. Do vậy, một máy bay ném bom chiến lược vừa có đủ khả năng đột phá hệ thống phòng không đối phương, vừa đảm nhiệm cả năng lực tấn công hạt nhân và tấn công thông thường sẽ tạo ra ưu thế rất lớn. Điều này lý giải vì sao cho đến nay, Mỹ luôn theo đuổi mục tiêu phát triển và trang bị máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới với khả năng xuyên thủng hệ thống phòng không hiện đại nhất để thực hiện các cuộc tấn công chính xác ở bất cứ đâu trên thế giới.
Thực hiện ý tưởng đó, ngày 02/12/2022, Bộ Quốc phòng Mỹ phối hợp với nhà thầu quốc phòng Northrop Grumman tổ chức lễ công bố máy bay ném bom tàng hình thế hệ mới B-21 Raider, với mục tiêu thay thế máy bay ném bom tàng hình chiến lược đa nhiệm vụ B-2A và máy bay ném bom chiến lược B-1B. Đây là loại máy bay ném bom tàng hình thế hệ mới đầu tiên của Mỹ được công bố sau hơn 30 năm kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc; đồng thời, đó cũng là một trong những nội dung cốt lõi trong kế hoạch hiện đại hóa bộ ba vũ khí răn đe hạt nhân từ trên không, trên biển và trên đất liền của quân đội Mỹ. Với thiết kế tích hợp cánh và thân cùng lớp sơn phủ tàng hình hiện đại, B-21 Raider được cho là sẽ qua mặt được những radar cảnh giới hiện đại nhất hiện nay. Ngoài ra, các thiết kế khí động học cũng nâng cao khả năng đột phá và cơ hội sống sót cho B-21 Raider trên chiến trường.
Yêu cầu đối với B-21 Raider là khả năng tác chiến linh hoạt cao, thực hiện được nhiều loại nhiệm vụ khác nhau, bay hành trình tầm xa, phạm vi bao phủ không gian chiến trường rộng với chiều sâu tác chiến lớn. Đồng thời, có khả năng mang được nhiều loại vũ khí hiện có và tương lai của Không quân Mỹ, có thể tấn công linh hoạt nhiều loại mục tiêu và có năng lực tấn công toàn cầu. Đây sẽ là lực lượng hiệu quả nhất để thực hiện mục tiêu quốc gia của Mỹ về năng lực uy hiếp hạt nhân trên không, giúp bảo đảm mức độ can dự cần thiết của Mỹ và bảo đảm an ninh, an toàn cho các đồng minh.
Bên cạnh việc đẩy nhanh đưa vào sử dụng tác chiến B-21 Raider thì Không quân Mỹ sẽ tập trung hiện đại hóa B-52H hiện có trong trang bị, từng bước loại khỏi biên chế hai loại máy bay ném bom chiến lược là B-1B và B-2A vì chi phí cho công tác bảo đảm quá lớn. Việc hiện đại hóa máy bay ném bom chiến lược B-52H sẽ tập trung vào áp dụng công nghệ mới, tăng cường kết nối dữ liệu, sử dụng bom, đạn thông minh với khả năng sát thương cao hơn, công tác bảo dưỡng, duy tu thuận lợi tại các phi đội. Những khả năng mới trên sẽ mở rộng vai trò cũng như nhiệm vụ mới của B-52H, đảm bảo cho nó tham gia chủ động vào không gian chiến trường rộng lớn hơn trong tương lai. Một chiếc B-52H có khả năng mang theo tới 31 tấn vũ khí các loại, gồm: bom thông dụng, tên lửa hành trình và vũ khí hạt nhân. B-52H đóng vai trò quan trọng trong khả năng răn đe hạt nhân chiến lược của Quân đội Mỹ do nó có thể triển khai các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật từ bom cho tới tên lửa.
Theo kế hoạch, Không quân Mỹ sẽ trang bị ít nhất 100 chiếc B-21 Raider tác chiến cùng 75 chiếc B-52H hiện đại hóa và B-21 Raider sẽ chính thức được trang bị vào năm 2026 hoặc 2027.
