Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 10/11/2014, 14:52 (GMT+7)
Chiến lược chống IS của Mỹ và tác động của nó tới an ninh quốc tế

Sau hơn 10 năm tiến hành cuộc chiến chống khủng bố ở I-rắc, Mỹ và đồng minh không những không tiêu diệt được khủng bố, mà còn làm cho nó ngày càng mạnh lên, buộc Chính quyền Oa-sinh-tơn phải công bố chiến lược chống "Nhà nước Hồi giáo" tự xưng. Đây là sự kiện đánh dấu sự can dự trở lại của Mỹ đối với khu vực Trung Đông đầy bất ổn; đồng thời, tác động không nhỏ tới tình hình an ninh khu vực và quốc tế.

Thị trấn Kobani sau những cuộc tấn công trên quy mô lớn của IS (Ảnh in-tơ-nét)

Sau hơn ba tháng tấn công và đánh chiếm một khu vực lãnh thổ rộng lớn của I-rắc và Xy-ri, tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS) đã làm thế giới phải kinh ngạc về sức mạnh, sự hung hãn và mức độ tàn độc của nó. Trước tình hình đó và với sức ép của của công luận ở trong nước, khu vực và quốc tế, ngày 10-9-2014, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma buộc phải công bố Chiến lược toàn diện chống IS. Đây là lần thứ hai, người lãnh đạo cao nhất nước Mỹ tuyên bố về một chiến lược chống khủng bố đầy tham vọng sau “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” do Tổng thống G.W. Bu-sơ phát động sau sự kiện 11-9-2001.

Nội dung cơ bản của chiến lược toàn diện chống IS

Để chống lại IS - một tổ chức nhà nước tự xưng lớn mạnh, có tổ chức chặt chẽ, Chiến lược của Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã đề cập các biện pháp toàn diện trên các lĩnh vực; trong đó, tập trung nhất ở mục tiêu, nội dung và phương thức thực hiện. Về mục tiêu của Chiến lược, nhằm truy đuổi và tiêu diệt tất cả những kẻ khủng bố nào dám đe dọa nước Mỹ, vào bất kỳ thời điểm nào, ở bất kỳ đâu trên thế giới.

Về nội dung và phương thức thực hiện Chiến lược, Mỹ chủ trương tổ chức và đóng vai trò đi đầu một Liên minh quốc tế rộng lớn chống khủng bố thông qua một chiến lược toàn diện và liên tục. Trước hết, Mỹ sẽ tiến hành truy đuổi và tiêu diệt IS ở I-rắc và Xy-ri. Đối với I-rắc, cùng với các hoạt động không kích vào IS, Mỹ sẽ cử đội ngũ cố vấn hùng hậu hỗ trợ Lực lượng an ninh nước này trong việc đánh giá tình hình, huấn luyện và tổ chức tác chiến, nhằm ngăn chặn, đánh bại lực lượng IS tại I-rắc. Trên lãnh thổ Xy-ri, Mỹ sẽ không dựa vào Chính quyền của Tổng thống B. An Át-xát trong việc chống IS, bởi theo Oa-sinh-tơn, đó là một chế độ “đã từng khủng bố chính người dân của mình và không còn tính hợp pháp”. Tại đây, Mỹ sẽ phối hợp với các đồng minh mở chiến dịch không kích vào các mục tiêu của IS, làm suy yếu và đánh bại tổ chức này, tạo điều kiện cho các lực lượng “đối lập ôn hòa” chiếm ưu thế trên chiến trường để vừa gây sức ép với Chính quyền Đa-mát, vừa làm đối trọng với lực lượng IS. Thông qua đó, Mỹ tiếp tục thúc đẩy các giải pháp cần thiết khác, nhằm giải quyết trọn vẹn cuộc khủng hoảng ở Xy-ri. Mặt khác, dọc biên giới phía bên Xy-ri, Mỹ sẽ tăng cường hỗ trợ quân sự cho phe đối lập, như: huấn luyện, cung cấp vũ khí và phối hợp với các đối tác nhằm nỗ lực chặn đứng nguồn tài chính cho IS; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tình báo, củng cố lực lượng và ngăn chặn các tay súng nước ngoài gia nhập hàng ngũ IS hoặc từ IS tìm cách ra khỏi khu vực Trung Đông. Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma cũng cam kết không triển khai lực lượng trên bộ để trực tiếp tham chiến trong bất kỳ cuộc xung đột nào tại I-rắc, Xy-ri và tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho dân thường bị buộc phải rời bỏ nhà cửa vì cuộc tấn công của IS.

