Thứ Bảy, 23/11/2024, 04:11 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Sau chiến dịch “Cành ô-liu”, gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tiến hành chiến dịch quân sự “Mùa xuân hòa bình” tiến công vào miền Bắc Xy-ri. Vậy, vì sao An-ka-ra lại quyết định tiến công quân sự nhằm vào khu vực này và hệ lụy của nó ra sao, đang là vấn đề được dư luận quan tâm.
Ngày 09-10-2019, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phối hợp với quân đội quốc gia Xy-ri tự xưng, tiến hành chiến dịch quân sự “Mùa xuân hòa bình” với quy mô lớn, bao gồm cả không quân, pháo binh, tên lửa và lực lượng “đặc nhiệm” nhằm vào các khu vực do lực lượng người Kurd kiểm soát ở miền Bắc Xy-ri. Với ưu thế tuyệt đối về khả năng tác chiến, nhất là hệ thống vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại, nên chỉ trong thời gian ngắn, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tay súng người Kurd, đánh chiếm nhiều thành phố chiến lược và nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch ở miền Bắc Xy-ri. Sau hơn một tuần giao tranh quyết liệt, ngày 17-10-2019, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong vòng 120 giờ để lực lượng người Kurd rút khỏi “vùng đệm an toàn” mà An-ka-ra dựng lên tại Xy-ri. Trong thỏa thuận này, Mỹ không những không áp đặt thêm điều khoản gì, mà còn rút lại tất cả đòn trừng phạt kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng với thỏa thuận ngừng bắn với Mỹ, ngày 23-10-2019, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đạt được “Thỏa thuận về Xy-ri” với Nga; do vậy, nước này đã tuyên bố “không cần thiết” khởi động lại chiến dịch quân sự “Mùa xuân hòa bình”. Tuy nhiên, An-ka-ra cũng khẳng định, sẵn sàng nối lại các hành động quân sự nếu Mỹ không thúc giục các nhóm vũ trang người Kurd rút hết quân ra khỏi “vùng đệm an toàn”. Theo các nguồn tin nước ngoài, sau khi tuyên bố “ngừng chiến”, Mỹ đã thông báo với Thổ Nhĩ Kỳ rằng các tay súng người Kurd đã hoàn tất việc rút quân khỏi khu vực biên giới; các đơn vị cảnh vệ của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu các hoạt động tuần tra chung tại “vùng đệm an toàn” mà hai bên đã thỏa thuận. Mặc dù vậy, ngày 08-11-2019, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố quân đội nước này sẽ không rời khỏi Xy-ri trước khi lực lượng người Kurd rút toàn bộ khỏi khu vực biên giới.
Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ tiến công vào miền Bắc Xy-ri?
Trong lịch sử và hiện tại, người Kurd cũng như các tộc người khác sinh sống ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng tập trung chủ yếu ở khu vực vùng núi trải dài từ Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ qua Tây I-ran, Bắc Xy-ri và Bắc I-rắc. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, người Kurd chiếm khoảng 20% dân số và thành lập Đảng Công nhân người Kurd - đảng có tầm ảnh hưởng quan trọng trong việc thành lập, lãnh đạo các đơn vị bảo vệ cộng đồng người Kurd ở Xy-ri. Năm 1984, xung đột giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm vũ trang thuộc Đảng Công nhân người Kurd lãnh đạo đã nổ ra ở nhiều nơi trên cả nước do Đảng Công nhân người Kurd đòi “độc lập”. Năm 2013, chính quyền An-ka-ra và Đảng Công nhân người Kurd đạt được thỏa thuận hòa bình, tuy nhiên lại bị đổ vỡ sau đó 2 năm do An-ka-ra tố cáo Đảng Công nhân người Kurd “bội ước”. Hơn ba thập niên qua, các cuộc xung đột giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và nhóm vũ trang Đảng Công nhân người Kurd đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn dân thường cũng như lực lượng vũ trang của cả hai phía; đồng thời, trở thành “điểm nóng”, gây nhức nhối cho chính quyền và người dân nước này.
