Thứ Bảy, 23/11/2024, 02:18 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ (1991), Mỹ trở thành siêu cường duy nhất thế giới, nhưng chẳng được bao lâu, vị trí này bị thách thức bởi đối thủ lớn - Trung Quốc. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc khiến Hoa Kỳ phải triển khai nhiều biện pháp để kiềm chế. Trước tình hình đó, nhiều chiến lược gia cho rằng, quan hệ Mỹ - Trung Quốc có thể bước vào cuộc Chiến tranh lạnh mới.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc
Nhằm hiện thực hóa “giấc mộng Trung Hoa”, Trung Quốc hoạch định nhiều chiến lược với những chính sách đầy tham vọng có tầm ảnh hưởng tới khu vực và toàn cầu. Nổi bật là Sáng kiến “Vành đai và con đường” được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng năm 2013 giúp Bắc Kinh khuếch trương sức mạnh, gia tăng ảnh hưởng với các nước để thực hiện mục tiêu trở thành vị trí số một thế giới. Đây được coi là “Dự án thế kỷ”, nhằm tái hiện “Con đường tơ lụa” nổi tiếng hình thành từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên, điểm bắt đầu từ Phúc Châu, Hàng Châu, Bắc Kinh (Trung Quốc) qua Mông Cổ, Ấn Độ, Áp-ga-ni-xtan, Ca-dắc-xtan, I-ran, I-rắc, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và đến cả Nhật Bản. Thông qua sáng kiến này, Trung Quốc muốn tìm kiếm nguồn lực đủ mạnh để đối mặt với những thách thức trong xu thế toàn cầu hóa, nơi sức mạnh chính trị và kinh tế có thể được bảo đảm bởi phạm vi, không gian địa lý. Vì thế, Trung Quốc dự tính lôi kéo các đối tác ở lục địa Á - Âu vào “Vành đai và con đường” nhằm hợp thức hóa vị thế của họ như một tác nhân có vai trò trung tâm, qua đó, sẽ áp đặt một trật tự địa - chính trị mới.
Về mặt quân sự, Trung Quốc thực hiện điều chỉnh chiến lược quốc phòng, nhằm xây dựng quân đội hùng mạnh bậc nhất thế giới. Những năm qua, nước này tăng cường hiện đại hóa quân đội, tập trung cơ cấu lại tổ chức, biên chế, sắp xếp lại lực lượng, áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật,... đến nay sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã có những thay đổi đáng kể. Để tăng khả năng răn đe chiến lược, giành quyền kiểm soát trên không, trên biển và tấn công các mục tiêu tầm xa, Trung Quốc liên tục phát triển các loại tên lửa đạn đạo với các phiên bản mới - mang đầu đạn hạt nhân; chế tạo và đưa vào hoạt động máy bay tàng hình J-20, được các nhà phân tích chiến lược ví như F-22, F-35 của Mỹ; tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông. Hiện nay, Trung Quốc đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trong phát triển vũ khí siêu thanh, trí tuệ nhân tạo và phương tiện không người lái. Cùng với việc hiện đại hóa quân đội, Trung Quốc còn xác định lại một số khái niệm tác chiến, nhiệm vụ cho các quân chủng, binh chủng. Theo đó, Hải quân Trung Quốc chủ trương chuyển trọng tâm từ phòng thủ ngoài khơi sang kết hợp với bảo vệ vùng biển mở, tăng cường khả năng cơ động và tác chiến liên hợp trên biển; Không quân chuyển trọng tâm từ phòng thủ lãnh thổ sang tiến công và phòng thủ; Lục quân chuyển từ phòng ngự khu vực sang cơ động liên khu vực và toàn cầu, nâng cao khả năng tác chiến liên chiến trường, v.v.
Xét trên nhiều phương diện cho thấy, Trung Quốc đang muốn kiểm soát trật tự an ninh khu vực thay Mỹ. Điển hình là Bắc Kinh đã nỗ lực điều chỉnh chính sách quốc phòng, an ninh ngay từ cuối thế kỷ trước; định hình khái niệm trật tự khu vực và toàn cầu phù hợp với tham vọng cũng như sự trỗi dậy; lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên vùng biển Hoa Đông và quân sự hóa các điểm, đảo nhân tạo ở Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế, v.v. Từ những vấn đề trên, các nhà nghiên cứu cho rằng, Bắc Kinh đang thiết lập một trật tự an ninh khu vực với đặc trưng riêng và ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng so với Mỹ. Do vậy, các cường quốc trong khu vực và Mỹ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải kiềm chế các hoạt động của Bắc Kinh, nhằm giảm sự tác động tới lợi ích của mình và đồng minh.