Thực hiện Chiến lược trên, ngày 05-9-2014, tại Hội nghị thượng đỉnh của Khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Mỹ đã kêu gọi và quy tụ được “liên minh nòng cốt” gồm 10 nước tham gia chống IS1. Tiếp đó, ngày 15-9-2014, với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao 20 nước, Hội nghị quốc tế đầu tiên về chống IS ở Pa-ri (Pháp) đã nhất trí tham gia Liên minh quốc tế chống IS do Mỹ lãnh đạo. Theo đó, mỗi nước sẽ giữ một vai trò khác nhau, như: cung cấp máy bay, đạn dược để mở các cuộc không kích nhằm vào phiến quân IS và chia sẻ thông tin tình báo, v.v. Các nước Liên đoàn A-rập cũng ngỏ ý sẵn sàng hợp tác với Liên minh quốc tế chống IS, nhất là thiết lập hành lang bay và ngăn chặn các nguồn cung cấp vũ khí, tài chính cho tổ chức này. Đặc biệt, ngày 23-9 vừa qua, Mỹ đã chính thức mở chiến dịch không kích vào các mục tiêu của IS trên lãnh thổ Xy-ri; trong đó có sử dụng tên lửa Tô-ma-hốc và tên lửa dẫn đường từ các tàu khu trục và tuần dương hạm ở vịnh Péc-xích. Điều đáng nói là, tham gia chiến dịch không kích này còn có các quốc gia A-rập, như: A-rập Xê-út, Ca-ta, Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất, Bê-nanh và Gioóc-đa-ni đã gây cho phiến quân IS nhiều thiệt hại.

Theo đánh giá của các nhà phân tích quốc tế, đây là chiến lược đầy tham vọng của Mỹ chống IS. Với việc thành lập nhanh chóng một Liên minh quốc tế rộng lớn chống IS do Mỹ lãnh đạo đã nói lên tính cấp bách và hiểm họa to lớn của IS đối với hòa bình, an ninh khu vực và thế giới; đồng thời, cũng đặt tổ chức Hồi giáo cực đoan này trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra trên thực địa cho thấy, việc thực hiện Chiến lược này gặp không ít khó khăn. Trước hết, mượn cớ chống lại IS, Mỹ cho mình có quyền truy đuổi chúng ở khắp mọi nơi trên thế giới đã gây lo ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế. Hơn nữa, với một tổ chức như IS, hoạt động nhiều năm ở Trung Đông, rất thông thuộc địa bàn và phương thức đối phó mà Mỹ chỉ dùng chiến dịch không kích thì khó có thể giành thắng lợi triệt để. Không những thế, Chiến lược chống IS của Oa-sinh-tơn được hoạch định trong thế bị động, chính giới Mỹ đã phải thừa nhận rằng, tình báo Mỹ đã không nắm được thực lực của IS. Trong khi đó, Liên minh quốc tế chống IS, tuy gồm nhiều nước tham gia, nhưng hai quốc gia quan trọng về địa - chính trị đối với IS và từng tham gia chiến đấu với chúng là I-ran và Xy-ri đã bị Mỹ gạt ra ngoài.

Phát biểu với báo giới ngày 11-9-2014 sau khi gặp Tổng thống Xy-ri B. An Át-xát, Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Xy-ri X.Đ. Mít-tu-ra cho rằng, Chiến lược chống IS của Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma không đủ hiệu lực và khả năng chống lại lực lượng này ở Xy-ri, mà cần có một chiến lược toàn diện hơn. Theo đó, để chống IS có hiệu quả, cùng với các biện pháp an ninh cần tiến hành một tiến trình chính trị toàn diện, hiệu quả và nhanh chóng nhằm chấm dứt cuộc nội chiến ở Xy-ri; trên cơ sở đó, cô lập IS và giúp người dân Xy-ri tránh được mối đe dọa của khủng bố. Như vậy, với việc Tổng thống B. Ô-ba-ma công bố Chiến lược toàn diện chống IS đã đánh dấu sự can dự trở lại đầy khó khăn của Mỹ đối với một khu vực nhiều bất ổn.

Tác động của Chiến lược chống IS tới an ninh khu vực và quốc tế

Hiện nay, IS đã vượt mặt An Kê-đa và trở thành tổ chức khủng bố mạnh, công khai và nguy hiểm nhất trong số các nhóm thánh chiến Hồi giáo trên thế giới. Vì thế, ngày 24-9-2014, với 100% phiếu thuận, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã nhất trí thông qua Nghị quyết 2178 về việc chống khủng bố nói chung, trong đó có chống IS. Tuy nhiên, do cách thức tiến hành, Chiến lược chống IS của Mỹ sẽ có tác động tiêu cực tới tình hình an ninh quốc tế và được biểu hiện trên một số phương diện sau:

Một là, việc công bố Chiến lược toàn diện chống IS của Mỹ đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm trong việc phát huy vai trò của HĐBA LHQ. Theo đó, ngày 10-9-2014, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma chính thức công bố Chiến lược, nhưng phải hai tuần sau (tức ngày 24-9-2014), Mỹ mới đề nghị HĐBA LHQ thông qua Nghị quyết 2178 về chống khủng bố. Lẽ ra, theo Hiến chương Liên hợp quốc, để thực hiện chống khủng bố trên phạm vi toàn cầu, HĐBA LHQ phải ra nghị quyết trước, sau đó các nước phải căn cứ vào đó để thực hiện. Ở đây, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã làm ngược lại và việc ông tuyên bố về Chiến lược toàn diện chống IS được nhìn nhận như là hành động “tiền trảm hậu tấu” đối với HĐBA LHQ.

