Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 19/06/2023, 07:38 (GMT+7)
Cách tiếp cận mới của Mỹ trong thực thi chính sách đối với khu vực Đông Nam Á

Từ khi thiết lập quan hệ tới nay, mức độ gắn kết và chia sẻ lợi ích giữa Mỹ với các quốc gia Đông Nam Á ngày càng toàn diện và có tác động không nhỏ đến hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới. Vậy cách tiếp cận mới của Mỹ đối với khu vực này như thế nào, mối quan hệ giữa hai bên thời gian tới ra sao đang là vấn đề được dư luận quốc tế quan tâm.

Mảnh ghép quan trọng

Những biến động của tình hình thế giới thời gian qua có tác động sâu sắc đến các chính sách của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là Đông Nam Á - nơi mà Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được cho là có vai trò ngày càng quan trọng trong chiến lược của “Xứ cờ hoa”. Bởi, (1) các quốc gia Đông Nam Á nằm ở vị trí trung tâm kết nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, vùng tiếp giáp giữa Trung Quốc với Ấn Độ và là cửa ngõ đi vào châu Á; (2) ASEAN và các cơ chế do ASEAN xây dựng, dẫn dắt, như: Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM),… luôn nhận được sự quan tâm, tin tưởng của các nước, đặc biệt là các nước lớn. Đến nay, ASEAN đã thiết lập quan hệ đối thoại đầy đủ với 11 đối tác, gồm: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Austrailia, New Zealand, Nga, Canada, Anh và Liên minh châu Âu. Diễn đàn khu vực ASEAN do Hiệp hội khởi xướng và dẫn dắt đã trở thành cơ chế đối thoại quan trọng, quy mô lớn về an ninh, chính trị, xây dựng lòng tin chiến lược, với sự tham gia của 27 nước thành viên ở cả trong và ngoài khu vực; (3) ASEAN ngày càng chứng minh được tính năng động cũng như tiềm năng kinh tế của mình, ngay cả khi phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như đại dịch Covid-19. Chỉ tính riêng năm 2021, kinh tế ASEAN (GDP toàn khối) ước đạt khoảng 3.300 tỉ USD, vươn lên thành nền kinh tế đứng thứ 05 thế giới, đứng thứ 03 châu Á. Thời gian gần đây, có nhiều quốc gia muốn đẩy mạnh quan hệ hợp tác với ASEAN, trong đó phải kể đến Austrailia và Trung Quốc. Điều đó cho thấy, khu vực này ngày càng trở thành mảnh ghép quan trọng, không thể thiếu trong chiến lược khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.

Theo các chuyên gia nghiên cứu quốc tế, sự quan tâm của các nước đối với khu vực ASEAN đã và đang cho thấy sức hút to lớn của khu vực có vị trí quan trọng này. Vì vậy, Mỹ không thể đứng ngoài cuộc đua tranh giành ảnh hưởng đối với các nước ASEAN, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra gay gắt như hiện nay. Điều này được minh chứng qua việc kim ngạch thương mại giữa Mỹ và ASEAN năm 2021 đạt hơn 441 tỉ USD. Các chuyên gia cũng cho rằng, trong xu hướng chuỗi cung ứng toàn cầu có sự dịch chuyển, các nước thành viên ASEAN dần trở thành đối tác tiềm năng của Mỹ trong mạng lưới cung ứng mới, nổi bật là: Indonesia có thế mạnh về tài nguyên, khoáng sản (nickel, silic) để sản xuất pin, thiết bị điện tử, vật liệu bán dẫn; Thái Lan, Philippines, Malaysia chiếm thị phần trong khâu đóng gói, thử nghiệm và đang sở hữu một số nhà máy chế tạo chíp phổ thông, chíp bán dẫn; Singapore đang vận hành 05 nhà máy chế tạo chíp công nghệ cao; Việt Nam và Campuchia có tiềm năng về thủy điện, điện gió, pin mặt trời, v.v.

Chính sách đối với ASEAN của chính quyền Tổng thống Joe Biden

Trong thời gian nắm quyền, mặc dù chưa có nhiều chính sách công khai hay các tuyên bố liên quan đến ASEAN, song tài liệu giải mật Khuôn khổ chiến lược của Mỹ đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chính quyền thời Tổng thống Donald Trump đã đề cập tới vai trò trung tâm của ASEAN như một phần cốt lõi trong chiến lược khu vực và công nhận quan hệ Mỹ - ASEAN là Đối tác chiến lược. Tuy nhiên, ASEAN vẫn chưa phải là ưu tiên cao của chính quyền này, bởi trên thực tế, trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Donald Trump chỉ tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN duy nhất một lần.

