Thứ Bảy, 23/11/2024, 00:26 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Trong nhiều năm qua, Mỹ và Liên minh châu Âu được xem là có mối quan hệ gắn kết cả về chính trị, kinh tế, quân sự, quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, mối quan hệ tưởng chừng “khăng khít” này vẫn tồn tại những toan tính riêng, thậm chí còn xảy ra xung đột lợi ích trên một số lĩnh vực. Vậy thực chất mối quan hệ này hiện nay như thế nào và những toan tính của mỗi bên ra sao luôn được dư luận quốc tế quan tâm.
Quan hệ lợi ích đan xen
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các nước châu Âu bị tàn phá nghiêm trọng và kế hoạch tái thiết “lục địa già” đã được đưa ra tại cuộc họp của lãnh đạo các nước châu Âu vào tháng 7/1947. Để giúp các nước châu Âu thực hiện mục tiêu khôi phục đất nước, Mỹ tiến hành viện trợ kinh tế, hỗ trợ kỹ thuật thông qua Kế hoạch phục hưng châu Âu - Kế hoạch Marshall. Với sự giúp đỡ của Mỹ, các nước châu Âu đã phát triển mạnh so với thời kỳ trước chiến tranh, đặc biệt một số nước còn liên tục đạt mức tăng trưởng cao về kinh tế. Kế hoạch Marshall được xem là một trong những thành tố quan trọng của quá trình hội nhập châu Âu, hay nói cách khác, Mỹ có đóng góp không nhỏ đối với sự hình thành và phát triển của Liên minh châu Âu (EU).
Cũng chính vì sự giúp đỡ này, EU tuy có sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ, song vẫn phải dựa vào Mỹ trên nhiều phương diện, nhất là thông qua Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để đảm bảo an ninh và coi đây là cam kết vững chắc hơn so với những gì mong đợi từ sự đóng góp của các nước thành viên. Về phần mình, NATO luôn tìm mọi cách để duy trì hoạt động sau khi Liên Xô tan rã và luôn cho rằng, Khối có thể bảo vệ châu Âu không bị tấn công bởi chủ nghĩa khủng bố, vũ khí hủy diệt hàng loạt hay bị ảnh hưởng bởi nạn buôn bán ma túy bất hợp pháp và làn sóng nhập cư, v.v. Chính những điều này làm cho EU đặt quá nhiều niềm tin vào “chiếc ô an ninh” do Mỹ đứng đầu, dẫn đến Liên minh này có cách tiếp cận rời rạc trong vấn đề phòng thủ chung. Không những thế, các quốc gia thành viên EU chỉ quan tâm đến việc trang bị, nâng cao sức mạnh cho quân đội của riêng mình mà không quan tâm đến vấn đề chung của Liên minh, nên sự thống nhất khi cùng nhau giải quyết vấn đề về quốc phòng, an ninh chung của EU gặp nhiều trở ngại.
Theo các chuyên gia quốc tế, trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn khó đoán định; các cuộc xung đột diễn ra gay gắt; Trung Quốc và một số nước lớn đang trỗi dậy mạnh mẽ,… làm cho thế giới không còn ở trạng thái hai cực mà có xu hướng chuyển thành đa cực, thì EU chắc chắn sẽ phải thay đổi để giảm sự phụ thuộc vào Mỹ và trở thành một cực của thế giới. Trong giai đoạn ông Donald Trump giữ cương vị Tổng thống Mỹ (2017 - 2021), mối quan hệ giữa EU với cường quốc này không chỉ dừng lại ở mức nghi ngại, rạn nứt, mà có thời điểm còn nảy sinh mâu thuẫn và bị đẩy lên cao trên nhiều lĩnh vực. Chính sách ngoại giao “nước Mỹ trên hết” đã xem nhẹ quan hệ với các đồng minh, những phát ngôn “gây sốc” cùng quyết định xem xét lại quan hệ với EU của cựu Tổng thống Donald Trump đã gây ra không ít “sóng gió” cho quan hệ Mỹ - EU, làm cho nhu cầu “thoát Mỹ” của EU ngày càng tăng cao.
Bên cạnh đó, việc Mỹ cùng với Anh và Australia thiết lập quan hệ đối tác an ninh ba bên vào năm 2021 (AUKUS), dẫn đến Australia hủy hợp đồng đóng tàu ngầm trị giá 40 tỉ USD với Pháp - sự kiện mà Paris gọi là “cú đánh bất ngờ” của Washington vào đồng minh, đã khiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải kêu gọi châu Âu hãy thôi ngây thơ và tự chủ hơn, bởi Mỹ đang chuyển dần sự quan tâm về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nhiều nhà phân tích quân sự cho rằng, AUKUS đã gây ra “vết sẹo” trong lòng EU; đồng thời, cho thấy sự hạn chế về địa chính trị của Liên minh này, khiến EU rơi vào nguy cơ bị gạt sang lề cuộc đua quyền lực toàn cầu. Chính vì vậy, EU sẽ phải nghĩ khác, hành động khác và có thể cần có chiến lược riêng về quốc phòng, an ninh để bảo vệ các lợi ích của chính mình.
