Bình luận - Phê phán Quốc phòng, quân sự nước ngoài

QPTD -Thứ Năm, 23/11/2023, 06:53 (GMT+7)
“Bước ngoặt” trong xung đột tại Nagorno - Karabakh và tác động đối với khu vực

Chiến dịch quân sự do Quân đội Azerbaijan tiến hành tại Nagorno - Karabakh (tháng 9/2023) nhanh chóng kết thúc, giải phóng hoàn toàn vùng đất mà lực lượng ly khai người Armenia kiểm soát hơn ba thập niên, tạo “bước ngoặt” quan trọng trong giải quyết xung đột ở khu vực này. Vậy bước ngoặt đó sẽ tác động đến khu vực ra sao là vấn đề cần tiếp tục quan tâm, nghiên cứu.

 “Bước ngoặt” trong cuộc xung đột

Nagorno - Karabakh là vùng đất nằm ở phía Tây Azerbaijan, diện tích khoảng 4.400km2, với hơn 90% dân số là người Armenia, từ lâu là địa bàn tranh chấp quyết liệt giữa Azerbaijan và Armenia. Trong lịch sử, cả Azerbaijan và Armenia đều coi Nagorno - Karabakh là vùng đất “biểu tượng” về lịch sử, văn hóa và khu vực chiến lược quan trọng, nên đều có yêu sách chủ quyền “không khoan nhượng”. Tháng 7/1918, Nghị viện Armenia đầu tiên của Nagorno - Karabakh tuyên bố, khu vực này là “vùng đất tự quản” và tiến hành thành lập quốc hội, chính phủ riêng. Chính quyền Azerbaijan khi đó cực lực phản đối và coi đây là hành động “không thể chấp nhận được”. Dưới thời Liên bang Xô Viết, xung đột giữa hai bên lắng dịu và Nagorno - Karabakh được xây dựng thành “khu tự trị”, do Chính quyền Azerbaijan quản lý, song ngọn lửa “phục quốc” vẫn âm ỉ cháy trong tộc người Armenia. Cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, chủ nghĩa dân tộc bùng phát, sự bất đồng giữa người Armenia và người Azerbaijan cũng bắt đầu dâng cao. Đỉnh điểm là năm 1988, chính quyền tự trị Nagorno - Karabakh tổ chức bỏ phiếu lựa chọn ly khai khỏi Azerbaijan để gia nhập Armenia. Tuy nhiên, kết quả này không được Moscow cũng như cộng đồng quốc tế công nhận, Liên Xô và Liên hợp quốc vẫn coi Nagorno - Karabakh thuộc về Azerbaijan. Năm 1991, sau khi Liên bang Xô Viết tan rã, Azerbaijan bãi bỏ quy chế “tự trị” của Nagorno - Karabakh và đặt vùng lãnh thổ này dưới sự kiểm soát trực tiếp của chính quyền trung ương. Đáp lại, ngày 10/12/1991, người Armenia ở Nagorno - Karabakh đã tổ chức trưng cầu dân ý, lựa chọn thành lập nhà nước Cộng hòa Nagorno - Karabakh (NKR) độc lập, thể hiện mong muốn hợp nhất với Armenia. Chính việc đó khiến mâu thuẫn giữa Azerbaijan với lực lượng ly khai Armenia tại Nagorno - Karabakh và chính quyền Armenia trở nên trầm trọng hơn. Đó cũng là nguyên do dẫn đến xung đột giữa Armenia và Azerbaijan nổ ra (năm 1993) làm hơn 30.000 người thiệt mạng. Giao tranh chỉ kết thúc (năm 1994) khi Nga đứng ra làm trung gian hòa giải và lực lượng ly khai người Armenia tiếp tục kiểm soát Nagorno - Karabakh cùng các vùng lân cận. Như vậy, mặc dù Nagorno - Karabakh vẫn là một bộ phận của Azerbaijan, nhưng vùng đất này lại do lực lượng ly khai người Armenia lãnh đạo - lực lượng được Chính phủ Armenia hậu thuẫn. Chính vì sự phức tạp này nên thỏa thuận do Nga làm trung gian hòa giải vẫn không thể dập tắt được mâu thuẫn vốn đang âm ỉ giữa Azerbaijan và Armenia, các cuộc đụng độ nhỏ giữa hai bên vẫn thường xuyên nổ ra tại Nagorno - Karabakh. Năm 2020, một cuộc đối đầu quân sự lớn giữa hai bên đã nổ ra tại khu vực này (trong 06 tuần), làm hàng nghìn người thiệt mạng. Trong cuộc chiến này, Azerbaijan giành được nhiều lợi thế trước Armenia nhờ sự hậu thuẫn của một số nước có liên quan. Đến tháng 11/2020, một lần nữa Nga lại đứng ra làm trung gian hòa giải và thỏa thuận hòa bình giữa Azerbaijan và Armenia được ký. Theo thỏa thuận, Azerbaijan giành lại toàn bộ lãnh thổ xung quanh khu vực Nagorno - Karabakh do Armenia kiểm soát từ năm 1994; Armenia phải rút quân khỏi Nagorno - Karabakh; phe ly khai người Armenia chỉ được quản lý một phần nhỏ ở Nagorno - Karabakh. Để giám sát các bên thực thi thỏa thuận, Nga điều đến đây khoảng 2.000 quân. Tuy nhiên, từ cuối năm 2022, các cuộc đụng độ giữa lực lượng ly khai người Armenia và lực lượng biên phòng của Azerbaijan liên tục nổ ra. Đặc biệt, ngày 19/9/2023, với cáo buộc các nhóm vũ trang của NKR tiến hành “hoạt động khủng bố” làm nhiều binh sĩ của Azerbaijan thiệt mạng, Baku đã mở chiến dịch quân sự được gọi là “chống khủng bố” nhằm vào lực lượng ly khai người Armenia tại Nagorno - Karabakh. Chiến sự diễn ra ác liệt, sau một ngày (20/9/2023) phe ly khai người Armenia thất bại; đồng thời, tuyên bố đầu hàng, chấp nhận giải giáp lực lượng và vũ khí, chấp thuận trao trả vùng đất mà họ đã kiểm soát suốt ba thập kỷ qua tại Nagorno - Karabakh cho Azerbaijan.