Tại Xy-ri, người Kurd đã thành lập nhiều tổ chức chính trị, trong đó, Đảng Liên minh Dân chủ được coi là đảng lớn nhất. Năm 2011, lợi dụng xung đột bùng phát, các nhóm vũ trang của Đảng Liên minh Dân chủ với danh nghĩa chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng và được sự cố vấn, hỗ trợ về tài chính, quân sự của Mỹ đã chiếm được một vùng rộng lớn ở khu vực miền Bắc Xy-ri. Tại đây, Đảng Liên minh Dân chủ thành lập chính quyền tự trị và lực lượng vũ trang riêng. Một số chuyên gia quân sự cho rằng, mục tiêu của Đảng này là liên kết các nhóm người Kurd trên cả nước, thành lập “quốc gia độc lập”, dựa trên học thuyết gọi là “Chủ nghĩa liên minh dân chủ” của nhà sáng lập, nhà lãnh đạo Đảng Công nhân người Kurd, Áp-đun-la Ô-ca-lan (Abdullah Ocalan) - người đã bị Thổ Nhĩ Kỳ giam cầm từ năm 1999.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần công khai phản đối sự tồn tại một “quốc gia độc lập người Kurd” ở miền Bắc Xy-ri, bởi theo họ, đây sẽ là nhân tố “cổ súy” cho các chiến binh của Đảng Công nhân người Kurd ở trong nước liên kết với các lực lượng người Kurd ở Xy-ri để thực hiện mục tiêu ly khai, thành lập nhà nước độc lập. Giới hoạch định chính sách của An-ka-ra cũng cho rằng, “quốc gia độc lập người Kurd” ở miền Bắc Xy-ri có thể hình thành một “hành lang khủng bố” trực tiếp đe dọa đến an ninh dọc khu vực biên giới phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Éc-đô-gan (Erdogan) khẳng định rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ “không bao giờ cho phép thành lập một nhà nước người Kurd ở miền Bắc Xy-ri”. Một thực tế khác cũng tác động không nhỏ đến an ninh, chính trị, kinh tế - xã hội, buộc chính quyền An-ka-ra đang phải “vật lộn” để đối phó là vấn đề di cư - khi trong nước có hơn 03 triệu người Xy-ri gốc A-rập.
Theo giới phân tích quốc tế, để tìm lời giải cho “bài toán hóc búa” này, chủ trương chiến lược của An-ka-ra là phải thành lập được cái mà họ gọi là “vùng đệm an toàn” ở miền Bắc Xy-ri bằng mọi giá, bất chấp sự phẫn nộ và các biện pháp trừng phạt quốc tế, kể cả phải đối đầu với Mỹ. Các nhà hoạch định chiến lược của An-ka-ra chỉ ra rằng, “vùng đệm an toàn” ở miền Bắc Xy-ri là yêu cầu chiến lược, cấp bách đối với an ninh, ổn định của Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm đạt mục tiêu kép là ngăn chặn người Kurd thành lập nhà nước riêng ở miền Bắc Xy-ri, đồng thời bảo vệ an ninh, an toàn khu vực biên giới phía Nam. Ngoài ra, đây còn là địa điểm lý tưởng để An-ka-ra di chuyển hàng triệu người Xy-ri gốc A-rập di cư về cư trú, sinh sống. Thực tế, để hiện thực hóa mục tiêu này, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành ba chiến dịch quân sự: “Sa Ơ-phơ-rát” (Shah Euphrates) năm 2016; “Cành Ô-liu” năm 2018 và gần đây nhất là chiến dịch “Mùa xuân hòa bình”. Chuyên gia quân sự nhiều nước cho rằng, trong ba chiến dịch trên, điểm khác biệt lớn nhất tạo nên thành công của chiến dịch “Mùa xuân hòa bình” là nó được tiến hành vào thời điểm “ngàn năm có một”, rất thuận lợi cho An-ka-ra - thời điểm chỉ ít ngày sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố rút lực lượng quân sự sau 5 năm hiện diện tại miền Bắc Xy-ri. Nếu hai chiến dịch trước đó chưa đạt được mục tiêu mà Thổ Nhĩ Kỳ đã buộc phải ngừng chiến trước sức ép cộng đồng quốc tế, nhất là của Mỹ, thì chiến dịch “Mùa xuân hòa bình” đã nhanh chóng đạt mục tiêu chiến lược: thiết lập được “vùng đệm an toàn” có chiều dài khoảng 440 km, chiều sâu hơn 30 km ở miền Bắc Xy-ri, đúng ý định giới cầm quyền đặt ra.