Khác với chính quyền tiền nhiệm, chính sách ASEAN được chính quyền Tổng thống Joe Biden triển khai mạnh mẽ hơn. Trong các văn bản chiến lược, phát ngôn của các quan chức, Washington nhiều lần khẳng định coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN cũng như hỗ trợ mạnh mẽ Tầm nhìn ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ lần thứ 10 (năm 2022), Tổng thống Joe Biden khẳng định: ASEAN giữ vị trí quan trọng, là “trái tim” trong chiến lược khu vực của Mỹ. Đặc biệt, trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (IPS) phiên bản mới, Mỹ ủng hộ vai trò trung tâm, dẫn dắt và giải quyết các thách thức cấp bách ở khu vực của ASEAN; khẳng định tăng cường hợp tác và mở thêm các kênh can dự cấp cao về chống biến đổi khí hậu, năng lượng, giao thông, bình đẳng giới với ASEAN. Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng có nhiều hoạt động nhằm tăng cường hợp tác với ASEAN, can dự tích cực và toàn diện hơn các cơ chế do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt, như: cử nhân sự cho vị trí đại sứ tại ASEAN sau 05 năm bỏ trống (tháng 9/2021); nối lại việc tham dự các hội nghị cấp cao thường niên của ASEAN (tháng 10/2021); chủ động đề xuất và tổ chức Hội nghị cấp cao đặc biệt giữa Mỹ và ASEAN tại Nhà Trắng (tháng 5/2022); nâng cấp quan hệ Mỹ - ASEAN lên Đối tác chiến lược toàn diện (tháng 10/2022), v.v. Điều đó cho thấy sức hút của “thỏi nam châm ASEAN” đối với Mỹ là không hề nhỏ.

Cùng với đó, Mỹ cũng mở rộng hợp tác với ASEAN trên các lĩnh vực kinh tế, y tế, năng lượng, an ninh hàng hải thông qua việc chú trọng đầu tư nguồn lực cho các hoạt động hợp tác với ASEAN nhằm xóa đi các quan ngại về cam kết thiếu thực chất; coi nền kinh tế ASEAN đóng vai trò tích cực trong quá trình điều chỉnh chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu; đưa ra và thúc đẩy sáng kiến Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) với sự tham gia của hầu hết các nước ASEAN (trừ Lào, Campuchia và Myanmar). Theo số liệu thống kê của Hiệp hội, Mỹ hiện đang là nhà đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất đối với ASEAN. Đồng thời, theo một số tài liệu do Nhà Trắng công bố năm 2022, Washington đã cung cấp hơn 860 triệu USD hỗ trợ ASEAN trên các lĩnh vực năng lượng sạch, y tế, giáo dục, an ninh hàng hải, nhân quyền, v.v. Đây là mức hỗ trợ cao hơn rất nhiều so với cam kết 150 triệu USD được đưa ra tại Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN (tháng 5/2022).

Bên cạnh việc can dự thông qua kênh đa phương, chính quyền của Tổng thống Joe Biden cũng tập trung củng cố và cải thiện quan hệ song phương với các nước thành viên ASEAN, nhất là các đồng minh và đối tác; trong đó, chú trọng hợp tác trên lĩnh vực an ninh, quân sự, năng lượng sạch. Theo đó, nước này đã đầu tư vào 02 cơ sở đào tạo lực lượng bảo vệ bờ biển tại Balagtas (Philippines) và Batam (Indonesia); cử tùy viên lực lượng bảo vệ bờ biển làm việc trong phái bộ Mỹ tại ASEAN và một số nước thành viên. Trong quan hệ với Philippines, từ nguy cơ hủy bỏ Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) dưới thời Tổng thống Donald Trump, đến nay, hai nước đã đạt được thỏa thuận cho phép Mỹ tăng cường hiện diện quân sự và tiếp cận 09 căn cứ quân sự của Philippines; hai bên cũng đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, triển khai các dự án về điện gió, năng lượng hạt nhân dân sự. Với Indonesia, chính quyền Tổng thống Joe Biden chú trọng hợp tác an ninh, quân sự thông qua các cuộc tập trận chung giữa hải quân hai nước; mua bán vũ khí, hợp tác phát triển năng lượng tái tạo, chất bán dẫn và hạ tầng giao thông thân thiện môi trường. Với Thái Lan, tập trung hợp tác ở lĩnh vực năng lượng sạch, v.v.

