Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 13/12/2012, 14:43 (GMT+7)
Chi phí quân sự toàn cầu gia tăng - đặc điểm và tác động của nó đến an ninh khu vực và thế giới

Trong thế giới hiện nay, hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế chủ đạo, chi phối các quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, trái với xu thế đó, chi phí quân sự toàn cầu lại không ngừng gia tăng. Điều đó tác động trực tiếp đến môi trường an ninh, ổn định của các khu vực và thế giới.

alt
Phương tiện chiến tranh của  Mỹ. (Ảnh tư liệu)
 

Từ năm 2008, thế giới lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính trầm trọng, làm cho hầu hết các quốc gia điêu đứng, chao đảo. Song, bất chấp điều đó, chi phí quân sự (CPQS) lại không ngừng gia tăng. Theo Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Xtốc-khôm (SIPRI), CPQS trên thế giới từ năm 2002 đến năm 2010 đã tăng 40%, tức là từ 1.150 tỷ USD lên 1.630 tỷ USD. Năm 2011, CPQS toàn cầu là 1.740 tỷ USD, chiếm trên 3,5% GDP toàn thế giới, cao hơn cả mức cao nhất của thời kỳ “chiến tranh lạnh”. Trong đó, Mỹ vẫn là nước đứng đầu (chiếm hơn 40% CPQS toàn cầu), tiếp đến là Trung Quốc (8%), Nga (4%), Anh, Pháp. Các chuyên gia quân sự cho rằng, CPQS toàn cầu liên tục giữ ở mức tăng cao như hiện nay phản ánh tình trạng thế giới đang trong cơn “chuyển mình” từ cấu trúc an ninh truyền thống (dựa trên sự cân bằng về chiến lược giữa hai cực đối đầu Mỹ - Xô trong thời kỳ “chiến tranh lạnh”) để hình thành cấu trúc an ninh mới thời kỳ “hậu chiến tranh lạnh”; nổi lên một số đặc điểm sau:

1- Đầu tư lớn để phát triển vũ khí, trang bị kỹ thuật (VK,TBKT) có trình độ công nghệ cao, nhằm giành ưu thế trong cuộc chạy đua vũ trang. Thực hiện mục tiêu chiến lược là xây dựng một quân đội hùng mạnh hàng đầu thế giới, không có đối thủ, phục vụ mưu đồ bá chủ toàn cầu trong thế kỷ XXI, Mỹ dành một phần lớn trong khoản ngân sách quốc phòng (NSQP) khổng lồ để đầu tư nghiên cứu, chế tạo các loại VK,TBKT có trình độ công nghệ cao đứng hàng đầu thế giới, nhất là các loại máy bay, tên lửa chiến lược, vệ tinh, tàu chiến đấu, hệ thống chỉ huy, kiểm soát, truyền thông, máy tính (C3I), các rô-bốt chiến trường có trình độ tự động hóa, trí năng hóa cao. Thời gian qua, lấy cớ để bảo vệ nước Mỹ và các nước đồng minh, đối phó với các cuộc tiến công bằng tên lửa từ các nước thù địch, Mỹ ráo riết triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược (NMD) ở châu Âu và châu Á. Việc đó làm cho các nước ở khu vực Âu, Á lo ngại, buộc phải tăng đầu tư ngân sách cho nghiên cứu phát triển các loại VK,TBKT hiện đại để có thể đối phó với NMD của Mỹ. Nga đã cực lực phản đối, cho rằng: việc Mỹ triển khai NMD ở châu Âu, châu Á thực chất là nhằm khống chế, kiểm soát hai khu vực có tầm quan trọng chiến lược trong chiến lược toàn cầu của Mỹ; rằng, với các địa điểm bố trí vây quanh Nga và với trình độ công nghệ tên lửa ngày càng hiện đại, NMD của Mỹ là mối đe dọa trực tiếp đến an ninh của Nga. Mát-xcơ-va cũng đã thông qua khoản ngân sách 650 tỷ USD trong mấy năm tới dành cho việc nghiên cứu, chế tạo VK,TBKT thế hệ mới, như: máy bay ném bom Tu-160M, tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Bo-rây, tên lửa Bu-la-ga, Topol-M,… mà Nga tuyên bố là đủ khả năng xuyên thủng bất cứ hệ thống lá chắn tên lửa nào hiện nay. Một số nước châu Âu, châu Á cũng đang buộc phải tăng cường đầu tư mua sắm, trang bị các loại tên lửa chiến lược để đối phó với NMD của Mỹ. Chuyên gia quân sự nhiều nước cho rằng, NMD của Mỹ là “tác nhân” chính đẩy cuộc chạy đua vũ trang trên thế giới lên những tầng mức nguy hại hơn.

