Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Hai, 09/05/2022, 10:09 (GMT+7)
Cách tiếp cận mới của EU đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Không để “lỡ nhịp” trong cuộc đua tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra nhiều cách tiếp cận, gần đây nhất là chiến lược “Cửa ngõ toàn cầu”, nhằm gia tăng ảnh hưởng, nâng cao vị thế, uy tín đối với khu vực này. Vậy nội dung Chiến lược này là gì, bước đi ra sao đang là vấn đề được dư luận quốc tế hết sức quan tâm.

Châu Á - Thái Bình Dương – điểm nóng trên “bàn cờ” chiến lược

Bước sang thế kỷ XXI, tình hình thế giới có sự biến động nhanh, khó đoán định, xuất hiện xu hướng dịch chuyển sự phát triển kinh tế về châu Á, chuyển dịch “quyền lực” từ Tây sang Đông, dẫn đến sự thay đổi tương quan lực lượng giữa các nước lớn. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn nhằm gia tăng ảnh hưởng, nâng cao vị thế, uy tín ngày càng quyết liệt, kéo theo các nước phải thay đổi chiến lược nhằm bảo đảm lợi ích tại khu vực quan trọng này. Một số quốc gia, tổ chức khu vực, nhất là các nước lớn đã điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác, nhằm thực hiện mục tiêu lợi ích quốc gia, dân tộc, tạo lập cho mình vị thế có lợi trong cục diện khu vực đang định hình. Cách thức tập hợp lực lượng, xây dựng quan hệ đối tác của các nước cũng rất đa dạng và linh hoạt, theo từng lĩnh vực, vấn đề và từng thời điểm trong quan hệ quốc tế. Đối với nước Mỹ, nếu như 11 năm trước, Washington dịch chuyển trọng tâm ưu tiên từ Trung Đông sang châu Á - Thái Bình Dương bằng chiến lược “tái cân bằng” thông qua việc đẩy mạnh quan hệ đối tác kinh tế với các nước và tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực, thì 02 năm trở lại đây, lãnh đạo xứ Cờ hoa tiếp tục đưa ra chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, thành lập nhóm “Bộ tứ” (Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ), Liên minh quân sự AUKUS (Australia - Anh - Mỹ). Đặc biệt, tháng 02/2022, trong chuyến công du tới Thái Bình Dương, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken còn tái khẳng định với thế giới rằng, trọng tâm chiến lược dài hạn của Washington vẫn là khu vực từ Đông Bắc Á, Đông Nam Á, đến Nam Á và châu Đại Dương, gồm cả các quốc đảo Thái Bình Dương.

Còn Trung Quốc, sáng kiến “Vành đai và con đường” (BRI) được xem như một phần của chiến lược toàn cầu trong thế kỷ XXI, với 03 trụ cột chính: (1) thiết lập “Vành đai kinh tế - Con đường tơ lụa” (SREB) trên bộ nhằm hình thành cầu nối Á - Âu, phát triển hành lang kinh tế giữa Trung Quốc với Mông Cổ, Nga, Trung Á và Đông Nam Á; (2) xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển” (MSR) kết nối Trung Quốc với Nam Á, Trung Đông, châu Phi và Địa Trung Hải qua Ấn Độ Dương; (3) hình thành dự án “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” hướng tới xây dựng một “siêu xa lộ thông tin” kết nối quốc gia này với châu Âu và châu Phi. Dù không thường xuyên nhắc đến, nhưng BRI cũng hàm chứa chính sách không gian vũ trụ - lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược trong cạnh tranh quốc tế. Vì vậy, Trung Quốc luôn coi việc phát triển năng lực vũ trụ là trọng tâm vươn lên trong quá trình phát triển của mình.

Chính sách hướng tới châu Á - Thái Bình Dương của Ấn Độ được biết đến với tên gọi “hướng Đông” gồm nhiều hoạt động liên quan đến lĩnh vực kinh tế và an ninh ở khu vực có vị trí quan trọng này. Những năm gần đây, New Dehli đã thiết lập hàng loạt các thỏa thuận thương mại với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Nhật Bản và một số nước khác trong khu vực. Trên thực tế, chính sách “hướng Đông” của Ấn Độ khi mới hình thành chủ yếu tập trung vào lĩnh vực kinh tế, tuy nhiên, trước những động thái mạnh mẽ của các cường quốc, đặc biệt là Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, buộc Ấn Độ phải có những điều chỉnh chính sách “hướng Đông”, tập trung vào việc đẩy mạnh hợp tác quốc phòng, an ninh với các nước ASEAN, nhất là các hoạt động bảo đảm an ninh trên biển, tăng cường đối thoại quốc phòng, huấn luyện và xây dựng năng lực chiến đấu cho lực lượng hải quân, gia tăng ảnh hưởng với các nước trong khu vực.