Theo các chuyên gia, chiến dịch quân sự mà Quân đội Azerbaijan tiến hành vừa qua tại Nagorno - Karabakh được tính toán kỹ lưỡng về thời gian, nhằm giành lợi thế lớn nhất về mặt chiến lược cũng như quân sự. Mặc dù Armenia là thành viên Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) cùng với Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và được Nga ủng hộ trong xung đột tại Nagorno - Karabakh, nhưng kể từ khi ông Nikol Pashinyan - người có xu hướng thân phương Tây trở thành Thủ tướng thì mối quan hệ giữa Armenia với Nga ngày càng xấu đi. Thủ tướng Nikol Pashinyan cho rằng, Nga đang “rời bỏ khu vực” và Armenia phụ thuộc vào an ninh của Nga là “sai lầm chiến lược”. Bên cạnh đó, chính phủ nước này còn tuyên bố sẽ tổ chức tập trận chung với Mỹ - hoạt động bị Nga chỉ trích là “bước đi không thân thiện”. Cũng theo các nhà nghiên cứu, việc Yerevan “xa rời” Moscow có thể là sai lầm, nó sẽ làm cho các hoạt động hỗ trợ lực lượng ly khai tại Nagorno - Karabakh gặp nhiều khó khăn; đồng thời, tạo cơ hội “có một không hai” cho Azerbaijan tiến hành thắng lợi chiến dịch quân sự, tạo “bước ngoặt” quan trọng trong cuộc xung đột tại Nagorno - Karabakh. Sau khi chiến sự xảy ra, Moscow cho rằng, chiến dịch quân sự “chống khủng bố” của Azerbaijan được tiến hành trên lãnh thổ của họ, Moscow không thể làm gì khi Yerevan công nhận Nagorno - Karabakh thuộc chủ quyền Azerbaijan; lực lượng Gìn giữ hòa bình của Nga tại khu vực này chỉ đóng vai trò cứu trợ nhân đạo và sơ tán người dân ra khỏi khu vực giao tranh.