Việc chạy đua giành ưu thế trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân (VKHN) cũng diễn ra hết sức quyết liệt. Mọi người đều biết, Hiệp ước cấm phổ biến VKHN (NPT) đã có hiệu lực từ năm 1968 và được đa số các quốc gia trên thế giới tham gia ký kết. Năm 2010, Nga, Mỹ - hai cường quốc hạt nhân - đã ký Hiệp ước cắt giảm VKHN mới (START-2) và đang cắt giảm để tới năm 2018, mỗi nước chỉ còn duy trì số đầu đạn hạt nhân là 1.550 theo quy định. Tuy nhiên, theo chuyên gia quân sự nhiều nước, số đầu đạn hạt nhân được cắt giảm chủ yếu là loại đã hết hạn sử dụng, số còn lại vẫn được lưu giữ trong kho, có thể được đưa ra sử dụng bất cứ lúc nào. Mặt khác, START-2 cũng không đề cập đến việc cắt giảm VKHN của các nước trong “câu lạc bộ hạt nhân”, nên kho VKHN trên thế giới còn rất lớn (khoảng 19.000 đơn vị). Ngoài Mỹ, Nga, hiện Anh có khoảng 220, Pháp khoảng 300, Trung Quốc khoảng 240, Ấn Độ khoảng 100, Pa-ki-xtan khoảng 100. Các nước này cũng đang hiện đại hóa kho VKHN của mình. Ngoài ra, nhiều nước cũng đang có tham vọng phát triển VKHN để trang bị cho quân đội, coi đây là giải pháp hữu hiệu để tạo khả năng răn đe chiến lược trong phòng thủ quốc gia. Điều đó khiến cho NPT chỉ tồn tại trên danh nghĩa, không thực sự có hiệu lực trên thực tế; nguy cơ phổ biến VKHN trên thế giới vẫn còn rất cao và nguy hiểm.

2- Ngành công nghiệp xuất khẩu vũ khí trở thành ngành được coi trọng, đem lại những khoản lợi nhuận khổng lồ. Trung tâm phân tích thương mại vũ khí thế giới (SAMTO) cho biết, hiện có gần 60 quốc gia, nhất là các nước có ngành công nghiệp quân sự tiên tiến coi trọng việc ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ (KH-CN) mới để phát triển VK,TBKT công nghệ cao nhằm trang bị cho quân đội và để xuất khẩu. Các nước xuất khẩu vũ khí không chỉ chú trọng xuất khẩu VK,TBKT, mà còn có nhiều chính sách ưu đãi, như: chuyển giao công nghệ, bán quyền sở hữu trí tuệ, trợ giúp đào tạo, hướng dẫn sử dụng. Điều đó khiến cho thị trường vũ khí của thế giới càng sôi động, việc cạnh tranh diễn ra càng quyết liệt. Theo SAMTO, năm 2010, doanh thu từ bán vũ khí của 100 nhà thầu quân sự lớn nhất thế giới là trên 410 tỷ USD; trong đó, 10 công ty dẫn đầu (có 7 công ty của Mỹ) thu được tổng cộng trên 230 tỷ USD. Hiện Mỹ vẫn là nước dẫn đầu chiếm trên 36% kim ngạch xuất khẩu vũ khí toàn cầu, Nga ở vị trí thứ 2 chiếm trên 20%, Pháp ở vị trí thứ 3 chiếm trên 8%, Đức ở vị trí thứ 4 chiếm trên 6%... Điều đáng lo ngại là, để xuất khẩu được nhiều vũ khí, tăng lợi nhuận, nhiều nước phương Tây còn tìm cách kích động xung đột hoặc mượn danh chống khủng bố, bảo vệ dân chủ, nhân quyền, nhân đạo để phát động chiến tranh ở nhiều nước, nhiều khu vực. Trong các cuộc chiến tranh vừa qua, như chiến tranh Vịnh Pec-xích (năm 1991), chiến tranh Nam Tư (năm 1999), chiến tranh I-rắc (năm 2003), mới đây là chiến tranh Li-bi, một trong những mục tiêu của Mỹ và các nước NATO là để phô diễn sức mạnh quân sự, đồng thời để thử nghiệm, quảng bá các loại VK,TBKT mới là những minh chứng cụ thể.

