Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Ba, 17/03/2020, 08:06 (GMT+7)
Chiến lược Đại Trung Đông của Mỹ và những hệ lụy

Trong lịch sử nước Mỹ, từ Tổng thống Ai-xen-hao (thời Chiến tranh lạnh) đến Tổng thống Đô-nan Trăm, Oa-sinh-tơn đều không ngừng thực thi chiến lược Đại Trung Đông nhằm kiểm soát toàn bộ khu vực quan trọng này. Điều đó đã và đang gây những hệ lụy tác động đến hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực cũng như trên thế giới.

Nhìn lại chiến lược Đại Trung Đông của Mỹ

Đại Trung Đông là khu vực địa lý gồm các quốc gia có lãnh thổ trải dài từ Bắc Phi - Trung Đông tới khu vực Ban-căng, Bắc Cáp-ca-dơ, Trung Á và Nam Á. Đây là khu vực có vị trí địa chính trị và địa kinh tế cực kỳ quan trọng trên bàn cờ chính trị quốc tế. Vì thế, đã từ lâu Hoa Kỳ đưa khu vực này vào tâm điểm trong chiến lược Đại Trung Đông - một trong những nội dung quan trọng của chiến lược toàn cầu. Phiên bản đầu tiên của chiến lược này được xây dựng ngay từ những năm của thập niên 50 thế kỷ XX, dựa theo học thuyết Ai-xen-hao, nhằm lấp khoảng trống chiến lược sau khi thực dân Anh và thực dân Pháp bắt đầu rút lui dần ảnh hưởng của họ trước sức ép của phong trào giải phóng dân tộc ở nhiều quốc gia tại khu vực này. Phiên bản thứ hai được xây dựng theo học thuyết Ních-xơn những năm đầu của thập niên 70, nhằm “Trung Đông hóa sự hiện diện của Mỹ”. Phiên bản thứ ba được xây dựng vào thập niên 80, theo học thuyết Ca-tơ, nhằm đối phó với sự hiện diện quân sự của Liên Xô ở Áp-ga-ni-xtan. Phiên bản thứ tư được xây dựng theo học thuyết Ri-gân, nhằm thiết lập chuỗi các khu vực chiến lược trên khắp thế giới liên kết với nhau, trong đó Trung Đông có vị trí hết sức quan trọng. Phiên bản thứ năm được xây dựng trong những năm đầu của thập niên 90, trên cơ sở bài học kinh nghiệm từ các cuộc “cách mạng nhung” đã từng làm thay đổi chế độ chính trị ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu.

Trong điều kiện Liên Xô không còn tồn tại, Mỹ giành quyền kiểm soát hoàn toàn trật tự thế giới và đóng vai trò “cảnh sát quốc tế” trong trật tự thế giới đơn cực, Oa-sinh-tơn đã công khai tuyên bố thực hiện chủ trương “xúc tiến dân chủ” bằng cách sử dụng sức mạnh quân sự để lật đổ các chế độ cầm quyền ở những nước mà Mỹ coi là “phản dân chủ” và “vi phạm nhân quyền”. Sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001, Oa-sinh-tơn khuếch trương chủ nghĩa khủng bố thành “kẻ thù số một” và mượn cớ tiến hành “cuộc chiến tranh toàn cầu chống khủng bố” để phân chia thế giới thành hai “phe”: “phe” theo Mỹ chống khủng bố và “phe” bao che khủng bố. Với cớ “bảo vệ nhân quyền” và “chống khủng bố”, Mỹ bắt đầu “cuộc thập tự chinh” nhằm bình định khu vực Đại Trung Đông, trước tiên với Áp-ga-ni-xtan năm 2001, sau đó là I-rắc năm 2003, nhưng lại bị sa lầy tại hai quốc gia này.

Để đưa Mỹ thoát khỏi “vũng lầy Đại Trung Đông”, sau khi lên cầm quyền năm 2009, Tổng thống B. Ô-ba-ma đã điều chỉnh chiến lược đối với khu vực này, chuyển sang sử dụng “sức mạnh thông minh”, trong đó ưu tiên sử dụng “sức mạnh mềm” (ngoại giao phi chính phủ, chính trị và kinh tế) kết hợp với “sức mạnh cứng” (quân sự). Theo đó, tháng 5-2009, trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên tới Ai Cập, ông B. Ô-ba-ma tuyên bố sẽ cùng với các nước trong khu vực thực thi “một sự khởi đầu mới” hướng tới cải cách và dân chủ. Đến cuối năm 2010, “sự khởi đầu mới” đó trong quan hệ giữa Mỹ và các nước Đại Trung Đông diễn ra dưới hình thức các biến động chính trị - xã hội bùng phát ở nhiều nước trong khu vực này mang tên “Mùa xuân A-rập”, mở đầu từ cuộc “cách mạng hoa nhài” ở Tuy-ni-di. Theo nhận định của Tổng thống B. Ô-ba-ma, ý nghĩa và tác động của “Mùa xuân A-rập” đối với các nước Bắc Phi - Trung Đông có giá trị tương tự như sự sụp đổ bức tường Béc-lin năm 1989 và sẽ mở đầu “kỷ nguyên mới” cho khu vực này.