Trong cuộc đua “nóng bỏng” này, không thể không nhắc đến Nga - quốc gia từng khẳng định là một thành viên không thể tách rời của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, Moscow luôn quan tâm đến mối quan hệ hợp tác lâu dài và liên minh với các nước trong khu vực, tham gia hội nhập trên nhiều lĩnh vực và trong mọi cơ chế khác nhau, nổi bật là việc sử dụng tiềm năng của khu vực để đẩy mạnh phát triển vùng Siberia và Viễn Đông, duy trì hợp tác an ninh với các đối tác Trung Quốc, Ấn Độ. Với vai trò là nhà cung cấp năng lượng, nguyên liệu hàng đầu, có quan hệ hợp tác kỹ thuật quân sự và tiếng nói trong bảo đảm an ninh khu vực, Nga sẽ không ủng hộ ý tưởng hình thành tổ chức mới nào mà không dành cho Nga một vai trò xứng đáng.

Từ chính sách can dự “Sức mạnh mềm” đến chiến lược “Cửa ngõ toàn cầu”

Mười năm trước, EU coi châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có nhiều lợi ích chiến lược. Vì thế, Liên minh này đưa ra chính sách can dự “Sức mạnh mềm” để cạnh tranh ảnh hưởng với các cường quốc thông qua các hoạt động ngoại giao, thương mại và kinh tế đối với khu vực. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nợ công, vấn đề người di cư và Anh rời khỏi Liên minh đã ảnh hưởng lớn đến hình ảnh, uy tín của EU tại châu Á -Thái Bình Dương cũng như các khu vực khác trên thế giới.

Thời gian gần đây, trước sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt của các cường quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, EU đã đưa ra cách tiếp cận mới đối với khu vực này thông qua chiến lược “Cửa ngõ toàn cầu”. Chiến lược là tập hợp các kế hoạch với mục tiêu thúc đẩy chính sách phát triển kinh tế và đối ngoại; đồng thời, đảm bảo lợi ích, an ninh cũng như các giá trị của châu Âu trong khu vực. Không giống chiến lược của Mỹ, chiến lược của EU được xây dựng trên nền tảng chiến lược Kết nối châu Á - EU năm 2018, với nguyên tắc: kết nối phải bền vững, toàn diện và dựa trên luật lệ quốc tế, duy trì một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Điều này, góp phần đa dạng hóa chuỗi giá trị, khẳng định tầm quan trọng của châu Âu về chính trị, quân sự, kinh tế cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh giữa EU với các nước lớn.

Trước khi chiến lược “Cửa ngõ toàn cầu” được chính thức công bố, việc EU hướng tới châu Á - Thái Bình Dương theo phương thức mới đã được dư luận thế giới phỏng đoán thông qua nhiều động thái quân sự của Liên minh này. Tháng 02/2021, Bộ Quốc phòng Pháp xác nhận đã cho tàu ngầm đi qua Biển Đông, tiếp theo hai tàu chiến của nước này tham gia cuộc tập trận chung với đồng minh ở vùng biển Nhật Bản. Cuối tháng 12/2021, tàu khu trục Bayern của Hải quân Đức đến Singapore, điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình kéo dài 06 tháng và là chuyến đi đầu tiên đến khu vực Đông Á trong suốt hai thập kỷ. Ngoài ra, Pháp cũng đặt khu vực này là một mục tiêu của chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU.

Bên cạnh các hoạt động quân sự, “Cửa ngõ toàn cầu” còn hướng tới kết nối cơ sở hạ tầng quốc tế từ nay đến năm 2027, tập trung vào lĩnh vực chuyển đổi kỹ thuật số, chuyển đổi năng lượng sạch, giao thông, kết nối con người với con người, thương mại và chuỗi cung ứng linh hoạt,… với số tiền lên tới 325 tỉ USD, trong đó hơn 20 tỉ tài trợ không hoàn lại theo các chương trình hỗ trợ bên ngoài của EU; 153 tỉ USD đến từ Quỹ châu Âu về phát triển bền vững; 164 tỉ USD từ các tổ chức tài chính phát triển và tài chính châu Âu, như: Ngân hàng đầu tư châu Âu, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu. Tất cả đều nhằm mục tiêu tập hợp các quốc gia thành viên và các tổ chức tài chính để tăng cường liên kết với các đối tác quốc tế, thúc đẩy kết nối đầu tư bền vững.