Khi lợi ích và quan điểm giữa hai bờ Đại Tây Dương ngày càng có sự khác biệt, một số nhà lãnh đạo châu Âu gần đây đã đề xuất ý tưởng tự chủ chiến lược và thành lập quân đội Liên minh. Nội dung chiến lược đến năm 2025 của EU cũng đề cập đến vấn đề củng cố khả năng hành động tự chủ, nhằm đối phó với các mối đe dọa và thách thức an ninh toàn cầu. Trên thực tế, năm 2021, EU đã đầu tư ngân sách cho quốc phòng ở mức cao kỷ lục, khoảng 214 tỉ Euro (tăng 06% so với năm 2020), riêng các quốc gia thành viên đã chi 52 tỉ Euro cho việc mua sắm, nghiên cứu, phát triển vũ khí, trang bị. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải điểm dừng khi Liên minh này dự kiến sẽ bổ sung khoảng 70 tỉ Euro cho chi tiêu quốc phòng của các nước thành viên giai đoạn 2022 - 2025 và tăng thêm nữa vào năm 2030; đồng thời, gấp rút thúc đẩy hoạt động mua sắm chung vũ khí, trang bị. Nhiều nhà lãnh đạo EU nhận ra rằng, việc các quốc gia thành viên chỉ tập trung vào mua sắm vũ khí, trang bị nhằm nâng cao sức mạnh quân sự của mình mà không quan tâm tới vấn đề của Liên minh sẽ làm cho năng lực phòng thủ chung thêm rời rạc. Vì vậy, “EU phải dấn thân ra bên ngoài, đoàn kết ở bên trong, để bảo vệ người dân châu Âu” như Đại diện Cấp cao EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh Josep Borrell đã tuyên bố.
Chính sách can dự mở rộng của Mỹ
Dư luận quốc tế cho rằng, với tham vọng duy trì vị thế siêu cường thế giới, các chiến lược của Mỹ đều nhằm mục tiêu bảo vệ an ninh, lợi ích quốc gia và khuếch trương giá trị Mỹ. Theo đó, nước này thường xuyên duy trì chính sách đối ngoại can dự mở rộng, chú trọng đến các khu vực có lợi ích chiến lược và điều chỉnh các chính sách theo sự thay đổi của tình hình.
Trên thực tế, Mỹ luôn coi châu Âu là yếu tố then chốt trong chính sách đối ngoại, nên họ luôn sử dụng NATO làm phương tiện để duy trì ảnh hưởng và bảo vệ lợi ích quốc gia. Do đó, nếu EU thành công trong việc thành lập một đội quân đầy đủ và thống nhất của riêng mình, nhiều khả năng các nước thành viên sẽ hướng tới việc dỡ bỏ các căn cứ quân sự và rút khỏi NATO. Đây là điều chắc chắn sẽ làm Washington không hài lòng; bởi khi đó, Mỹ sẽ mất vai trò ảnh hưởng trong một số lĩnh vực quan trọng và các lợi ích địa chính trị tại châu Âu. Cùng với đó, đòn bẩy NATO đối với EU sẽ không còn tác dụng khi Liên minh ngày càng tự chủ về chiến lược và thoát khỏi tầm kiểm soát của Mỹ. Điều đó cũng gây ra tiền lệ nguy hiểm, khi Quân đội Mỹ buộc phải rời khỏi các vùng lãnh thổ trọng yếu mà họ đang hiện diện. Vì vậy, ngay sau khi đắc cử, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã “hâm nóng” quan hệ với EU bằng việc cam kết duy trì, tái lập và đổi mới quan hệ; tích cực can dự thông qua các cuộc tiếp xúc; thiết lập cơ chế mới để tăng cường hợp tác; trấn an đồng minh qua các tuyên bố, v.v. Mặc dù có dấu hiệu tích cực trong quan hệ, nhưng những toan tính về lợi ích quốc gia và thực hiện chính sách kiềm chế sức mạnh của EU thì Mỹ chưa bao giờ từ bỏ.