Trong các biến động chính trị “Mùa xuân A-rập”, Mỹ sử dụng “sức mạnh mềm” để ủng hộ “các lực lượng đối lập” nổi lên lật đổ chính thể ở các nước sở tại, điển hình là ở Tuy-ni-di và Ai Cập. Ở những quốc gia nào “sức mạnh mềm” không mang lại kết quả, Mỹ chuyển sang sử dụng “sức mạnh cứng”. Điển hình là Li-bi, sau khi không thể sử dụng “các lực lượng đối lập” để lật đổ chính thể ở Tri-pô-li, Mỹ đứng đầu NATO phát động chiến dịch can thiệp quân sự mượn cớ “thiết lập vùng cấm bay” để loại bỏ Tổng thống Ca-đa-phi. Ngay sau khi kết thúc chiến dịch can thiệp quân sự ở Li-bi, chính giới Mỹ đã cảnh báo kịch bản Li-bi sẽ lặp lại ở Xy-ri, I-ran và nhiều quốc gia khác. Ở Xy-ri, sau khi thất bại trong việc ủng hộ toàn diện về chính trị, kinh tế, ngoại giao cho “các lực lượng đối lập”, nhằm loại bỏ chính thể ở Đa-mát, Mỹ lôi kéo các đồng minh trong NATO và Trung Đông tiến hành chiến dịch can thiệp quân sự trực tiếp với danh nghĩa “chống khủng bố” để loại bỏ Tổng thống B. An Át-xát. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ về chính trị và quân sự của Nga và I-ran, chính quyền của Tổng thống Xy-ri B. An Át-xát vẫn đứng vững, đồng thời bảo toàn được chủ quyền quốc gia.

Lên nắm quyền năm 2017, Tổng thống Đô-nan Trăm đã có nhiều quyết định để thực hiện mục tiêu xuyên suốt còn dang dở của chiến lược Đại Trung Đông là thay đổi chính thể ở Xy-ri và I-ran. Để loại bỏ Tổng thống B. An Át-xát, Tổng thống Đô-nan Trăm quyết định tiếp tục can thiệp quân sự trực tiếp, mở đầu bằng cuộc tấn công nhằm vào quân đội Xy-ri ngày 13-4-2018, mượn cớ lực lượng này “sử dụng vũ khí hóa học” - một quyết định phiêu lưu mà Tổng thống B. Ô-ba-ma đã phải từ bỏ trong năm 2013. Tuy nhiên, quyết định này của ông Đô-nan Trăm đã bị phá sản do Xy-ri được Nga và I-ran kiên quyết ủng hộ. Sau khi tuyên bố “đã đánh bại khủng bố”, Tổng thống Đô-nan Trăm tuyên bố rút quân khỏi Xy-ri và chỉ để lại một lực lượng nhỏ “để bảo vệ các mỏ dầu của nước này không rơi vào tay khủng bố”. Đồng thời, tuyên bố rút quân khỏi Đông Bắc Xy-ri - một động thái bị đánh giá là “bỏ rơi đồng minh người Cuốc” trước chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.

Để loại bỏ chính thể ở Tê-hê-ran, Tổng thống Đô-nan Trăm quyết định Mỹ rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện của 05 nước ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức trong việc thực hiện Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với I-ran, đồng thời cáo buộc I-ran là “quốc gia tài trợ khủng bố”. Từ đó, Oa-sinh-tơn áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất đối với Tê-hê-ran với toan tính sẽ đẩy I-ran lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện, tạo điều kiện cho “các lực lượng đối lập” nổi dậy lật đổ chính thể của quốc gia này. Tuy nhiên, chính sách gây sức ép tối đa này của Mỹ đối với I-ran đang cho thấy khó có thể đạt được thành công. Để tiếp tục đẩy I-ran vào tình thế khủng hoảng, Tổng thống Đô-nan Trăm ra lệnh thực hiện chiến dịch tiêu diệt tướng Ca-xem Xô-lây-ma-ni - một trong những người chỉ huy chủ chốt của Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo I-ran và có ảnh hưởng rất lớn trong hệ thống chính trị ở Tê-hê-ran. Mặc dù vậy, I-ran vẫn đứng vững trước mọi hành động chống phá của Mỹ.

Với mục tiêu thiết lập một “NATO mới ở Trung Đông” dựa trên trục liên minh giữa các nước trong khu vực, lấy I-xra-en làm nòng cốt, ngày 28-01-2020, Tổng thống Đô-nan Trăm chính thức công bố “kế hoạch hòa bình Trung Đông”, với tên gọi “Thỏa thuận thế kỷ”. Theo đó, sẽ dành cho I-xra-en những lợi thế chưa từng có, như: Pa-le-xtin phải công nhận Giê-ru-xa-lem là thủ đô của I-xra-en, Mỹ công nhận các khu định cư do I-xra-en xây dựng bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế tại các vùng lãnh thổ do họ chiếm đoạt của Pa-le-xtin, v.v. Đây là những lợi thế hoàn toàn trái ngược với luật pháp quốc tế, nhưng Tổng thống Đô-nan Trăm tin rằng, các quốc gia thành viên của “NATO mới ở Trung Đông” sẽ ủng hộ kế hoạch này.