Những “lá bài” của Mỹ trong nỗ lực kiềm chế Trung Quốc
Sự trỗi dậy của Trung Quốc trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao,… thực sự đáng báo động và khiến Mỹ phải dè chừng. Để ngăn chặn, kiềm chế tầm ảnh hưởng, sự lan rộng của Bắc Kinh, Oa-sinh-tơn đã triển khai chiến lược “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương từ thời Tổng thống Gioóc-giơ Bút-sơ và tới nay đang được Đô-nan Trăm thực hiện với các phương thức mới. Trên lĩnh vực quân sự, hiện Mỹ đang có 03 tuyến răn đe chiến lược đều nằm ở Thái Bình Dương. Tuyến thứ nhất là các căn cứ và cơ sở hạ tầng quân sự tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Phi-líp-pin và Đài Loan, gần với lãnh thổ Trung Quốc. Mới đây, các quan chức Ô-xtrây-li-a cho biết, chính phủ nước này đang xây dựng thêm một cảng nước sâu đa năng ở khu vực Gờ-ly Poi (Glyde Point), cách cảng Đa-uyn (Darwin) thuộc Lãnh thổ phương Bắc khoảng 40 km, có thể giúp lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ hoạt động thuận lợi hơn tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nếu nối liền các nước trên sẽ tạo một vòng kiềm chế, ngăn chặn Trung Quốc trở thành một cường quốc biển. Tuyến thứ hai đặt tại đảo Gu-am và Ha-oai; tuyến thứ ba tại Ca-li-phoóc-ni-a và A-lát-xca (Alaska). Theo nhận định của các nhà bình luận quốc tế, Trung Quốc hiện bị giới chính trị Mỹ coi là nguy cơ lớn nhất đối với các lợi ích của Oa-sinh-tơn về lâu dài, nên việc kiểm soát, tiếp cận các vùng biển quốc tế - nơi Hải quân Trung Quốc hiện diện là cần thiết. Tuy nhiên, Mỹ không làm việc này một mình mà sẽ tiến hành cùng các đồng minh: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan - những nước và vùng lãnh thổ phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ và sẽ ủng hộ bất kỳ sáng kiến nào chống Trung Quốc. Ở Nam Á, dù quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ không quá xấu, nhưng gần đây nổi lên bất đồng về lãnh thổ, đây cũng là lý do Ấn Độ có thể tham gia kiềm chế Trung Quốc. Việc thành lập một liên minh chống Trung Quốc, gồm: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Ấn Độ và một số nước Đông Nam Á có thể sẽ đẩy Trung Quốc vào một tình thế rất khó khăn.
Bên cạnh việc thiết lập vòng vây về quân sự, Oa-sinh-tơn còn triển khai nhiều chính sách đánh vào “tử huyệt” của Bắc Kinh, như: dựng “hàng rào” bao vây một số công ty Trung Quốc đang mở rộng hoạt động tại Mỹ. Cục An ninh công nghiệp Bộ Thương mại Mỹ đã đưa hơn 140 doanh nghiệp Trung Quốc vào “Danh sách thực thể quản chế xuất khẩu”, trong đó có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học - công nghệ cao, nhằm làm suy yếu lợi ích của Trung Quốc, với lý do “an ninh quốc gia và lợi ích ngoại giao”, như: Tập đoàn Hoa Vĩ (Huawei); Viện Nghiên cứu số 2 thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn khoa học - công nghệ vũ trụ Trung Quốc; Viện Nghiên cứu 13, 14, 35, 38 thuộc Tập đoàn Công nghệ điện tử Trung Quốc; Tập đoàn Xuất nhập khẩu kỹ thuật công nghiệp Trung Quốc; Công ty Trách nhiệm hữu hạn công nghiệp Hoa Đằng Trung Quốc và Tập đoàn Viễn thông Trung Quốc, v.v. Đặc biệt, ngày 20-12-2019, Tổng thống Mỹ ký thông qua Đạo luật ủy quyền Quốc phòng năm 2020, trong đó có nhiều vấn đề liên quan đến Trung Quốc.
Trong khi đó, cuộc chiến thương mại do Mỹ khởi xướng từ tháng 3-2018 được cho là sẽ giáng một đòn chí mạng vào nền kinh tế Trung Quốc vốn đang lung lay bởi chính sách phát triển thiếu bền vững. Đỉnh điểm của cuộc chiến này là việc Mỹ tuyên bố áp thuế 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Bắc Kinh rõ ràng không muốn cuộc chiến thương mại với Oa-sinh-tơn khi kim ngạch song phương đang có lợi cho mình và nước này đang tích lũy được nhiều thành tựu công nghệ từ Mỹ trong quá trình giao thương. Cuộc chiến thương mại với Mỹ sẽ khiến các doanh nghiệp Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, bởi Mỹ là bạn hàng lớn nhất, chiếm 18,4% kim ngạch xuất khẩu của nước này. Dù Trung Quốc đã tung nhiều đòn trả đũa đối với Mỹ, song các chuyên gia phân tích cho rằng, cuộc chiến thương mại chỉ có thể làm giảm mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ gần 1% trong ngắn hạn, còn Trung Quốc là 5%.
