Thứ Bảy, 23/11/2024, 12:14 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Tháng 4/2021, Liên minh châu Âu (EU) thông qua Dự thảo chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây là bước tiến lớn của EU, nhằm can dự vào khu vực có vị trí địa chiến lược này. Nội dung chiến lược như thế nào và tác động đến khu vực ra sao, đang là vấn đề được dư luận quốc tế quan tâm.
Bối cảnh hình thành
Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực có nguồn tài nguyên phong phú, tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới - khu vực có vị trí địa chiến lược cả về kinh tế, chính trị và quân sự. Đây là khu vực có dân số chiếm gần một nửa dân số thế giới, nền kinh tế phát triển năng động, có thể thích ứng nhanh trước mọi tình huống. Nhiều nhà phân tích chỉ ra rằng, nếu kiểm soát được Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương về cơ bản sẽ kiểm soát được thế giới (?).
Những năm đầu thế kỷ XXI, trọng tâm chiến lược toàn cầu dịch chuyển từ Đại Tây Dương sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được khởi động, thúc đẩy bởi các yếu tố: sự trỗi dậy của Trung Quốc; sự gia tăng ảnh hưởng kinh tế và chiến lược của Ấn Độ; sự lớn mạnh của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và tầm quan trọng ngày càng tăng của Ấn Độ Dương. Trước những thay đổi nhanh chóng của cục diện thế giới, khái niệm về một không gian Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bao trùm và rộng mở được các nước trong khu vực đưa ra nhằm đối phó cũng như tận dụng cơ hội có được từ những sự đổi thay này. Năm 2017, tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Tổng thống Mỹ đã đề cập tới việc coi khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là lựa chọn chiến lược, đối sách chủ chốt ở châu Á; giữ vai trò quan trọng đối với an ninh và lợi ích quốc gia của Mỹ. Vì thế, nước này đã công bố chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Trong khi đó, Trung Quốc cùng với Nga và Iran hình thành “tam giác quyền lực mới trên biển”. Theo giới phân tích quốc tế, thời gian tới, cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục “tăng nhiệt”. Để không bị bỏ lại phía sau trong “cuộc đua” Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, các cường quốc đều đưa ra những cách tiếp cận khác nhau, ngay như Anh - quốc gia đã rời EU, tháng 3 vừa qua cũng tuyên bố “xoay trục” về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thể hiện sự quan tâm ngày một lớn tới khu vực này và EU cũng không phải là ngoại lệ.
Với tham vọng tạo dựng chỗ đứng vững chắc cho các nước thành viên tại khu vực được xem là trung tâm của lợi ích chính trị và kinh tế thế giới, trong phiên họp tháng 4/2021, ngoại trưởng 27 nước thành viên EU đã thông qua Dự thảo chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trước khi có Chiến lược này, trọng tâm địa chính trị của EU cơ bản tập trung tại khu vực Đông Âu, Địa Trung Hải hay mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương với Mỹ. EU chủ yếu nhìn nhận khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương qua lăng kính thương mại và đầu tư, điển hình như Đức - quốc gia đầu tàu kinh tế của EU, cũng chỉ khuyến khích sự hợp tác mang tính xây dựng với Trung Quốc thông qua cái gọi là chính sách “thay đổi qua thương mại”.
Nội dung cơ bản
Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không những giúp EU củng cố vai trò trong hợp tác với các nước, mà còn giúp Liên minh này có thể thích ứng và xây dựng mối quan hệ hợp tác, ở đó các bên có thể tìm thấy điểm tương đồng dựa trên những nguyên tắc cùng chia sẻ hoặc chung lợi ích. Định hướng này, xây dựng khung chiến lược với nhiều giải pháp chính trị dành cho khu vực, hình thành các điểm kết nối và tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể, trong đó có chính sách quốc phòng, an ninh với các đối tác tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Một trong những chủ trương hợp tác chiến lược tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU là đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các nước ASEAN, đa dạng hóa quan hệ trên tất cả lĩnh vực. Bởi lẽ, ASEAN gồm các nước đang phát triển năng động, chứa đựng trong đó là “tuyến đường” biển ngắn nhất kết nối các quốc gia ở Ấn Độ Dương, châu Âu, châu Phi với các quốc gia châu Á và châu Đại Dương. Các cơ chế, cấu trúc an ninh do ASEAN định hình, dẫn dắt, như: Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), ASEAN+; Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+); Cộng đồng an ninh - chính trị ASEAN (APSC),… thường xuyên được mở rộng, nâng cao cả về quy mô, cấp độ và tính chất, tạo không gian đối thoại cởi mở và xây dựng được lòng tin trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ngoài việc thúc đẩy hợp tác với ASEAN, Chiến lược của EU còn được coi như “lời đáp” hưởng ứng chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Mỹ. Trên thực tế, đây là kế hoạch nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc, đồng thời nó có thể giúp EU và Mỹ giành thế thượng phong tại khu vực này. Lâu nay, EU và Mỹ vẫn cáo buộc Trung Quốc âm thầm thực hiện chiến lược “Chuỗi ngọc trai” hay còn gọi là “Con đường tơ lụa trên biển” kéo dài từ phía Nam Trung Quốc tới Ấn Độ Dương. Khái niệm “Chuỗi ngọc trai” lần đầu tiên được một cố vấn quân sự Lầu Năm Góc nhắc tới năm 2004 khi ám chỉ các hoạt động của Trung Quốc trên vành đai Ấn Độ Dương giống như thiết lập những căn cứ hải quân. Theo các chuyên gia quân sự Mỹ, “Chuỗi ngọc trai” là cơ sở để Trung Quốc kiểm tra và giám sát tất cả tuyến đường biển quan trọng ở châu Á và thế giới; kiềm chế Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc; giành lợi thế khi tiếp cận trực tiếp các vị trí chiến lược ở Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, sáng kiến “Vành đai và Con đường” và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng là những yếu tố cản trở tham vọng của Mỹ và EU tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chính vì thế, thời gian tới, EU sẽ phải phối hợp với Mỹ thúc đẩy hợp tác quốc phòng, an ninh với các nước đồng minh, nhằm bảo đảm an ninh trên vùng biển trải dài từ Nhật Bản tới Ấn Độ Dương và toàn bộ tuyến hàng hải tới châu Phi. Ngoài ra, để tạo thế đối trọng với “tam giác quyền lực mới trên biển”, EU đẩy mạnh hợp tác với nhóm Bộ tứ (Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ), ủng hộ kế hoạch “Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Nhật Bản; chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ; kế hoạch “Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương” của Australia. Có thể nói, EU sẽ coi trọng hợp tác trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với các nước đồng minh là nhiệm vụ cốt lõi, qua đó sẽ giúp hiện thực hóa Chiến lược mang lại lợi ích cho khối này.