Tác động đến khu vực

Chiến dịch quân sự do Azerbaijan tiến hành tại Nagorno - Karabakh nhận được nhiều luồng dư luận khác nhau. Một số nước thì cho rằng, chiến thắng của Quân đội Azerbaijan trước lực lượng ly khai người Armenia có ý nghĩa quan trọng, mở ra hy vọng chấm dứt cuộc xung đột kéo dài suốt ba thập niên tại Nagorno - Karabakh, qua đó giải quyết dứt điểm một trong những “điểm nóng” ở khu vực Nam Kavkaz. Tuy nhiên, một số quốc gia lại bày tỏ sự quan ngại sâu sắc, bởi hoạt động quân sự này có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng tại Nagorno - Karabakh. Trên thực tế, từ tháng 12/2022, Azerbaijan đã tiến hành phong tỏa “hành lang Lachin” - huyết mạch quan trọng để Armenia đảm bảo nguồn cung thiết yếu cho khoảng 120.000 người dân Armenia sống tại Nagorno - Karabakh. Hoạt động phong tỏa của Azerbaijan được cho là “mở đường” để tiến hành chiến dịch “chống khủng bố” và nó khiến cho cuộc sống của tộc người Armenia ở Nagorno - Karabakh lâm vào tình trạng khó khăn, thiếu thốn.

Sau chiến sự, mặc dù chính quyền Azerbaijan cam kết đảm bảo an ninh cho người dân ở Nagorno - Karabakh, nhưng mới đây, chính phủ nước này lại ra lệnh bắt giữ thủ lĩnh và truy nã hơn 300 quan chức của lực lượng ly khai người Armenia. Do lo ngại bị trả thù và một đợt thanh lọc sắc tộc có thể diễn ra, nhiều người dân gốc Armenia đã và đang tìm cách di tản, trốn chạy khỏi Nagorno - Karabakh. Điều này khiến nguy cơ về một cuộc khủng khoảng nhân đạo mới sẽ xảy ra và gây bất ổn cho khu vực. Trong khi đó, chính trường Armenia lại đang bị “rung lắc” bởi những mâu thuẫn về cách giải quyết chiến sự tại Nagorno - Karabakh. Phe đối lập lên án chính quyền của Thủ tướng Nikol Pashinyan đã “quá chậm trễ” trong việc đối phó với chiến dịch quân sự, dẫn đến lực lượng ly khai người Armenia thất bại. Họ kêu gọi ông Nikol Pashinyan từ chức, đồng thời yêu cầu Quốc hội tiến hành bãi nhiệm và kết án Thủ tướng Nikol Pashinyan về tội phản quốc. Nhiều quan chức trong Chính phủ Armenia cũng đưa ra cảnh báo đáng lo ngại: sau thắng lợi tại Nagorno - Karabakh, Azerbaijan cũng có thể sử dụng sức mạnh quân sự để thực hiện yêu sách chủ quyền đối với các khu vực khác mà họ cho là đang tranh chấp với Armenia.