Nỗ lực đưa vào biên chế máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 6
Cùng với ưu tiên phát triển phương tiện răn đe chiến lược thế hệ mới, Không quân Mỹ đang chuẩn bị cho ra mắt máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 6 thuộc chương trình Chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo (NGAD), dự kiến sẽ thay thế máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-22 Raptor vào năm 2030. Tuy nhiên, giá thành là một trong những vấn đề khó khăn hiện nay, khi mà máy bay tiêm kích thế hệ 6 dự kiến sẽ có giá cao gấp ba lần máy bay F-35 đang đắt nhất thế giới hiện nay. Theo đó, mỗi chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 sẽ có giá vài trăm triệu USD. Máy bay chiến đấu mới sẽ bao gồm cả phiên bản có người lái và không người lái, tùy thuộc vào nhiệm vụ tấn công mặt đất, chiếm ưu thế trên không hoặc trinh sát.
Hơn thế nữa, Chương trình NGAD còn hướng tới mục tiêu tạo ra một mạng lưới máy bay chiến đấu được thiết kế để hoạt động cùng nhau, chứ không chỉ tập trung vào một phương tiện mang hoặc công nghệ vũ khí đơn lẻ. Kể từ năm 2018, Không quân Mỹ đã đầu tư hơn 2,5 tỉ USD vào chương trình NGAD và con số này có khả năng tăng lên ít nhất 09 tỉ USD vào năm 2026. Những máy bay chiến đấu thế hệ mới trong chương trình NGAD cần có khả năng hoạt động trên phạm vi rộng lớn, linh hoạt trong chiến đấu, trinh sát, vừa tác chiến chiếm ưu thế trên không, vừa tấn công được các mục tiêu trên biển và đất liền. Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, mẫu máy bay chiến đấu tầm xa mới sẽ có khả năng hoạt động ở độ cao trên 21km, sở hữu tốc độ siêu thanh và các công nghệ đột phá, như: khả năng tàng hình, trí tuệ nhân tạo, v.v.
Tăng cường vai trò tác chiến của máy bay không người lái
Hiện nay, máy bay không người lái (UAV) ngày càng phổ biến trong Không quân Mỹ. Số lượng và quy mô sử dụng UAV của lực lượng này tăng lên chủ yếu xuất phát từ khả năng thay thế máy bay có người lái trong hàng loạt nhiệm vụ chiến đấu và bảo đảm chiến đấu, nhằm giảm chi phí đào tạo cũng như tổn thất về phi công, chi phí chế tạo và khai thác sử dụng nhỏ hơn so với máy bay chiến đấu có người lái.
Những năm gần đây, tần suất hoạt động của UAV trong các chiến dịch của Không quân Mỹ tăng lên nhiều lần. Cụ thể, trong thời gian triển khai của Không quân Mỹ ở Afghanistan (2011 - 2016), tỷ lệ các phương tiện sát thương đường không do UAV thực hiện tăng từ 05% lên 61%, còn trong chiến dịch của Không quân Mỹ và đồng minh chống lực lượng tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria và Irắc từ tháng 8/2014 tới tháng 6/2016, máy bay không người lái MQ-1 Predator đã thực hiện hơn 9.100 chuyến bay, sử dụng gần 3.400 đơn vị vũ khí công nghệ cao tấn công khoảng 1.800 mục tiêu.
Hiệu quả sử dụng UAV tạo ra xu hướng gia tăng số lượng của chúng. Trong 15 năm gần đây, số lượng UAV có thời gian bay dài đã tăng từ 10 chiếc lên 441 chiếc và theo hiệu ứng đó, ngân sách mua các mẫu UAV này cũng tăng lên nhiều lần. Điều này cho phép Không quân Mỹ thực hiện đa nhiệm vụ, nhất là trong thực hiện bay tuần tra ngày/đêm theo 60 hành trình ở các khu vực khác nhau trên thế giới cùng một lúc.
Bên cạnh việc tiếp tục phát huy ưu thế của lực lượng UAV hiện có trong trang bị, Không quân Mỹ sẽ quyết tâm tạo đột phá trong chương trình phát triển “Cánh bay trung thành” mà bản chất là UAV tác chiến trong đội hình máy bay tiêm kích hiện đại thế hệ 5 F-35 hoặc F-15EX cải tiến. UAV điển hình mà Không quân Mỹ dự kiến đưa vào trang bị là XQ-58A, nhằm thực hiện các nhiệm vụ chiến thuật, như: tình báo, trinh sát, giám sát mục tiêu, tấn công và tác chiến điện tử,... với chi phí thấp. XQ-58A có thể hoạt động độc lập hoặc nằm trong đội hình, dưới sự chỉ huy, điều hành của một máy bay chiến đấu có người lái. Theo tính toán, giá thành của XQ-58A Valkyrie vào khoảng 02 đến 03 triệu USD/chiếc. Đây là một mức giá hợp lý để trở thành lá chắn cho những loại máy bay tiêm kích hiện đại giá trị cao. Cần biết rằng, máy bay F-35A và máy bay tiêm kích F-15EX đều có giá từ 80 triệu USD/chiếc tùy thuộc vào các biến thể.