Hệ lụy từ chiến dịch “Mùa xuân hòa bình”
Mặc dù giành được thắng lợi “như mong đợi”, nhưng chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải “trả giá đắt” cho hành động tiến công người Kurd ở miền Bắc Xy-ri, đó là: thiệt hại về binh lính, cuộc chiến dai dẳng có thể còn diễn ra và gieo rắc thêm hận thù cho người Kurd ở hai bên biên giới của Xy-ri và Thổ Nhĩ Kỳ, v.v. Ngay sau khi An-ka-ra tiến hành Chiến dịch, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp khẩn, bày tỏ sự quan ngại sâu sắc và yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ dừng ngay các hành động quân sự tại miền Bắc Xy-ri. Nhiều quốc gia trên thế giới tỏ rõ lập trường phản đối chiến dịch “Mùa xuân hòa bình” - hành động quân sự mà Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định rằng là để “chống khủng bố” và “phòng vệ từ xa”, nhưng thực chất nhằm che đậy cho hành động xâm phạm thô bạo độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Xy-ri. Tổng thống Xy-ri An Át-xát (Ba-sha Al-Assad) lên án Chiến dịch đó là hành động “xâm lược”, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc; đồng thời, yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt ngay các hành động quân sự tại Xy-ri và rút hết quân về nước. Cuộc tiến công cũng đã đẩy quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và các nước NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) “xấu đi”. Tổng thống Mỹ coi chiến dịch “Mùa xuân hòa bình” là một “ý tưởng tồi tệ” và ông Đô-nan Trăm cũng cảnh báo, nếu An-ka-ra vượt quá “giới hạn đỏ”, Mỹ sẽ “hủy diệt” nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ. Các nước: Anh, Pháp, Đức và nhiều nước NATO tuyên bố không ủng hộ chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và coi đây là hành động “đáng tiếc” và “không thể chấp nhận được”, gây tác động xấu đến cuộc chiến chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng của phương Tây. Đồng thời, chính phủ các nước này cũng tuyên bố cắt đứt việc xuất khẩu vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ. Liên đoàn các quốc gia Ả-rập cũng lên án chiến dịch quân sự “Mùa xuân hòa bình” và coi đây là biểu hiện của chủ nghĩa cường quyền, nước lớn, bất chấp đạo lý, luật pháp quốc tế. Hành động của Thổ Nhĩ Kỳ làm cho tình hình ở Xy-ri nói riêng, khu vực Trung Đông nói chung trở nên phức tạp hơn. Theo thống kê của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, chiến dịch “Mùa xuân hòa bình” gây “thảm cảnh nhân đạo” đau lòng cho Xy-ri, đã có hàng nghìn dân thường chết và bị thương, hàng trăm nghìn gia đình rơi vào cảnh ly tán, mất nhà cửa. Các tổ chức nhân đạo quốc tế đang xúc tiến biện pháp “khẩn cấp” để cứu trợ, giúp đỡ những nạn nhân của cuộc tiến công này. Nhiều quốc gia A-rập cũng cảnh báo, chiến dịch “Mùa xuân hòa bình” làm cho mâu thuẫn giữa người Kurd và người Thổ Nhĩ Kỳ càng sâu sắc. Nhiều nhóm vũ trang của Đảng Công nhân người Kurd gia tăng các hoạt động “thánh chiến” tại Thổ Nhĩ Kỳ - hành động được cho là trả đũa cuộc tiến công của An-ka-ra chống lại người Kurd ở miền Bắc Xy-ri. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, xung đột giữa người Kurd và người Thổ Nhĩ Kỳ đã bùng phát mạnh. Chính phủ các nước này cảnh báo rằng, chiến dịch “Mùa xuân hòa bình” đang là nguy cơ gia tăng xung đột giữa các nhóm vũ trang thân Thổ Nhĩ Kỳ và các tay súng thuộc Đảng Liên minh Dân chủ. Để đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ, Lực lượng Dân chủ Xy-ri (vốn chống chính phủ) đã phải liên minh với chính quyền của Tổng thống Xy-ri An Át-sát. Chính quyền Đa-mát cũng đã quyết định điều động hai binh đoàn đến miền Bắc Xy-ri, làm dấy lên lo ngại bùng phát xung đột giữa quân đội Xy-ri và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực giáp biên giới, gây nguy hiểm cho an ninh, ổn định ở khu vực.
Tình hình ở Xy-ri vốn đã rất phức tạp, nhiều nhóm lợi ích, xung đột, mâu thuẫn đan xen, nhất là khi Nhà Trắng quyết định tái triển khai quân đội tại Xy-ri với mục đích bảo vệ các cơ sở khai thác dầu khiến cho “bàn cờ” chính trị Trung Đông ngày càng khó đoán định hơn. Nhiều chuyên gia quân sự thế giới cho rằng, các bên liên quan tại Xy-ri cần nhận thức sâu sắc tình hình, hành động trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Xy-ri; bình tĩnh, đàm phán hòa bình để tìm ra giải pháp phù hợp nhất, đáp ứng lợi ích của các bên cũng như lợi ích chính đáng của người dân Xy-ri; kiên quyết không được đe dọa sử dụng, hoặc sử dụng vũ lực để đạt những mục tiêu của riêng mình. Chỉ có vậy, mới chấm dứt được cuộc xung đột đau thương đã kéo dài hàng thập niên qua và lập lại hòa bình, ổn định để Xy-ri phát triển.
ĐỨC MINH - TRẦN HỮU TRUNG
Chiến dịch quân sự,Mùa xuân hòa bình,nguyên nhân,hệ lụy
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