Ở một góc nhìn khác, nhiều nhà phân tích cho rằng, trong cuộc xung đột vừa diễn ra tại Nagorno - Karabakh, ngoài các lực lượng của Azerbaijan, Armenia, phe ly khai NKR, còn có sự can dự ở những mức độ khác nhau của một số quốc gia có liên quan trong khu vực với mục tiêu và lợi ích riêng. Chính sự hậu thuẫn, giúp đỡ từ bên ngoài đã tạo nên những ảnh hưởng không nhỏ đối với tương quan lực lượng trên chiến trường. Điều đó được minh chứng rõ nét trong cuộc xung đột năm 2020, với sự giúp đỡ của một số nước về vũ khí, phương tiện chiến đấu, Quân đội Azerbaijan đã làm chủ chiến trường, giành lại nhiều vùng đất do lực lượng ly khai người Armenia kiểm soát ở Nagorno - Karabakh. Còn đối với Nga, thời gian qua, nước này đóng vai trò chính trong việc ký các hiệp định đình chiến giữa Azerbaijan và Armenia; tham gia gìn giữ hòa bình tại khu vực tranh chấp Nagorno - Karabakh, nhưng hiện đang phải tập trung nguồn lực cho cuộc chiến tại Ukraine nên khó có thể ngăn cản một chiến dịch quân sự quy mô lớn của Azerbaijan ở khu vực. Về phía Liên minh châu Âu (EU) cũng đang tích cực hòa giải mâu thuẫn giữa Azerbaijan và Armenia sau chiến sự. Mặc dù vậy, nhiều nước thành viên EU có quan điểm khác nhau về chiến dịch quân sự này. Trong khi nhiều nước EU ủng hộ hoặc giữ thái độ “trung lập” đối với chiến dịch quân sự của Azerbaijan tại Nagorno - Karabakh, thì Pháp - quốc gia chủ chốt của EU lại phản đối, nhiều quan chức nước này còn tuyên bố ủng hộ Armenia và cam kết cung cấp vũ khí, phương tiện chiến đấu cho Yerevan. Vì vậy, giới phân tích quốc tế cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đang rất gay gắt, cuộc xung đột tại Ukraine diễn biến phức tạp, Trung Đông đang nóng lên, thì tình hình tại Nagorno - Karabakh nói riêng, khu vực Nam Kavkaz nói chung sẽ rất khó đoán định.

Xung đột tại Nagorno - Karabakh kéo dài hơn ba thập niên do nhiều nguyên nhân; trong đó, vấn đề về lịch sử, văn hóa, điều kiện địa lý tự nhiên, sự phân bố dân cư, cùng sự can dự của một số nước và tổ chức khu vực từ bên ngoài được cho là những nguyên nhân chính khiến xung đột tại đây càng phức tạp, khó giải quyết. Trên thực tế, việc các bên sử dụng sức mạnh thông qua các hoạt động quân sự không những không thể giải quyết được bất đồng, mà còn làm cho mâu thuẫn thêm sâu sắc, xung đột ngày càng ác liệt. Các chuyên gia nghiên cứu cho rằng, chiến dịch “chống khủng bố” mà Azerbaijan tiến hành ở Nagorno - Karabakh, về mặt quân sự đã giành thắng lợi, hoàn thành mục tiêu đặt ra; song ở mặt nào đó, nó có thể là “vết đen” trong quan hệ giữa Azerbaijan với Armenia, hay nói cách khác là ngày càng khoét sâu sự hận thù giữa tộc người Armenia với người Azerbaijan. Bởi vậy, “bước ngoặt” do chiến dịch chống khủng bố của Azerbaijan tạo ra trong xung đột ở Nagorno - Karabakh có giúp vùng đất này bình yên trở lại hay chuyển sang trạng thái xung đột mới vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

MINH ĐỨC - HOÀI NAM

Ý kiến bạn đọc (0)

10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật trên thế giới năm 2018
Với cả hai gam màu “sáng - tối” đan xen, năm 2018 thế giới được chứng kiến những cuộc đối thoại lịch sử, cùng sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Để góp phần làm rõ bức tranh thế giới toàn cảnh, Tạp chí Quốc phòng toàn dân lựa chọn và giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện quốc phòng, quân sự nổi bật...