Những hệ lụy từ chiến lược Đại Trung Đông của Mỹ

Theo các chuyên gia, chiến lược Đại Trung Đông của Mỹ đã để lại nhiều hệ lụy tác động tới hòa bình, an ninh trong khu vực và thế giới. Thứ nhất, mượn cớ “can thiệp nhân đạo”, “xúc tiến dân chủ” và “bảo vệ nhân quyền”, Mỹ đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc các nước không được can thiệp vào chủ quyền của các quốc gia khác, được khẳng định trong Hiến chương Liên hợp quốc. Thứ hai, việc Mỹ đứng đầu NATO phát động cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố từ năm 2001, ở Áp-ga-ni-xtan không những không tiêu diệt được tận gốc chủ nghĩa khủng bố mà hiểm họa này đang lan rộng khắp thế giới. Thứ ba, thời điểm hiện tại, các nước đã từng trải qua “Mùa xuân A-rập” như: Tuy-ni-di, Ai Cập, Li-bi, Y-ê-men đều rơi vào tình trạng bất ổn toàn diện cả về chính trị, kinh tế - xã hội và an ninh, hoàn toàn trái ngược với các khẩu hiệu “mang lại tự do” và “xúc tiến dân chủ” của Mỹ. Thứ tư, chiến tranh và tình hình khủng hoảng kinh tế - xã hội chính trị ở các nước Bắc Phi - Trung Đông đã tạo ra làn sóng người tị nạn tràn sang châu Âu lớn nhất kể từ thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ II, đẩy các quốc gia của châu lục này rơi vào tình thế khốn đốn, bất đồng và chia rẽ. Thứ năm, “Mùa Xuân A-rập” đã sản sinh ra một loại hình chiến tranh mới, gọi là “chiến tranh bạo loạn”, hoặc “cách mạng từ in-tơ-nét”. Lấy cảm hứng từ tác động của mạng xã hội làm bùng phát các biến động chính trị ở các nước Bắc Phi - Trung Đông, giới phân tích chính trị ở Mỹ nhận định rằng, “Mùa xuân A-rập” đã mở đầu kỷ nguyên “các cuộc cách mạng từ in-tơ-nét”. Vì thế, rút ra bài học kinh nghiệm từ “Mùa xuân A-rập”, nhiều quốc gia đã điều chỉnh chính sách sử dụng mạng in-tơ-nét để ngăn chặn các cuộc bạo loạn chính trị. Ngoài ra, một số quốc gia trên thế giới đã phải thông qua luật an ninh mạng để bảo vệ an ninh quốc gia. Thứ sáu, kế hoạch hòa bình Trung Đông do Tổng thống Đô-nan Trăm đề xuất hoàn toàn trái ngược với các nghị quyết có liên quan của Liên hợp quốc hướng tới giải pháp công bằng, toàn diện và bền vững cho cuộc xung đột giữa I-xra-en và Pa-le-xtin, trên cơ sở nguyên tắc hai nhà nước cùng tồn tại hòa bình. Theo đó, I-xra-en phải rút khỏi vùng lãnh thổ đã chiếm đóng trái phép, còn Pa-le-xtin thành lập một nhà nước độc lập theo đường biên giới trước năm 1967 với thủ đô là Đông Giê-ru-xa-lem.

Chính vì thế, Tổng thống Pa-le-xtin Ma-mút Áp-bát kiên quyết phản đối và coi kế hoạch đó là “cái tát thế kỷ” nhằm vào tiến trình hòa bình Trung Đông. Cùng với Pa-le-xtin, một số quốc gia khác, như: Gioóc-đa-ni, Thổ Nhĩ Kỳ và I-ran đều lên tiếng phản đối và cho rằng kế hoạch này sẽ sớm bị phá sản. Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Xtê-phan Đu-gia-rích khẳng định, Liên hợp quốc duy trì cam kết đối với giải pháp hai nhà nước dựa trên các đường biên giới trước khi I-xra-en chiếm đóng Bờ Tây và Dải Ga-da trong cuộc chiến tranh sáu ngày năm 1967. Tổng Thư ký Liên đoàn A-rập Át-mét A-bu Ghê-ít tuyên bố, việc áp đặt mọi giải pháp đối với cuộc xung đột giữa Pa-le-xtin và I-xra-en sẽ không thành công. Do đó, kế hoạch hòa bình của Tổng thống Đô-nan Trăm được ví như “quả bom nổ chậm” sẽ đẩy Trung Đông vào vòng xoáy xung đột và chiến tranh mới với những hậu quả và tác động tiêu cực vượt ra khỏi phạm vi khu vực.

Đại tá LÊ THẾ MẪU

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...