Thứ Ba, 17/09/2024, 23:25 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Tính đến nay, cuộc khủng hoảng chính trị ở Xy-ri đã kéo dài hơn 06 năm, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Theo giới quan sát, một trong những nguyên nhân chủ yếu và sâu xa dẫn tới tình trạng này là, cuộc cạnh tranh địa chính trị quyết liệt giữa các nước lớn, trước hết là Mỹ và các nước phương Tây với Nga và Trung Quốc.
Tâm điểm cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn ở trong và ngoài khu vực
Xy-ri có vị thế quan trọng đối với nền chính trị thế giới đương đại. Về kinh tế, Xy-ri có nhiều tài nguyên thiên nhiên có giá trị đối với nền công nghiệp quốc tế hiện đại; là trung tâm của toàn bộ tuyến đường ống dẫn dầu mỏ, khí đốt đi qua các nước Ả-rập, với chiều dài lên tới hàng nghìn ki-lô-mét. Đó là chưa kể vùng biển Địa Trung Hải thuộc chủ quyền Xy-ri chứa trữ lượng dầu khí lớn vào bậc nhất thế giới. Về quân sự, ven bờ biển Xy-ri có thể xây dựng nhiều hải cảng và căn cứ quân sự có giá trị đối với hải quân các nước hoạt động ở Địa Trung Hải. Về chính trị, Xy-ri là đồng minh quan trọng của Nga và I-ran - những quốc gia cũng đang rơi vào tâm điểm cạnh tranh địa chính trị không kém quyết liệt từ nhiều năm nay.
Do có vị thế đặc biệt quan trọng đó, Xy-ri đã rơi vào vòng xoáy cạnh tranh địa chính trị cả ở cấp độ khu vực và thế giới. Ở cấp độ khu vực, Xy-ri đã, đang thu hút 05 quốc gia theo đuổi tham vọng đóng vai trò cường quốc lãnh đạo ở Trung Đông, gồm: I-xra-en, A-rập Xê-út, I-ran, Ca-ta và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi I-ran là đồng minh của Xy-ri, luôn hỗ trợ nước này trong cuộc đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia, thì 04 nước còn lại theo đuổi chủ trương lật đổ Tổng thống An Át-xát, thay đổi chế độ chính trị ở Đa-mát, biến quốc gia này thành đồng minh của họ trong thế trận địa chính trị chống lại I-ran. Ở cấp độ thế giới, đó là cuộc cạnh tranh giữa một bên là Mỹ, Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và một số đồng minh khác, với bên kia là Nga và Trung Quốc. Vòng xoáy giữa hai cấp độ cạnh tranh này đã biến cuộc khủng hoảng Xy-ri, mà ban đầu được cho là hệ lụy của “Mùa xuân A-rập”, trở thành cuộc chiến tranh phức hợp dưới nhiều hình thái khác nhau; trong đó, khốc liệt nhất là hình thái chiến tranh khủng bố và chống khủng bố. Tổng thống Xy-ri An Át-xát đã từng tuyên bố: cuộc xung đột ở Xy-ri hoàn toàn không phải là nội chiến, mà đất nước ông đang phải tiến hành cuộc đấu tranh vô cùng ác liệt để đánh bại cuộc chiến tranh khủng bố của “các lực lượng đối lập” liên kết với các tổ chức khủng bố, được các thế lực nước lớn bên ngoài hậu thuẫn cả về kinh tế, chính trị và quân sự.
