Thứ Sáu, 22/11/2024, 15:08 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Tháng 6/2023, lần đầu tiên nước Đức công bố Chiến lược An ninh quốc gia kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, nhằm định hình một cấu trúc an ninh mang tính tích hợp, toàn diện trong khi tình hình thế giới, khu vực đang diễn biến hết sức phức tạp. Vậy, bối cảnh hình thành, nội dung cơ bản và triển vọng của Chiến lược ra sao là những vấn đề đang được dư luận quốc tế quan tâm.
Bối cảnh hình thành
Các nhà hoạch định chính sách của Đức cho rằng, môi trường an ninh châu Âu và thế giới thời gian qua có sự thay đổi sâu sắc do ảnh hưởng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia, xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, đặc biệt là cuộc xung đột Nga - Ukraine. Trong bối cảnh đó, nước Đức cũng đang phải đối mặt với cả thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống; trong đó, chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, tội phạm có tổ chức, tấn công mạng, rủi ro về chuỗi cung ứng có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, chính quyền của Thủ tướng Olaf Scholz được cho là “tiên phong” khi đề xuất quan điểm mới về an ninh cũng như quyết tâm xây dựng một chiến lược an ninh quốc gia cơ bản, hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia trước những biến động của khu vực và thế giới. Trên thực tế, Chiến lược này đã được chính quyền của Thủ tướng Olaf Scholz khởi động từ cuối năm 2021, với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan. Sau một thời gian chuẩn bị bài bản, khoa học, với sự tham gia đóng góp ý kiến của các chuyên gia và người dân cả nước, ngày 14/6/2023, Chính phủ Đức chính thức công bố Chiến lược An ninh quốc gia mới. Đây là Chiến lược đầu tiên của Đức kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II và được coi là hoàn chỉnh, bởi trước đó, các chính quyền tiền nhiệm đều ban hành chính sách về an ninh nhưng chưa bao giờ gọi là chiến lược.
Theo Thủ tướng Olaf Scholz, Chiến lược An ninh quốc gia mới thể hiện sự thống nhất trong nhận thức về cách tiếp cận các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống cả ở trong và ngoài nước. Chiến lược sẽ giúp Đức tạo ra “bước ngoặt” trong giải quyết các vấn đề an ninh ở châu Âu đang bị xáo trộn bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine; đồng thời, cũng giúp nước này đứng vững trước những cuộc khủng hoảng, tự tin đối phó với các thách thức để bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia cũng như các giá trị của Đức.
Nội dung cơ bản của Chiến lược
Theo các chuyên gia nghiên cứu quốc tế, Chiến lược An ninh mới của Đức được xây dựng theo hướng huy động mọi nguồn lực để bảo vệ lợi ích quốc gia, với mục tiêu xuyên suốt là hướng đến một “khởi đầu” để từ đó chính phủ tổ chức một quá trình hợp tác liên tục giữa các cấp chính quyền nhằm tăng cường an ninh quốc gia trong dài hạn; trong đó, ưu tiên cao nhất là bảo đảm an ninh quân sự, an ninh kinh tế; bảo đảm cuộc sống an toàn cho người dân; bảo vệ và phát huy các giá trị của Đức. Chiến lược xác định, Đức là quốc gia đông dân, nền kinh tế lớn trong khu vực, lại nằm ở trung tâm châu Âu, nên nước này có trách nhiệm “đặc biệt” với an ninh, hòa bình, ổn định, thịnh vượng cũng như việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên của “lục địa già”. Chính quyền của Thủ tướng Olaf Scholz cũng cam kết phát huy vai trò cường quốc của Đức trong xây dựng trật tự thế giới mới, theo nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, sự bình đẳng, chủ quyền của các quốc gia, quyền tự quyết của các dân tộc, quyền con người phổ quát và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong các mối quan hệ quốc tế.
Bên cạnh đó, Chiến lược nhấn mạnh quan điểm an ninh theo nghĩa rộng, đó là an ninh tích hợp, an ninh tổng thể, an ninh toàn diện. Nghĩa là, an ninh quốc gia không chỉ đơn thuần trong lĩnh vực ngoại giao và quân sự như trước đây, mà còn mở rộng ra các lĩnh vực: kinh tế, năng lượng, công nghệ hay y tế và sự phát triển an ninh trong những lĩnh vực này sẽ góp phần cải thiện an ninh chung. Ngoài ra, Chiến lược cũng khẳng định, sức mạnh tổng hợp của các nguồn lực; trong đó, sức mạnh của các thể chế dân chủ, của nền kinh tế và sự đoàn kết của xã hội là những đảm bảo quan trọng cho sức mạnh an ninh của quốc gia.
