Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 10/12/2018, 08:24 (GMT+7)
Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và vấn đề đặt ra đối với ASEAN

Sau hơn một năm Mỹ công bố khái niệm “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, đến nay, khái niệm này đã trở thành Chiến lược tương đối đầy đủ. Việc triển khai thực hiện Chiến lược tạo ra nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với quốc phòng, an ninh khu vực, nhất là các quốc gia khu vực Đông Nam Á.

Khái quát vài nét về Chiến lược

Khác với các chiến lược trước đây của Mỹ, chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” được ban hành mà chưa có nội hàm cụ thể ngay từ đầu. Vì thế, theo tuyên bố gần đây của Mỹ, mặc dù Chiến lược đang triển khai, nhưng vẫn trong quá trình bổ sung, hoàn thiện và tiếp tục mở rộng ra các lĩnh vực kinh tế, năng lượng, hạ tầng cơ sở, v.v. Theo Chiến lược, Hoa Kỳ coi khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là địa bàn chiến lược quan trọng để tập trung đầu tư phát triển an ninh, kinh tế và quyết tâm thực hiện cam kết đối với các đồng minh, đối tác trong khu vực; hướng tới xây dựng một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và phát triển thịnh vượng, dựa trên nguyên tắc dân chủ, tự do, pháp quyền, kinh tế thị trường, cởi mở, minh bạch, bình đẳng với tất cả các quốc gia.

Về chính trị, Mỹ nhấn mạnh hai vấn đề: “tự do” và “rộng mở”. Theo đó, Oa-sinh-tơn ủng hộ tự do, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mọi quốc gia, bất kể nước đó là lớn hay nhỏ. Người dân của tất cả các quốc gia trong khu vực được quyền tự do hơn, tăng cường các quyền cơ bản của công dân, tôn trọng đề cao các giá trị dân chủ, v.v. Các quốc gia được quyền tiếp cận không hạn chế đối với các vùng biển, không gian quốc tế mở, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và không sử dụng sức mạnh cưỡng bức, chèn ép các nước láng giềng, tuân thủ luật pháp và các chuẩn mực quốc tế. Mỹ khẳng định sẽ không áp đặt, không tìm cách bá chủ khu vực và cũng không để cho bất kỳ quốc gia nào bá chủ ở khu vực và sẽ nhất quán trong lời nói cũng như hành động.

Về kinh tế, Mỹ sẽ cạnh tranh công bằng với tất cả các bên; theo đuổi tự do thương mại, bình đẳng và có đi có lại; thúc đẩy hậu cần và khuyến khích các quốc gia trong khu vực xây dựng môi trường đầu tư rộng mở, thông thoáng và hướng tới kinh tế thị trường; không theo đuổi lợi ích kinh tế có hại cho các nước khác. Đồng thời, phản đối các nước thực hiện chính sách kinh tế bẫy nợ, đẩy các quốc gia khác vào tình trạng nợ nần hoặc trục lợi về kinh tế, v.v.

Về các đối tác và cơ chế khu vực, Mỹ sẽ tiếp tục tham gia sâu, rộng hơn vào các cơ chế hiện hành ở khu vực. Trong đó, Hoa Kỳ ủng hộ và sẽ trợ giúp để ASEAN trở thành trung tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; tiếp tục tham gia các cơ chế tại khu vực, như: Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và các cơ chế hợp tác ba, bốn bên với các đối tác khác. Ở Đông Bắc Á, Hoa Kỳ đang tập trung nâng cấp, hiện đại hóa các quan hệ liên minh với Nhật Bản và Hàn Quốc để đối phó với các thách thức trong thế kỷ XXI. Đối với Đông Nam Á, Mỹ sẽ khôi phục quan hệ đồng minh với Phi-líp-pin và Thái Lan, thúc đẩy quan hệ đối tác bền vững với Xin-ga-po và sẽ phát triển quan hệ đối tác mới với các nước then chốt trong khu vực. Ở châu Đại Dương, Mỹ có Ô-xtrây-li-a là một trong những đồng minh lâu đời nhất và sẽ khôi phục quan hệ đối tác quốc phòng với Niu Di-lân. Quân đội Mỹ cũng sẽ tăng cường can dự, kết nối với các đồng minh có lực lượng đang đồn trú ở Thái Bình Dương, như: Anh, Pháp và Ca-na-đa để thúc đẩy các lợi ích tương đồng. Đối với Nam Á, Hoa Kỳ coi mối quan hệ với Ấn Độ là đối tác tự nhiên giữa hai nền dân chủ lớn nhất thế giới, dựa trên sự tương đồng về lợi ích chiến lược, các giá trị chung, tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Với Trung Quốc, Mỹ chỉ trích mạnh mẽ việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông, bao gồm việc triển khai tên lửa đất đối hải, đất đối không, các hệ thống ra-đa gây nhiễu và máy bay ném bom cỡ lớn ở Hoàng Sa; cảnh báo Trung Quốc sẽ phải gánh chịu các hậu quả do việc quân sự hóa Biển Đông.