Toan tính chiến lược của Mỹ trong cuộc xung đột ở Xy-ri
Trước hết, cần thấy rằng, hiện nay Mỹ đang thực hiện cuộc chiến tranh địa chính trị trên phạm vi toàn cầu để giành giật tài nguyên, năng lượng. Trong đó, cuộc chiến nhằm kiểm soát nguồn dầu mỏ và khí đốt trên lục địa Á - Âu, mà cao điểm là các biến động chính trị mang tên “Mùa xuân A-rập” và cuộc khủng hoảng U-crai-na đang diễn ra hết sức quyết liệt. Toan tính của Mỹ giành quyền kiểm soát tài nguyên dầu mỏ liên quan mật thiết tới vị thế của đồng đô la Mỹ (USD). Bởi vì, Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới bảo đảm giá trị đồng tiền của họ không phải bằng tổng tài sản quốc gia như các nước khác, mà bằng toàn bộ tài nguyên dầu mỏ của thế giới. Một khi mất quyền kiểm soát nguồn tài nguyên này, Mỹ sẽ không còn khả năng bảo đảm giá trị của đồng USD. Vì thế, các cuộc chiến tranh do Mỹ phát động sau Chiến tranh Lạnh đều xuất phát từ tham vọng kiểm soát tài nguyên dầu mỏ của thế giới trong một vành đai địa chính trị rất quan trọng mang tên Trung Đông Lớn, kéo dài từ châu Phi, qua Trung Đông tới Trung Á, Nam Á và các biến động chính trị mang tên “Mùa xuân A-rập” mà Mỹ đứng đằng sau cổ súy chính là để thực hiện chiến lược quan trọng này. Thực hiện chiến lược đó, Mỹ chọn Xy-ri làm một trong các mục tiêu hàng đầu, tiến hành lật đổ chính quyền hiện tại, dựng lên chính quyền mới, do Mỹ kiểm soát. Đánh giá về tầm quan trọng của Xy-ri đối với kế hoạch thực hiện chiến lược Trung Đông Lớn của Mỹ, ông Pôn Crây Rô-béc, cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ cho rằng, bằng cách gây ra cuộc khủng hoảng ở Xy-ri, lật đổ chế độ cầm quyền của Tổng thống An Át-xát, Mỹ mưu toan đẩy Nga và Trung Quốc ra khỏi khu vực địa chính trị quan trọng bậc nhất của thế giới.
Để đạt được mục tiêu xóa bỏ chính thể của Tổng thống Xy-ri An Át-xát, Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phức hợp; trong đó, kết hợp chặt chẽ các biện pháp ngoại giao, kinh tế, chính trị và quân sự. Về ngoại giao, Mỹ đặc biệt chú ý thao túng vai trò của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đại hội đồng Liên hợp quốc, nhằm hợp pháp hóa tiếng nói của cái gọi là “các lực lượng đối lập”, trong đó có các tổ chức khủng bố; đồng thời, vô hiệu hóa chính thể của Tổng thống An Át-xát. Trên mặt trận quân sự, Mỹ sử dụng “các lực lượng đối lập” để tiến hành “cuộc chiến tranh qua tay người khác”, nhằm thực hiện bằng được mục đích đã vạch ra. Thậm chí, Mỹ đã có kế hoạch áp dụng kịch bản Li-bi để can thiệp quân sự trực tiếp vào Xy-ri dưới một biến thể khác. Tuy nhiên, dưới sự bảo trợ của Nga, Mỹ chưa thể “ra tay” với Chính quyền của Tổng thống An Át-xát. Gần đây, lấy lý do “Quân đội Xy-ri sử dụng vũ khí hóa học”, Mỹ đã sử dụng hàng chục quả tên lửa hành trình tấn công sân bay Xây-rát của Xy-ri. Các nhà quan sát cho rằng, với động thái đó, Mỹ đang theo đuổi toan tính nguy hiểm - đối đầu quân sự trực tiếp với Nga và Chính quyền Đa-mát. Điều đó cũng cho thấy, sự cạnh tranh giữa Mỹ và Nga ở Xy-ri ngày càng công khai và quyết liệt.
Chủ trương chiến lược và hành động của Nga
Sau khi Liên Xô tan rã, Liên bang Nga được trao tư cách pháp nhân đảm nhận kế thừa và thực hiện mọi hiệp ước, hiệp định và thỏa thuận quốc tế mà Liên Xô đã từng ký kết với các nước, trong đó có Xy-ri. Vì thế, việc Tổng thống Nga V. Pu-tin ủng hộ đồng minh Xy-ri cũng là điều dễ hiểu.
Theo đó, kể từ thời điểm bùng phát cuộc khủng hoảng ở Xy-ri đến nay, quan điểm của Nga là kiên quyết bảo vệ nguyên tắc: không một quốc gia nào có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của Xy-ri. Đồng thời, Mát-xcơ-va tiếp tục viện trợ quân sự cho Đa-mát theo những thỏa thuận giữa hai nước, trên cơ sở tuân thủ các quy định quốc tế. Theo giới phân tích quốc tế, sở dĩ Nga làm như vậy, bởi ngoài ý nghĩa là đồng minh truyền thống, thì hiện nay, Nga là nước duy nhất có căn cứ quân sự ở cảng Ta-tút (Xy-ri). Đây là cơ sở, bàn đạp quan trọng để Nga cạnh tranh ảnh hưởng của mình đối với khu vực và quốc tế. Vì thế, cùng với việc bảo trợ cho Chính quyền Đa-mát, Nga luôn phải đối phó với những vi phạm luật pháp quốc tế đối với Xy-ri; trong đó có việc một số nước công khai viện trợ vũ khí cho “các lực lượng đối lập” ở Xy-ri và sử dụng họ để thực hiện mục đích xóa bỏ Chính quyền hợp hiến, hợp pháp ở quốc gia Trung Đông này.