Hai là, Chiến lược toàn diện chống IS của Mỹ đã vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên hợp quốc về tôn trọng chủ quyền quốc gia của các nước thành viên. Núp dưới chiêu bài “chống IS”, Mỹ cùng với một số đồng minh mở cuộc không kích vào các mục tiêu trên lãnh thổ Xy-ri khi chưa được phép của Chính quyền Đa-mát là hành động xâm phạm đối với một quốc gia có độc lập chủ quyền. Hành động đó cũng tạo tiền lệ nguy hiểm trong quan hệ quốc tế; trong đó, Mỹ có thể viện cớ “chống khủng bố” để can thiệp vào chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào mà họ muốn. Nhiều nước, trước hết là Nga, I-ran đã tuyên bố khẳng định, chống IS là cần thiết, nhưng khi tiến hành trên lãnh thổ Xy-ri mà chưa được phép của Chính quyền của Tổng thống   B. An Át-xát là “hành động xâm lược”.

Ba là, chủ trương loại trừ Tổng thống B. An Át-xát - một người đã từng đứng ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo I-rắc và Cận đông (ISIL) - tiền thân của IS trong hơn 3 năm qua, cũng như I-ran - quốc gia ủng hộ Xy-ri trong cuộc chiến này, ra khỏi Liên minh quốc tế chống IS, đã gây chia rẽ trong cộng đồng quốc tế. Ngoài ra, Nga là quốc gia đã từng cảnh báo thế giới về nguy cơ khủng bố từ IS trong những năm qua và là quốc gia đi đầu trong cuộc chống khủng bố, lại bị Mỹ coi là “nguy cơ đối với an ninh quốc tế”. Vì thế, ngay cả dư luận Mỹ cũng có nhiều ý kiến cho rằng, không thể thiếu vai trò của Xy-ri, I-ran và Nga trong cuộc chiến chống IS ở I-rắc và Xy-ri.

Bốn là, việc Mỹ và một số nước phương Tây vẫn áp dụng “tiêu chuẩn kép” khi nhìn nhận về nguy cơ khủng bố nói chung cũng như IS nói riêng đã, đang gây ra những hiểm họa khôn lường. Thực chất của “tiêu chuẩn kép” là sự áp đặt chủ quan của một số nước; trong đó, một chủ thể nào đó nếu đáp ứng các lợi ích của phương Tây thì được coi là “đồng minh” của họ; ngược lại, khi không còn đáp ứng lợi ích đó thì bị quy là “kẻ thù” cần phải truy đuổi. Điển hình của việc áp dụng “tiêu chuẩn kép” là trường hợp của An Kê-đa và IS. Trong những năm 80 của thế kỷ XX, An Kê-đa được Oa-sinh-tơn coi là “đồng minh chiến lược” khi tổ chức này là công cụ để Mỹ sử dụng chống lại Liên Xô (trước đây), nhưng sau sự kiện ngày 11-9-2001, An Kê-đa lại trở thành “kẻ thù nguy hiểm nhất” nước Mỹ, cần phải loại bỏ. Tương tự như vậy, khi  IS đang tích cực tham gia cuộc chiến khủng bố ở Xy-ri hòng loại bỏ Tổng thống B. An Át-xát thì tổ chức này được phương Tây coi là “những chiến sĩ đấu tranh cho tự do”. Còn hiện nay, khi IS có hành động đe dọa lợi ích của họ, thì tổ chức này lại bị chính các nước phương Tây coi là “tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất thế giới”.

Do đó, trong khi tập hợp Liên minh quốc tế chống IS, một số nước vẫn áp dụng “tiêu chuẩn kép” để hỗ trợ cho các lực lượng Hồi giáo cực đoan mà họ coi là “ôn hòa”. Trên thực tế, trong cái gọi là lực lượng “ôn hòa” ở Xy-ri hiện có tới  90% là các chiến binh khủng bố thuộc nhiều tổ chức khác nhau đến từ nhiều nước. Với “tiêu chuẩn kép” như vậy, những quốc gia này khó có thể có chiến lược nhất quán trong cuộc chiến chống khủng bố nói chung và IS nói riêng. Vì vậy, Chiến lược toàn diện chống IS của Mỹ không thoát khỏi sự mơ hồ về “đối tượng”, “đối tác” và đó sẽ là cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn, phức tạp, với những hậu quả tiêu cực đối với nền hòa bình, an ninh ở khu vực và quốc tế.

Đại tá LÊ THẾ MẪU
__________

1 - Gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a, Thổ Nhĩ Kỳ, I-ta-li-a, Ba Lan và Đan Mạch.

TAG

IS,an ninh

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...