Việc thúc đẩy ASEAN kết nối với các đồng minh, đối tác của mình ở các khu vực hiện là cách tiếp cận mới trong chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Washington thể hiện rõ mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác, tăng cường liên kết giữa nhóm Bộ tứ (QUAD) với ASEAN thông qua Sáng kiến Quan hệ đối tác về nhận diện không gian biển (IPMDA); ủng hộ sự liên kết chặt chẽ giữa các đối tác Nam Á với ASEAN. Trong tuyên bố chung với các đồng minh, đối tác (nhóm Bộ tứ, cơ chế ba bên: Mỹ - Nhật - Hàn,…), Washington thường đề cập tới việc ủng hộ vai trò trung tâm cũng như tài liệu Quan điểm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của ASEAN (AOIP). Với các vấn đề còn khác biệt hay những vấn đề liên quan đến lợi ích, chính quyền Tổng thống Joe Biden có cách xử lý linh hoạt hơn so với chính quyền tiền nhiệm khi kết hợp cả các biện pháp “cứng” và “mềm”, nhằm đảm bảo tổng thể mối quan hệ. Đáng chú ý, cuối năm 2022, Mỹ đã “thuyết phục” được Philippines chấm dứt hợp đồng mua 16 máy bay trực thăng Mi-17 của Nga (trị giá khoảng 230 triệu USD) thông qua việc cung cấp các máy bay trực thăng vận tải có tính năng tương tự cùng với gói viện trợ trị giá 100 triệu USD. Mặc dù còn căng thẳng với Campuchia về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Quân cảng Ream cũng như vấn đề dân chủ, nhân quyền, song Mỹ vẫn thúc đẩy những cơ hội hợp tác kinh tế và viện trợ cho Campuchia 25 triệu USD về lĩnh vực an ninh lương thực (tháng 8/2022). Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn tỏ thái độ cứng rắn nhất định với một số vấn đề quan trọng, như trừng phạt một số công ty của Malaysia và Singapore do liên quan đến lệnh trừng phạt Iran của Mỹ.

Triển vọng quan hệ Mỹ - ASEAN

Theo các nhà nghiên cứu quốc tế, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc diễn ra gay gắt, cuộc xung đột tại Ukraine vẫn phức tạp, khó lường, thì việc Mỹ - ASEAN đẩy mạnh quan hệ hợp tác được kỳ vọng mang tới nhiều lợi ích cho cả hai bên. Với Mỹ, đó là việc thâm nhập vào các nền kinh tế đang có tốc độ tăng trưởng cao, tạo dựng ảnh hưởng tại khu vực, qua đó từng bước kiềm chế vai trò của Trung Quốc đối với khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ngược lại, ASEAN củng cố và mở rộng quan hệ với Mỹ sẽ giúp các nước thành viên vươn tới một thị trường tiêu thụ rộng lớn có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động kinh tế - thương mại; đồng thời, tạo ra những chuyển biến tích cực hơn trong việc đưa Hiệp hội này vào vị thế thuận lợi để giải quyết mối quan hệ với các nước và các vấn đề trong khu vực. Bên cạnh đó, một số nước thành viên như Philippines hay Singapore còn cho rằng, sự hiện diện của Mỹ sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đối với hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực.

Mặc dù vậy, quan hệ Mỹ - ASEAN vẫn còn một số trở ngại không dễ vượt qua; trong đó, phải kể đến tình hình Myanmar, hay cách tiếp cận của Mỹ trong vấn đề dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo, v.v. Đặc biệt, cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc sẽ khiến các nước ASEAN phải cân nhắc nhiều hơn trong việc thúc đẩy quan hệ với Mỹ, bởi các thành viên ASEAN không thể từ bỏ hoàn toàn quan hệ với Trung Quốc, kể cả lĩnh vực kinh tế, chính trị hay quốc phòng, an ninh. Vì vậy, các nhà nghiên cứu quốc tế cho rằng, trong thời gian tới, quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Mỹ - ASEAN sẽ tiếp tục được thúc đẩy trên những mặt phù hợp với mong muốn của hai bên, song nhịp độ nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào tác động một phần bởi quan hệ giữa các nước lớn trong khu vực và vấn đề nội bộ của chính nước Mỹ.

TS. NGUYỄN HỒNG QUANG - ThS. CHỬ HOÀNG ANH, Vụ Châu Mỹ, Bộ Ngoại giao

 

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...