Thứ Bảy, 23/11/2024, 12:25 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Năm 2019, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tiến hành cuộc bầu cử có ý nghĩa quyết định tương lai của châu lục này trong bối cảnh nền chính trị khu vực và thế giới đang trải qua những biến động lớn, phức tạp và ẩn chứa nhiều yếu tố khó đoán định. Đó là cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) và bầu chọn các vị trí chủ chốt, như: Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của EU, v.v. Trước khi diễn ra cuộc bầu cử EP, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Giên-Clao-đơ Giun-cơ từng nhận định, EU hiện đang ở trong vòng xoáy của những thách thức chưa từng có, xét cả về tính chất phức tạp cũng như mức độ nghiêm trọng trước những biến động chính trị làm rung chuyển châu Âu trong những năm gần đây.
Thách thức từ sự phân hóa trong nội bộ EP nhiệm kỳ 2019 - 2024. Kết quả cuộc bầu cử EP (ngày 26-5-2019) chứng tỏ có sự phân hóa nội bộ trong bối cảnh EU đang rất cần sự đoàn kết hơn bao giờ hết. Tuy các đảng ủng hộ EU vẫn giữ được vị thế trong toàn bộ các nước thành viên, nhưng đã để mất khá nhiều phiếu, trong khi các đảng theo đường lối cực hữu, dân túy và bảo vệ môi trường giành được kết quả quan trọng. Thí dụ, ở Pháp, đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) giành được 23,4% số phiếu ủng hộ, vượt qua liên minh của đảng cầm quyền Nền cộng hòa tiến bước (LREM) chỉ giành được 22,4%. Đây là nỗi thất vọng lớn của đảng LREM và Tổng thống Pháp E. Ma-crông. Ở Đức, khối Liên minh dân chủ cơ đốc giáo với Liên minh xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) để mất hơn 7% số phiếu. Tại Hy Lạp, đảng Xy-ri-da cầm quyền phải đứng thứ 2 sau đảng Dân chủ mới của phe bảo thủ đối lập. Kết quả này cảnh báo về xu hướng cực hữu và dân túy đang nổi lên ở châu Âu. Khối Đảng Nhân dân châu Âu (EEP) và Liên minh tiến bộ xã hội và dân chủ (S&D) là hai đảng chính trị đại diện cho quyền lực truyền thống từng duy trì trong suốt 40 năm qua ở châu lục này đã không còn giữ được vị thế độc tôn, chỉ giành được 329 ghế và để mất 75 ghế, trong khi họ cần phải tập hợp được tối thiểu 376 ghế trong EP. Như vậy, lần đầu tiên kể từ năm 1979, EEP và S&D không thể hình thành một khối gồm đảng trung tả và trung hữu để dẫn dắt châu Âu, nên họ buộc phải liên minh với các đảng khác, đồng nghĩa với việc sẽ có thêm các đảng tham gia quá trình hoạch định chính sách trong nhiệm kỳ 2019 - 2024. Điều đó có nghĩa là, quá trình ra các quyết định lập pháp trong EP sẽ trở nên khó khăn hơn.
Thách thức từ tương lai bất định của Brexit. Vấn đề Brexit (Vương quốc Anh rời khỏi EU) theo hạn chót vào ngày 31-10-2019 đã từng gây chia rẽ sâu sắc nội bộ chính trường Luân Đôn, khiến Thủ tướng Tê-rê-xa Mây phải từ chức. Đây cũng là thách thức không nhỏ đối với EU, có thể gây ra trạng thái hỗn loạn trong quan hệ Anh - EU. Ngày 30-7-2019, trong cuộc điện đàm đầu tiên với người đồng cấp Ai-len sau khi nhậm chức, Thủ tướng Bô-rít Giôn-xơn khẳng định, bất luận thế nào thì Anh cũng sẽ rời EU đúng vào ngày 31-10-2019 với một điều kiện phải hủy bỏ “điều khoản rào chắn” trong bất kỳ thỏa thuận Brexit nào. Điều khoản này cho phép duy trì đường biên giới mở với Ai-len và đây là nội dung gây tranh cãi nhiều nhất và cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến mọi sự điều chỉnh nội dung thỏa thuận Brexit do Thủ tướng Tê-rê-xa Mây đề xuất 03 lần đều bị bác bỏ tại Quốc hội Anh. Trong khi đó, EU kiên quyết lập trường cho rằng “điều khoản rào chắn” là không thể thiếu để tránh một đường biên giới “cứng” giữa Cộng hòa Ai-len thuộc EU và vùng lãnh thổ Bắc Ai-len thuộc Anh.