Một số nhân vật ở châu Âu cho rằng, bên cạnh những chính sách thương mại gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới EU, như: đánh thuế cao một số mặt hàng, ban hành Đạo luật Giảm lạm phát (IRA),… Mỹ cũng được coi là “ngư ông đắc lợi” trong cuộc xung đột Nga - Ukraine. Cả Mỹ và EU cùng liên quan tới cuộc xung đột, nhưng EU phải gánh chịu thiệt hại, còn Mỹ lại có thể bắn một mũi tên trúng nhiều đích. Thứ nhất, việc EU phải tập trung mọi nguồn lực để giúp đỡ Ukraine khiến Liên minh này bỏ lỡ cơ hội gia tăng sức mạnh phòng thủ chung và tiếp tục lệ thuộc vào NATO, mà cụ thể là Mỹ. Thực tiễn, khi cuộc xung đột xảy ra, ngoài việc giúp đỡ về kinh tế, các nước châu Âu còn giúp đỡ Ukraine về quân sự, dẫn đến kho vũ khí dự trữ chiến lược đang bị cạn dần, sức mạnh phòng thủ chung của Liên minh bị giảm sút. Để bù đắp, các nước thành viên của EU phải mua vũ khí, trang bị từ nước ngoài và Mỹ trở thành nhà cung cấp chính. Theo một số thống kê, năm 2022, doanh thu từ việc bán vũ khí, khí tài của Mỹ tăng 49% (khoảng 205 tỉ USD). Thứ hai, việc Nga cắt giảm nguồn khí đốt và dầu mỏ xuất khẩu sang châu Âu, tạo cơ hội lớn cho ngành khí hóa lỏng (LNG) của Mỹ. Để cô lập Nga với cộng đồng quốc tế, Mỹ và EU áp đặt nhiều lệnh trừng phạt, trong đó có việc áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga. Hành động này khiến châu Âu thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng, EU phải tìm nguồn năng lượng thay thế từ các nước khác, nhằm giảm sự phụ thuộc vào Nga. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp của Mỹ trở thành nhà cung cấp năng lượng lớn cho EU (Mỹ là nước đang chiếm lĩnh thị trường dầu mỏ của Nga bỏ lại tại châu Âu). Tuy nhiên, chi phí mà các nước châu Âu phải trả để mua mỗi mét khối khí đốt từ Mỹ là rất cao. Một số nguồn tin tại Nga cho rằng, “người Mỹ đang kiếm tiền bằng cách bán khí đốt cho châu Âu với giá cao”. Từ khi xảy ra xung đột đến nay, Mỹ đã xuất khẩu hơn 81 triệu tấn LNG sang châu Âu và thu được khoản lợi nhuận khổng lồ. Theo các nhà nghiên cứu, nếu lãnh đạo EU không có biện pháp hạ giá năng lượng, các nước thành viên phải mua khí đốt giá cao, chắc chắn sẽ làm tăng chi phí sinh hoạt và EU có thể phải đối mặt với viễn cảnh các ngành công nghiệp hoạt động cầm chừng, bất ổn xã hội gia tăng, nền kinh tế khó có thể cạnh tranh với các nước. Đặc biệt, dự án đường ống dẫn khí Phương Bắc 2 từ Nga sang châu Âu bị đình trệ do xung đột kéo dài, thì châu Âu sẽ thiếu hụt nguồn năng lượng và sự phụ thuộc vào Mỹ về năng lượng sẽ càng trở nên hiện hữu.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cũng cho rằng, quan hệ giữa Mỹ và EU thời gian gần đây tuy có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, song hợp tác trong lĩnh vực kinh tế thì không tương xứng. Trong khi Mỹ xuất khẩu các nguồn năng lượng và hưởng lợi từ giá dầu tăng cao, thì EU lại phải mua khí hóa lỏng với giá đắt; ngành công nghiệp châu Âu phải chi nhiều tiền hơn cho việc mua năng lượng, phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp Mỹ; châu Âu đang đứng trước nguy cơ suy thoái kinh tế. Vì vậy, EU không nên “ngây thơ” nữa, bởi vì chính phủ Mỹ luôn đặt ưu tiên các lợi ích kinh tế của mình lên trên hết.
Theo các chuyên gia nghiên cứu quốc tế, với những lợi ích có được, Mỹ vẫn sẽ coi châu Âu là yếu tố quan trọng - khu vực địa chiến lược trong chính sách ngoại giao và “chiếc ô an ninh” - NATO vẫn sẽ được cường quốc này sử dụng một cách hữu hiệu. Ngoài ra, trong một thời gian nhất định, Washington có thể sẽ không thực sự nỗ lực thúc đẩy việc sớm chấm dứt xung đột tại Ukraine; bởi, xung đột càng kéo dài, Nga càng phải tiêu hao lực lượng, phương tiện, EU cũng có thể phải phụ thuộc vào Mỹ nhiều hơn nữa về quân sự và năng lượng. Khi đó, chính quyền của Tổng thống Joe Biden có thể rảnh tay để hoàn tất các mục tiêu chiến lược trong cuộc tranh giành ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như duy trì vị thế siêu cường thế giới.
LÂM PHƯƠNG - THẾ HIỆP
Châu Âu,Mỹ,bàn cờ địa chính trị,lợi ích đan xen,dư luận quốc tế
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