Chiến lược đề ra 03 trụ cột: năng lực phòng thủ, khả năng thích ứng chống chịu và tính bền vững. Trước hết, Chiến lược khẳng định, năng lực phòng thủ là hướng tới một nền quốc phòng tích cực, mạnh mẽ và có khả năng răn đe cao. Theo hướng này, chính quyền của Thủ tướng Olaf Scholz chủ trương tăng ngân sách quốc phòng từ mức 1,5% GDP hiện nay lên mức 02% GDP từ năm 2024; đầu tư ngân sách mua sắm các loại vũ khí, trang bị quân sự hiện đại để đưa Quân đội Đức trở thành một quân đội hùng mạnh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đồng thời, Berlin cam kết đóng vai trò quan trọng trong đẩy mạnh công nghệ quốc phòng ở cấp độ châu Âu và bảo đảm hài hòa các quy định về kiểm soát xuất khẩu vũ khí của Liên minh châu Âu (EU). Chiến lược cũng đề cập đến khả năng phòng thủ dân sự và bảo vệ dân sự; trong đó, chú trọng đầu tư bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu, năng lực an ninh mạng, tăng cường hoạt động phản gián, chống phá hoại và phòng thủ mạng v.v. Về khả năng thích ứng - chống chịu, Đức sẽ tập trung cải thiện năng lực quốc gia và năng lực của các đồng minh trong bảo vệ các giá trị tự do, dân chủ; giảm phụ thuộc kinh tế vào các đối tác; đa dạng hóa các nguồn cung ứng; khuyến khích xây dựng các nguồn dự trữ chiến lược. Về tính bền vững, Chiến lược vạch ra các mục tiêu về tăng cường đầu tư vào bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng, năng lực không gian mạng, ngoại giao hiệu quả cũng như đưa ra cách thức giải quyết các vấn đề: biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng, an ninh lương thực và phòng, chống dịch bệnh, v.v.
Cùng với 03 trụ cột, trong chính sách đối ngoại, Chiến lược khẳng định, an ninh của Đức không thể tách rời an ninh của các đồng minh và đối tác; các cam kết với NATO, EU là “không thay đổi” và NATO là một bộ phận quan trọng để Đức xây dựng nền an ninh tích cực và chủ động. Berlin cũng cam kết là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong Liên minh châu Âu - Đại Tây Dương với mục tiêu là bảo đảm “một châu Âu thống nhất trong hòa bình và tự do”. Vì vậy, Chính phủ Đức mong muốn EU tiếp tục duy trì an ninh, chủ quyền của khối “trong nhiều năm tiếp theo”, Berlin sẽ nỗ lực góp phần duy trì kiểm soát, giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân trên phạm vi toàn cầu. Chiến lược nêu rõ, liên minh xuyên Đại Tây Dương phải có khả năng và quyết tâm chống lại tất cả các mối đe dọa quân sự từ vũ khí hạt nhân, phòng thủ mạng cũng như các mối đe dọa nhằm vào hệ thống không gian.
Trong quan hệ với các cường quốc, đồng minh, đối tác, Đức coi Pháp là “nước láng giềng có quan hệ hữu nghị thân thiết”; Mỹ là “quốc gia bên kia Đại Tây Dương có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ”. Riêng với Nga, Berlin coi đây là “thách thức nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc gia”, khi cho rằng, hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất ổn về quốc phòng, an ninh cũng như năng lượng và lương thực tại khu vực. Tuy nhiên, Đức ủng hộ giảm thiểu rủi ro chiến lược, duy trì các kênh liên lạc chính trị, quân sự khẩn cấp giữa Nga với NATO, đồng thời khẳng định, Berlin không “muốn đối đầu hay đụng độ” với Moscow. Với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất, Chiến lược xác định, cường quốc này “vừa là đối tác, vừa là đối thủ cạnh tranh, vừa là đối thủ hệ thống”. Vì lẽ đó, mặc dù chưa đồng thuận với Trung Quốc trên một số mặt, lĩnh vực, song Đức vẫn coi nước này là đối tác cần thiết để giải quyết các thách thức và khủng hoảng toàn cầu.
Triển vọng của Chiến lược
Chiến lược An ninh quốc gia mới của Đức về cơ bản nhận được sự hoan nghênh và đánh giá tích cực của nhiều quốc gia, nhất là các đồng minh và đối tác, bởi những cam kết về trách nhiệm cũng như vai trò dẫn dắt đối với an ninh, hòa bình, ổn định của “lục địa già”- vốn đang bất ổn kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II. Nhiều chuyên gia còn cho rằng, Chiến lược này là “bản tuyên ngôn” khẳng định nỗ lực xác lập lại vị thế toàn cầu của Đức.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích quốc tế, văn kiện dài 76 trang mà chính quyền của Thủ tướng Olaf Scholz mới công bố cũng gặp không ít khó khăn khi chưa đưa ra được cách thức cụ thể để hoàn thành các mục tiêu chính trị. Trong đó, phải kể đến việc: không thành lập hội đồng an ninh quốc gia - cơ quan cố vấn quan trọng trong ứng phó với các vấn đề về an ninh chiến lược; chưa đề cập tương xứng vai trò quốc tế của Đức trong giải quyết các vấn đề toàn cầu tại Bắc Cực hay không gian vũ trụ; chưa thể hiện sự liên kết giữa mục tiêu và phương thức thực hiện, cụ thể là về vấn đề ngân sách không rõ ràng.
Theo một số đánh giá gần đây, thực trạng Quân đội Đức năm 2022 là “đáng báo động”, khi chỉ có khoảng 30% tàu hải quân đủ khả năng hoạt động, nhiều máy bay chiến đấu không đủ điều kiện để bay. Bộ trưởng Quốc phòng Đức, Boris Pistorius thì cho rằng, việc mua sắm quốc phòng cần phải đẩy nhanh hơn nữa, bởi “thời gian là yếu tố ưu tiên cao nhất hiện nay” và “hiệu quả tức thời là để cung cấp cho quân đội càng sớm càng tốt các trang thiết bị mới”. Để hiện thực hóa mục tiêu hiện đại hóa quân đội theo Chiến lược đặt ra thì “quỹ đặc biệt” 100 tỉ Euro mà Chính phủ Đức công bố hồi tháng 02/2022 là chưa đủ. Ông đề nghị Chính phủ tăng ngân sách quốc phòng từ 50 tỉ Euro mỗi năm như hiện nay lên 60 tỉ Euro từ năm 2024. Còn Bộ trưởng Tài chính, Christian Lindner thì ủng hộ tăng chi tiêu quốc phòng lên 02% GDP, nhưng cũng đưa ra cảnh báo, việc tăng ngân sách quốc phòng sẽ đặt ra “gánh nặng” về tài chính và có thể Chính phủ phải cắt giảm chi tiêu ở một số lĩnh vực hoặc tăng các khoản thuế. Lãnh đạo phe đối lập, Friedrich Merz cho rằng, Chiến lược An ninh mới có nhiều thiếu sót và không phù hợp về mặt chiến lược, nó không có ý nghĩa và giá trị gì. Theo Ngoại trưởng Nga, Sergey Lavrov, việc Berlin coi Moscow là mối đe dọa lớn trong Chiến lược An ninh quốc gia là hành động đi ngược với logic và lợi ích của Berlin. Một số chuyên gia cũng cho rằng, cách tiếp cận Trung Quốc của Đức là không mới, khi nước này coi Trung Quốc như một đối tác, đối thủ và thách thức mang tính hệ thống. Tuy nhiên, Chiến lược lại chưa phân tích đầy đủ khía cạnh lợi ích của Berlin trong quan hệ với Bắc Kinh và nó cũng thiếu định hướng cụ thể trong xây dựng quan hệ Đức - Trung thời gian tới.
Các nhà bình luận quốc tế cho rằng, những khó khăn trên có thể là “rào cản” thách thức ý chí và quyết tâm triển khai Chiến lược của chính quyền do Thủ tướng Olaf Scholz đứng đầu. Bởi vậy, triển vọng cho Chiến lược An ninh quốc gia Đức thời gian tới như thế nào hiện vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
MINH ĐỨC - THẾ HIỆP
Chiến lược an ninh quốc gia,nước Đức,trụ cột và triển vọng,dư luận quốc tế
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