Thách thức từ sự chênh lệch tốc độ phát triển giữa các nước thành viên EU. Trong bối cảnh Anh rời khỏi EU đang gây nhiều tranh cãi và rối ren ở châu Âu chưa được hóa giải thì chủ trương phát triển các quốc gia thành viên của liên minh này theo nhiều tốc độ để đối phó với tình trạng trì trệ hiện nay cũng như các hệ lụy từ Brexit đã từng được một số quốc gia đầu tàu trong EU như Đức và Pháp đi đầu ủng hộ, cũng đang làm nóng chính trường châu lục này. Thậm chí, Thủ tướng A. Méc-ken từng nhận định, châu Âu phát triển theo nhiều tốc độ là điều cần thiết, nếu không EU sẽ tan rã. Tuy nhiên, chủ trương phát triển châu Âu nhiều tốc độ đã bị các nước Đông Âu mới gia nhập EU phản đối vì họ lo ngại sẽ bị đẩy lại phía cuối “con tàu EU”. Ba Lan và một số nước thành viên EU ở Đông Âu như Cộng hòa Séc hiện chưa gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bày tỏ quan ngại rằng 19 quốc gia thuộc Eurozone có thể hội nhập nhanh chóng và bỏ các thành viên khác ở lại phía sau.
Thách thức từ cuộc khủng hoảng người nhập cư. Khi mới bắt đầu diễn ra cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, một số nước Bắc Âu và Tây Âu, như: Áo, Bỉ, Hà Lan và Thụy Điển đã từng ủng hộ chính sách mở cửa đón người tị nạn của Thủ tướng A. Méc-ken. Trong khi đó, các nước Tây Âu khác như Pháp và Anh phản ứng thận trọng hơn và mở cửa ít hơn cho người tị nạn, còn các quốc gia Trung Âu lựa chọn chính sách hạn chế người nhập cư. Hiện nay, trước tình trạng dòng người tị nạn nhập cư gây ra nhiều hệ lụy, đòi hỏi tất cả thành viên châu Âu cần phải nhìn nhận lại vấn đề.
Để thoát khỏi vấn nạn này, EU đã thông qua chương trình phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn nhằm hỗ trợ những nước “đầu sóng ngọn gió” như I-ta-li-a và Hy Lạp. Tuy nhiên, chủ trương này đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ một số nước thành viên Đông Âu và Trung Âu. Lúc này, cuộc khủng hoảng người nhập cư đã trở thành vấn nạn gây bất đồng gay gắt trong nội bộ EU. Tuy hiện nay đã bớt căng thẳng nhưng hậu quả của nó vẫn tiếp tục tác động đến tình hình chính trị, kinh tế - xã hội và gây chia rẽ giữa các nước thành viên cũng như nội bộ từng nước thành viên EU.
Thách thức từ mâu thuẫn giữa chủ trương xây dựng Quân đội châu Âu với Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ở châu Âu tồn tại hai liên minh được xây dựng theo đề án chiến lược của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) sau Chiến tranh thế giới lần thứ II và được sử dụng như những công cụ của Mỹ trong cuộc đối đầu với hệ thống xã hội chủ nghĩa ở châu Âu. Sau Chiến tranh lạnh, Hiệp ước phòng thủ Vác-xa-va đã bị giải thể và nước Nga đã “hội nhập” vào Phương Tây, lẽ ra NATO đã phải giải thể, nhưng liên minh này không những tiếp tục tồn tại mà còn không ngừng mở rộng, bởi NATO là công cụ để Mỹ tiếp tục thực hiện mục tiêu chiến lược toàn cầu. Việc ông Đô-nan Trăm kiên quyết yêu cầu các nước thành viên NATO hoàn thành nghĩa vụ đóng góp 2% GDP cho ngân sách của liên minh này, thực chất là buộc các quốc gia này dùng số tiền đó để mua vũ khí của Mỹ. Đến nay, 27 nước thành viên NATO vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính năm 2018. Trong khi đó, các vụ khủng bố liên tiếp xảy ra ở nhiều nước thành viên châu Âu nhưng NATO vẫn án binh bất động. Vì thế, Tổng thống Pháp E. Ma-crông là người đi đầu đề xuất chủ trương xây dựng Quân đội châu Âu tồn tại song song với NATO với lập luận châu lục này sẽ không thể tự bảo vệ mình nếu không có một lực lượng quân đội độc lập với NATO. Ở mức độ nhất định, Quân đội châu Âu sẽ làm suy yếu NATO bởi nó sẽ làm phân tán ngân sách quốc phòng và nhân lực của liên minh. Do đó, giải quyết mâu thuẫn giữa chủ trương xây dựng Quân đội châu Âu tồn tại song song với NATO là thách thức đối với EP trong nhiệm kỳ 2019 - 2024.