3- Ở những khu vực có xung đột hoặc có nguy cơ xảy ra xung đột, tỷ lệ các nước tăng CPQS cao hơn hẳn so với mức tăng chung của thế giới. Theo thống kê của SIPRI, châu Á, Trung Đông, châu Phi, châu Đại Dương là những khu vực có mức CPQS tăng cao hiện nay. Năm 2011, CPQS tại khu vực châu Á và châu Đại Dương tăng 2,4% so với năm 2010; trong đó, Trung Quốc có mức tăng nhanh nhất, đạt 6,7% đến 8,2%; Ấn Độ cũng thông báo năm tài khóa 2012 - 2013, CPQS sẽ tăng 17%, Nhật Bản tăng từ 40 lên hơn 58 tỷ USD, Hàn Quốc tăng từ 17 lên 29 tỷ USD. Từ năm 2002 đến năm 2011, CPQS ở khu vực Đông Nam Á tăng 42%. Năm 2011, Xin-ga-po là nước chi nhiều nhất, đạt 9,66 tỷ USD, Thái Lan là 5,52 tỷ USD, In-đô-nê-xi-a là 5,2 tỷ USD, Ma-lai-xi-a là 4,54 tỷ USD, Phi-líp-pin dự chi tăng tới 1,8 tỷ USD. Số lượng vũ khí nhập khẩu ở khu vực châu Á cũng đạt mức tăng 44%; trong đó, Ấn Độ tăng thêm 10%, là nước nhập vũ khí lớn nhất hiện nay, tiếp đến là Hàn Quốc với 6%, Trung Quốc và Pa-ki-xtan đều tăng 5% và Xin-ga-po là 4%. Điều đáng lưu ý là vũ khí nhập khẩu của đa số các nước châu Á tập trung vào các mặt hàng phục vụ cho tác chiến phòng thủ không - biển, như máy bay, tàu ngầm, tên lửa đối hạm. Do lo ngại chiến tranh và để tăng cường khả năng phòng thủ, các quốc gia Trung Đông, châu Phi cũng gia tăng chi tiêu quân sự khoảng 4,6%/năm; nhập khẩu vũ khí tăng 17%, trong đó A-rập Xê-út, Các tiểu vương quốc A-rập, An-giê-ri, Li-bi, I-ran,… là những nước có mức tăng cao. Một số nước nghèo, như Ê-ri-trê-a cũng chi cho quốc phòng hơn 20% GDP.

 Việc CPQS toàn cầu tăng với tốc độ chóng mặt như hiện nay đang tạo ra một nghịch lý hết sức nguy hại đối với an ninh và sự phát triển của thế giới. Theo SIPRI, hằng năm, chỉ tính riêng số đạn dược thông thường được sản xuất cũng lớn gấp hai lần dân số thế giới. Mặt khác, so với vũ khí truyền thống, vũ khí công nghệ cao hiện nay có tính năng kỹ thuật, chiến thuật vượt trội, nhất là độ chính xác cao, sức phá hủy lớn. Do vậy, trong chiến tranh hiện đại, bên tiến công có thể ít bị thương vong, nhưng bên bị tiến công sẽ bị tàn phá rất lớn. Ví như, cuộc chiến tranh Nam Tư (năm 1999) chỉ kéo dài hơn 70 ngày, quân đội Mỹ và NATO đã tàn phá hầu hết các thành phố lớn của nước này, khiến nền kinh tế của Nam Tư bị đẩy lùi tới 20 năm. Chạy đua vũ trang cũng là nguyên nhân gây ra nhiều xung đột quân sự, chiến tranh ở nhiều khu vực. Một thống kê cho thấy, trong mấy thập kỷ gần đây, mỗi năm, thế giới có khoảng 40 cuộc xung đột quân sự, chiến tranh; 10 năm qua, các điểm “nóng” ở Trung Á, Trung Đông, châu Phi chưa lúc nào ngớt tiếng súng; nhiều khu vực khác cũng đang đứng bên bờ vực của chiến tranh. Mỗi năm, các cuộc xung đột, chiến tranh trên thế giới làm hàng trăm ngàn người thiệt mạng, hàng trăm ngàn người khác bị mất nhà cửa và gây ra nhiều thảm họa nhân đạo khác rất nghiêm trọng. Điều đáng nói là, trong khi nhiều nước chi phí rất lớn cho quân sự, chiến tranh (Mỹ đã phải chi cho chiến tranh I-rắc hơn 800 tỷ USD, chiến tranh Áp-ga-ni-xtan hơn 550 tỷ USD) thì trên thế giới vẫn còn hàng tỷ người đang phải sống trong nghèo, đói; khủng hoảng kinh tế thế giới cũng đang đe dọa mạng sống của hàng chục triệu người ở các nước đang phát triển và kém phát triển mỗi năm. Ngân hàng thế giới (WB) khuyến cáo, chỉ cần trích khoảng 5% CPQS toàn cầu thì số tiền này cũng đủ để hỗ trợ cho các nước nghèo đạt được các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Nghèo đói, bất công vốn là nguyên nhân sâu xa của khủng bố, xung đột, chiến tranh. Ngược lại, xung đột, chiến tranh lại khắc sâu hận thù, gây xung đột, chiến tranh, làm đói nghèo tăng cao. Đây là một vòng luẩn quẩn của thế giới đương đại. Đã đến lúc cộng đồng quốc tế phải nhận thức sâu sắc những tác hại từ việc một số nước gia tăng CPQS vì những mục tiêu cường quyền, bá quyền khu vực và toàn cầu; từ đó tăng cường đoàn kết trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cường quyền, bá quyền, ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, chống đói nghèo, bất công, xây dựng thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển phồn vinh.

 

ĐỒNG ĐỨC

 

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...