Đặc biệt, sự kiện Diễn đàn hợp tác khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra tại Paris gần đây (tháng 02/2022) đã thêm phần khẳng định quyết tâm của EU trong việc tiếp cận nhanh khu vực quan trọng này. Diễn đàn đã thu hút hơn 60 quan chức ngoại giao của các nước thành viên EU, ASEAN, các nước Đông Á, Nam Á cũng như một số quốc đảo Nam Thái Bình Dương. Nội dung chính của Diễn đàn xoay quanh 07 lĩnh vực: phát triển bền vững và toàn diện; chuyển đổi sinh thái; quản trị các đại dương; xây dựng đối tác số; tăng cường kết nối; an ninh, quốc phòng và an ninh nhân đạo.

Với việc kết hợp cả an ninh và kinh tế, “Cửa ngõ toàn cầu” cho thấy triển vọng mở rộng ảnh hưởng của EU tại châu Á - Thái Bình Dương đang ngày càng hiện hữu, đồng thời tái khẳng định tầm nhìn, vị thế của một liên minh mạnh, có khả năng xây dựng các mạng lưới kết nối linh hoạt hơn dựa trên nguyên tắc cốt lõi của châu Âu.

ASEAN ở vị trí trung tâm Chiến lược?

Tương tự như nhiều chiến lược khác, chiến lược “Cửa ngõ toàn cầu” tập trung làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác “cùng chí hướng” trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương dựa trên cam kết và sáng kiến hiện có, nên ASEAN được cho là đối tác chủ yếu của Chiến lược này.

Theo nhận định của nhiều nhà phân tích quốc tế, để gia tăng ảnh hưởng tại khu vực một cách hiệu quả, EU cần coi ASEAN là trọng tâm trong chính sách hợp tác, bởi ASEAN đang ở “thời điểm vàng” để phát triển. Cùng với đó, ASEAN nằm ở vị trí trung tâm kết nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, nơi cư ngụ của khoảng 630 triệu người, nền kinh tế lớn thứ năm thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) gần 03 nghìn tỉ USD (theo nhiều dự báo đến năm 2050, ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới). Bên cạnh đó, khu vực này cũng là nơi có tuyến giao thông huyết mạch trên biển. Nhận thấy những lợi ích to lớn về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh nên các cường quốc đã và đang đẩy mạnh hoạt động nhằm nâng cao vị thế, uy tín, đồng thời tìm mọi cách ngăn chặn, hạn chế tầm ảnh hưởng của các đối thủ đối với khu vực. Do đó, thay vì coi mối quan hệ với ASEAN theo kiểu bên tài trợ và bên nhận tài trợ, thì EU nên coi ASEAN là một đối tác bình đẳng - cán cân quyền lực quan trọng, nhằm đảm bảo hòa bình, thịnh vượng, an ninh, an toàn khu vực và thế giới.

Ngoài ra, EU cũng cần đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các nước ASEAN, theo hướng đa dạng hóa trên tất cả lĩnh vực, hỗ trợ các cơ chế, cấu trúc an ninh do ASEAN định hình, dẫn dắt, như: Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF); Hội nghị Cấp cao ASEAN với các đối tác (ASEAN+); Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+); Cộng đồng an ninh - chính trị ASEAN (APSC), v.v. Các cơ chế này thường xuyên được mở rộng, nâng cao cả về quy mô, cấp độ, tính chất, tạo không gian đối thoại cởi mở và xây dựng lòng tin chiến lược trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thời gian gần đây.

Việc EU xoay trục về châu Á - Thái Bình Dương bằng một chiến lược cụ thể là tất yếu khi khu vực này ngày càng có vai trò quan trọng trong toan tính chiến lược toàn cầu của các nước lớn. Tuy nhiện, sự góp mặt của EU tại khu vực này khiến cho cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn vốn đã quyết liệt lại càng quyết liệt hơn; trong đó, cạnh tranh trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng được dự báo sẽ rất phức tạp, tác động không nhỏ tới an ninh khu vực và thế giới.

LÂM PHƯƠNG – HỮU LẬP

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...