Thách thức từ việc xử lý các mối quan hệ với Mỹ, Trung Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Với Mỹ, các nước châu Âu không chỉ phải đối phó với yêu cầu của Tổng thống Đô-nan Trăm là đóng góp 2% GDP hoặc nhiều hơn nữa cho ngân sách quốc phòng của NATO, mà còn phải hóa giải cuộc chiến tranh thương mại của Oa-sinh-tơn nhằm vào EU. Ngoài ra, châu Âu còn phải hóa giải thách thức từ quyết định của Tổng thống Đô-nan Trăm rút khỏi Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với I-ran và Thỏa thuận khí hậu Pa-ri. Đồng thời, EU còn phải hóa giải sức ép từ Mỹ buộc họ từ bỏ dự án hợp tác với Nga xây dựng đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy Phương Bắc - 2”. Đặc biệt, các nước châu Âu chưa tìm ra cách hóa giải hậu quả rất nghiêm trọng từ quyết định của Mỹ chấm dứt Hiệp ước hủy tên lửa tầm trung và tầm ngắn đã ký với Liên Xô/Nga, từ ngày 02-8-2019. Với Nga, các nước châu Âu phải hóa giải bài toán cấm vận đối với Mát-xcơ-va, bởi đây là con dao hai lưỡi không chỉ gây thiệt hại đối với Nga mà còn thiệt hại với chính mình. Trên thực tế, các nước châu Âu đã rơi vào “bẫy cấm vận Nga” do Mỹ giương sẵn như một mũi tên nhằm hai đích, vừa chống phá Nga vừa hạn chế sự phát triển của EU. Với Trung Quốc, các nước châu Âu vừa phải hợp tác, vừa tránh hậu quả từ “cuộc xâm lược kinh tế” thông qua dự án chiến lược “Vành đai và Con đường” và chương trình “Made in China 2025”. Với Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia thành viên NATO đang đàm phán để gia nhập EU, các nước châu Âu đang đứng trước thách thức khó hóa giải, khi Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua tên lửa S-400 hiện đại nhất của Nga và gia tăng hoạt động khai thác dầu mỏ - khí đốt trên thềm lục địa ở phía Bắc Cộng hòa Síp - quốc gia thành viên của EU. Thổ Nhĩ Kỳ cũng là quốc gia đang nhận tài trợ của EU để ngăn chặn dòng người di cư từ Bắc Phi - Trung Đông tới châu Âu, sẵn sàng chấm dứt hoạt động này, nếu bị các nước thành viên NATO cấm vận với lý do mua S-400 của Nga. Bên cạnh đó, EU còn phải bận tâm đến sự sống còn của Thỏa thuận hạt nhân I-ran, trong khi người bạn khổng lồ là Mỹ đã “rũ áo” ra đi với một lý do của riêng mình.
Để hóa giải các thách thức nhằm tiếp tục phát triển ổn định, hơn bao giờ hết, các quốc gia thành viên EU phải tăng cường đoàn kết. Theo nguyên Chủ tịch Ủy ban châu Âu Giên-Clao-đơ Giun-cơ, trong bối cảnh hiện nay, chỉ có sự thống nhất mới có thể giúp EU lấy lại sức mạnh cần thiết để củng cố, phát triển và phát huy tầm ảnh hưởng toàn cầu. Đáng chú ý là, chương trình nghị sự chiến lược của EU trong giai đoạn 2019 - 2024 tập trung vào các nội dung: (1) xây dựng nền quốc phòng của EU đủ sức tự bảo vệ mình, trong đó nỗ lực đầu tiên là xúc tiến triển khai Quỹ quốc phòng châu Âu giai đoạn 2021-2027 nhằm hỗ trợ phát triển các sản phẩm quốc phòng từ giai đoạn nghiên cứu (hỗ trợ 100%) tới phát triển nguyên mẫu (tối đa 20%) và kiểm nghiệm (tối đa 80%), đảm bảo Quân đội của EU có thể tự sản xuất các loại vũ khí hiện đại, giảm thiểu gánh nặng nhập khẩu vũ khí và đảm bảo khả năng chủ động cho sức mạnh quốc phòng, an ninh của toàn khối; (2) EU sẽ triển khai cố vấn quân sự tại nhiều phái đoàn ngoại giao của liên minh này ở châu Á để thực hiện mối liên kết hơn nữa về các vấn đề an ninh của châu Âu và châu Á theo chiến lược kết nối Âu-Á, bước đầu sẽ triển khai phái đoàn cố vấn quân sự bên cạnh ASEAN ở Gia-các-ta (In-đô-nê-xi-a); (3) đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa nền kinh tế và xây dựng tiềm lực của EU đủ sức cạnh tranh trong một thế giới hội nhập và toàn cầu hóa trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; (4) xây dựng EU thành một liên minh công bằng, hòa nhập và bình đẳng; (5) nỗ lực chống biến đổi khí hậu, đẩy lùi suy thoái môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên bằng cách thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế sinh học và bền vững; (6) bảo đảm an ninh năng lượng; (7) phát huy ảnh hưởng của EU trên toàn cầu, tham gia nỗ lực xây dựng một trật tự thế giới dựa trên các quy tắc coi Liên hợp quốc là trung tâm; (8) phát triển mối quan hệ mạnh mẽ với các nước láng giềng gần gũi, dựa trên sự cân bằng về quyền và nghĩa vụ, củng cố, tăng cường vị thế quốc tế của đồng Euro nhằm bảo vệ chủ quyền kinh tế và tài chính của EU.
Đại tá LÊ THẾ MẪU
biến động chính trị,Quân đội Châu Âu,trong vòng xoáy
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