Nguy cơ xuất hiện cuộc Chiến tranh lạnh phiên bản mới
Tương tự cuộc Chiến tranh lạnh bùng nổ vào thế kỷ trước, hiện tại, Mỹ cũng đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng niềm tin trước sự trỗi dậy của Trung Quốc và không chấp nhận vị thế siêu cường thế giới của mình bị đe dọa. Theo các nhà nghiên cứu, với những gì đang diễn ra, nguy cơ về một cuộc Chiến tranh lạnh phiên bản mới đang cận kề, tuy nhiên, về hình thức và quy mô sẽ khác với phiên bản trước đây. Cuộc Chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Mỹ là sự cạnh tranh quyết liệt về ý thức hệ xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, cuộc chạy đua trên lĩnh vực hạt nhân xoay quanh việc giành ưu thế vũ khí chiến lược, gồm: tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, máy bay ném bom chiến lược và tàu ngầm hay sự ngăn cách giữa phương Đông và phương Tây mà “Bức tường Béc-lin” là biểu tượng, v.v. Còn cuộc Chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc nếu xảy ra, sẽ có quy mô lớn hơn, toàn diện hơn và theo hướng hiện đại, trong đó đáng chú ý là cuộc chạy đua tổng lực về công nghệ. Cụ thể hơn, là sự cạnh tranh giữa chuẩn công nghệ mới và việc sử dụng hệ thống internet. Khi cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung Quốc bùng nổ và lan rộng, nhiều khả năng thế giới sẽ bị chia rẽ bởi những người sử dụng hệ thống internet của Trung Quốc và của Mỹ; hệ điều hành điện thoại di động Hong Meng của Hoa Vĩ hay hệ điều hành Android của Google, IOS của Apple; sử dụng thiết bị 5G của Hoa Vĩ hay của Nokia, Erickson, v.v. Về địa bàn cạnh tranh, sự đối đầu không chỉ giới hạn trên không, trên biển hay mặt đất, mà còn mở rộng trên phạm vi không gian thực lẫn không gian ảo, do đó, an ninh mạng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền và không gian phát triển. Hiện tại, Mỹ và phương Tây cùng nhau dựng “bức tường” vô hình lẫn hữu hình về công nghệ để bảo vệ các bí quyết, ngăn cản Trung Quốc tiếp cận. Động thái rõ nhất là Mỹ hạn chế tối đa sinh viên, kỹ sư Trung Quốc theo học và làm việc trong các lĩnh vực công nghệ “nhạy cảm”, như: hàng không vũ trụ, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, v.v.
Trước khi diễn ra tình trạng cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc như hiện nay, sự tương tác, đan xen về lợi ích giữa hai bên lớn tới mức tưởng chừng không thể tách rời. Về kinh tế, thương mại, Mỹ và Trung Quốc ràng buộc lẫn nhau bởi khối lợi ích có giá trị lên tới trên 2.000 tỷ USD. Ngoài ra, còn có hàng trăm nghìn sinh viên Trung Quốc đang theo học trên khắp nước Mỹ, hàng chục triệu du khách Mỹ đến thăm Trung Quốc hằng năm và ngược lại. Đặc biệt, mới đây Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Theo đó, Mỹ sẽ ngưng kế hoạch đánh thuế nhằm vào 160 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, cũng như giảm bớt một số khoản thuế hiện hành, đổi lại, Trung Quốc sẽ đồng ý mua 50 tỷ USD hàng nông sản Mỹ trong năm 2020. Vì thế, nếu cuộc Chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc xảy ra, sự cạnh tranh giữa hai cường quốc không chỉ hình thành không gian đối địch khác biệt, mà còn diễn ra trên mọi lĩnh vực: chính trị, quân sự, kinh tế - xã hội,… và hậu quả có thể sẽ rất nặng nề, tác động trực tiếp đến chiến lược phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới.
Do vậy, việc nghiên cứu, dự báo chính xác tình hình thế giới, nhất là sự cạnh tranh giữa các cường quốc, nhằm xác định chiến lược phát triển, hạn chế tác động, ảnh hưởng tiêu cực là cần thiết đối với mỗi quốc gia.
LÂM PHƯƠNG - HỮU ÂN
Mỹ vàTrung Quốc,chiến tranh lạnh,phiên bản mới,cạnh tranh
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