Trong tình thế ấy, ngày 30-9-2015, trước yêu cầu của Chính phủ Xy-ri và trên cơ sở Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Xy-ri, Tổng thống V. Pu-tin đã phát động chiến dịch chống khủng bố ở quốc gia này, với sự tham gia của I-ran, I-rắc, Xy-ri và một số lực lượng khác, nhằm giúp cho Chính quyền Đa-mát khỏi sự sụp đổ. Kể từ thời điểm đó, có ba liên minh chống khủng bố ở Xy-ri, nhưng duy nhất chỉ có liên minh do Nga đứng đầu tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế - vừa dựa trên cơ sở Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về chống khủng bố, vừa nhận được yêu cầu của Chính quyền Đa-mát. Chính nhờ hành động danh chính ngôn thuận, nên chiến dịch chống khủng bố của liên quân do Nga đứng đầu đã đạt được kết quả rất quan trọng, mở ra triển vọng về một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Xy-ri. Tuy nhiên, đó cũng là lý do làm cho cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ở Xy-ri giữa Nga và các nước lớn khác ngày càng quyết liệt.
Vai trò của Trung Quốc trong cuộc xung đột Xy-ri
Nhìn chung, vai trò của Trung Quốc trong cuộc xung đột ở Xy-ri chưa thật nổi bật. Do tính chất đan xen, phức tạp của cuộc xung đột này nên Trung Quốc luôn hành động theo nguyên tắc đứng ở phía sau và tránh đối đầu. Trước những biến động ở Xy-ri, Bắc Kinh thường tuyên bố rằng, họ không đứng về bất cứ bên nào, yêu cầu các bên kiềm chế và giải quyết xung đột thông qua một giải pháp chính trị. Tuy nhiên, do có quan điểm trùng hợp nhau, nên về cơ bản, Trung Quốc thường ủng hộ Mát-xcơ-va trong giải quyết vấn đề Xy-ri. Ví như, ngày 28-8-2013, cả Nga và Trung Quốc cùng phủ quyết Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về áp dụng biện pháp quân sự nhằm vào Xy-ri do Anh đưa ra; thậm chí, ngày 29-8-2013, việc các đại biểu của Trung Quốc và Nga lần lượt rời phòng họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tạo bầu không khí căng thẳng cho cuộc thảo luận về nguy cơ vũ khí hóa học ở Xy-ri. Theo giới quan sát, cơ sở để Trung Quốc và Nga phối hợp hành động là do Mỹ và đồng minh đã can thiệp một cách thô bạo vào công việc nội bộ của một quốc gia có độc lập, chủ quyền như Xy-ri.
Đối với các lực lượng xung đột trong nội bộ Xy-ri, Trung Quốc chủ trương tiếp cận, đàm phán với cả Chính quyền Đa-mát và “các lực lượng đối lập”. Đây là chính sách “lưỡng dụng”, bởi tuy biết rõ, các lực lượng hồi giáo cực đoan đang xúc tiến lật đổ Tổng thống An Át-xát, sẽ không mang lại ổn định và phát triển cho Xy-ri cũng như khu vực, nhưng nếu những lực lượng này giành thắng lợi trong cuộc đối đầu với Chính quyền Đa-mát, thì Bắc Kinh vẫn phải hợp tác với họ để bảo vệ lợi ích của nước này trong giai đoạn “hậu An Át-xát”.
Như vậy, cuộc xung đột ở Xy-ri, ngoài mâu thuẫn nội bộ còn là tâm điểm cạnh tranh quyết liệt giữa các nước lớn, mà trước hết là giữa Mỹ, phương Tây với Nga và Trung Quốc. Do đó, để hóa giải cuộc xung đột này, cần phải có sự hợp tác của các nước, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia của Xy-ri.
Đại tá LÊ THẾ MẪU
xung đột ở Xy-ri,các nước lớn,cạnh tranh
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Những đột phá trong phát triển công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc 19/05/2024
Phần Lan gia nhập NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 09/05/2024
Xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas: tâm điểm của Hội nghị an ninh Munich 2024 22/04/2024
Liên minh Mỹ - Nhật - Hàn và tham vọng thay đổi cán cân lực lượng trong khu vực 15/04/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương