Thứ Bảy, 23/11/2024, 02:22 (GMT+7)
Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài
Từ tháng 3-2011 đến nay, Xy-ri rơi vào tình trạng mất ổn định chính trị nghiêm trọng, nội chiến đã xảy ra trên khắp đất nước. Tình hình còn đang diễn biến rất phức tạp, chưa biết kết cục ra sao, song cái giá phải trả và bài học về sự mất ổn định chính trị ở quốc gia Trung Đông này thì đã quá rõ ràng.
1.Cái giá quá đắt và hậu quả hết sức nặng nề.
Cuộc khủng hoảng ở Xy-ri hiện đã bước vào giai đoạn trầm trọng, đẫm máu và ác liệt nhất kể từ khi lực lượng nổi dậy biểu tình, chống đối Chính phủ nước này hồi tháng 3-2011. Thực tế cuộc chiến cho thấy, hệ lụy của sự mất ổn định chính trị ở Xy-ri rất nặng nề, tàn khốc và được biểu hiện rõ nét ở mấy điểm sau đây:
Thứ nhất, từ một đất nước thanh bình đã trở thành bãi chiến trường của cuộc nội chiến “nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn” và chiến tranh có nguy cơ lan rộng, đe dọa hòa bình, ổn định toàn khu vực. Gần 40 năm qua, kể từ sau cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ tư giữa I-xra-en với thế giới A-rập (năm 1973), nhân dân Xy-ri cơ bản được sống trong hòa bình, ổn định với nền kinh tế phát triển ở mức trung bình trên thế giới (GDP năm 2008 tăng 4,8%, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.200 USD/năm). Nhưng từ ngày 15-3-2011, bắt đầu bằng các cuộc biểu tình chống Chính phủ đã phát triển thành cuộc nội chiến giữa một bên là quân đội của Tổng thống B. An Át-xát và bên kia là các lực lượng nổi dậy do “quân đội Xy-ri tự do” làm nòng cốt. Cuộc nội chiến có sự can thiệp từ các thế lực bên ngoài đã khiến hàng trăm dân thường và binh sĩ của cả hai phe ở Xy-ri ngã xuống mỗi ngày, hàng nghìn người phải vượt biên lánh nạn vì bạo lực gia tăng; nhiều thành phố và làng mạc bị tàn phá; sản xuất bị đình đốn, giao thương hầu như bị tê liệt. Theo thống kê, hơn 18 tháng qua, đã có hơn 20.000 người Xy-ri bị chết, 170.000 người phải đi lánh nạn ở các nước láng giềng (Li-băng, Thổ Nhĩ Kỳ, I-rắc); khoảng 2,5 triệu người rơi vào “thảm họa nhân đạo” đang cần trợ giúp khẩn cấp. Đất nước và những người dân Xy-ri vô tội đang phải trả giá đắt cho sự mất ổn định chính trị ở trong nước.
Dư luận quốc tế cho rằng, những gì đang diễn ra tại Xy-ri không chỉ là một thảm kịch đối với người dân nước này, mà còn là mối đe dọa đối với an ninh, hòa bình trong khu vực và thế giới. Đặc biệt, trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, lợi ích, cơ hội và thách thức của các quốc gia có tính đan xen, việc mất ổn định kéo dài ở Xy-ri sẽ gây hệ lụy cho cả khu vực. Các nước láng giềng như: I-xra-en, Giooc-đa-ni, Ả-rập Xê-út, I-rắc, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải đặt quân đội trong tình trạng chiến tranh. Đã có những cuộc đụng độ giữa quân đội Xy-ri với quân đội các nước láng giềng tại các vùng biên giới nơi có dòng người tỵ nạn chạy qua, làm cho tình hình khu vực vốn đã phức tạp lại càng phức tạp hơn. Theo các nhà phân tích quốc tế, nguyên nhân sâu xa của sự bất ổn chính trị ở Xy-ri là do mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo giữa đa số người Hồi giáo dòng Săn-ni và thiểu số người Hồi giáo dòng Si-ai nhưng lại nắm các chức vụ chủ chốt trong chính quyền. Điều nguy hiểm là, cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo này rất phức tạp, bùng phát mạnh mẽ và có nguy cơ lây lan sang các quốc gia khác, lôi kéo người Săn-ni, người Si-ai ở cả Bắc Phi – Trung Đông vào cuộc chiến “huynh đệ tương tàn” chưa có hồi kết.
Hơn nữa, Xy-ri hiện đang sở hữu kho vũ khí hóa học lớn thứ tư thế giới, nên nguy cơ về một thảm họa hóa học có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tháng 7-2012, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Xy-ri đã lên tiếng cảnh báo, nước này sẽ sử dụng vũ khí hóa học nếu bị quân đội nước ngoài tấn công. Ngày 11-8-2012, Ngoại trưởng Mỹ H. Clin-tơn đã đến Thổ Nhĩ Kỳ gặp người đồng cấp để bàn cách giúp quân nổi dậy lật đổ Tổng thống B. An Át-xát và kế hoạch đối phó với cuộc chiến tranh hóa học tại Xy-ri. Ngày 20-8-2012, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã đặt “giới hạn đỏ” để can thiệp quân sự nếu chính quyền Xy-ri di chuyển hoặc sử dụng vũ khí hóa học. Điều này nếu xảy ra thì hậu quả thật khôn lường cho cả khu vực và thế giới.
Thứ hai, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước bị xâm phạm, Xy-ri trở thành tụ điểm tranh giành ảnh hưởng và can thiệp của các thế lực bên ngoài. Do có vị trí địa chính trị, địa chiến lược quan trọng nên đã từ lâu, Xy-ri trở thành nơi tranh giành ảnh hưởng và lợi ích sâu sắc giữa các cường quốc trong và ngoài khu vực. Hiện nay, tại Xy-ri đã hình thành hai trận tuyến: một bên là chính quyền của Tổng thống B. An Át-xát nắm trong tay một lực lượng quân đội khoảng nửa triệu người với vũ khí, trang bị khá hiện đại và được một số nước khác ủng hộ. Một bên là các lực lượng nổi dậy, được Mỹ, phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Xê-út và một số nước A-rập khác hậu thuẫn. Vì vậy, cuộc khủng hoảng dẫn tới xung đột khốc liệt ở Xy-ri đang là cơ hội cho các thế lực bên ngoài can thiệp, nhằm tranh giành lợi ích và ảnh hưởng của họ ở khu vực. Đối với Mỹ và phương Tây, Tổng thống B. An Át-xát như “cái gai” cần phải nhổ. Bởi lẽ, ông là một trong những nhà lãnh đạo ở Trung Đông nêu cao tinh thần độc lập dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân, lại thân Nga, Trung Quốc và I-ran. Vì thế, họ đang tìm mọi cách để tái diễn “kịch bản Li-bi” tại Xy-ri. Trước hết, họ sử dụng mạng in-tơ-nét làm công cụ để tập hợp quần chúng xuống đường biểu tình; ủng hộ, tiếp tay phe đối lập; lợi dụng danh nghĩa Liên hợp quốc ra các nghị quyết trừng phạt Xy-ri; thực hành cấm vận, tiến tới lập vùng cấm bay và cuối cùng là can thiệp quân sự khi có thời cơ, hoặc dùng chiến tranh qua tay người khác để lật đổ chính quyền Đa-mát đương nhiệm. Trái lại, Nga và Trung Quốc cực lực phê phán lập trường của Mỹ và phương Tây hậu thuẫn cho các lực lượng đối lập lật đổ chính quyền hợp hiến ở Xy-ri; đồng thời, chủ trương giải quyết cuộc khủng hoảng Xy-ri bằng biện pháp đối thoại hòa bình theo hướng: công việc nội bộ của Xy-ri phải do người Xy-ri quyết định, không có sự can thiệp từ bên ngoài. Trong vòng 9 tháng qua, phương Tây đã ba lần đưa ra dự thảo Nghị quyết hòng lợi dụng danh nghĩa Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để can thiệp, lật đổ chính quyền Xy-ri, nhưng đều bị Nga và Trung Quốc phủ quyết. Một số chuyên gia cho rằng, cục diện ở Xy-ri đang trở thành hình thái mới của “cuộc chiến tranh ngầm”, “chiến tranh ủy nhiệm” hay “chiến tranh lạnh mới” giữa các cường quốc.
Như vậy, cùng với sự có mặt của nhiều lực lượng bên ngoài ủng hộ phe đối lập, cộng với sự can thiệp bằng nhiều cách của các cường quốc vào Xy-ri, rõ ràng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia này đã và đang bị xâm hại nghiêm trọng. Cho đến nay, chiến sự ở Xy-ri đang ở giai đoạn giằng co quyết liệt và các thế lực bên ngoài tiếp tục can thiệp mạnh mẽ dưới nhiều hình thức.
Thứ ba, nếu chính quyền của Tổng thống B. An Át-xát buộc phải ra đi thì hòa bình, ổn định có đến với người dân Xy-ri? Đây là kịch bản được nhiều học giả và phương tiện truyền thông trên thế giới nhắc đến, nhưng ngay cả khi điều đó xảy ra thì nhân dân Xy-ri cũng khó có thể có được quyền tự quyết vận mệnh của mình, thậm chí nước này còn phải đối mặt với những bất ổn định mới. Cần thấy rằng, mục đích lật đổ chính quyền Đa-mát hiện nay của Mỹ và phương Tây không phải đem lại quyền lợi cho đông đảo người dân Xy-ri, càng không phải đem lại hòa bình, ổn định cho nước này mà chủ yếu là dựng lên một chính quyền mới, thân phương Tây và phục vụ cho lợi ích của họ. Do đó, cho dù chính quyền của Tổng thống B. An Át-xát có sụp đổ thì nhân dân Xy-ri cũng sẽ không thể có một tương lai tốt đẹp, thậm chí tiếp tục rơi vào tình cảnh “nồi da nấu thịt”, “huynh đệ tương tàn” mới rất khó đoán định. Theo các nhà phân tích quốc tế, các lực lượng nổi dậy ở Xy-ri gồm nhiều thành phần, đại diện cho nhiều nhóm lợi ích khác nhau cả ở trong và ngoài nước, thậm chí có cả lực lượng An-kê-đa từ I-rắc cũng vào liên kết với “quân đội Xy-ri tự do” hoạt động khủng bố tại Xy-ri. Ngoài ra còn có hàng nghìn chiến binh là người gốc Xy-ri từ Li-bi và một số nước khác trở về đang tham chiến tại Xy-ri. Một khi các lực lượng nổi dậy giành chiến thắng, thì “chiếc bánh - thành quả của cuộc nổi dậy” sẽ phải được phân chia cho các nhóm lợi ích khác nhau. Một chính quyền như thế không thể là đại diện chân chính cho quyền lợi đông đảo của nhân dân Xy-ri, càng không có gì bảo đảm nó tốt đẹp hơn chính quyền cũ và người dân có thể lại phải sống trong tình trạng bấp bênh của những bất ổn mới. Tình trạng này không chỉ đối với người dân Xy-ri mà ngay cả đối với một số nước phương Tây cũng sẽ rơi vào thế khó xử; bởi lẽ, họ đang giương ngọn cờ chống khủng bố, nhưng lại phải chứng kiến sự tồn tại của lực lượng khủng bố trong phe nổi dậy. Không những thế, trong thời gian qua, làn sóng biểu tình phản đối sự “xúc phạm” tín ngưỡng đạo Hồi của một số nước phương Tây đang dấy lên mạnh mẽ ở các nước Bắc Phi – Trung Đông, trong đó có người Hồi giáo ở Xy-ri càng làm cho tình hình ở khu vực này thêm phức tạp. Vậy là, dù có kết cục ra sao, cái giá phải trả cho sự mất ổn định chính trị ở Xy-ri là rất đắt, hậu quả vô cùng nặng nề và kéo dài, mà người gánh chịu không phải ai khác, chính là những người dân Xy-ri vô tội; đồng thời, tác động tiêu cực đối với hòa bình, ổn định trong cả khu vực.
2. Bài học về giữ vững ổn định chính trị.
Cuộc khủng hoảng ở Xy-ri càng cho thấy rõ hơn tầm quan trọng sống còn của ổn định chính trị cũng như bài học cần thiết để giữ vững ổn định chính trị của mỗi quốc gia, trong đó có bài học về xử lý khủng hoảng sao cho không để xảy ra nội chiến. Phải chăng, một quốc gia để có ổn định chính trị bền vững cần giải quyết tốt hai yếu tố: bên trong và bên ngoài.
Về yếu tố bên trong, có một chính quyền thực sự của nhân dân, thực thi đường lối, chính sách đối nội đúng đắn, hợp lòng dân, tạo được lòng tin và sự đồng thuận của nhân dân. Đây là yếu tố cơ bản nhất để giữ vững ổn định chính trị. Nếu một quốc gia mà chính quyền quản lý, điều hành đất nước để cho những mâu thuẫn xã hội, sắc tộc và tôn giáo phát triển sâu sắc; nạn thất nghiệp và khoảng cách giàu - nghèo tăng cao; tình trạng bất công, bất bình đẳng, tham nhũng tràn lan thì sớm muộn cũng không giữ được ổn định chính trị. Nhìn lại diễn biến tại Xy-ri ta có thể thấy điều này. Từ ngày 15-3-2011 bắt đầu nổ ra các cuộc biểu tình tuần hành đường phố của đông đảo quần chúng chống lại chính quyền của Tổng thống B. An Át-xát được coi là độc tài và tham nhũng. Chính phủ Xy-ri đã từng có những nhượng bộ, nhưng lại vội vã sử dụng quân đội trấn áp bằng vũ lực. Kết quả là, bạo loạn chính trị dần trở thành nội chiến.
Thực tế trên cho thấy, giữ vững ổn định chính trị đã khó, nhưng khi khủng hoảng phức tạp xảy ra, việc xử lý sao cho không để “cái xảy nảy cái ung” lại càng khó hơn. Tại Xy-ri, khi xảy ra biểu tình, nếu chính quyền khôn khéo, kiên trì sử dụng biện pháp hòa bình và các phương pháp phi bạo lực; không dùng lực lượng vũ trang trấn áp, gây đổ máu thì tình hình có thể đi theo chiều hướng khác, thuận hơn.
Về yếu tố bên ngoài, cần có một chính sách đối ngoại đúng đắn, hợp xu thế thời đại, thêm bạn, bớt thù và tạo lập môi trường quốc tế thuận lợi để cùng hợp tác và phát triển. Thế giới ngày nay còn tồn tại các thế lực bá quyền, nước lớn, lợi dụng “dân chủ”, “nhân quyền” để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, gây mất ổn định chính trị với mưu đồ và tham vọng đen tối. Chớ trêu thay, điều phi đạo lý đó vẫn tồn tại trong thế giới này, đòi hỏi các quốc gia cần có kế hoạch phòng, chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, không để cho các thế lực bên ngoài tạo cớ can thiệp, lật đổ; trong đó, bài học từ Xy-ri là hồi chuông cảnh tỉnh rất hữu ích.
Đại tá NGUYỄN TRUNG
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ 14/11/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực 28/10/2024
Hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines và tác động đối với khu vực, thế giới 27/09/2024
Đôi nét về Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương năm 2024 26/09/2024
Chiến lược công nghiệp quốc phòng của Liên minh châu Âu và tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương 22/08/2024
Cục diện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 15/08/2024
Nhật Bản thúc đẩy tiến trình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 29/07/2024
Xu hướng phát triển và sử dụng tên lửa chiến thuật trong các cuộc chiến tranh gần đây 18/07/2024
Đôi nét về Kế hoạch phòng thủ toàn diện của NATO và những tác động đối với khu vực, thế giới 27/06/2024
Chiến lược quốc phòng mới của Australia 17/06/2024
Sự ra đời Liên bang Mali - Burkina Faso – Niger và những tác động đến an ninh khu vực
Những thay đổi tầm nhìn chiến lược trong lĩnh vực quân sự của Ấn Độ