Tác động đối với khu vực
Mặc dù chưa phải là chiến lược cụ thể, nhưng với những nội dung cơ bản, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ giúp EU củng cố trọng tâm và hành động tại khu vực trên cơ sở phát huy dân chủ và luật pháp quốc tế. Theo đó, EU sẽ đẩy mạnh đầu tư và có thể tăng cường độ phủ sóng an ninh tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Khía cạnh hợp tác song phương cũng sẽ được mở rộng với các đối tác từ thương mại, đầu tư, biến đổi khí hậu cho tới việc đối phó với đại dịch Covid-19 cũng như quốc phòng, an ninh, nhất là vấn đề an ninh hàng hải, chủ nghĩa khủng bố xuyên quốc gia, thông tin sai lệch và tội phạm có tổ chức.
Các nhà ngoại giao của EU cho rằng, Chiến lược này không nhằm “chống Trung Quốc”, nhưng EU sẽ nỗ lực hợp tác với “những đối tác cùng chung chí hướng” thúc đẩy một trật tự khu vực cởi mở, đa phương và dựa trên quy tắc chung tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhằm duy trì các quyền cơ bản và tạo một sân chơi toàn cầu bình đẳng. Nói cách khác, đây sẽ là khu vực thuận lợi cho hợp tác quốc tế, chào đón các bên tham gia trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Theo các chuyên gia phân tích, việc EU thông qua Dự thảo chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ khiến Trung Quốc khó có thể thúc đẩy lập luận: các tranh chấp trên biển trong khu vực chỉ là vấn đề song phương giữa nước này và các quốc gia có tuyên bố chủ quyền, các quốc gia ngoài khu vực nên đứng ngoài. Chiến lược cũng tác động trực tiếp đến mục tiêu trở thành siêu cường của Trung Quốc, bởi EU có thể tham gia vào các vấn đề an ninh, thương mại của khu vực. Ngoài ra, Chiến lược cũng giúp các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhất là các nước ASEAN có thể thúc đẩy hợp tác song phương với các nước thành viên EU trên tất cả lĩnh vực, qua đó hạn chế sự phụ thuộc quá sâu vào các cường quốc, nhất là lĩnh vực an ninh; đồng thời, giúp Nhật Bản, Hàn Quốc hay các nước ASEAN muốn giữ mối quan hệ thực chất với Trung Quốc về kinh tế, với Mỹ về an ninh có cách giải quyết linh hoạt hơn.
Trước đó, một số nước thành viên EU cũng công bố chiến lược hướng đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó nhấn mạnh lĩnh vực an ninh khi trở thành đối tác của khu vực. Pháp - nước được cho là thành viên tiên phong của EU khởi xướng chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng có báo cáo tổng thể về vấn đề an ninh; một trong những vấn đề họ đề cập là sở hữu nhiều lãnh thổ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, như: Mayotte, đảo Reunion, New Caledonia và Polynesia giúp nước này trở thành quốc gia có vùng đặc quyền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tại khu vực. Thời gian tới, Pháp dự kiến triển khai khoảng 8.000 binh sĩ và hàng chục tàu chiến ở một vài căn cứ quan trọng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (chiếm gần 60% lực lượng quân sự của Pháp triển khai lâu dài ở nước ngoài) và lực lượng này có thể trở thành những đơn vị phản ứng nhanh nếu xuất hiện những tình huống bất ổn trong khu vực. Cùng với Pháp, năm 2020, Đức công bố Phương châm chỉ đạo Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ngoài ra, Đức cũng dự kiến tháng 8/2021 sẽ triển khai một tàu chiến tới châu Á, trên hành trình trở về, tàu sẽ đi qua Biển Đông, nhằm thể hiện sự ủng hộ với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở rộng và tự do (lần đầu tiên trong vòng hai thập kỷ, Đức điều một tàu chiến đi qua khu vực này).
Hành động can dự ngày càng sâu hơn vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU là điều tất yếu, bởi sức nóng của khu vực này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia quốc tế, việc EU thông qua chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể tạo ra một cấu trúc khu vực đa phương, cởi mở, bao trùm, nhưng cũng có thể làm gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ảnh hưởng tới lợi ích lâu dài của các nước trong khu vực và kết quả “cuộc đua” xác lập trật tự trên Biển Đông như thế nào trong tương lai đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
LÂM PHƯƠNG – PHẠM TOANH
EU,Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