Tiếp tục phát triển vũ khí siêu thanh tấn công nhanh toàn cầu
Với việc tiếp tục theo đuổi chương trình “tấn công nhanh toàn cầu” thông qua phát triển công nghệ siêu thanh, mục tiêu chủ yếu của Không quân Mỹ là kiềm chế các đối thủ tiềm năng. Vì vậy, Mỹ dự kiến bố trí một số lượng nhất định vũ khí siêu thanh ở Bộ Tư lệnh châu Âu và Thái Bình Dương. Theo ý tưởng tác chiến “tấn công nhanh toàn cầu”, sau khi hạ quyết tâm tác chiến, vũ khí siêu thanh có thể tấn công các mục tiêu bất kỳ trên toàn cầu trong vòng một giờ. Kế hoạch tấn công nhanh với cốt lõi là vũ khí siêu thanh, đối với Mỹ có thể là một sự lựa chọn có tỷ lệ hiệu quả/chi phí cao, vận dụng tác chiến linh hoạt.
Không quân Mỹ đã đầu tư cho nghiên cứu, phát triển vũ khí phản ứng nhanh phóng từ trên không AGM-183 của hãng Lockheed Martin. Hai cuộc thử nghiệm tăng cường thành công gần đây và cuộc thử nghiệm phương tiện lượn đầu tiên đã được lên kế hoạch cho thấy Không quân Mỹ đặt nhiều hy vọng về loại tên lửa không đối đất siêu thanh này. Tên lửa siêu thanh có sát thương phụ nhỏ, sử dụng tác chiến linh hoạt nên phù hợp tấn công một số mục tiêu nguy hiểm có thể nhanh chóng thay đổi vị trí. Bên cạnh đó, do tốc độ bay nhanh, tấn công chính xác cao, thậm chí vũ khí siêu thanh không mang đầu đạn, vẫn có thể thông qua động năng để trực tiếp tiêu diệt mục tiêu, thích hợp cho đánh đòn phủ đầu vào các mục tiêu quan trọng, như: lãnh đạo quốc gia, thủ lĩnh tổ chức khủng bố, cơ sở hạt nhân chiến lược, trung tâm chỉ huy quân sự và hệ thống phòng không chống tên lửa, v.v.
Bên cạnh đó, trong chương trình hiện đại hóa trang bị, Không quân Mỹ tiếp tục tăng chi ngân sách để phát triển tên lửa hành trình tấn công siêu thanh và đưa vào trang bị từ năm 2027 hoặc 2028. Trang bị bổ sung tên lửa hành trình không đối đất ngoài tầm hỏa lực phòng không (JASSM), tên lửa hành trình chống tàu tầm xa (LRASM) và tên lửa không đối không hiện đại (JATM). Trong đó, tên lửa JATM được đánh giá là bước tiến lớn nhất của Không quân Mỹ trong phát triển tên lửa không đối không với tầm bắn xa hơn, độ chính xác cao hơn so với tên lửa PL-15 cùng loại của Trung Quốc.
Có thể nói, tham vọng hiện đại hóa trang bị của Không quân Mỹ là rất lớn, khi muốn trở thành lực lượng không quân đầu tiên trên thế giới đưa vào tác chiến các loại máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới và máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 6. Đồng thời, Không quân Mỹ cũng quyết tâm phát triển UAV tác chiến trong đội hình của máy bay tiêm kích có người lái. Điều này có thể tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang giữa các nước lớn khi mà Nga và Trung Quốc mới bắt đầu đưa vào trang bị máy bay tiêm kích thế hệ 5 và hiện vẫn sử dụng các máy bay ném bom chiến lược tương đương như máy bay B-1B của Mỹ.
Đại tá ĐẶNG ĐỒNG TIẾN, Tổng cục Kỹ thuật
Không quân Mỹ,các loại máy bay,chiến lược hiện đại hóa trang bị,sức mạnh quân sự
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