Trong thực tiễn, đầu tháng 7-2018, Hoa Kỳ bắt đầu triển khai các nội hàm của Chiến lược; trọng tâm là áp đặt nhiều đợt thuế trị giá hàng trăm tỷ USD lên hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu vào nước này và chính thức khởi động cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Tại Diễn đàn ARF tổ chức ở Xin-ga-po đầu tháng 8-2018, Mỹ đã công bố các gói trợ giúp ASEAN, trị giá lần lượt là 300 triệu USD và 113 triệu USD để các nước này nâng cao năng lực bảo đảm an ninh và phát triển kinh tế. Cùng với đó, Oa-sinh-tơn đã đổi tên “Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương” thành “Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” và tăng cường nhiều tàu chiến, máy bay, phương tiện quân sự hiện đại tại khu vực. Đặc biệt, dự kiến từ sau năm 2023, Mỹ sẽ đồng thời triển khai 02 tàu sân bay trực chiến tại biển Hoa Đông và Biển Đông.

Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm, Thủ tướng Nhật Bản Sin-zô A-bê, Thủ tướng
Ô-xtrây-li-a Man-côm Tơn-bun và Thủ tướng Ấn Độ Na-ren-đờ-ra Mô-đi.
(Ảnh: AFP/Getty)

Ba nước còn lại trong “bộ tứ”, gồm: Nhật Bản, Ấn Độ và Ô-xtrây-li-a đều chia sẻ nhiều quan điểm tương đồng về mục tiêu, nguyên tắc và nội hàm của chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” với Mỹ. Các nước đều mong muốn duy trì trật tự khu vực hiện hành - khu vực hòa bình, ổn định, tự do, mở cửa cho tất cả các bên; tuy nhiên, mỗi quốc gia lại có những kế hoạch, tính toán và cách tiếp cận Chiến lược khác nhau. Về phía mình, Oa-sinh-tơn muốn thông qua Chiến lược để tạo dựng một tuyến phòng thủ từ xa, nhằm đẩy các nguy cơ, thách thức đối với họ ra càng xa lục địa Mỹ càng tốt. Đồng thời, muốn Nhật Bản phát huy vai trò chủ động về an ninh khu vực, tự mình gánh vác nhiều trách nhiệm và phối hợp với Mỹ tốt hơn. Nhật Bản cũng muốn thông qua Chiến lược để nâng cao vai trò, vị thế ở khu vực và lôi kéo, duy trì sự cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ đồng minh. Trong khi đó, Ấn Độ chỉ coi Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một “khu vực tự nhiên và bao trùm” có nhiều mối liên hệ với nước này trong lịch sử, chứ chưa có một chiến lược hoàn chỉnh trong Chiến lược chung của Mỹ mà chủ yếu tập trung vào một số đối tác chính ở Đông Nam Á, nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng, cung cấp hậu cần cảng biển, v.v. Bên cạnh đó, Niu-đê-li còn quan tâm nhiều vấn đề khác, như: Pa-ki-xtan và Nam Á, trong khi nguồn lực còn nhiều hạn chế. Đối với Ô-xtrây-li-a, mặc dù chia sẻ với Mỹ, Nhật về nhiều mục tiêu, nguyên tắc và nội hàm của Chiến lược, nhưng sự quan tâm của nước này đối với khu vực Ấn Độ Dương mới bắt đầu trong thời gian gần đây, nên chưa thể tham gia với một chiến lược đầy đủ. Hơn nữa, do nguồn lực có hạn và không muốn làm “mất lòng” Trung Quốc nên nước này đang có cách tiếp cận rất thận trọng.

Một số vấn đề đặt ra đối với ASEAN

Các chuyên gia đều cho rằng, ASEAN có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” khi xét tới vị trí địa lý và ảnh hưởng của mình đối với trật tự khu vực. Chiến lược mở ra nhiều cơ hội cho các nước ASEAN và điều này được thể hiện ở một số phương diện:

Thứ nhất, tuyệt đại đa số mục tiêu, nguyên tắc, nội hàm của Chiến lược không có gì mâu thuẫn với quan điểm, lập trường cũng như lợi ích của ASEAN, thậm chí có nhiều sự tương đồng trong nội hàm Chiến lược.

Thứ hai, về phát triển, ASEAN đang có nhu cầu to lớn về việc xây dựng hạ tầng cơ sở chất lượng cao, về đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh mạng, thúc đẩy kết nối kinh tế, thương mại, xúc tiến đầu tư. Việc Mỹ, Nhật và các đối tác sẵn sàng hợp tác, chia sẻ là cơ hội cho khu vực này.

Thứ ba, về xây dựng năng lực, ASEAN rất mong muốn các đối tác giúp đỡ việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, cung cấp trang thiết bị trong mọi lĩnh vực, nhất là việc đào tạo, huấn luyện cán bộ quân sự, an ninh; sẵn sàng phối hợp với các nước để cùng nhau đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới.

Thứ tư, ASEAN luôn mong muốn châu Á - Thái Bình Dương và cả Ấn Độ Dương là khu vực hòa bình, ổn định, tự do và mở cửa cho tất cả các bên cùng tham gia, dựa trên luật lệ và các chuẩn mực quốc tế. Trong đó, có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) cũng như duy trì vai trò trung tâm của ASEAN và đảm bảo hiệu quả của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, như: ASEAN+1 (giữa ASEAN với từng nước đối tác đối thoại, gồm: Ô-xtrây-li-a, Trung Quốc, Ấn Ðộ, Nhật Bản, Niu Di-lân, Nga, Hàn Quốc và Mỹ), ASEAN+3 (giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), EAS, ADMM+, v.v. Do vậy, có thể khẳng định, khi Mỹ và các nước đồng minh triển khai Chiến lược, ASEAN sẽ có nhiều thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển của khu vực.

Tuy nhiên, Chiến lược cũng đặt ra không ít thách thức đối với các nước ASEAN. Trước hết, việc thay đổi trọng tâm từ châu Á - Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể gây nên sự suy giảm vai trò của ASEAN trong các vấn đề của khu vực, khi mà việc hồi sinh cơ chế tham vấn bốn bên (gồm Ô-xtrây-li-a, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ) được coi là điểm cốt lõi trong Chiến lược. Và khi tầm quan trọng của cơ chế trên được khẳng định rõ nét thì vai trò trung tâm của ASEAN có thể sẽ bị mờ nhạt. Bên cạnh đó, ASEAN luôn phải cân bằng quan hệ với các nước lớn bằng cách ủng hộ nguyên tắc bao trùm và trung lập (tối đa hóa các đòn bẩy ngoại giao thông qua việc bảo vệ đặc quyền của khối), nguyên tắc này sẽ không được đảm bảo nếu ASEAN được nhìn nhận là ủng hộ chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Hơn nữa, ASEAN sẽ không muốn tham gia một khối được thành lập bởi những nước đối lập nhau, nhất là việc phải chọn phe. Nguy cơ phải chọn phe trong bối cảnh cạnh tranh Trung - Mỹ đang gia tăng nhanh chóng, có thể sẽ phá vỡ nguyên tắc bao trùm và trung lập của ASEAN.

Thông thường, quá trình thúc đẩy hợp tác với các nước lớn bao giờ cũng đi kèm với việc tập hợp lực lượng. Do đó, một mặt, ASEAN cần hết sức tỉnh táo, tránh không trở thành “quân bài” bị kẹt giữa các nước lớn và phải giải quyết bài toán lựa chọn bên này hay bên kia. Mặt khác, phải đề phòng, cảnh giác với việc các nước lớn thỏa hiệp, bắt tay nhau chia sẻ lợi ích ngay trên lưng các quốc gia ASEAN. Vì vậy, xử lý tốt và cân bằng quan hệ giữa các nước lớn là điểm mấu chốt - chìa khóa để thúc đẩy hợp tác, tranh thủ các cơ hội to lớn do chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” mang lại.

Như vậy, chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Mỹ và các nước đối tác đã, đang có tác động mạnh mẽ tới khu vực, thế giới, trong đó có các nước ASEAN với cả thời cơ và thách thức đan xen. Điều đó đòi hỏi các quốc gia Đông Nam Á cần hết sức tỉnh táo, chủ động theo dõi những động thái tiếp theo của Mỹ, tổ chức tham vấn thường xuyên để có đối sách phù hợp.

TS. TRẦN VIỆT THÁI, Học viện Ngoại giao

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...